(Cập nhật: 21/4/2011)
TCCSĐT
- Nhân sự kiện Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép tham dự Hội nghị nguyên thủ 5
nước có nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Bra-xin,
Nga, Ấn Độ và Nam Phi (BRICS) khai mạc ngày 14-4-2011 tại thành phố Tam Á
thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, Đài Truyền hình trung ương Trung
Quốc đã thực hiện cuộc phỏng vấn Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép, người lãnh
đạo cao nhất ở Điện Crem-li khẳng định: “Chủ trương của tôi là hiện đại
hóa nước Nga và nền kinh tế Nga” trong một thế giới đang thay đổi nhanh
chóng.
Cuộc phỏng vấn tập trung vào những nội dung chủ yếu như vai trò của BRICS;
sự hợp tác kinh tế và chính trị giữa Nga và Trung Quốc; việc hóa giải
các cuộc xung đột ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và Bắc Phi; và tương
lai của nước Nga v.v..
Về vai trò của BRICS
Về vai trò của BRICS,
Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép khẳng định: hiện nay, BRICS đã thực sự là
một khuôn khổ hợp tác quốc tế rất quan trọng sau khi có thêm Cộng hòa
Nam Phi. Trong BRICS, có Trung Quốc là một nền kinh tế lớn đóng vai trò
quan trọng trên thế giới, và có Nga cũng là một nền kinh tế không nhỏ.
BRICS còn là một cơ chế hợp tác có hiệu quả để phối hợp quan điểm của
nhiều nước lớn đang phát triển nhanh, trong đó, có Trung Quốc, Nga, Ấn
Độ, Bra-xin và Cộng hòa Nam Phi. Vì thế, trước khi tham gia diễn đàn
G20, các nước BRICS thường thống nhất quan điểm với nhau.
Về quan hệ giữa Nga và Trung Quốc
Về quan hệ giữa Nga và
Trung Quốc, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đánh giá, quan hệ hợp tác giữa
hai nước đang ở đỉnh cao của sự phát triển trong toàn bộ lịch sử quan
hệ. Nga và Trung Quốc là những đối tác chiến lược, gắn bó với nhau bởi
nhiều hiệp ước và tuyên bố chính trị của người đứng đầu hai nước.
Hiện nay, giữa Nga và
Trung Quốc hình thành mối quan hệ kinh tế và hợp tác rộng lớn. Trong năm
2010, trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã đạt 60 tỉ USD và đây chưa phải
giới hạn của sự hợp tác. Trong tương lai gần, trao đổi hàng hóa giữa
hai nước có thể đạt tới 100 tỉ USD.
Vấn đề không chỉ là
thương mại. Giữa Nga và Trung Quốc còn sự hợp tác rất lớn về đầu tư
trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, đặc biệt là lĩnh vực năng
lượng. Trung Quốc là một quốc gia tiêu thụ năng lượng rất lớn, còn Nga
lại là nước cung cấp năng lượng hàng đầu thế giới.
Hiện nay hai nước đang
nghiên cứu phát triển công nghệ cao, như công nghệ vũ trụ và nhà máy
điện nguyên tử. Khó có thể kể hết các hướng hợp tác mới. Các lĩnh vực
truyền thống như chế tạo máy, sản phẩm công nghiệp nặng, sắp tới đây vẫn
tiếp tục phát triển. Những lĩnh vực mới tuy đã triển khai hợp tác nhưng
chưa đạt được tới mức độ cần thiết. Hiện nay, Trung Quốc đã đầu tư trực
tiếp vào Nga 2, 6 tỉ USD, còn Nga đầu tư vào Trung Quốc gần 1 tỉ USD.
Mức độ đầu tư này là chưa lớn. Ngoài ra, trong khi Trung Quốc đang đầu
tư mạnh mẽ vào nền kinh tế của các nước khác, thì Nga chưa làm được như
vậy. Vì thế, đầu tư trực tiếp vào nhau của Nga và Trung Quốc sẽ được
tăng cường. Hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nước, cùng phối hợp
chống khủng hoảng và phát triển các lĩnh vực sản xuất liên doanh. Sự hợp
tác nhân đạo giữa Nga và Trung Quốc cũng rất quan trọng, đặc biệt là
lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
Về vấn đề an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Về vấn đề an ninh ở khu
vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cho rằng: các
kế hoạch của Nga cùng với các nước khác là phối hợp bảo đảm an ninh
thông qua các cuộc tham vấn đa phương về vấn đề trên bán đảo Triều Tiên,
mối quan hệ Liên Triều và vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Nga sẵn sàng đóng góp phần mình, trong đó, có việc tham gia các cuộc đàm
phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều
Tiên. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đánh giá cao uy tín của Trung Quốc
góp phần tạo ra hiệu quả cho các cuộc đàm phán vì Bắc Kinh có quan hệ đa
dạng với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Nga cũng có quan hệ đa
diện và mang tính truyền thống lịch sử với Cộng hòa Dân chủ nhân dân
Triều Tiên, đồng thời, Nga còn có quan hệ hữu nghị với Hàn Quốc, cũng
như Trung Quốc có quan hệ hữu nghị với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều
Tiên và Hàn Quốc. Trật tự thế giới ngày nay cần có sự bảo đảm, cần một
hệ thống an ninh phức hợp, cho nên các cuộc đàm phán 6 bên gồm hai miền
Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mỹ là cơ chế khách quan nhất.
Theo Tổng thống Nga
Đ.Mét-vê-đép, Nga là một phần của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do
đó, Nga quan tâm đến những gì đang diễn ra ở khu vực này. Nếu xảy ra
kịch bản xung đột quân sự ở đây thì đó là một thảm họa bởi việc sử dụng
sức mạnh thường có nguy cơ lan rộng. Đây là một khu vực có mật độ dân cư
đông nên “kịch bản” chiến tranh là một thử thách ghê gớm đối với tất cả
các nước. Do đó, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cho rằng: phương thức sử
dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề sẽ không thể xảy ra. Hai miền
Triều Tiên cần phải đàm phán đề đạt được thỏa thuận. Phô trương vũ khí,
tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chỉ làm cho tình hình càng căng
thẳng thêm.
Về tình hình ở Li-bi
Theo Tổng thống Nga
Đ.Mét-vê-đép, tình hình ở Li-bi hiện giờ đã vượt ra khỏi sự kiểm soát và
không ai kiểm soát nổi. Ông Ca-đa-phi không kiểm soát được tình hình vì
ở quốc gia này đang diễn ra nội chiến. NATO cũng không kiểm soát được,
vì theo những lý do dễ hiểu là họ không có được sự ủy nhiệm để tiến hành
các chiến dịch quân sự quy mô lớn. Còn chiến dịch phong tỏa không phận,
thiết lập vùng cấm bay đã mang những nét rất đặc trưng vì đã sử dụng
sức mạnh quân sự nhưng không đạt được kết quả. Các nước châu Âu nói một
đường, người Mỹ nói một kiểu, lúc này thì tuyên bố “sẽ tham gia”, lúc
khác lại tuyên bố “sẽ không tham gia”. Các lực lượng nổi dậy cũng không
kiểm soát được tình hình bởi họ không đủ sức mạnh, phương tiện và khả
năng.
Tình hình hiện nay đã
hoàn toàn vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Để ổn định, cần hành động trong
phạm vi và khuôn khổ ủy nhiệm của quốc tế. Nga, Trung Quốc có quan điểm
giống nhau về vấn đề Li-bi. Lúc đầu, cả hai nước lên án những gì đang
xảy ra và bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 1970 của HĐBA, sau đó cả hai
nước giữ quan điểm trung lập khi thông qua Nghị quyết 1973 về việc thiết
lập vùng cấm bay và sử dụng sức mạnh. Như vậy, Nga và Trung Quốc có
quan điểm hoàn toàn rõ ràng.
Sắp tới đây, Nga và Trung
Quốc sẽ phối hợp nỗ lực trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như
trong khuôn khổ BRICS trong vấn đề Li-bi. Dù chúng ta có muốn hay không,
thì lúc này Li-bi đang bị chia cắt. Cần nhận thấy rằng, lúc này khả
năng tồn tại của một nhà nước Li-bi đã được đặt lên bàn cân. Chúng ta sẽ
được nhìn thấy một Li-bi thống nhất, hoặc bị chia rẽ thành một số quốc
gia nhỏ được quản lý bởi các chính phủ bù nhìn, thậm chí, không được ai
quản lý, hoặc được quản lý bởi các lực lượng cực đoan? Đây thực sự là
mối đe dọa.
“Chủ trương của tôi là hiện đại hóa nước Nga”
Tổng thống Nga
Đ.Mét-vê-đép khẳng định: “Chủ trương của tôi là hiện đại hóa nước Nga.
Hiện đại hóa nền kinh tế và hệ thống chính trị Nga”. Theo ông, hiện đại
hóa nước Nga là một nhu cầu tất yếu bởi vì tình hình đã thay đổi đến mức
chín muồi trong khi các nước lớn nhất trên thế giới cũng đang thay đổi
nhanh chóng.
Mát-xcơ-va đang quan sát
các đối tác của Nga thay đổi, trong đó, Trung Quốc đã thay đổi và đạt
được những thành tựu tuyệt vời. Do đó, nước Nga cũng cần phải thay đổi
bởi không một cấu trúc hiện có nào có thể tồn tại vĩnh viễn. Những gì
diễn ra cách đây 10 năm, thì nay đã không còn phù hợp nữa. Nước Nga đang
thích nghi với một thế giới đang thay đổi. Vào năm 2000, không ai nghĩ
rằng đến năm 2008 sẽ diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm
rung chuyển toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Theo hướng thay đổi, nước
Nga cần phải áp dụng công nghệ mới, thay đổi văn hóa sản xuất, ưu tiên
phát triển công nghệ, đưa nước Nga phát triển theo hướng đổi mới. Chỉ có
thể bằng cách đó mới có thể tạo ra sự cạnh tranh trong một thế giới
mới. Tất nhiên, Nga sẽ vẫn tiếp tục cung cấp năng lượng theo nhu cầu của
thị trường thế giới, nhưng sẽ không thể tạo ra sự thịnh vượng trong thế
kỷ XXI nếu chỉ dựa vào dầu mỏ và khí đốt.
Mặc dù hiện nay Nga đã có
hiến pháp phản ánh cấu trúc xã hội, nhưng nước Nga sẽ phải xây dựng hệ
thống luật pháp trong những trường hợp cần thiết, sẽ thay đổi hình thức
thực hiện dân chủ ở nước Nga. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cho rằng:
không thể áp dụng máy móc kinh nghiệm của các nước khác trong quá trình
cải cách và hiện đại hóa./.