Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

36. Bước tiến mới của quá trình nhất thể hóa châu Âu

TCCSĐT - Trước đòi hỏi bức thiết của việc cải cách thể chế của một EU ngày càng mở rộng và việc nhất thể hoá châu Âu ngày càng đi vào chiều sâu trên mọi phương diện, vấn đề đặt ra là EU sẽ phát triển thành một “siêu quốc gia”, một “hợp chủng quốc”, một liên bang hay chỉ là một Liên minh được vận hành một cách linh hoạt, dưới hình thái “liên bang các nhà nước - dân tộc” gồm nhiều quốc gia riêng lẻ, vẫn giữ bản sắc, độc lập và chủ quyền riêng.
Hành trình gian nan thông qua Hiến pháp EU
Cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai ở Ai-len ngày 2-10-2009 đã bất ngờ ủng hộ Hiệp ước về Hiến pháp EU rút gọn Li-xbon với tỷ lệ phiếu bầu cao của cử tri (hơn 67%). Ngày 10-10-2009, Tổng thống Ba Lan Lếch Ca-din-xki đặt bút ký phê chuẩn Hiệp ước này, sớm hơn 24 giờ theo dự kiến của nội các Ba Lan. Trong số 27 quốc gia thành viên EU, chỉ còn duy nhất Cộng hoà Séc chưa phê chuẩn để Hiệp ước Li-xbon có hiệu lực. Trong trường hợp chỉ một mình Séc nói “không”, Hiệp ước Li-xbon sẽ chịu chung số phận với dự thảo Hiến pháp châu Âu trước đây. Tuy nhiên, dù đang nắm giữ số phận của Hiệp ước Li-xbon trong tay, Séc cũng đang phải chịu sức ép nặng nề cả từ trong nội bộ nước này cũng như từ toàn bộ Liên minh châu Âu.
Như vậy, 557 ngày sau khi Quốc hội Ba Lan thông qua bản hiệp ước có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với tương lai của châu Âu, người đứng đầu quốc gia này mới hạ bút ký vào một văn kiện được cho là sẽ quyết định vận mệnh Ba Lan trong tương lai. Tiếp theo Ai-len, sự phê chuẩn Hiệp ước Li-xbon của Ba Lan khiến cho hành trình dài nhiều chông gai thử thách hợp nhất châu lục này đang nhích tới vạch đích cuối cùng. Trước khi cử tri Ai-len đồng ý thông qua Hiệp ước Li-xbon trong cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, ngày 2-11-2009, Tổng thống L. Ca-din-xki từng tuyên bố sẽ chỉ đặt bút ký phê chuẩn Hiệp ước nếu như người dân Ai-len thay đổi quan điểm, cho rằng nếu không có sự đồng ý của cử tri Ai-len, Hiệp ước sẽ không có hiệu lực cho dù Ba Lan có ủng hộ hay không. Do đó, có thể nói, nếu sự ủng hộ của cử tri Ai-len đã làm hồi sinh bản Hiệp ước tưởng chừng “chết yểu” thì việc Ba Lan phê chuẩn Hiệp ước Li-xbon đã đánh dấu “một trang mới”, một bước tiến mới của kế hoạch cải cách EU nhằm thích ứng với một EU mở rộng và sự biến đổi sâu rộng của châu Âu và thế giới trong giai đoạn mới.
Hiệp ước về Hiến pháp EU rút gọn được ký tại Hội nghị cấp cao EU vào ngày 13-12-2007, tại Thủ đô Li-xbon, Bồ Đào Nha (do đó gọi là Hiệp ước Li-xbon). Lần này, sau 18 tháng bế tắc, các nhà lãnh đạo 27 nước EU đã đạt được sự nhất trí về chương trình cải cách chính sách và thể chế cho phép Liên minh châu Âu mở rộng hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn. Chủ tịch luân phiên Bồ Đào Nha phát biểu: “Liên minh châu Âu đã bước sang một trang quan trọng mới. Kể từ nay, châu Âu có thể tập trung vào các vấn đề liên quan nhiều nhất đến công dân và có thể làm những việc đó hiệu quả hơn rất nhiều”.
Hiện nay, cả châu Âu đang hướng về Pra-ha và chờ đợi chữ ký của Tổng thống Cộng hòa Séc V.Clau-xơ để Hiệp ước Li-xbon chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2010.
Ngay từ khi Hiệp ước Li-xbon ra đời, Séc đã tỏ ra không mặn mà và là một trong số vài nước phản đối mạnh mẽ nhất. Tổng thống Séc V.Clau-xơ cho rằng, Chương về quyền cơ bản của con người trong Hiệp ước Li-xbon đáp ứng nguyện vọng của người dân Séc và thông qua Hiệp ước sẽ ảnh hưởng tới chủ quyền của Séc và trở thành cơ sở pháp lý để thành lập một “siêu quốc gia châu Âu”, điều đó đi ngược lại Hiến pháp Séc. Mặc dù vậy, Thủ tướng Séc đã thông tin với các quan chức EU rằng không nên nghi ngờ khả năng ông V. Clau-xơ phê chuẩn Hiệp ước, vấn đề chỉ là lựa chọn thời điểm mà thôi. Tuy nhiên, việc Cộng hòa Séc trì hoãn thông qua Hiệp ước, có thể xảy ra tình huống Đảng Bảo thủ Anh vốn bày tỏ quan ngại về chủ quyền của Anh bị giảm bớt, chủ trương thông qua Hiệp ước bằng trưng cầu dân ý nếu đảng này lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ở Anh vào tháng 6-2010.
Hiệp ước Li-xbon - một bước tiến vững chắc trong tiến trình nhất thể hóa
Những thay đổi và “bước tiến lớn vững chắc” này của Hiến pháp EU rút gọn chủ yếu thể hiện trên 4 mặt sau:
Thứ nhất, quyền hạn của 3 cơ quan lớn của EU là Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu sẽ được mở rộng ít nhiều, nhưng không ảnh hưởng tới chủ quyền của các nước thành viên. Ủy ban châu Âu là cơ quan hành pháp của EU chỉ gồm 15 thành viên do các nước luân phiên đảm nhiệm (hiện gồm 32 thành viên, trong đó các nước lớn Pháp, Đức, I-ta-li-a và Tây Ban Nha do có dân số lớn được cử 2 ủy viên, sắp tới chỉ 1). Một số lĩnh vực nhạy cảm như tư pháp, nội vụ, quá trình quyết sách của EU sẽ đơn giản hoá. Trong những lĩnh vực này, kể từ năm 2014, quy chế biểu quyết đa số sẽ có hiệu lực, sẽ thay thế bởi “Quy chế biểu quyết đa số kép”, tức nghị quyết về một vấn đề nào đó chỉ cần giành được phiếu tán thành của 55% số nước thành viên và 65% tổng dân số EU là có thể được thông qua.
Thứ hai, sau khi Hiệp ước Li-xbon có hiệu lực, EU sẽ xuất hiện trên vũ đài quốc tế như một thực thể chính trị duy nhất với “hình ảnh chung”. Tiếng nói chung và trọng lượng ảnh hưởng của EU trên vũ đài quốc tế sẽ được nâng cao. Theo Hiến pháp EU rút gọn, sẽ thiết lập hai chức danh “Tổng thống” và “Ngoại trưởng”. Tổng thống là Chủ tịch Hội đồng châu Âu hiện nay do nước Chủ tịch luân phiên đảm nhiệm thời hạn 6 tháng. Do nhiệm kỳ quá ngắn, nhà lãnh đạo nước Chủ tịch luân phiên rất khó thay mặt EU phát huy sức ảnh hưởng trên vũ đài chính trị quốc tế cũng như giải quyết được nhiều vấn đề gay cấn trong nội bộ EU. Sau khi Hiệp ước Li-xbon có hiệu lực, cơ chế Chủ tịch luân phiên sẽ bị xoá bỏ, Tổng thống sẽ do lãnh đạo các nước thành viên bầu bằng bỏ phiếu, nhiệm kỳ 2 năm rưỡi và có thể tái đắc cử. Gặp sự phản đối của Anh, chức danh Ngoại trưởng EU vẫn được gọi là Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại và an ninh châu Âu như hiện nay và sẽ lập Nha hành động đối ngoại của Uỷ ban châu Âu.
Thứ ba, trước những biến đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và ở châu Âu sau khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu sụp đổ, Liên Xô tan rã, nước Đức thống nhất, nhất là các cuộc xung đột ở Ban-căng, khủng bố quốc tế… đòi hỏi EU phải có một cơ sở pháp lý và thể chế cho một chính sách đối ngoại, an ninh và phòng thủ chung nhằm nâng cao vai trò, ảnh hưởng của EU tại châu Âu và thế giới.
Hội nghị cấp cao Ma-xtrích (1992) và Hiệp ước Am-xtéc-đam (1997) đã thông qua và phát triển chính sách đối ngoại, an ninh chung (CFSP) và chính sách phòng thủ chung châu Âu (ESDP), từng bước vạch ra chiến lược an ninh chung, chiến lược ngoại giao chung và thiết lập lực lượng phản ứng nhanh châu Âu với khả năng triển khai 50.000 - 60.000 quân trong vòng 60 ngày tới tất cả các vị trí trong bán kính 5.000 km tính từ Brúc-xen. Để khắc phục những khó khăn trong việc triển khai các chiến dịch quân sự ra nước ngoài, trong năm 2007, dự định thành lập 15 cụm tác chiến với quân số 15.000 người/cụm sẵn sàng triển khai tác chiến trong vòng 10 ngày vào bất cứ nơi nào trên thế giới. Ngoài ra, EU còn có các cơ cấu phối hợp về chính sách và tiến hành hoạt động quân sự (Ủy ban Chính sách và An ninh - COPS) và sự chỉ đạo về quân sự (Ủy ban Quân sự EU - CMUE). Đã lập ra Bộ Tư lệnh Quân sự châu Âu với 5 bộ chỉ huy quốc gia của lực lượng quân sự châu Âu hoàn toàn độc lập với cơ cấu lực lượng và chỉ huy của NATO. Dự thảo Hiến pháp rút gọn mới nêu rõ: “Chính sách an ninh và phòng thủ chung là bộ phận không thể tách rời của chính sách đối ngoại và an ninh chung, đảm bảo cho liên minh khả năng hành động cả về dân sự và quân sự”.
Kể từ cuộc can thiệp của lực lượng quân sự EU vào Ma-xê-đô-ni-a năm 2003 đến nay, EU đã mở trên chục cuộc can thiệp quân sự “giữ gìn hoà bình” ở Đông - Nam Âu, châu Phi, châu Á. Mặc dù lĩnh vực ngoại giao, an ninh phòng thủ, thuế khoá, an sinh xã hội căn bản thuộc quyết sách của các nước thành viên, nhưng từ nhiều năm nay đã diễn ra không ít cuộc bàn cãi xung quanh việc tiến tới xây dựng lực lượng quân đội riêng của EU, nhất là sau khi Thủ tướng Đức Méc-ken tuyên bố nhân kỷ niệm 50 năm thành lập EU (25-3-2007) với báo “Hình ảnh” rằng, “Ngay trong EU, chúng ta phải tiến gần hơn đến một quân đội châu Âu chung”. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại việc thành lập quân đội riêng của EU sẽ làm các nước thành viên mất chủ quyền. Tuy nhiên, cũng có lập luận ngược lại: “Việc mất chủ quyền ít nhiều có thể dẫn tới việc có nhiều chủ quyền trên một cấp độ cao hơn, dẫn tới quyền tham gia ý kiến ở châu Âu đối với nhau. Điều đó nằm trong lô - gích của một chính sách đối ngoại chung và một tính chất Nhà nước châu Âu nào đó”. Ông Xô-la-na, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại chung từng tự hào tuyên bố là quá trình quân sự hoá EU đang diễn ra với tốc độ ánh sáng. Ngày 20-2-2009, Nghị viện châu Âu đã thông qua quyết định lập Quân đội châu Âu đặt dưới sự chỉ huy của EU với học thuyết tác chiến riêng và giáo trình huấn luyện riêng, độc lập với NATO.
Thứ tư, sau khi Hiệp ước Li-xbon có hiệu lực, quyết sách và hiệu suất cơ chế vận hành của EU sẽ nâng cao rất nhiều, điều này đặt cơ sở vững chắc cho EU tiếp tục mở rộng. Nhịp bước mở rộng EU sẽ tái khởi động, bản đồ EU sẽ mở rộng hơn nữa. Một EU không ngừng mở rộng, trình độ nhất thể hoá không ngừng sâu sắc hơn chắc chắn sẽ trở thành một cực quan trọng không những trên lĩnh vực kinh tế - thương mại - chính trị mà cả an ninh, quân sự trong bố cục quyền lực thế giới không ngừng biến động./.
Trần Bá Khoa
TCCS: Số 20 (188) năm 2009