Trợ lý Ngoại trưởng James A. Kelly
Bản điều trần trước Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ
Ngày 2 tháng 6 năm 2004
Ngày 2 tháng 6 năm 2004
Thưa
ngài Chủ tịch, thưa các thành viên của Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương,
xin cảm ơn quý vị đã mời tôi đến trình bày về chiến lược của Chính phủ
Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Tôi vui mừng nhận lời mời
này vì chúng ta có nhiều điều tích cực để nói về khu vực năng động và
không ngừng biến đổi này.
Trước tiên, cho phép tôi được cảm ơn
ngài Chủ tịch Leach đã dẫn đầu đoàn đại biểu nhân dân Hoa Kỳ đến tham dự
lễ nhậm chức Tổng thống Đài Loan của ngài Trần Thủy Biển vào ngày 20
tháng 5. Sự quan tâm từ lâu của ngài đối với Đài Loan càng khẳng định sự
kính trọng của chúng ta dành cho nhân dân Đài Loan, nền dân chủ của họ
và cam kết của chúng ta hợp tác với chính phủ mới của ngài Trần Thủy
Biển. Và, sự có mặt của ngài là một tín hiệu rõ ràng đối với Đài Loan và
Trung Quốc về tầm quan trọng của việc giảm bớt căng thẳng tại eo biển
Đài Loan.
Hôm nay tôi không có ý định trình bày nhiều về mối quan
hệ không chính thức của chúng ta với Đài Loan vì vấn đề này đã được đề
cập một cách toàn diện trong bản điều trần ngày 21 tháng 4 của tôi trước
toàn thể Ủy ban. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta hoan nghênh bài phát
biểu nhậm chức của Tổng thống Trần Thủy Biển. Bằng việc đưa ra cam kết
rõ ràng rằng chính phủ của ông sẽ không có những bước đi đơn phương làm
thay đổi hiện trạng và sẵn sàng cởi mở để tìm kiếm thỏa ước với Bắc
Kinh, Tổng thống Trần Thủy Biển đang nỗ lực nối lại cuộc đối thoại giữa
hai bờ eo biển Đài Loan.
Nền dân chủ
Thưa ngài Chủ tịch,
Đông Á đang chuyển động theo những xu hướng thuận lợi và không có gì
quan trọng hơn việc tăng cường thể chế dân chủ trong toàn khu vực.
Các
cuộc bầu cử đáng ghi nhớ vào ngày 15 tháng 4 ở Hàn Quốc đã đưa vào Quốc
hội một loạt các chính trị gia trẻ hơn đại diện cho một thế hệ cử tri
mới. Vào ngày 5 tháng 4, người dân Indonesia đi bỏ phiếu để bầu Quốc hội
mới và cuộc bầu cử được tiến hành tự do, công bằng và thuận lợi mặc dù
có những khó khăn về mặt tổ chức hậu cần ở quốc gia quần đảo to lớn này.
Chúng
ta cũng chức mừng Philippines đã thực hiện các cuộc bầu cử tương đối
bình yên vào cuối tháng trước. Các cuộc bầu cử ở Đài Loan vào tháng 3
khẳng định nền dân chủ non trẻ nhưng mạnh mẽ ở đây và các cuộc bầu cử ở
Malaysia cũng diễn ra thuận lợi và tăng cường vị thế của tân Thủ tướng
Abdullah Badawi.
Trong những tháng tới, các nước Đông Á có thể sẽ
chứng kiến cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp đầu tiên trong lịch sử ở
Indonesia cũng như các cuộc bầu cử ở Mông Cổ, Malaysia, Nhật Bản, Thái
Lan, Singapore, Australia và thậm chí ở Hồng Kông cho một nửa số ghế
trong hội đồng lập pháp ở những nước này. Không một nhà quan sát khó
tính nào còn có thể nghi ngờ về việc thể chế dân chủ đã thực sự bắt rễ ở
Đông Á và đang phát triển.
Loại bỏ các phần tử Hồi giáo cực đoan
Xu
hướng thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh là việc loại trừ trên diện rộng các
phần tử Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á. Mặc dù chúng ta có lý do để
quan ngại về chủ nghĩa khủng bố và đang hợp tác tích cực với các chính
phủ trong khu vực để chống lại nạn khủng bố, nhưng trên thực tế thì số
lượng các phần tử khủng bố tương đối ít và các phần tử Hồi giáo cực đoan
chỉ lôi kéo được một phần rất nhỏ của xã hội.
Toàn khu vực đang
được hưởng thành quả của truyền thống khoan dung lâu đời, đa nguyên
chính trị và ôn hòa về tôn giáo, và Hoa Kỳ tôn trọng sâu sắc truyền
thống đó. Nếu chúng ta bỏ qua điều này, chúng ta sẽ hiểu sai truyền
thống này và mong muốn của đại đa số dân chúng giải quyết các khác biệt
tôn giáo và chính trị một cách hòa bình.
Thịnh vượng và hội nhập
Toàn
khu vực đang chứng kiến sự phát triển thịnh vượng, tăng trưởng mạnh về
tổng sản phẩm quốc nội ở hầu khắp các nền kinh tế, sự chuyển động lành
mạnh, mở cửa hơn nữa của các nền kinh tế và hạ thấp các rào cản thương
mại.
Chúng tôi nhận thấy sự phát triển hợp tác và hội nhập khu
vực ở Đông Á. Điều này diễn ra không chỉ thông qua các diễn đàn truyền
thống như ASEAN, đối thoại an ninh của Diễn đàn Khu vực ASEAN, và diễn
đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mà còn bằng các cơ chế
mới như Đối thoại Sáu bên. Các cuộc đối thoại này có mục đích cụ thể là
giải quyết và loại bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều
Tiên, nhưng rõ ràng nó cũng tạo ra nền tảng cho một diễn đàn Đông Bắc Á
thường xuyên sẽ hình thành vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Một
nhân tố khác là quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế đã tạo ra
sự khác biệt đáng kể cho cuộc sống của người dân ở các nước Đông Á. Ngân
hàng Thế giới báo cáo rằng chỉ riêng ở Trung Quốc, số người sống trong
cảnh cực khổ đã giảm 400 triệu người so với 20 năm trước. Việc gia tăng
buôn bán và đầu tư đã nâng cao mức sống cho hàng triệu người ở Đông Á,
tăng cường phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, và khuyến khích các quốc gia
Đông Á vươn ra ngoài khuôn khổ biên giới của mình tìm kiếm thị trường,
vốn đầu tư, chất lượng giáo dục cao hơn và các ý tưởng mới.
Hòa bình
Cuối
cùng, đây là một khu vực nói chung sống trong hòa bình. Mặc dù có các
cuộc xung đột ly khai địa phương và nguy cơ xung đột lớn ở bán đảo Triều
Tiên và eo biển Đài Loan vẫn tồn tại, các quốc gia lớn trong vùng đang
hợp tác với nhau và cùng xây dựng các mối quan hệ láng giềng chặt chẽ
hơn.
Đồng thời, các xu hướng này đồng bộ với lợi ích và giá trị
của Hoa Kỳ và thực tế đó làm chúng ta cảm thấy lạc quan về tương lai.
Chúng ta tin rằng các vấn đề đáng quan tâm nhất của khu vực – bao gồm đe
dọa khủng bố cũng như Bắc Triều Tiên và eo biển Đài Loan – có thể được
giải quyết bằng hòa bình theo các cách phù hợp với các xu hướng này.
Chúng
ta đang nỗ lực, với sự trợ giúp và phối hợp tích cực của các đối tác
liên minh, để đạt được các mục tiêu chính sách. Khối liên minh của chúng
ta ở Đông Á hiện đang mạnh mẽ và sâu sắc hơn bao giờ hết.
Năm
nước đồng minh truyền thống của chúng ta - Nhật Bản, Hàn Quốc,
Philippines, Australia và Thái Lan – là những đối tác chiến lược của
chúng ta cả trong và ngoài khu vực. Chúng ta cùng các đồng minh đều nhận
thấy những quan tâm và lợi ích chung đang ngày càng tăng lên.
Với
chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng ta nhanh chóng tiến hành các cuộc
thương lượng về việc hiện đại hóa và điều chỉnh sự bố trí lực lượng
quân sự của chúng ta tại các nước này. Về vấn đề này, đã có sự hợp tác
mẫu mực giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, những cơ quan sẽ cùng chủ
trì các cuộc đàm phán này.
Chủ yếu do quá trình toàn cầu hóa,
Nhật Bản hiện đang trong quá trình chuyển biến mạnh mẽ nhất về xã hội và
kinh tế kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai - một sự thay đổi mang
lại những ảnh hưởng quan trọng đối với Liên minh Hoa Kỳ - Nhật Bản và
thế giới. Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò tích cực ở Đông Á, và sự tham
gia tích cực vào các hoạt động của liên minh ở Afghanistan và Iraq càng
làm tăng thêm quyết tâm của Nhật Bản hợp tác tích cực hơn nữa với Hoa kỳ
và các đồng minh khác.
Nghị viện Nhật Bản đã thông qua một đạo
luật có tính lịch sử và gây ra nhiều tranh cãi quyết liệt, đó là cho
phép Lực lượng Tự vệ của mình được triển khai ở nước ngoài. Quyết định
của Nhật Bản cho phép chuyển gần 1.000 quân đến Iraq và các vùng lân cận
để trợ giúp về nhân đạo, tái thiết và hỗ trợ bằng hàng không, và sự ủng
hộ của Nhật Bản đối cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố đã trở thành
biểu tượng cho chính sách ngoại giao tích cực và hướng ngoại của Nhật
Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Koizumi.
Việc triển khai quân
đi cùng rất nhiều các hoạt động khác do Nhật Bản thực hiện vì người dân
Iraq, bao gồm cam kết viện trợ 5 tỷ đô-la trong 4 năm tại Hội nghị
Mađrit, và cam kết giải quyết vấn đề nợ nước ngoài khó trả của Iraq.
Nhật Bản sẽ tiếp tục cung cấp nhiên liệu miễn phí để ủng hộ những nỗ lực
ngăn chặn trong Chiến dịch Tự do Vĩnh cửu và đóng một vai trò quan
trọng trong nhiệm vụ hàng đầu là khôi phục lại hệ thống đường cao tốc
của Afghanistan.
Kinh tế Nhật Bản đang trên đà phục hồi và chúng
ta hy vọng rằng quá trình này sẽ được duy trì, đem lại sự tăng trưởng
liên tục và việc tiếp tục chính sách ngoại giao mạnh mẽ hỗ trợ cho các
mục tiêu chung của chúng ta.
Chúng ta cũng rất vui mừng trước sự
tiếp tục ủng hộ của Chính phủ Hàn Quốc đối với cuộc chiến chống khủng bố
và việc gửi 3.000 quân tới Iraq. Hàn Quốc là nước đứng thứ ba trong
việc đóng góp quân cho lực lượng đồng minh sau Hoa Kỳ và Anh. Đây là
diễn biến rất đáng hoan nghênh của một đồng minh trung thành, một đối
tác thương mại lớn và một nước có nhiều đóng góp nghiêm túc cho sự ổn
định trong khu vực và trên toàn cầu.
Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên
bố rõ ràng rằng họ hiểu ý nghĩa của việc chuyển một bộ phận của Sư đoàn
bộ binh số 2 của quân đội Hoa Kỳ từ Hàn Quốc sang Iraq, chấp nhận việc
này là một biện pháp cần thiết và tin tưởng rằng việc triển khai quân
này không gây ra bất kỳ sự đe dọa nào đối với ổn định trên bán đảo Triều
Tiên. Tình hình hiện nay tại Iraq đã thay đổi nhanh chóng và điều này
đòi hỏi phải có kế hoạch chu đáo và những phản ứng kịp thời của quân đội
chúng ta.
Là một đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ, kể từ sự kiện
ngày 11 tháng 9, Philippines đã trở thành một đối tác quý giá, ủng hộ và
chia sẻ các mục tiêu chính sách của chúng ta, gửi nam nữ quân nhân của
họ tới giúp đỡ chúng ta tại Iraq và lập lại trật tự ở những khu vực khác
trên thế giới. Và Hoa Kỳ đã đáp lại bằng trợ giúp đào tạo chống khủng
bố cho quân đội Philippines để giúp ngăn chặn bạo lực và khủng bố ở
trong nước.
Trên thực tế, bằng việc chấp nhận gánh vác các trách
nhiệm lớn hơn, mỗi đồng minh của chúng ta ở châu Á – và đặc biệt là
Australia và Thái Lan – đã có những đóng góp quan trọng vào nỗ lực ổn
định tình hình ở Iraq và Afghanistan – dù đó là viện trợ phát triển nước
ngoài, hỗ trợ kỹ thuật hay gửi quân chiến đấu. Các đồng minh của chúng
ta đã chứng tỏ sự cống hiến của họ không chỉ bằng hỗ trợ vật chất rất to
lớn mà còn bằng tổn thất sinh mạng của nhiều người.
Những nước
không phải là đồng minh trực tiếp cũng có thể là các đối tác hiệu quả
trong việc xây dựng an ninh khu vực và chúng ta đang tăng cường quan hệ
với những nước này. Đáng chú ý nhất là chúng ta đang đàm phán với
Singapore để ký Hiệp định Khung Chiến lược nhờ đó sẽ mở rộng hợp tác
quốc phòng của chúng ta trong cuộc chiến chống khủng bố và phổ biến vũ
khí hủy diệt hàng loạt. Đây là kết quả cụ thể sau chuyến đi thăm
Singapore vào tháng 10 năm 2003 của Tổng thống Bush.
Quan hệ đã
được phục hồi giữa chúng ta với Trung Quốc góp phần củng cố nhưng cũng
làm phức tạp hơn nhận định lạc quan của chúng ta. Trung Quốc sẽ đóng vai
trò quan trọng trong việc định hướng tương lai của châu Á mặc dù bức
tranh chính trị, kinh tế và xã hội của châu Á sẽ ra sao trong 50 năm tới
vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Hiện nay, Trung Quốc là đối tác
thương mại lớn thứ ba của chúng ta trong tổng kim ngạch mậu dịch 180 tỷ
đô-la năm 2003 và là thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất của
chúng ta, với kim ngạch xuất khẩu tăng gần 40% trong quý I năm 2004. Tất
nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tiếp tục vượt xa kim ngạch
xuất khẩu của chúng ta nhưng Trung Quốc đang chịu thâm hụt thương mại
trên phạm vi toàn cầu.
Quá trình tiếp tục tăng trưởng của kinh tế
Trung Quốc – với mức tăng chóng mặt gần 10% trong quý I – tạo thêm
nhiều cơ hội có lợi cho thương mại của Hoa Kỳ. Sự tăng trưởng này cũng
đồng nghĩa với việc nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc về hàng hóa và năng
lượng đang tạo ra những thiếu hụt và sức ép giá cả trên thị trường thế
giới. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới sau
Hoa Kỳ và chiếm 35% lượng tăng cầu về dầu mỏ trên thế giới năm 2003. Rõ
ràng, mậu dịch của Trung Quốc đang làm thay đổi cách thức tiêu thụ và
sản xuất hàng hóa trên toàn thế giới và các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải
mang trọng trách lớn để tránh cho nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.
Kế
hoạch to lớn của Trung Quốc nhằm duy trì tiếp cận thị trường Hoa Kỳ và
khu vực, và bảo vệ cơ chế thương mại quốc tế đã có tác động đối với
chính sách đối nội và đối ngoại của nước này. Trong cuộc họp vào tháng 4
của Ủy ban hỗn hợp về Thương mại và Mậu dịch, chúng ta đã đạt được một
số tiến bộ quan trọng về các vấn đề thương mại với Trung Quốc trong các
lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn mật mã vô tuyến, quyền thương
mại và dịch vụ phân phối.
Chúng ta có thể sẵn sàng dành một số
buổi điều trần về quan hệ phức tạp của chúng ta với Trung Quốc, bao gồm
những vấn đề bức thiết như không phổ biến vũ khí hạt nhân, tuân thủ
nguyên tắc và quy định của WTO và những nỗ lực của chúng ta trong việc
thúc đẩy dân chủ, cải cách luật pháp và nhân quyền.
Trong lĩnh
vực then chốt là an ninh, với tư cách là một đối tác vững chắc và tin
cậy trên mặt trận chống khủng bố và tham gia tích cực vào các cuộc đối
thoại sáu bên, Trung Quốc đã chứng tỏ rằng khi lợi ích của họ và chúng
ta thống nhất với nhau sẽ tác động tích cực đến việc nâng cao ổn định
khu vực. Trung Quốc cũng thể hiện cam kết sẵn sàng đảm nhận các trách
nhiệm toàn cầu.
Trong các lĩnh vực khác, Trung Quốc đang tích cực
thay đổi tình hình hiện nay. Họ đang mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á
bằng cách nâng cao sự có mặt về ngoại giao, tăng viện trợ cho nước ngoài
và ký các thỏa thuận song phương và khu vực mới.
Tôi xin lưu ý
rằng sau một cuộc gặp gần đây giữa các quan chức cao cấp của Trung Quốc
và Cambodia, đã có 25 thỏa thuận song phương được ký kết. Những thỏa
thuận này bao gồm từ việc tiến hành các nghiên cứu khả thi xây dựng một
nhà máy thủy điện đến các thỏa thuận viện trợ không hoàn lại và cho vay
để xây dựng các nhà máy dệt và xi-măng, phát triển du lịch, đường cao
tốc và phát triển một câu lạc bộ chơi golf. Những thỏa thuận này không
có giá trị đáng kể về tài chính nhưng chúng là dấu hiệu cho thấy Trung
Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế mới có để mở rộng sự có mặt và ảnh
hưởng chính trị tại các nước láng giềng ở phía nam. Mặc dù chúng ta hoan
nghênh sự tham gia có tính xây dựng của Trung Quốc ở khu vực châu
Á-Thái Bình Dương, chúng ra cần đảm bảo rằng Hoa Kỳ vẫn hoàn toàn giữ
được liên hệ đầy đủ với các quốc gia Đông Nam Á.
Giai đoạn giao thời
Thưa
ngài Chủ tịch, những xu hướng hiện tại ở Đông Á không phải là những ý
tưởng trừu tượng hoặc khái niệm học thuật. Chúng đang thúc đẩy những
thay đổi cụ thể và không ngờ trong đời sống của mỗi người dân và trong
chính sách của chính phủ. Chuyến đi của tôi đến Indonesia, Việt Nam và
Hồng Kông vào tháng trước lại cho tôi ấn tượng rằng đây là giai đoạn
giao thời ở Đông Á.
Tháng trước tại Jakarta, sự phấn khởi của
người dân đối với cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5 tháng 7 sắp tới là
hoàn toàn có thể cảm nhận được. Cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu
tiên ở Indonesia là một bước tiến đáng kể trong sự phát triển các thiết
chế dân chủ ở quốc gia này. Một tổng thống có trách nhiệm trước các cử
tri Indonesia sẽ có thể đáp ứng những yêu cầu của đất nước một cách hiệu
quả hơn. Kết quả của cuộc bầu cử có thể có những ý nghĩa mạnh mẽ vì một
nền dân chủ Indonesia vững mạnh và thịnh vượng sẽ chứng tỏ rằng nền dân
chủ và đạo Hồi không phải là không thể tương thích với nhau.
Ở
Yogyakarta, khi tôi dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tới cuộc họp quan chức cao
cấp tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào tháng trước, tôi có dịp đến
thăm các đền thờ đạo Hindu và Phật giáo. Chúng tồn tại trong sự thanh
bình và niềm tự hào giữa các đền thờ Hồi giáo chiếm đa số trong vùng, và
tôi cũng thấy có cả các nhà thờ Thiên chúa giáo. Tôi bị bất ngờ bởi sự
khoan dung độ lượng của cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số ở Indonesia, đất
nước có số tín đồ Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Cũng trong chuyến
vừa qua, tôi đã tham dự một cuộc đối thoại chính trị lần đầu tiên trong
gần 30 năm qua với các quan chức cao cấp của Việt Nam ở Hà Nội và Thành
phố Hồ Chí Minh. Đã có những sự thay đổi đặc biệt và tôi rất ấn tượng
bởi sự thịnh vượng và hoạt động kinh doanh của người dân Việt Nam và sự
quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng các quan hệ mật
thiết hơn với Hoa Kỳ.
Chúng ta đang phát triển quan hệ hợp tác
kinh tế với Việt Nam thông qua hiệp định thương mại song phương dẫn đến
những gia tăng đáng kể về thương mại giữa hai nước. Sự gia tăng này cũng
đồng thời gây ra những va chạm không thể tránh khỏi và chúng ta đang cố
gắng giải quyết. Chúng ta tiếp tục nhận được sự hợp tác của Việt Nam
trong lĩnh vực tìm kiếm tù binh và người Mỹ mất tích (POW/MIA) và tôi
xin lưu ý rằng quan hệ quân sự giữa hai nước cũng đã phát triển. Chúng
ta nhận thấy xu hướng tích vực trong các nỗ lực hợp tác chống buôn lậu
ma túy và chống khủng bố. Lĩnh vực quan tâm nhất mà chúng ta vẫn chưa
thấy có sự tiến bộ tích cực mà chúng ta muốn thấy là về nhân quyền.
Có
thể so sánh quan hệ hiện nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bằng hình tượng
một con sông. Quan hệ song phương của chúng ta hiện nay vững chắc, sâu
sắc và tiến triển thuận lợi. Vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo là
những xoáy nước và dòng nghịch lưu làm chậm lại các tiến bộ cần có.
Chúng ta tiếp tục giải quyết những vấn đề này thông qua các cuộc trao
đổi thẳng thắn đồng thời với những phát triển tích cực trong quan hệ của
chúng ta. Khi tôi gặp Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao, tôi nhấn
mạnh rằng tôn trọng nhân quyền là vì lợi ích lớn nhất của chính Việt
Nam, không phải để đối phó với những chỉ trích của quốc tế mà là để cho
người dân Việt Nam phát huy hết khả năng của họ.
Mặc dù trong
chuyến đi này tôi chỉ dừng chân ở Hồng Kông trong chốc lát nhưng tôi đã
đi qua đây nhiều lần. Tôi thông cảm với sự thất vọng của nhiều người đối
với quyết định của Bắc Kinh ngày 26 tháng 4 làm chậm lại tiến trình
thành lập một chính phủ đại diện thông qua bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu
phổ thông. Tôi hoan nghênh những quan ngại của họ về những hành động
buộc nhiều cá nhân không được bày tỏ những quan điểm khác với quan điểm
của Bắc Kinh.
Theo tôi, quyết định ngày 26 tháng 4 của Bắc Kinh
phản ánh sự thiếu hiểu biết về sự tinh tế và lòng yêu nước của các cử
tri Hồng Kông. Cơ chế một nước hai chế độ có thể đang bị xói mòn. Người
dân Hồng Kông hiểu rằng tự do báo chí, một xã hội có giáo dục và pháp
quyền - những nền tảng của chính phủ đại diện đã hiện hữu bấy lâu này ở
Hồng Kông – đã trở thành những đặc điểm chủ yếu của xã hội dân sự Hồng
Kông. Những nền tảng này cũng mang lại cho các nhà đầu tư và kinh doanh
quốc tế niềm tin vào tương lai của Hồng Kông.
Hoa Kỳ cam kết ủng
hộ quyền tự chủ của Hồng Kông và bảo vệ những quyền tự do cơ bản của
người dân, và chúng ta khuyến khích Chính phủ Hồng Kông – như tôi đã nói
với ông Đổng Kiến Hoa trong cuộc gặp ngày 16 tháng 5 – cần đáp ứng
nguyện vọng của người dân Hồng Kông. Nếu làm ngơ trước nguyện vọng này,
ông ta và Bắc Kinh sẽ làm suy yếu những nền tảng căn bản giúp cho Hồng
Kông tiếp tục tốt đẹp. Chúng ta sẽ quan tâm theo dõi những cuộc biểu
tình hòa bình dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này, kỷ niệm 15 năm sự kiện
Thiên An Môn.
Chính sách tại thời điểm thay đổi
Đứng đầu
trong danh sách các ưu tiên về chính sách của chúng ta là cuộc chiến
chống khủng bố, mối đe dọa không chỉ riêng đối với quốc gia nào nhưng
lại nguy hiểm nhất tại khu vực Đông Nam Á. Vì đây là hoạt động xuyên
quốc gia, nên khủng bố phải được giải quyết thông qua hợp tác khu vực và
đó là tâm điểm của các nỗ lực của chúng ta.
Các chính phủ trong
khu vực đã đưa ra xét xử hàng trăm tên khủng bố nhưng vẫn còn rất nhiều
việc phải làm để dập tắt những âm mưu tấn công khủng bố chắc chắn sẽ xảy
ra trong tương lai.
Chúng ta đang giải quyết vấn đề khủng bố
thông việc việc kết hợp giữa trao đổi thông tin tình báo, hoạt động cảnh
sát và viện trợ trong việc nâng cao năng lực chống khủng bố. Một trường
hợp điển hình là Indonesia nơi chúng ta đang hỗ trợ lực lượng Cảnh sát
Quốc gia thành lập và đào tạo Lực lượng Đặc nhiệm Chống Khủng bố. Các
thành viên của lực lượng này đang tham gia điều tra các vụ phạm tội của
bọn khủng bố như vụ nổ bom tại khách sạn Marriott ở Jakarta năm ngoái.
Chúng
ta có lý do để tin rằng bọn khủng bố có thể chuyển sang các mục tiêu dễ
dàng hơn, bao gồm các con đường trên biển xung yếu có nhiều tàu thuyền
và hàng hóa đi qua. Chúng ta đang thử nghiệm những biện pháp để nâng cao
an ninh hàng hải và trao đổi những ý tưởng về việc thành lập một cơ chế
hợp tác đối tác giữa các quốc gia trong khu vực có quan tâm và giải
quyết những mối đe dọa đối với hàng hải xuyên quốc gia theo luật pháp
hiện hành của quốc tế và trong nước.
Mặc dù ý tưởng của chúng ta
sẽ phát triển thêm trong quá trình tiếp tục tham vấn với các nước trong
khu vực, nỗ lực chung cần phải giúp cho mỗi quốc gia có được thông tin
kịp thời và khả năng cần có để chống lại những sự đe dọa về hàng hải
trong khu vực lãnh hải của mỗi nước. Như vậy, mỗi nước sẽ có thể tự
quyết định cần phải có phản ứng như thế nào trong vùng biển của mình.
Những gì mà Hoa Kỳ có thể giúp đỡ trong vấn đề này sẽ được các nước Đông
Nam Á cho biết qua quan điểm của họ nhưng có thể chắc chắn sẽ bao gồm
công nghệ, đào tạo và các hỗ trợ xây dựng năng lực khác.
Dưới sự
bảo trợ của ARF, chúng ta đang lập kế hoạch để cùng Indonesia và
Malaysia đồng tổ chức một cuộc hội thảo về an ninh hàng hải vào tháng 9
năm 2004 tại Kuala Lumpur để xây dựng năng lực và cách nhìn toàn diện
hơn về môi trường hàng hải và giải quyết các vấn đề tiềm ẩn.
Trong
khuôn khổ APEC, chúng ta đang hợp tác để cải thiện an ninh cho du lịch
và vận chuyển, thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc tế về không phổ biến vũ khí
hủy diệt hàng loạt, tăng cường quản lý xuất khẩu và giúp các thành viên
APEC đáp ứng các quy định về an toàn tàu biển và phương tiện cảng biển
quốc tế (ISPS) theo yêu cầu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
Ngoài
chủ nghĩa khủng bố và những biến tướng của nó, chúng ta đang đối mặt với
một loạt mối đe dọa nguy hiểm đối với sự ổn định và thịnh vượng ở khu
vực Đông Á. Những đe dọa này bao gồm chương trình vu khí hạt nhân của
Bắc TriềuTiên, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và những vấn đề
xuyên quốc gia, và ở một vài nước là sự thống trị của những chế độ độc
tài và các vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Tiến trình Đối
thoại Sáu Bên được hình thành vững chắc và thậm chí những nước trong
khu vực không trực tiếp liên quan đến các cuộc đối thoại này cũng ủng hộ
cao tiến trình này. Hai phiên họp toàn thể vào tháng 8 năm 2003 và
tháng 2 năm 2004 rõ ràng đã đặt ra những nguyên tắc cơ bản cho việc phi
hạt nhân hóa toàn diện – cái mà chúng ta gọi là "CVID", tháo dỡ hoàn
toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược được; thực tế là Bắc Triều
Tiên tự họ đã tuyên bố công khai và trong các cuộc họp rằng mục đích
cuối cùng của họ là phi hạt nhân hóa.
Các phiên họp của nhóm công
tác vào giữa tháng 5 tại Bắc Kinh đã mang lại cho các bên tham dự cuộc
đối thoại một cơ hội để giải thích quan điểm của mình. Chúng ta mong chờ
cuộc gặp thứ ba sẽ sớm diễn ra với một cuộc họp trù bị của nhóm công
tác sẽ được tổ chức ngay trước đó. Trong phiên họp của nhóm công tác vào
tháng 5, các bên bắt đầu tìm hiểu cơ cấu của một giải pháp - với những
hành động cụ thể của Bắc Triều Tiên và các biện pháp tương ứng của các
bên khác theo một cơ chế phối hợp chung. Tại cuộc họp tới của nhóm công
tác và phiên họp toàn thể, chúng ta hy vọng sẽ phát huy được sự hợp tác
đang tăng lên để đi đến một giải pháp có thể.
Kinh nghiệm ở Libi
đã cho chúng ta thấy một quốc gia có thể thay đổi các chính sách mà vẫn
giữ được sự toàn vẹn chủ quyền và độc lập. Bắc Triều Tiên nên xem xét
cẩn thận cách làm này.
Chúng ra đã hoàn toàn ủng hộ chuyến đi của
Thủ tướng Koizumi đến Bình Nhưỡng. Chúng ta vui mừng thấy rằng năm
người bị bắt cóc đã được phép trở về Nhật Bản và Thủ tướng Nhật Bản
khẳng định sự ủng hộ với nội dung của CVID trong các cuộc hội đàm trực
tiếp với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Chính Nhật. Nhật Bản đã đưa vấn
đề người bị bắt cóc vào chương trình nghị sự với Bắc Triều Tiên ngay cả
khi họ tiếp tục gây sức ép về vấn đề phi hạt nhân hóa. Tương tự, chúng
ta duy trì các vấn đề về nhân quyền với Bắc Triều Tiên như một phần
trong chương trình nghị sự của chúng ta. Hợp tác song phương với Nhật
Bản và hợp tác ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục củng cố phương
châm của chúng ta trong các cuộc Đối thoại Sáu Bên.
Để giải quyết
vấn đề không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chúng ta đang nỗ lực
tiến tới thực hiện một sáng kiến toàn cầu, Sáng kiến An ninh về Phổ biến
vũ khí (PSI), nhằm tìm cách nâng cao hợp tác và phối hợp giữa các nước
trên thế giới để ngăn chặn việc buôn lậu bất hợp pháp liên quan đến phổ
biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Mặc dù không trực tiếp nhằm vào Bắc
Triều Tiên nhưng họ vẫn bị ảnh hưởng bởi PSI vì họ là nước đi đầu trên
thế giới trong việc phổ biến tên lửa và công nghệ chế tạo tên lửa. Điều
quan trọng là phải khẳng định rằng sáng kiến PSI là tự nguyện và hoàn
toàn phù hợp với thẩm quyền hợp pháp của quốc gia và luật pháp quốc tế.
Để
giải quyết nạn buôn tiền giả và buôn lậu ma túy, chúng ta đang xây dựng
Sáng kiến Chống Hoạt động Bất hợp pháp với sự hợp tác của nhiều nước
khác. Với sự hỗ trợ của chúng ta, Nhật Bản đã đi đầu trong việc đào tạo
về quản lý xuất khẩu và cử chuyên gia ngoại tuyến cho các sáng kiến này.
Là
một ngoại lệ đối với các xu hướng mà tôi vừa trình bày, Myanmar là chế
độ độc tài quân sự duy nhất vẫn còn tồn tại trong ASEAN. Bằng cách thành
lập Quốc hội mà không có sự tham gia của các nhóm chính trị đối lập chủ
yếu, bắt giữ Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo dân chủ khác, không
giải quyết các vi phạm nhân quyền tồi tệ, Myanmar đã gây ra sự lo sợ
trong khu vực. Rõ ràng, một quốc hội mà không hội đủ tất cả những thành
tố của xã hội Myanmar thì không thể đại diện chân chính cho nhân dân
Myanmar và thiếu tính hợp pháp cần có để đạt được bất kỳ tiến bộ thật sự
nào về dân chủ hoặc hòa giải dân tộc.
Trên thực tế, một năm sau
ngày 30 tháng 5 năm 2003, vụ tấn công đối với Aung San Suu Kyi, người
dân Myanmar không thấy có sự tiến bộ thêm nào về vấn đề hòa giải dân tộc
và trách nhiệm đối với các vụ vi phạm nhân quyền. Chúng ta hối thúc
Chính phủ Myanmar phải phóng thích ngay các tù nhân chính trị. Chúng ta
ủng hộ đảng Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD) và chúng ta tin rằng Chính
phủ Myanmar cần cho phép NLD trở lại hoạt động và tham gia vào một cuộc
đối thoại thật sự và minh bạch.
Vì những hạn chế của chúng ta đối
với hàng hóa nhập khẩu từ Myanmar thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ thái độ
không chấp nhận của chúng ta đối với những diễn biến ở Myanmar, chúng ta
ủng hộ việc mở rộng những hạn chế này. Đó là những thành tố then chốt
trong chính sách của chúng ta trong việc mang lại dân chủ và nhân quyền
cho Myanmar và chúng ta sẽ giữ thái độ cho đến khi có những tiến bộ cụ
thể trong cả hai lĩnh vực này.
Tôi cần lưu ý tằng Thái Lan cũng
phải đối mặt với những khó khăn bởi sự gia tăng các vụ bạo lực kể từ đầu
năm tại các tỉnh phía nam, nơi đạo Hồi là tôn giáo chủ yếu. Những vụ
này bao gồm tấn công trường học, đánh bom, giết hại cảnh sát và các quan
chức cũng như hàng loạt các vụ tấn công các đồn cảnh sát làm hàng trăm
người chết.
Có nhiều lý do dẫn đến những sự việc này, bao gồm
việc chính phủ thiếu quan tâm tới những diễn biến xã hội và chính trị
gần đây ở các tỉnh miền nam. Thủ tướng Thái Lan đã đi thăm khu vực này
và các cơ quan Chính quyền Thái Lan đang xem xét tình hình một cách cẩn
thận, tăng cường an ninh và có những biện pháp để giải quyết vấn đề.
Chúng ta tin rằng họ sẽ tìm ra được một giải pháp cho tình hình hiện
nay.
Cuối cùng tôi xin lưu ý rằng tôi đã thường xuyên nhắc tới
những tổ chức khu vực trong suốt bài điều trần. Sự phát triển liên tục
của những tổ chức này có ý nghĩa rất căn bản đối với Đông Á. Chúng là
những nền tảng của hợp tác khu vực đối với vấn đề tội phạm xuyên quốc
gia, buôn người, bệnh truyền nhiễm, bảo vệ môi trường cũng như chống
khủng bố quốc tế.
Mục đích chuyến đi của tôi đến Indonesia vào
tháng 5 là dẫn đầu phái đoàn của Hoa Kỳ tham dự cuộc họp Quan chức Cao
cấp ARF. ARF đang trở thành một diễn đàn ngày càng hiệu quả trong việc
trao đổi quan điểm và xây dựng hợp tác an ninh khu vực. Nó đã đảm nhận
các trách nhiệm mới trong những lĩnh vực như an ninh vận chuyển mà vài
năm trước đây vẫn chưa được đề cập tới.
Với sự tham dự tích cực
của chúng ta, ARF đã đưa ra bốn tuyên bố trong hai năm vừa qua nhằm
khuyến khích các nước có những hành động cụ thể của riêng mình hoặc theo
cơ chế đa phương trong cuộc chiến chống khủng bố, không phổ biến vũ khí
hủy diệt hàng loạt và tội phạm xuyên quốc gia. ARF có thể vẫn là một
"diễn đàn" nhưng nó ngày càng hữu ích để thúc đẩy hành động chung. Vào
tháng 7, các Bộ trưởng ARF cũng sẽ thông qua việc tăng cường ARF như một
thiết chế bằng việc thành lập một Ban Thư ký thường trực, dù hãy còn
nhỏ về quy mô.
Với sự phát triển gần đây của những tổ chức khu
vực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một vài tổ chức trong số này
không có sự tham gia của Hoa Kỳ, chúng ta cần tăng cường những tổ chức
mà chúng ta là thành viên, như của ARF, ASEAN, và APEC.
Chúng ta
đang tiến tới mạnh mẽ để thực hiện Kế hoạch hợp tác ASEAN của Ngoại
trưởng Powell để tìm cách tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN, và
nâng cao hợp tác trên hàng loạt những vấn đề xuyên quốc gia trọng yếu,
từ việc bảo vệ sở hữu trí tuệ đến quản lý thiên tai và chống khủng bố.
Chúng
ta cũng đang thực hiện Sáng kiến Doanh nghiệp cho ASEAN (EAI) của Tổng
thống để mở ra khả năng ký các hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ và
các nước ASEAN cam kết mở cửa và cải cách. Singapore là nước hưởng lợi
đầu tiên từ hiệp định thương mại tự do trong chương trình EAI và chúng
ta sẽ bắt đầu đàm phán với Thái Lan vào cuối tháng này. Ngoài ra, chúng
ta đã tăng cường đối thoại thương mại với các nước như Malaysia,
Indonesia, Philippines, Bruney và Việt Nam như một phần của AEI. Chúng
ta cũng ủng hộ Quan hệ Thương mại Bình thường với Lào. Thương mại là một
công cụ mạnh để có những thay đổi tích cực tại bất cứ đâu ở Đông Á và
cũng có thể là lực đẩy để đạt được tiến bộ tại Lào.
Trong APEC,
vì phát triển kinh tế và an ninh bố sung cho nhau, nên chúng ta đang
theo đuổi đồng thời cả hai vấn đề này. Chúng ta muốn APEC đẩy mạnh tự do
hóa thương mại bằng cách khởi động lại đàm phán về Chương trình nghị sự
Phát triển Doha của WTO để tìm cách tăng cường tiếp cận thị trường nông
sản, hàng công nghiệp và dịch vụ, chấm dứt trợ cấp nông nghiệp, đạt
được tiến bộ trong các cuộc đàm phán về dịch vụ và mở rộng thuận lợi hóa
thương mại.
Năm ngoái tại cuộc họp ở Bangkok, 21 nhà lãnh đạo
APEC đã nhất trí tập trung vào vấn đề đảm bảo an ninh cá nhân cũng như
thúc đẩy thịnh vượng kinh tế. Họ đã đồng ý triệt hạ các nhóm khủng bố,
loại bỏ nguy cơ vũ khí hủy diệt hàng loạt và đương đầu với những mối đe
dọa về an ninh. Đối với năm 2004, điều quan trọng là các nhà lãnh đạo
cần tiếp tục giữ cam kết bằng việc nâng cao an ninh cảng khẩu, tuân thủ
quy định không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tăng cường quản lý
xuất khẩu và xây dựng kế hoạch hành động MANPADS (Man Portable Air
Defense Systems - hệ thống phòng không vác vai).
Tóm lại, chúng
ta có một bộ chính sách đầy đủ và tích cực cho khu vực Đông Á-Thái Bình
Dương trong tiến trình của khu vực này hướng tới tương lai. "Không gì có
thể còn mãi trừ sự thay đổi" ở Đông Á, nhưng chúng ta được khích lệ bởi
những tiến bộ như đã thấy trong khu vực và lạc quan rằng các nỗ lực của
chúng ta sẽ thành công.
Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_wf020604.html