Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

32. Hòng cứu vãn địa vị lung lay của một siêu cường

TCCS - Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma chủ trương “Đổi mới sự lãnh đạo của Mỹ” trên tất cả các lĩnh vực quân sự, ngoại giao, đạo lý… để đối mặt với những mối đe dọa mới và nắm bắt các cơ may mới của thế kỷ XXI. Mặc dù “khoảnh khắc siêu cường duy nhất của Mỹ chưa hết”, nhưng trong tình hình thế giới và nước Mỹ biến đổi mau lẹ “Mỹ không thể một mình đối mặt với các thách thức của thế kỷ” (1).
Các văn kiện chiến lược do Mỹ công bố vào đầu năm 2010, trong đó quan trọng nhất là Chiến lược an ninh quốc gia NSS (27/5A), Đánh giá quốc phòng 4 năm QDR (1/2) và Đánh giá tư thế hạt nhân NPR (1/3), đã cụ thể hóa ý đồ chiến lược của chính quyền B.Ô-ba-ma.
“Không nước nào - dù lớn mạnh đến mấy - có thể một mình đối phó được với các thách thức toàn cầu”
Đó là kết luận rất quan trọng rút ra sau khi đánh giá môi trường chiến lược an ninh thế giới và vai trò của Mỹ trong nhiều thập niên qua, nhất là thời kỳ sau Chiến tranh lạnh (2).
Theo đánh giá của chiến lược gia Mỹ, ngót một thập niên qua, nước này luôn trong tình trạng chiến tranh và đối diện với nhiều mối đe dọa từ các quốc gia, các phần tử phi quốc gia và từ các nước thất bại. Mối đe dọa nguy hiểm nhất với Mỹ là các vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt mối nguy cơ đặt ra đối với việc tìm kiếm vũ khí hạt nhân của các phần tử quá khích và sự phổ biến vũ khí hạt nhân cho các nước khác.
Người Mỹ cũng hiểu ra rằng, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học - công nghệ, thị trường mở cửa, hòa dịu đã tạo ra nhiều cơ may cho mọi người. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng làm gia tăng các nguy cơ cho nước Mỹ - từ khủng bố quốc tế và phổ biến các công nghệ chết người cho đến khủng hoảng kinh tế và sự biến đổi khí hậu.
Sự tăng trưởng kinh tế giúp giảm bớt đói nghèo và dẫn đến sự nổi lên của các trung tâm quyền lực mới; có thêm nhiều nước tự khẳng định mình là cường quốc khu vực hay toàn cầu. Nước Mỹ vẫn có sức mạnh đóng vai trò lãnh đạo trong nhiều thập niên, Mỹ có nền kinh tế lớn nhất và lực lượng quân sự mạnh nhất, nhiều liên minh mạnh và một nền văn hóa với nhiều sản phẩm hấp dẫn. Mỹ cũng có truyền thống hành động hợp tác đa phương trong những liên minh mạnh sau Chiến tranh thế giới thứ hai và giúp Mỹ “chiến thắng” trong Chiến tranh lạnh; “người lính Mỹ và công dân Mỹ không thể đơn độc chịu đòn gánh nặng của thế kỷ và lực lượng Mỹ không thể bị căng kéo dàn mỏng quá mức và bị hủy hoại như kẻ thù của Mỹ mong đợi” (3).
Trước thực trạng thế giới biến động và phức tạp, chủ trương của Mỹ là bằng mọi cách tăng cường khả năng và nền tảng kinh tế, quân sự, tinh thần cho sự đổi mới lãnh đạo của Mỹ, thực hiện chiến lược đối ngoại toàn cầu can dự toàn diện (comprehensive engagement) và thiết lập một trật tự quốc tế do Mỹ chi phối đủ sức giải quyết các thách thức của thế kỷ và bảo đảm hòa bình an ninh và hợp tác quốc tế cho Mỹ, liên minh và các đối tác.
Ngoại giao “can dự toàn diện”
Bước sang thế kỷ thứ XXI đã diễn ra những biến động lớn trong cục diện địa chính trị - quân sự thế giới bằng sự sụp đổ của trật tự “đơn cực”, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và nhiều nước ở Á - Phi, Mỹ La-tinh. Bên cạnh sự hợp tác giữa các mô hình phát triển nổi lên sự cạnh tranh và xung đột địa chính trị ngày càng gay gắt, nhất là giữa các nước lớn. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo trước về một kỷ nguyên tranh giành ảnh hưởng khu vực và giành giật những tài nguyên quý hiếm, biển đảo giữa các nước lớn và các tập đoàn liên kết khu vực với những kết cục khó lường hết.
Trước tình hình thế giới và nước Mỹ đang thay đổi, các lựa chọn chiến lược của Mỹ là hoặc để thế giới thích nghi với Mỹ hay để Mỹ thích nghi với thế giới?
Chính quyền G. Bu-sơ từng mưu đồ dùng ưu thế sức mạnh vượt bậc ở trên đỉnh cao của Mỹ để khiến thế giới thích nghi với Mỹ và áp đặt mô hình xã hội và giá trị Mỹ đối với các nước, nhưng đã thất bại. Chính quyền B.Ô-ba-ma trong Chiến lược an ninh quốc gia NSS (27/5A) đã xác định phải “nhìn nhận thế giới thực như nó có” và vạch ra một chiến lược vừa thích nghi, vừa cải biến nó theo hướng Mỹ mong muốn. Chiến lược ngoại giao can dự toàn diện đoạn tuyệt với ngoại giao liên minh, ý thức hệ, đơn phương của chính quyền tiền nhiệm.
Ngoại giao can dự toàn diện không chỉ can dự với các quốc gia mà cả với các thể chế và dân chúng toàn thế giới trên nền tảng “lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau”.
Ưu tiên trong chính sách đối ngoại trước hết với các liên minh, hợp tác chặt chẽ và thường xuyên với Anh, Pháp, Đức về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, tăng cường và đề ra chiến lược mới của NATO; chuyển trọng tâm sang G20 như là diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế, làm sâu sắc thêm sự hợp tác với các trung tâm ảnh hưởng thế kỷ XXI - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Ngoài ra, tìm kiếm sự hợp tác xây dựng với các đối tác mới nổi ở khắp các khu vực trên thế giới, chú trọng các nước Bra-xin, In-đô-nê-xi-a và Nam Phi.
Đối với các nước đối địch, thông qua quan hệ tiếp xúc, đối thoại tạo ra cơ hội giải quyết sự khác biệt và sẽ cô lập họ nếu không nhận được sự đáp trả như với I-ran, Xy-ri, Mi-an-ma, CHDCND Triều Tiên, nới lỏng một số quy định cấm vận với Cu-ba.
Mỹ tiếp tục theo đuổi đối thoại hòa bình ở Trung Đông nhằm bảo đảm an ninh cho I-xra-en và thiết lập nên một nhà nước Pa-le-xtin độc lập, Mỹ tán thành việc thiết lập khu vực phi hạt nhân ở Trung Đông bao gồm cả I-xra-en, Mỹ cũng tìm cách phát triển quan hệ đối tác với các cộng đồng Hồi giáo trên thế giới. Mỹ tiếp tục sử dụng linh hoạt các thành tố tạo thành sức mạnh quốc qua một cách “thông minh” để đạt được kết quả trong can dự toàn diện với các nước.
Ngoại giao bao gồm ngoại giao chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao nhân dân có tầm quan trọng ngang như sức mạnh quân sự. Kết hợp chặt chẽ hoạt động của binh sĩ ở chiến trường với các nhà ngoại giao và các nhà phát triển để thu được thắng lợi trong các cuộc chiến tranh, trước mắt trọng tâm là Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và cuộc chiến nhằm “phá vỡ, làm tan rã và đánh bại An Kê-đa và đồng bọn trên khắp toàn cầu”. Mỹ đã rút quân chiến đấu khỏi I-rắc vào tháng 8-2010 và chỉ để lại khoảng 40.000 - 50.000 quân huấn luyện, cố vấn chuyên gia, biệt kích, tình báo hỗ trợ quân I-rắc và sẽ rút hết số quân còn lại vào cuối năm 2011. Quân Mỹ và NATO gia tăng mạnh mẽ các chiến dịch truy quét quân Ta-li-ban làm cho chúng suy yếu không còn khả năng lật đổ chính phủ của Tổng thống Ka-dai hiện nay, đồng thời gấp rút xây dựng quân đội và chính quyền Áp-ga-ni-xtan tạo điều kiện cho quân chiến đấu Mỹ bắt đầu rút khỏi nước này từ tháng 7-2011.
Ngoại giao can dự toàn diện của Mỹ còn nhằm mục tiêu tìm kiếm trật tự thế giới do Mỹ chi phối, lãnh đạo. Đó là trật tự thế giới nào? Ngày 22-5-2010, tại Trường Võ bị lục quân Oét-poanh, ông B.Ô-ba-ma nói rằng đó “là trật tự có thể giải quyết những thách thức trong thời đại của chúng ta - đối phó với chủ nghĩa cực đoan bạo lực và nổi dậy, chấm dứt phổ biến vũ khí hạt nhân và bảo đảm an toàn cho nguyên liệu hạt nhân, đối phó với biến đổi khí hậu và duy trì tăng trưởng toàn cầu, giúp các quốc gia bảo đảm lương thực và chăm sóc y tế, giải quyết và ngăn chặn xung đột trong khi vẫn hàn gắn những vết thương do xung đột gây ra”.
Theo chiến lược an ninh quốc gia, việc thúc đẩy một trật tự quốc tế phấn đấu cho hòa bình, an ninh và cơ may thông qua hợp tác rộng lớn để đối phó với các thách thức toàn cầu là một trong bốn lợi ích quốc gia ưu tiên của Mỹ. Một lợi ích quốc gia và ưu tiên khác (xếp thứ ba sau lợi ích an ninh và lợi ích kinh tế) là nuôi dưỡng và phát triển các giá trị Mỹ ở trong nước và thế giới chủ yếu bằng sức mạnh nêu gương, chủ trương không ép buộc, không dùng vũ lực áp đặt dân chủ, nhân quyền, tự do cho các nước khác hoặc lật đổ và thay đổi chế độ chính trị nước khác như thời chính quyền G. Bu-sơ. Trong quan hệ quốc tế “vũ lực đôi khi vẫn cần thiết để đối đầu với các mối đe dọa”.
Quân lực vẫn là “hòn đá tảng” của an ninh quốc gia Mỹ
Đánh giá quốc phòng 4 năm QDR nhận định nước Mỹ đang đứng trước cảnh quan an ninh phức tạp, bất trắc và biến động nhanh chóng. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ sẽ định hình hệ thống quốc tế hiện rất khó xác định. Trong hệ thống đó Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất nhưng phải gia tăng sự hợp tác với các liên minh và đối tác mới thu được kết quả.
Lợi ích toàn cầu và vai trò của Mỹ trên thế giới đòi hỏi lực lượng vũ trang Mỹ có khả năng không ai địch nổi với một ý chí quốc gia sử dụng nó khi cần thiết. Nước Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất có khả năng tung phóng lực lượng tầm xa và yểm trợ các chiến dịch quy mô lớn trong thời gian dài. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cơ cấu lại lực lượng, quân lực và sự rủi ro để hoàn thành 4 mục tiêu ưu tiên là: giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh hiện nay, phòng ngừa và răn đe xung đột, chuẩn bị đánh bại mọi kẻ thù và hoàn thành một loạt các tình huống khẩn cấp và cuối cùng là tăng cường đội quân Mỹ hoàn toàn tình nguyện hiện nay.
Lực lượng quân sự Mỹ được cơ cấu lại để chủ yếu tập trung đánh thắng các loại hình chiến tranh không đối xứng như chống khủng bố, chống nổi dậy, các chiến dịch bình định, các mối đe dọa tinh vi phức hợp (chiến tranh mạng, phá hoại đánh vào cơ sở hạ tầng thông tin, tài chính, vũ trụ, cơ sở hạt nhân...). Ngoài ra còn chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng nhiều cấp độ chiến dịch quân sự bao gồm cả răn đe và đánh bại xâm lược tại các khu vực không được tiếp cận nhất là đối với Trung Quốc ở khu vực biển Đông Việt Nam (các công ty Mỹ bị ngăn cản khai thác dầu lửa, tàu chiến Mỹ không được hoạt động ở khu vực đặc quyền kinh tế trên biển Đông gần Trung Quốc...). Đáng chú ý QDR 2010 không còn dùng danh từ “chiến tranh trường kỳ”, “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” và cách tiếp cận 1-4-2-1 trong QDR 2001 và QDR 2007 theo nghĩa chuẩn bị chiến tranh theo Phương án: 1- Phòng thủ nội địa; 4- Mở rộng răn đe ra 4 khu vực (châu Âu, Đông - Bắc Á, vùng ven biển Đông và Nam Á và vùng Trung Đông, Tây Nam Á); 2- Nhanh chóng đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược xảy ra đồng thời; 1- Cơ cấu lực lượng đủ mạnh giành thắng lợi quyết định một trong hai cuộc chiến tranh đó và lật đổ chính quyền thù địch, lập chính quyền mới).
Lực lượng quốc phòng Mỹ ngoài lực lượng quân sự còn có lực lượng kinh tế Mỹ phồn vinh, đi đầu trong sáng chế phát minh, giàu tính cạnh tranh, ngoại thương phát triển (định tăng gấp đôi), viện trợ phát triển giúp tăng cường đối tác đang phát triển nhất là các nước I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan..., an ninh nội địa (chú ý phần tử khủng bố phát sinh trong nước Mỹ) và sự tham gia tích cực của dân chúng và khu vực doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ ở trong và ngoài nước Mỹ.
Về việc sử dụng quân sự ở nước ngoài, Mỹ “sẽ đôi khi cần tới sau khi sử dụng mọi công cụ ngoại giao, phi quân sự không kết quả”. Mỹ cũng “giành quyền hành động quân sự đơn phương để phòng thủ nước Mỹ và bảo vệ các lợi ích của Mỹ”.
Tóm lại, qua các văn kiện chiến lược mới, chính quyền B. Ô-ba-ma đã thừa nhận Mỹ tuy vẫn là nước mạnh nhất nhưng đã mất vai trò siêu cường “đơn cực” thống soái thời kỳ sau Chiến tranh lạnh và một trật tự quốc tế đa cực đang hình thành. Để theo đuổi những lợi ích và mục tiêu chính trị của Mỹ trên thế giới, ngoài việc củng cố các liên minh truyền thống, tìm thêm các đối tác chiến lược mới, mở rộng sự hợp tác với các trung tâm quyền lực mới nổi lên trên thế giới và tại các khu vực.
Chiến lược toàn cầu mới của chính quyền B. Ô-ba-ma đã có những bước đi đột phá “thay đổi” hay “đổi mới” không những về phong cách cởi mở, đối thoại, lắng nghe mà cả các chính sách biện pháp tỏ ra không thành công của chính quyền G. Bu-sơ. Cả trên văn bản chiến lược và hoạt động thực tiễn trong một năm rưỡi qua, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã từng bước triển khai thực hiện các lời hứa “thay đổi” trong tuyển cử - thay đổi nhưng không phải là phủ định triệt để chính sách, chiến lược của một siêu cường - đế quốc toàn cầu mà chỉ thay đổi những chính sách tỏ ra lỗi thời và thất bại của học thuyết Bu-sơ trong nhiệm kỳ đầu. Đồng thời chính quyền mới vẫn kế thừa những chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh mà chính quyền Bu-sơ nhiệm kỳ II đã điều chỉnh sau khi cách chức các nhân vật chủ chốt bảo thủ mới, như Bộ trưởng Quốc phòng Đ. Răm-xpheo và bổ nhiệm R.Gết và bà C. Rai-xơ - những nhân vật thực dụng lên làm Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao.
Mặc dù chính quyền B. Ô-ba-ma đã đề ra chiến lược mới với cách tiếp cận mới và chính sách mới giải quyết các thách thức của Mỹ và toàn cầu, song mục tiêu cơ bản cuối cùng vẫn không có gì thay đổi so với các chính quyền trước. Đó là tìm cách tăng cường thực lực tổng hợp của nước Mỹ với lực lượng quân sự và kinh tế mạnh nhất, quan niệm giá trị Mỹ vẫn là một đòn tiến công - nhằm bảo đảm các lợi ích tối cao của Mỹ và hầu mong cứu vãn vị thế của một siêu cường đang bị lung lay, suy tàn dần trong tình hình mới./.
---------------------------------------------------------
(1) Foreign affairs, July - August 2007
(2) National security strategy 2010, p. 1
(3) Phát biểu của Tổng thống B. Ô-ba-ma tại Trường Võ bị lục quân Oét-poanh (West point) ngày 22-05-2010
Trần Bá Khoa-Số 4 (220) năm 2011