Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

22. Cục diện an ninh Đông Á đến năm 2010

TCCS - Cục diện an ninh Đông Á là một bộ phận của cục diện an ninh thế giới, chịu tác động có tính chi phối của cục diện an ninh thế giới, đồng thời cũng có tác động lớn đến cục diện an ninh thế giới. Do đó, trước khi luận chứng cục diện an ninh Đông Á, nhất thiết phải khái quát cục diện an ninh thế giới.
Cục diện an ninh thế giới hiện nay và xu hướng phát triển đến năm 2020
Bức tranh chung của sân khấu chính trị thế giới hiện nay có lẽ là: Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất. Với sức mạnh quân sự khổng lồ và tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ to lớn, hiện đại, Mỹ vẫn có tiếng nói có tính chất quyết định đối với nhiều vấn đề trọng đại của thế giới, có vai trò chi phối đối với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Từ nay đến năm 2020, Mỹ vẫn có sức mạnh tổng hợp vượt trội so với các cường quốc khác(1).
Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ không còn mạnh như cuối thế kỷ XX. Nước Mỹ là con nợ lớn nhất thế giới: Nợ nhà nước lên đến 9.130 tỉ USD, bằng 65% GDP, nợ nước ngoài (Nhật Bản và Trung Quốc) hơn 1.000 tỉ USD. Về quân sự, cỗ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ không biết sử dụng vào đâu; đã tốn hơn 2.000 tỉ USD, nhưng đến nay Mỹ vẫn sa lầy ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Việc rút khỏi Áp-ga-ni-xtan trong danh dự ngày càng xa vời.
Về đối ngoại, sau 8 năm thực hiện chính sách đối ngoại đơn phương, đánh đòn phủ đầu dưới thời Tổng thống G.Bu-sơ, uy tín và vị thế của Mỹ đã sa sút ngiêm trọng. Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và các đồng minh, bạn bè của Mỹ đòi có tiếng nói độc lập hơn đối với Mỹ, yêu cầu Oa-sinh-tơn tôn trọng họ hơn, họ không chịu quá lép vế và phụ thuộc Mỹ như trước.
Khi Mỹ sa lầy vào cuộc chiến chống khủng bố hao người tốn của, Trung Quốc, Nga tranh thủ thời cơ để phát triển, nhanh chóng nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. Khi đã có tiềm lực đủ mạnh, Trung Quốc và Nga không còn chịu sức ép và hoạt động lấn lướt của Mỹ mà đã sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” khi cần thiết.
Từ những điều trên, cho phép rút ra nhận xét: Từ nay đến năm 2020, Mỹ vẫn là siêu cường và chưa có quốc gia nào có thể trực tiếp thách thức vị trí “anh Hai” của Mỹ, nhưng thời kỳ Oa-sinh-tơn muốn làm gì cũng được đã qua rồi. Mỹ không còn khả năng sắp xếp trật tự thế giới theo ý mình. Trong mối tương quan với phần còn lại của thế giới, sức mạnh tổng hợp quốc gia của Hoa Kỳ đã giảm đáng kể và tiếp tục giảm, vị thế của Hoa Kỳ trên sân khấu chính trị thế giới suy yếu, siêu cường đã qua đỉnh cao và đang tụt dốc với tốc độ chậm.
Sức mạnh tổng hợp của các cường quốc
Cục diện an ninh thế giới đến năm 2020 không phải do Mỹ kiến tạo, mà phụ thuộc vào sức mạnh và tham vọng của các cường quốc khác như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Ấn Độ, có thể cả Bra-xin.
Mười năm trở lại đây, dư luận thế giới nói nhiều đến Ấn Độ, thậm chí có người còn dự báo Ấn Độ sẽ sớm trở thành cường quốc thế giới. Mặc dù có lúc lên lúc xuống, nhưng hơn một thập kỷ nay, Ấn Độ đạt mức tăng trưởng kinh tế liên tục 5% - 6%/năm. Ấn Độ có trình độ tiên tiến về công nghệ thông tin, và là một trong những trung tâm của thế giới về lĩnh vực này(2). Xét trên mọi phương diện, mặc dù Ấn Độ là nước lớn về dân số và không gian sinh tồn, nhưng chưa phải là một quốc gia mạnh. Ngay tại Nam Á, Ấn Độ chưa có vai trò là một “thủ lĩnh” khu vực. Trong việc giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới, vai trò của Ấn Độ khá mờ nhạt.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), nhưng do hạn chế về không gian sinh tồn và tiềm lực quân sự nên Nhật Bản chưa có tiếng nói quan trọng trên sân khấu chính trị thế giới. Đối với những vấn đề an ninh toàn cầu, Nhật Bản luôn có vai trò khá khiêm tốn, phần lớn chỉ đóng vai phụ, thậm chí là người dự thính. Về chính trị và an ninh, Nhật Bản ít có tiếng nói độc lập, mà phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Bản mở rộng quan hệ kinh tế và viện trợ phát triển rất lớn cho các nước đang phát triển, âm thầm tranh giành ảnh hưởng kinh tế với Trung Quốc và các cường quốc tại ASEAN, Trung Đông, Mỹ La-tinh, châu Phi; ngày càng thể hiện có vai trò quan trọng trong việc hình thành cục diện an ninh ở Đông Á.
Trong nhiều năm kinh tế dẫm chân tại chỗ, hiện nay châu Âu đang cố thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Châu Âu cũ khá thống nhất. Châu Âu mới, châu Âu mở rộng rất phức tạp và thiếu tiếng nói chung trong chính sách đối ngoại, nhất là chính sách đối với Nga. Các nước mới gia nhập EU, nhất là các nước Đông Âu và Trung Á nhanh chóng trở thành đồng minh trung thành với Mỹ. Các cường quốc thuộc EU cũ, như Pháp, Đức, I-ta-li-a, Tây Ban Nha lại đòi hỏi Mỹ tôn trọng họ hơn, muốn có tiếng nói độc lập hơn. Thái độ và hành động của các nước trong EU cũng khác nhau khi tham gia liên minh cùng Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố. Về quân sự, EU không có lực lượng riêng đủ mạnh để mặc cả với Nga, chủ yếu phụ thuộc vào NATO do Mỹ chỉ huy. Do đó, có thể nói EU lớn nhưng không mạnh. Ngoài hai chiếc ghế Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Pháp và Anh), EU không phải là một thực thể mạnh trên chính trường thế giới. Về an ninh và đối ngoại, châu Âu ít có tiếng nói độc lập, chủ yếu phụ thuộc Mỹ. Trong một số trường hợp, EU tỏ ra có lập trường riêng, nhưng đó chỉ là những vấn đề sách lược. Liên minh với Mỹ vẫn là nền tảng cho mọi chính sách an ninh và đối ngoại của EU.
Sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống V. Pu-tin và hơn một năm dưới sự lãnh đạo của cặp Mét-vê-đép - Pu-tin, ngày nay nước Nga đã trở lại vị trí cường quốc thế giới. Về kinh tế, Nga còn ở vị trí khiêm tốn trên bảng xếp hạng nhưng lại có nền công nghiệp cơ bản, công nghiệp vật liệu, công nghiệp chế tạo thiết bị động lực rất hoàn chỉnh và hiện đại, một số lĩnh vực không thua kém Mỹ và Tây Âu. Nga có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt hàng đầu thế giới. Ngoại giao nước lớn và ngoại giao năng lượng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế, dầu mỏ và khí đốt đã góp phần làm tăng vị thế của Nga trên sân khấu chính trị thế giới. Sức mạnh đó còn thể hiện trong các mối quan hệ của Nga với các bạn bè đối tác của Nga ở các khu vực trên thế giới. Về quân sự, sau thời kỳ suy sụp (thời kỳ B.En-xin), quân đội Nga đã được tổ chức lại theo hướng cơ động, tinh nhuệ, hiệu quả. Lực lượng vũ trang Nga được trang bị vũ khí chiến lược đủ khả năng răn đe mọi đối thủ(3). Do vậy, Mỹ và Tây Âu không thể không hợp tác với Nga trong việc giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới cũng như các vấn đề khu vực.
Trở thành cường quốc thế giới, Trung Quốc đã vươn ra khắp các châu lục, âm thầm thách thức, cạnh tranh với Mỹ và EU ở nhiều khu vực. Mặc dù còn thua kém Nhật Bản về kinh tế, nhưng lại vượt trội về tiềm lực quân sự, Trung Quốc ngày càng thể hiện có tiếng nói quan trọng ở châu Á.
Trung Quốc tuy rất lớn về quy mô, nhưng chỉ đứng trên một chân của mình, chân kia là của nước ngoài (Mỹ, Nhật Bản, EU). Do đó, nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững. Người ta nói nhiều đến kinh tế Mỹ phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, nhưng họ lại chưa thấy rõ sự phụ thuộc ở mức độ rất lớn của nền kinh tế Trung Quốc vào ba trung tâm Mỹ, Nhật Bản và EU. Thực chất, Trung Quốc cần thế giới hơn là thế giới cần Trung Quốc; Trung Quốc phụ thuộc vào thế giới là chủ yếu, còn thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc ở mức độ không lớn, thậm chí không đáng kể. Nói cách khác, nếu không có nền kinh tế Trung Quốc, kinh tế thế giới vẫn phát triển bình thường; còn nếu không dựa vào kinh tế thế giới thì kinh tế Trung Quốc sẽ không thể phát triển nhanh. Về quân sự, đến năm 2020 có thể Trung Quốc có 4 tàu sân bay và hải quân Trung Quốc sẽ làm chủ Biển Đông, vươn ra Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trung Quốc sẽ có đủ tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân để mặc cả với Mỹ và răn đe Nhật Bản, Ấn Độ. Khoảng trước sau 2020 Trung Quốc sẽ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa. Với tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn, Trung Quốc trở thành một cột trụ trên sân khấu chính trị thế giới.
Cục diện an ninh thế giới đến năm 2020
Trong thời kỳ 1946 - 1991, quan hệ Mỹ - Xô quyết định cục diện an ninh thế giới. Từ nay đến năm 2020, các mối quan hệ quốc tế nào có ý nghĩa quyết định sự hình thành và phát triển của cục diện an ninh thế giới?
Phân bố lực lượng và cấu trúc quyền lực thế giới hiện nay (kéo dài đến năm 2020) thể hiện ở sơ đồ sau:
Ý nghĩa của sơ đồ trên như sau:
- Cánh phía Đông: Liên minh Mỹ - Nhật Bản đối phó với Trung Quốc.
- Cánh phía Tây: Liên minh Mỹ - EU đối phó với Nga.
- Các quan hệ Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - EU là quan hệ đồng minh chiến lược, cơ bản, lâu dài còn mâu thuẫn, khác biệt giữa họ chỉ ở tầm chiến thuật, vụ việc, tình huống (khi có va chạm về lợi ích).
Các mối quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc thực chất là quan hệ giữa các đối thủ cạnh tranh chiến lược, kiềm chế lẫn nhau, đấu tranh với nhau (do mâu thuẫn về lợi ích và khác biệt về giá trị) là cơ bản, xuyên suốt; hợp tác với nhau, hòa hoãn, nhân nhượng và thỏa hiệp chỉ mang tính chiến thuật, sách lược.
Trên một số nét lớn, quan hệ EU - Nga tương tự quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc.
Mỹ và EU luôn tăng cường chiến lược chèn ép, thu hẹp không gian chiến lược của Nga, đe dọa an ninh của Nga. Khác với Mỹ, trên nhiều phương diện như địa chiến lược, địa - an ninh, lịch sử, nhân chủng học, văn hóa, đặc biệt là kinh tế, EU có quan hệ gần gũi với Nga. ở một mức độ khá lớn, EU còn phụ thuộc Nga về dầu mỏ, khí đốt. Do đó, là đồng minh chiến lược với Mỹ, nhưng EU không thể quay lưng lại với Nga, trong xử sự không thể “cạn tàu ráo máng” với người láng giềng khổng lồ ở phía Đông.
Là đồng minh chiến lược của Mỹ ở cánh phía Đông của cục diện an ninh thế giới, Nhật Bản luôn tỏ ra cẩn trọng, dè chừng, cảnh giác và luôn tránh căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc.
Từ năm 1991 đến nay, cục diện an ninh ở cánh phía Tây: Mỹ và EU với Nga luôn ở trạng thái căng thẳng. Giai đoạn 1991 - 1999, Mỹ và EU ở thế lấn lướt, chèn ép Nga, đẩy Nga vào thế co cụm phòng thủ. Từ năm 2000 đến nay, Nga từng bước khôi phục và phục hưng. Đã qua thời kỳ rút lui, Nga bắt đầu phòng ngự tích cực và phản công (có lựa chọn). Trong giai đoạn trên (1991 - 2000 và đến nay), cục diện an ninh ở cánh phía Đông bán cầu có vẻ yên tĩnh. Mỹ và Nhật Bản luôn ở thế phòng ngự bị động trước sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.
Từ năm 1991 đến nay, Nga và Trung Quốc luôn phải đối phó với Mỹ, EU và Nhật Bản. Tình thế đó buộc hai nước phải liên kết với nhau, tựa lưng vào nhau để tồn tại, bảo vệ lợi ích dân tộc và phát triển. Thực chất đây là liên kết lỏng lẻo. Nếu Mỹ, EU và Nhật Bản không đồng thời dồn ép và xâm phạm đến lợi ích sống còn của cả Nga và Trung Quốc thì có lẽ sẽ không có liên minh Nga - Trung.
Từ những điều kiện trình bày ở trên, có thể rút ra: Cục diện an ninh thế giới từ nay đến năm 2020 như là kết quả của sự vận động, phát triển của mối quan hệ chính trị, an ninh giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc với xu thế chủ đạo là hòa hoãn, hợp tác nhân nhượng, thỏa hiệp song song với cạnh tranh, đấu tranh với nhau, kiềm chế lẫn nhau, nhưng không dẫn đến đối đầu, xung đột. Có thể hình dung cục diện an ninh thế giới đến năm 2020 như đại dương không có bão, nhưng thường xuyên có sóng ngầm.
Xu hướng phát triển cục diện an ninh Đông Á đến năm 2020
Đông Á được hiểu bao gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Cục diện an ninh Đông Á không chỉ do các nước trong khu vực Đông Á tạo nên, mà còn có sự tham gia của các cường quốc ngoài khu vực.
Đặc điểm của cục diện an ninh Đông Á
So với các khu vực khác trên thế giới, cục diện an ninh Đông Á có một số đặc điểm sau.
Một là, từ năm 1950(4) đến nay, cục diện an ninh Đông Á diễn biến hết sức phức tạp, qua nhiều giai đoạn xen kẽ đối đầu - hòa hoãn, hợp tác - kiềm chế lẫn nhau giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực, đóng vai trò chủ yếu của các bên là Trung Quốc và Mỹ.
Có thể tạm phân kỳ như sau:
- 1950 - 1960: Trung Quốc và Liên Xô ở một phía đối đầu với Mỹ và Nhật Bản. Miền Bắc Việt Nam và CHDCND Triều Tiên nằm trong khối Xô - Trung. An ninh Đông Á trong giai đoạn này hết sức căng thẳng.
- 1960 - 1975: trong khi liên kết phía Đông do liên minh Mỹ - Nhật làm trụ cột tiếp tục được củng cố, liên kết phía Tây tan vỡ do quan hệ Trung - Xô căng thẳng. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc bình thường hóa mối quan hệ với Nhật Bản (25-9-1972) và tiếp cận trực tiếp với Mỹ(5) nhằm nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Trong giai đoạn này, Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn về vật chất, tinh thần của các nước thuộc liên kết phía Tây, để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đây là một mốc son sáng ngời về đường lối, chiến lược, sách lược ngoại giao Hồ Chí Minh.
Về tổng thể, an ninh Đông Á trong giai đoạn này không căng thẳng bằng giai đoạn trước (1950 - 1960), mặc dù cuộc chiến tranh ở Việt Nam nói riêng và xung đột ở Lào và Cam-pu-chia đã lôi cuốn sự quan tâm của thế giới.
- 1975 -1985: An ninh Đông Bắc Á tạm ổn định. Riêng ở Đông Nam Á, nói chung, trở thành nơi chất chứa các mâu thuẫn đối kháng, xung đột.
- 1986 - 1995: Trong giai đoạn chuyển tiếp này, các bên tranh chấp, với cách tiếp cận khác nhau, có điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại theo hướng giảm đối đầu, tìm tiếng nói chung để mở ra thời kỳ hợp tác. Cục diện an ninh Đông Á trong giai đoạn này tiến triển theo hướng hòa dịu, tích cực.
- Từ 1995 đến nay: cục diện an ninh Đông Á tương đối ổn định, xu thế hòa bình, hợp tác ở thế chủ đạo.
Hai là, so với các khu vực khác trên thế giới (châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông...), từ năm 1950 đến nay, Đông Á là nơi diễn ra các cuộc chiến tranh cục bộ gay gắt, kéo dài nhất. Các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang ở Đông Á mang tính chất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhưng sâu xa là phản ánh mâu thuẫn đối kháng giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực với nhau.
Trong giai đoạn 1950 - 1990, Đông Á là nơi hợp lưu của mâu thuẫn giữa đế quốc và các dân tộc, mâu thuẫn giữa các nước lớn, mâu thuẫn, xung đột dân tộc (giữa các nước). Vì thế có thể xem Đông Á trong một thời gian lâu dài là nơi diễn ra mâu thuẫn chủ yếu của thế giới.
Ba là, khác với các khu vực khác trên thế giới, cục diện an ninh Đông Á từ năm 1950 đến nay luôn gắn liền với sự phục hưng, trỗi dậy của Trung Quốc. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, sau hơn 60 năm kể từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa (1949 - 2010), Trung Quốc đã trở thành một cường quốc thế giới.
Bốn là, Cục diện an ninh Đông Á luôn gắn liền với các điểm nhạy cảm trong khu vực: tranh chấp ở Biển Đông, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan.
Sự phát triển của các nước tạo nên cục diện an ninh Đông Á đến năm 2020
Cục diện an ninh Đông Á tùy thuộc vào sự phát triển, tương quan lực lượng giữa các nước cũng như ý đồ, tham vọng của các nước trong và ngoài khu vực có liên quan, trước hết là các cường quốc.
- Ấn Độ từ nay đến năm 2020 sẽ không có bước phát triển mang tính nhảy vọt, vẫn là đều đặn đi lên. Muốn mở rộng ảnh hưởng sang Đông Á nhất là các nước ASEAN, nhưng do “lực bất tòng tâm”, Ấn Độ chỉ tập trung củng cố vị trí “anh cả” của mình ở Nam Á. Tác động của Ấn Độ đến cục diện của an ninh Đông Á không lớn. Cần chú ý quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản bởi đây là một nhân tố tác động đến an ninh Đông Á nhưng từ nay đến năm 2020 chưa có phát triển lớn.
- Là một quốc gia Đông Á, Nga có vai trò quan trọng trong việc hình thành cục diện an ninh Đông Á. Nhưng xét dưới mọi góc độ về an ninh, kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, chính trị, thì trọng tâm của Nga gắn với Tây Âu.
Từ nay đến năm 2020, Nga tiếp tục phát triển, củng cố vững chắc vị trí cường quốc, sẽ cố gắng ổn định quan hệ với Nhật Bản, mở rộng quan hệ với EU và Mỹ. Nga có lợi ích ở Đông Á nhưng đây không phải là “sân chơi” chính. Do đó, trong việc hình thành cục diện an ninh Đông Á, Nga chỉ là người tham gia quan trọng.
- Các nước ngoài Đông Á như Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, EU không có vai trò đáng kể trong việc hình thành cục diện an ninh Đông Á nếu không liên minh với Mỹ. Các quốc gia này có vai trò phụ, gián tiếp tác động đến an ninh Đông Á. Tất nhiên, mặc dù ngoài khu vực nhưng Ô-xtrây-li-a có can dự nhất định đến an ninh Đông Á.
- Từ nay đến năm 2020, các nước ASEAN tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ nội khối về an ninh, kinh tế, chính trị, văn hóa. Về đối ngoại, ASEAN tiếp tục thực hiện cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
- Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục củng cố quan hệ với Trung Quốc, đồng thời thắt chặt liên minh với Mỹ và Ô-xtrây-li-a, mở rộng quan hệ với ASEAN. Trước Trung Quốc hùng mạnh và nhiều tham vọng, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất thiết phải liên minh với Mỹ. Ngược lại, nếu không liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, chắc chắn Mỹ sẽ vĩnh viễn đánh mất vai trò là người đỡ đầu an ninh cho các nước Đông Á, thậm chí Mỹ phải rút lui khỏi Tây Thái Bình Dương.
- Từ nay đến năm 2020, về kinh tế, có thể Trung Quốc sẽ đuổi kịp Nhật Bản về về quy mô, tổng GDP và về số lượng. Còn chất lượng phát triển của nền kinh tế thì ít nhất cũng 50 năm, thậm chí 100 năm nữa, Trung Quốc mới có thể so sánh được với Nhật Bản, Mỹ.
Về quân sự, mặc dù có sự đầu tư, nhưng Trung Quốc (đến năm 2020) chưa đủ sức đương đầu với Mỹ. Do đó, từ nay đến 2020, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục chiến lược cầu hòa với Mỹ, lợi dụng Mỹ để tiếp tục tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, tranh thủ khi Mỹ sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan để nhanh chóng vươn lên, từng bước củng cố vị trí của Trung Quốc ở châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Đông, đặc biệt ở ASEAN.
- Mỹ sẽ dần thoát ra khỏi các vũng lầy ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Mỹ không bận tâm ở châu Âu. Mặc dù sự nổi lên của cánh tả và Trung Quốc, Nga củng cố ảnh hưởng ở “sân sau” của Mỹ, nhưng Mỹ La-tinh cũng sẽ chưa phải là địa bàn quan trọng đối với Oa-sinh-tơn. Trọng tâm chiến lược của Mỹ là ở Trung Đông và Trung Á. Tại các khu vực này, Mỹ có lợi ích lớn về kinh tế và an ninh. Tại Đông Á, Mỹ tìm cách đối phó với tham vọng của Trung Quốc. Theo giới hoạch định chiến lược Mỹ, về lâu dài đối thủ của Mỹ là Trung Quốc chứ không phải là Nga. Trong 10 năm tới, Mỹ tiếp tục can dự sâu vào Trung Quốc, tác động, lôi kéo Trung Quốc vào “sân chơi” quốc tế, làm sao để Trung Quốc trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cuộc chơi toàn cầu về kinh tế, an ninh, đối ngoại.
Các điểm nóng và sự phát triển của cục diện an ninh Đông Á đến năm 2020
Cục diện an ninh Đông Á gắn liền với sự phát triển tình hình tại các điểm nóng ở Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan. Có thể dự báo như sau:
- Tại eo biển Đài Loan: quan hệ hai bờ tiếp tục phát triển ổn định theo xu hướng ngày càng hòa dịu. Quan hệ kinh tế hai bờ eo biển sẽ phát triển nhanh. Sự xâm nhập sâu về kinh tế về cả hai phía có tác dụng làm giảm tư tưởng đòi độc lập của Đài Loan bất kể đảng chính trị nào cầm quyền ở Đài Bắc.
- Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên: Từ nay đến năm 2020 sẽ khó xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên bởi lẽ các bên liên quan không muốn xảy ra chiến tranh và họ sẽ hợp tác với nhau để đạt được sự ổn định, dù là bấp bênh, tạm thời.
Như vậy, từ nay đến năm 2020 vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn phải qua nhiều bước thăng trầm, lúc căng, lúc chùng.
- Tranh chấp trên Biển Đông sẽ là điểm nóng nhất trong khu vực Đông Á.
Từ những điều trình bày ở trên có thể đi đến nhận định: Cục diện an ninh Đông Á đến năm 2020 ổn định và hợp tác là chủ đạo. Các quan hệ lớn tạo nên cái khung của cục diện an ninh Đông Á: Trung Quốc - Mỹ, Trung Quốc - Nhật Bản, Trung Quốc - Hàn Quốc, Trung Quốc - ASEAN, Mỹ - ASEAN, Nhật Bản - ASEAN tiếp tục được củng cố, ổn định./.
_____________________________________________________________________________________________
(1) Dân số Mỹ chỉ chiếm 4,6% dân số trên toàn thế giới, nhưng GDP chiếm khoảng 27%. Về khoa học - công nghệ, chi phí của Mỹ chiếm 60% chi phí trên toàn thế giới, Mỹ dẫn đầu 27/33 lĩnh vực khoa học mũi nhọn, chiếm 60% bằng phát minh sáng chế của toàn thế giới, hơn 60% giải Nobel là người Mỹ. Mỹ dẫn đầu thế giới về kinh tế tri thức. Chi phí quân sự của Mỹ chiếm 47% chi phí quân sự trên toàn thế giới
(2) 60% người làm việc tại Thung lũng Xi-li-côn (Mỹ) là người ấn Độ hoặc người Mỹ gốc Ấn
(3) Khi Oa-sinh-tơn tuyên bố triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Đông Âu (hệ thống ra-đa ở Cộng hòa Séc và 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan, Krem-li tuyên bố không khó khăn để vô hiệu hóa hệ thống này bằng cách đưa tổ hợp tên lửa “Topol-M” vào chế độ trực chiến hoặc triển khai hệ thống tên lửa chiến thuật hiện đại “Iscander” ở Ka-li-nin-grát và Bê-la-rút. Ngày 28-8-2008, Nga thử thành công tên lửa “Topol-RS.12M” có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ
(4) Cục diện an ninh thế giới lấy năm 1946 làm mốc thời gian (bắt đầu Chiến tranh lạnh đối đầu Mỹ - Xô). Cục diện an ninh Đông Á lấy năm 1950 - khi Trung Hoa lục địa trở thành một nước lớn, một đấu thủ chủ yếu trọng cuộc đấu khu vực - làm mốc thời gian
(5) Tháng 2-1972 Tổng thống Mỹ R. Nich-xơn thăm Trung Quốc và ký Thông cáo chung Thượng Hải
Lê Văn Cương
Thiếu tướng, PGS, TS
TCCS: số 11 (203) năm 2010