TCCSĐT - “Cuộc chiến
tranh năm ngày” ở Nam Ô-xê-ti-a giữa Nga và Gru-di-a cách đây một năm
(từ ngày 8-8 đến ngày 12-8-2008) tuy chỉ là cuộc chiến tranh cục bộ
nhưng đã tác động mạnh đến hệ thống các quan hệ quốc tế và sẽ để lại hậu
quả lâu dài trong nhiều thập niên nữa trong thế kỷ XXI. Một năm qua
chưa phải là khoảng thời gian đủ dài để có thể nhận thấy hết ý nghĩa của
“Cuộc chiến tranh năm ngày” đối với các bên tham chiến nói riêng và thế
giới nói chung, nhưng cũng có thể hình dung được những đường nét cơ bản
trong quan hệ quốc tế tạo nên dưới tác động của cuộc chiến tranh đặc
biệt này.
Một cuộc chiến tranh chưa từng có
“Cuộc chiến tranh năm ngày” được giới phân tích quân sự đánh giá là “chưa từng có” bởi nhiều lý do:
Một là, đây
là cuộc chiến tranh diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhất, vẻn vẹn 5
ngày, trong số các cuộc chiến tranh cục bộ có quy mô tương tự trong thế
giới đương đại.
Hai là, ngay
từ những phút đầu tiên, cuộc chiến tranh này đã có ý nghĩa toàn cầu bởi
ẩn dấu đằng sau các bên tham chiến là mâu thuẫn địa - chính trị của Nga
và Mỹ - hai cường quốc có vị thế toàn cầu đã từng không ít lần đứng bên
bờ vực thẳm chiến tranh nóng trong kỷ nguyên “chiến tranh lạnh”. Trong
cuộc chiến tranh này, lần đầu tiên trong những năm gần đây Mỹ và Nga ứng
xử với nhau trong vị thế là các đối thủ thực sự. Trước động thái Mỹ đưa
cả một loạt tàu chiến tới Biển Đen để “viện trợ nhân đạo” cho Gru-di-a,
còn Nga lệnh cho các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen sẵn sàng chiến
đấu khiến một số chuyên gia phân tích quân sự tính tới khả năng xảy ra
xung đột vũ trang giữa hai siêu cường Nga và Mỹ. Rõ ràng, cuộc chiến
tranh năm ngày ở Nam Ô-xê-ti-a đã bộc lộ tất cả những gì lâu nay ẩn giấu
dưới những khẩu hiệu "đối tác", "định ước", "cùng hợp tác trong cuộc
chiến toàn cầu chống khủng bố", "chiến tranh lạnh đã chấm dứt", "NATO và
Nga không còn là kẻ thù của nhau", v.v.. “Cuộc chiến tranh năm ngày” đã
chứng tỏ, đối với Mỹ và NATO, “chiến tranh lạnh" với Nga chưa bao giờ
kết thúc mà chỉ thay hình đổi dạng sang hình thức khác khó nhận biết hơn
trong một thế giới không còn đối đầu ý thức hệ giữa hai hệ thống chính
trị quốc tế.
Ba là, cuộc
chiến tranh Nam Ô-xê-ti-a đã gây sốc đối với giới lãnh đạo nhiều nước
phương Tây, bởi trước đó họ không thể nghĩ tới khả năng xảy ra chiến
tranh tại một điểm huyệt trong quan hệ Nga - Mỹ; họ càng không thể nghĩ
tới chuyện nước Nga lại có hành động “thô bạo” và “thái quá” tới mức như
vậy. Nhưng nguyên nhân chủ yếu gây sốc đối với Mỹ và các nước NATO là
Mát-xcơ-va đã thể hiện khả năng độc lập hành động chưa từng có trong các
quan hệ quốc tế, khiến cho cả thế giới phương Tây không thể dự đoán
được trong tương lai chính sách đối ngoại của Nga rồi sẽ ra sao.
Bốn là, lần
đầu tiên, nước Nga điều quân vượt qua biên giới quốc gia đã được quốc tế
công nhận và điều chỉnh lại biên giới của họ sau khi Liên Xô tan rã.
Đồng thời, Nga dám “cả gan” sử dụng sức mạnh quân sự chống lại một quốc
gia là đồng minh then chốt của Mỹ trong điều kiện Nga không có được sự
ủng hộ công khai từ các đối tác gần gũi nhất của mình. Có thể thấy, đây
là trường hợp chưa từng có trong thực tiễn thế giới đương đại. Thậm chí,
giới phân tích chính trị quốc tế còn đánh giá, khả năng hành động độc
lập của Nga còn lớn cả so với Mỹ, khi Oa-sinh-tơn phát động chiến dịch
quân sự chống lại Nam Tư trong năm 1999 để sau đó công nhận chủ quyền
của Cô-xô-vô, bởi lẽ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh Cô-xô-vô, họ nhận
được sự ủng hộ của hàng chục quốc gia.
Chấm dứt sự tồn tại về trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo
Từ cuối năm 2007, trên
thế giới đã hình thành các nhân tố chứng tỏ đang diễn ra quá trình
chuyển dịch lớn trong trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ ra công xây dựng
sau khi Liên Xô sụp đổ. Sự chuyển dịch đó được mô tả trong bài phát biểu
nổi tiếng của Tổng thống V.Pu-tin tại Hội nghị an ninh Mu-ních nhóm họp
vào tháng 2-2007, trong đó ông nhận định, trật tự thế giới đơn cực
không còn lý do tồn tại và đang hình thành trật tự thế giới đa cực,
trong đó các quốc gia cần tôn trọng lợi ích của nhau và phụ thuộc lẫn
nhau. Bài phát biểu của Tổng thống V.Pu-tin nhận được sự đồng thuận cao
trong giới phân tích chính trị quốc tế và vì thế nó được đánh giá là một
trọng những sự kiện chính trị nổi bật nhất thế giới năm 2007. Đến “Cuộc
chiến tranh năm ngày”, dự báo của Tổng thống Nga V.Pu-tin tại Hội nghị
an ninh Mu-ních là đúng. Ngay sau khi kết thúc cuộc chiến, báo “The
Guardrian” (Anh) đã nhận định, “Cuộc chiến tranh năm ngày” là “mồ chôn
trật tự thế giới đơn cực”.
Một năm sau nhìn lại,
nhận định của báo “The Guardrian” đã trở thành hiện thực. Học thuyết
Clin-tơn được đưa ra sau khi Liên Xô sụp đổ đã từng được được dùng làm
cơ sở để Mỹ thiết lập trật tự thế giới đơn cực sau “chiến tranh lạnh”,
trong đó có hai nội dung rất quan trọng có liên quan trực tiếp tới sự
tồn vong của nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Một là, không một
quốc gia nào trên thế giới có quyền sử dụng sức mạnh trong các cuộc xung
đột nội bộ hoặc các cuộc xung đột khu vực nếu không được sự chấp nhận
của chính phủ Mỹ. Hai là, nếu một quốc gia nào đó không được phép
của Oa-sinh-tơn mà vẫn sử dụng sức mạnh quân sự trong các cuộc xung đột
nội bộ hoặc khu vực thì Mỹ có quyền can thiệp để ngăn chặn hoặc dập tắt
"thảm họa nhân đạo". Từ đó, Mỹ chủ trương "can thiệp nhân đạo" dựa trên
quan niệm "nhân quyền cao hơn chủ quyền". Điều này có nghĩa là, Mỹ có
khả năng và có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác trong
trường hợp các nước đó sử dụng sức mạnh quân sự đe dọa tới lợi ích của
Mỹ.
Sau Tổng thống Clin-tơn,
Tổng thống G.W.Bu-sơ còn đi xa hơn nữa, khi ông sẵn sàng đơn phương sử
dụng sức mạnh quân sự nếu thấy cần thiết mà không cần được phép của Liên
hợp quốc. “Cuộc chiến tranh năm ngày” đã chứng tỏ Học thuyết Clin-tơn
bị phá sản. Gru-di-a là đồng minh chiến lược của Mỹ ở Nam Cáp-ca và là
kẻ phát động chiến tranh do được Mỹ và một số nước Phương Tây hậu thuẫn,
nhưng trước phản ứng mau lẹ và kiên quyết của Mát-xcơ-va, Oa-sinh-tơn
đã phải “lực bất tòng tâm”, không thể làm được gì hơn ngoài việc sử dụng
bộ máy truyền thông mạnh nhất hành tinh để đổ vấy cho phía Nga “xâm
lược” và “tàn sát dã man người Gru-di-a”, nhằm cô lập nước Nga trên
trường quốc tế. Trong thời gian một năm qua, ngay cả một số nghị sỹ Mỹ
và nhiều chính khách ở phương Tây đều công nhận, Gru-di-a là bên gây
chiến.
Như vậy, “Cuộc chiến
tranh năm ngày” chứng tỏ sức mạnh quân sự và chính trị của Mỹ đã suy
yếu, không thể cho phép Mỹ thực hiện điều đã từng ghi trong Học thuyết
Clin-tơn: không một quốc gia nào trên thế giới có quyền sử dụng sức mạnh
trong các cuộc xung đột nội bộ hoặc các cuộc xung đột khu vực nếu không
được sự chấp nhận của chính phủ Mỹ.
Tiếp sau “Cuộc chiến
tranh năm ngày”, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát ở Mỹ vào
cuối năm 2008 đã làm què nốt chiếc chân kiềng thứ hai (sức mạnh kinh tế,
sức mạnh quân sự, sức mạnh chính trị) trong ba chân kiềng làm trụ cột
cho vai trò “lãnh đạo thế giới” của Mỹ. Lúc này, dù không ai bảo ai
nhưng không một người nào ở Mỹ và trên thế giới còn hào hứng bàn đến
“vai trò lãnh đạo” của Mỹ như là một cực duy nhất trong trật tự thế giới
sau “chiến tranh lạnh”.
Ngày 15-7-2009, trong bài
diễn thuyết gây sự chú ý đặc biệt tại Hội đồng về các quan hệ quốc tế,
Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn đã phác họa những đường nét về tư duy
mới trong chiến lược đối ngoại của Nhà Trắng trong thời gian cầm quyền
của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Tư duy mới này được đúc kết từ những thất
bại của Mỹ trong thời gian hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống
G.W.Bu-sơ, trong đó nội dung quan trọng nhất khẳng định, trong thế giới
ngày nay có quá nhiều thách thức phức tạp có tính toàn cầu mà không một
quốc gia đơn độc nào, kể cả Mỹ, có thể hoá giải được. Vì thế, Mỹ cần có
một liên minh mới rộng khắp, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bao gồm
chính phủ các nước, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ, phối
hợp các nỗ lực dân sự và quân sự, tạo nên hệ thống liên minh theo kiểu mạng. Như
vậy, trật tự thế giới ngày nay thậm chí không phải là trật tự đa cực mà
là một trật tự được tổ chức theo kiểu liên kết mạng, trong đó tất cả
các quốc gia trên thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Trong cuộc đối thoại Mỹ -
Trung về kinh tế và chiến lược bắt đầu ở Mỹ ngày 27-7-2009, Ngoại
trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn tuyên bố: “Tư duy mới về thế kỷ 21 sẽ đưa
chúng ta từ một thế giới đa cực tới một thế giới đa đối tác". Trước đó,
trong chuyến thăm Cộng hoà Ga-na ở châu Phi đầu tháng 7-2009, Tổng thống
Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố, công việc của thế giới ngày nay không chỉ được
quyết định ở Oa-sinh-tơn, Mát-xcơ-va, Bắc Kinh và Pa-ri, mà còn cả ở
Ga-na.
Quan hệ Nga - Mỹ và Nga - NATO tuy đã được nối lại nhưng còn lắm nguy cơ
Bị sốc trước hành động
bất ngờ của Nga trong “Cuộc chiến tranh năm ngày”, Mỹ và NATO tuyên bố
tạm ngừng quan hệ đối thoại và đối tác với Mát-xcơ-va. Nhưng đó chỉ là
phản ứng tự nhiên nhất thời trong hoàn cảnh đó, bởi Mỹ và NATO không thể
thiếu vai trò của Nga trong các công việc quốc tế.
Chưa đầy 5 tháng sau khi
chiến tranh Nam Ô-xê-ti-a kết thúc, Mỹ và NATO bắt đầu nối lại quan hệ
với Nga và giảm dần sự ủng hộ đối với Tổng thống Gru-di-a
Xa-a-ca-xvi-li. Đến nay, tất cả các nước, kể cả Mỹ, không phủ nhận một
thực tế là chính phía Gru-di-a đã phát động chiến tranh. Mát-xcơ-va đã
vượt ra khỏi sự cô lập về ngoại giao, từng bước tái lập các cuộc đối
thoại với Oa-sinh-tơn, EU và NATO. Tại cuộc gặp ngày 5-3-2009 ở
Brúc-xen, các ngoại trưởng 27 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại
Tây Dương (NATO) đã thông qua quyết định khôi phục quan hệ hợp tác đầy
đủ với Nga. Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Nga và NATO kể từ khi kết thúc
“Cuộc chiến tranh năm ngày”diễn ra ngay sau cuộc họp thượng đỉnh NATO kỷ
niệm 60 năm ngày thành lập liên minh này vào ngày 4-4-2009. Ngoại
trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn cũng nhấn mạnh, đã đến lúc NATO cần thúc đẩy
hợp tác với Nga. Tuy nhiên, Tổng Thư ký NATO thừa nhận, giữa liên minh
quân sự này và Nga vẫn tồn tại nhiều bất đồng có tính nguyên tắc trong
vấn đề Gru-di-a. Nga đã lên tiếng hoan nghênh động thái mới của NATO. Rõ
ràng, trong bối cảnh quan hệ Nga - NATO có nguy cơ quay trở lại "chiến
tranh lạnh" sau cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a, tuyên bố của Ngoại
trưởng 27 nước thành viên NATO là dấu hiệu "hạ nhiệt", chứng tỏ một giai
đoạn mới trong quan hệ vốn vô cùng phức tạp, đầy trắc trở trong hơn 50
năm qua.
Trong chuyến thăm Nga ba
ngày, từ ngày 6 đến ngày 8-7-2009, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã tuyên
bố, rằng “nước Nga là một nước lớn có vai trò quan trọng trong các công
việc của thế giới và Mỹ muốn nhìn thấy một nước Nga phát triển và thịnh
vượng”. Tạm không bàn đến phép xã giao, tuyên bố của Tổng thống Ba-rắc
Ô-ba-ma chứng tỏ, Mỹ không thể thiếu quan hệ đối tác và đối thoại với
Nga. Trong chuyến thăm Nga lần này của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, tuy Mỹ
và Nga chưa tạo được sự đột phá trong quá trình “tái khởi động”, nhưng
hai bên đã ký kết được nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố khung về
Hiệp ước START mới, Thoả thuận Nga - Mỹ về việc Nga cho phép Mỹ quá cảnh
qua lãnh thổ Nga hàng hoá quân dụng và dân dụng cung cấp cho chiến
trường Áp-ga-ni-xtan, v.v..
Tuy nhiên, dù có “tái
khởi động” quan hệ Mỹ - Nga và NATO - Nga, chính sách của Mỹ và NATO đối
với Nga không bao giờ thay đổi. Đó là, kiếm chế và loại trừ ảnh hưởng
của Nga trong không gian hậu xô viết, nơi MỸ và NATO coi là "khu vực có
lợi ích sống còn" của họ. Không những thế, họ muốn duy trì nước Nga
trong tình trạng “nông thôn của châu Âu” chuyên cung cấp nguyên liệu
phục vụ cho sự phát triển và thịnh vượng của phương Tây. Theo quan điểm
đó, tiềm lực quân sự của Liên Xô trước đây được nước Nga kế thừa vẫn là
“mối đe doạ tiềm tàng lớn nhất” đối với an ninh của Mỹ và NATO.
Tư duy sức mạnh quân sự truyền thống được phục hồi trong một thế giới đầy bất ổn
Sự kiện Liên Xô - một
trong những cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới sụp đổ, bị “chiến bại
mà không cần chiến tranh”, ban đầu đã khiến không ít quốc gia nhận thấy
dường như sức mạnh quân sự không còn ý nghĩa gì đáng kể trong một thế
giới mới không còn đối đầu giữa hai hệ thống chính trị trong trật tự thế
giới sau “chiến tranh lạnh”. Nhưng rồi hàng loạt các cuộc chiến tranh
và xung đột liên tiếp xảy ra sau đó cùng với các mâu thuẫn địa - chính
trị và địa - kinh tế nổi lên ngày càng gay gắt, đã xua tan niềm hy vọng
trước đó về một thế giới yên bình, đưa các quốc gia quay trở lại với tư
duy truyền thống, rằng chiến tranh vẫn là sự kế tục của chính trị bằng
phương tiện bạo lực vũ trang. Ngày nay, sức mạnh bạo lực mà quân đội là
nòng cốt, trong một thế giới nổi lên các quá trình toàn cầu hoá vẫn đóng
vai trò rất quan trọng và đã hàm chứa nội dung mới, với sắc thái mới,
gắn bó chặt chẽ với các yếu tố sức mạnh khác như tiềm lực kinh tế, ngoại
giao, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, tư tưởng - văn hoá. Sau
cuộc chiến tranh Nam Ô-xê-ti-a, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tuyên bố Nga sẽ
thực hiện chiến lược hiện đại hoá các lực lượng vũ trang Nga đến năm
2020. Theo đó, Nga sẽ hướng tới mục tiêu đến năm 2020 thay mới tòan bộ
vũ khí trang bị thông thường từ thời Liên Xô trước đây. Cùng với quá
trình hiện đại hoá, Nga tăng cường hiện diện quân sự ở một số khu vực có
ý nghĩa chiến lược trên thế giới, góp phần quan trọng tạo ra thế cân
bằng chiến lược toàn cầu.
Trong chủ trương hiện đại
hoá quân đội, đồng thời với việc cải tiến lực lượng hạt nhân chiến
lược, Nga nỗ lực phát triển vũ khí thông thường công nghệ cao và coi đây
cũng là yếu tố tạo nên sự ổn định chiến lược trên thế giới. Trong các
cuộc đàm phán cấp cao Nga - Mỹ trong chuyến thăm Nga của Tổng thống
Ba-rắc Ô-ba-ma, hai bên đã thống nhất quan điểm coi vũ khi thông thường
công nghệ cao lắp trên các phương tiện mang chiến lược cũng là một yếu
tố tạo nên tiềm năng tiến công chiến lược và sự cân bằng chiến lược trên
thế giới. Đây là nhận thức chiến lược hoàn toàn mới mà các bên đã đạt
được trong chuyến thăm có ý nghĩa như một dấu mốc quan trọng trong quan
hệ Mỹ - Nga.
Gru-di-a vẫn là quân cờ then chốt trong “ván cờ lớn” ở Nam Cáp-ca
Không phải ngẫu nhiên mà
“Cuộc chiến tranh năm ngày” bùng phát ở Nam Ô-xê-ti-a, vùng đất tranh
giành ảnh hưởng kéo dài giữa Nga với Gru-di-a mà thực chất là giữa Nga
với Mỹ và NATO. Cuộc chiến tranh này là dấu mốc quan trọng trong chiến
lược của NATO nhằm kiềm chế và thu hẹp "không gian ảnh hưởng" của Nga.
Gru-di-a, cùng với U-crai-na, là hai trong số những "điểm nóng" trên ván
cờ địa - chính trị và địa - kinh tế trong thế kỷ XXI giữa Nga với Mỹ và
phương Tây. Nếu U-crai-na là khâu then chốt trong chiến lược của Mỹ và
phương Tây nhằm loại trừ ảnh hưởng của Nga ra khỏi châu Âu, thì Gru-di-a
đóng vai trò quyết định cuối cùng trong vấn đề ai sẽ giành được quyền
kiểm soát vùng biển Cát-xpi, khu vực có trữ lượng tài nguyên chiến lược
lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Đông.
Để tăng cường quan hệ hợp
tác quân sự giữa Mỹ và NATO với Gru-di-a, trong tháng 5-2009, Mỹ và
NATO tiến hành giai đoạn 1 cuộc diễn tập quân sự mang tên “Longbow 09”
tại căn cứ quân sự Va-di-ni của Gru-di-a với sự tham gia của khoảng 700
binh sĩ đến từ 13 quốc gia. Ngày 21-5-2009, giai đoạn 2 của cuộc diễn
tập mang tên “Cooperative Lancer 09” cũng được tiến hành tại căn cứ quân
sự Va-di-ni. Thông quan cuộc diễn tập này, Gru-di-a tiếp tục khẳng định
mong muốn của họ gia nhập NATO. Trong khi đó, Nga cực lực phản đối cuộc
tập trận này. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép nhận xét rằng, cuộc diễn tập
này là “nguy hiểm” bởi nó diễn ra tại khu vực vừa xảy ra chiến tranh
giữa Nga và Gru-di-a và là nơi cận kề các căn cứ quân sự của Nga. Phía
Nga cho rằng, cuộc diễn tập “Longbow 09” và “Cooperative Lancer 09” là
hành động “khiêu khích” nhằm vào Nga. Để đáp trả, Nga bắt đầu cuộc tập
trận quy mô lớn mang tên “Cáp-ca 2009” bắt đầu vào ngày 29-6-2009, với
sự tham gia của các lữ đoàn thuộc bộ binh Nga đồn trú tại Nam Ô-xê-ti-a
và Áp-kha-di-a. Trong cuộc tập trận này, lực lượng của Nga có khoảng
8.500 người, 200 xe tăng, 450 xe thiết giáp và khoảng 250 khẩu pháo.
Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, tướng Ni-cô-lai
Ma-ca-rốp, đích thân chỉ huy cuộc diễn tập kéo dài tới ngày 6-7-2009.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trước khi kết thúc năm 2009, Nga sẽ phải xây
dựng và hoàn thiện các căn cứ quân sự tại Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a.
Ngoài cuộc tập trận này, Nga và Bê-la-rút phối hợp tiến hành cuộc diễn
tập chỉ huy - tham mưu chiến lược mang tên “phương Tây - 2009” trên lãnh
thổ Bê-la-rút từ ngày 8-9 đến ngày 29-9-2009 và nhiều cuộc diễn tạp
quân sự khác tại 3 quân khu ở miền Bắc và miền Nam nước Nga. Trong bối
cảnh đó, dư luận không mấy ngạc nhiên khi Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma
trong chuyến thăm Nga ba ngày, từ 6-7 đến ngày 8-7-2009, vẫn khẳng định
cam kết "ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Gru-di-a". Đây là một trong
những nguyên nhân khiến chuyển thăm đầu tiên của ông tới Nga mang nhiều
kỳ vọng nhưng chưa thể tạo ra sự đột phá trong quá trình “tái khởi động”
quan hệ Mỹ - Nga do ông khởi xướng.
Sau chuyến thăm Nga của
Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép có chuyến thăm chớp
nhoáng tới Nam Ô-xê-ti-a, Áp-kha-di-a và khẳng định, sự giúp đỡ mọi mặt
cho hai vùng tự trị mới được Nga công nhận độc lập. Còn Phó Tổng thống
Mỹ Bai-đơn có chuyến công du tới hai nước U-crai-na và Gru-di-a, tái
khẳng định các cam kết quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ với hai nước
này và ủng hộ kế hoạch của U-crai-na và Gru-di-a gia nhập NATO. Với
những tuyên bố đại loại như “Mỹ luôn đứng bên cạnh và ủng hộ Gru-di-a”,
Oa-sinh-tơn đã tái khẳng định quyết tâm bảo vệ những lợi ích chiến lược
của họ ở quốc gia có vai trò và vị trí then chốt trên “bàn cờ lớn” ở
Cáp-ca trong thế kỷ 21. Đêm ngày 27-7-2009, chưa đầy một tháng sau
chuyến thăm Gru-di-a của Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn, phía Gru-di-a đã
tiến hành pháo kích một số cụm dân cư thuộc thủ phủ của Nam Ô-xê-ti-a.
Theo tuyên bố của Tổng thống Nam Ô-xê-ti-a, ông Ê-đu-a Cô-côi-ta, với sự
giúp đỡ của Mỹ, NATO, U-crai-na và I-xra-en, gần đây quân đội Gru-di-a
đã được tái trang bị và phục hồi sức mạnh như trước “Cuộc chiến tranh
năm ngày” và vì thế, mục đích của Gru-di-a lần này chưa thể là gây chiến
tranh như cách đây 1 năm, mà là gây tình hình bất ổn ở khu vực này nhằm
thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế./.
Hương Ly
Số 15 (183) năm 2009