Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

29. Hậu khủng hoảng: Thất nghiệp và những hệ lụy

TCCSĐT - Theo báo cáo thường niên của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) với nhan đề “Những khuynh hướng việc làm toàn cầu năm 2010” công bố hồi tháng 1-2010, số người thất nghiệp trên toàn thế giới gần chạm mốc 212 triệu năm 2009 – mức tăng chưa từng thấy so với 34 triệu người của năm 2007 – thời điểm khởi nguồn khủng hoảng toàn cầu.
Vấn nạn thất nghiệp…
Báo cáo cũng cho thất tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp tăng thêm 1,6% so với năm 2007, chiếm 13,4% năm 2009. Dựa trên những dự đoán kinh tế của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), ILO ước tính tỷ lệ thất nghiệp của toàn cầu vẫn tăng cao năm 2010.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp tại các nền kinh tế phát triển và Liên minh châu Âu nhảy vọt từ 5,7% năm 2007 và 6,0% năm 2008 lên 8,4% năm 2009, chiếm 40% trong mức tăng tỷ lệ thất nghiệp của cả thế giới kể từ 2007, tương đương hơn 13,7 triệu người (riêng năm 2009 đã có gần 12 triệu người). Dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại đây vẫn tiếp tục “leo thang”, lên 8,9% năm 2010. Nhân công làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề hơn lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ.
Tại vùng cận Sa-ha-ra của châu Phi, tỷ lệ thất nghiệp tăng tới 8,2% năm 2009 và có thể vẫn giữ nguyên cho đến năm 2010. Tại Bắc Phi, tỷ lệ thất nghiệp ước tính đạt 10,5% năm 2009 và tiếp tục gia tăng lên 10,6% năm 2010, tương đương 300 nghìn người.
Con số này ở khu vực Trung Đông tăng không đáng kể trong hai năm từ 2007 đến 2009 và được dự đoán là cũng không có nhiều thay đổi vào năm 2010, chạy quanh mốc 9,3%.
Tại Mỹ La-tinh và khu vực Địa Trung Hải, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 7% năm 2008 lên 8,2% năm 2009, tức 4 triệu người không có công ăn việc làm. Tuy nhiên, một viễn cảnh tươi sáng hơn hé mở vào cuối năm 2009 khi tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán là giảm nhẹ xuống gần 8,0%.
Còn ở Đông Á, tỷ lệ thất nghiệp mấp mé 4,4% năm 2009, tăng từ 4,3% năm 2008 và 3,8% năm 2007 và cũng có xu hướng giảm nhẹ xuống 4,3% năm 2010.
Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương: tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,2% so với năm 2007, lên 5,6% năm 2009, và có khả năng giữ ổn định năm 2010.
Vùng Trung và Đông Nam Âu (không thuộc Liên minh châu Âu) và Khối thịnh vượng phải hứng chịu cú sốc nặng nề nhất về tăng trưởng kinh tế năm 2009 so với tất cả các khu vực trên thế giới, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp là 10,3% năm 2009, năm 2007 là 8,3%. Năm 2010 có khả năng giảm nhẹ xuống 10,1%.
…và hệ lụy cắt giảm ngân sách…
Báo cáo “Những khuynh hướng việc làm toàn cầu năm 2010” cho biết, những biện pháp kích thích kinh tế đã ngăn ngừa được thảm họa kinh tế-xã hội nhưng hàng triệu phụ nữ và nam giới vẫn không có việc làm, không được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay bất kì hình thức bảo vệ xã hội nào.
Để cứu vãn nền kinh tế khỏi cơn suy thoái, nhiều nước châu Âu đã đồng loạt thực hiện chính sách cắt giảm ngân sách quốc gia, do đó, khoản tiền dành cho hệ thống an sinh xã hội của châu Âu cũng bị giảm sút nghiêm trọng, khiến cuộc sống của người dân châu Âu “không còn như trên thiên đường” với trợ cấp thất nghiệp cao, chế độ thai sản tuyệt vời, tuổi nghỉ hưu là 60, học phí chỉ mang tính tượng trưng…
Hy Lạp, nơi “mở màn” khủng hoảng nợ công đã thông qua kế hoạch cắt giảm ngân sách trị giá 30 tỉ ơ-rô để đổi lấy khoản cứu trợ gần 1000 tỉ đô-la Mỹ, khoản tiền này trước đó được công bố là 160 tỉ đô-la Mỹ. Tiếp theo đó, một loạt các nước châu Âu như Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đều áp dụng biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.
Hồi tháng 5, I-ta-li-a đưa ra cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách 24 tỉ ơ-rô (tương đương 30 tỉ đô-la Mỹ) từ tháng 5 cho đến năm 2012. Ngày 25-5, sau cuộc đàm phán với Đảng Nhân dân Đan Mạch cực hữu, Chính phủ Đan Mạch đã quyết định cắt giảm chi tiêu công khoảng 24 tỉ cua-ron (tương đương 4,37 tỉ đô-la Mỹ) trong 3 năm tới. Kế hoạch khắc khổ này bao gồm việc cắt giảm phúc lợi xã hội (gồm khoản bồi thường thất nghiệp và hạn chế trợ cấp cho trẻ em) và hoãn kế hoạch giảm thuế cho những đối tượng có thu nhập cao nhằm duy trì mức thâm hụt ngân sách ở dưới mức tương đương 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2013.
Ngay cả nền kinh tế lớn nhất châu Âu như Đức hôm 8-6 cũng công bố một loạt chính sách nhằm tiết kiệm khoảng 80 tỉ đô-la từ thời điểm công bố đến năm 2014, trong đó số tiền dành cho chăm sóc y tế và trợ cấp thất nghiệp giảm đáng kể.
Tương tự, Pháp xóa bỏ một số chính sách miễn giảm thuế, ngừng các chương trình chi tiêu tốn kém kể từ năm 2011. Trong khi đó, Chính phủ Anh dự định cắt giảm chi tiêu tới 40%, nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 đối với nữ và từ 65 lên 66 đối với nam. Tín dụng thuế dành cho trẻ em và khoản thưởng khi sinh con cũng bị cắt giảm.
Mới đây, ngày 29-9, với mục đích tránh tái diễn một cuộc khủng hoảng nợ công xảy ra vào mùa hè năm 2010 và ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn đối với đồng ơ-rô trong tương lai, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố cách thức trừng phạt những nước thành viên vi phạm quy định ngân sách của tổ chức này. Theo đó, những nước nào phá vỡ các quy định về ngân sách quốc gia (chỉ được phép thâm hụt ngân sách trong khoảng 3% GDP, đồng thời phải giảm hiệu quả tổng nợ tới 60% GDP) sẽ phải nộp một khoản tiền phạt trị giá 0,2% GDP của nước đó. Chính phủ nước nào không thực thi những kế hoạch đối phó với vấn đề “mất cân bằng kinh tế” do EC yêu cầu sẽ phải nộp một khoản phạt riêng chiếm 0,1% GDP của cả nước. Các thành viên thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung ơ-rô sẽ chi trả số tiền phạt này bằng một tài khoản vì thế EC có thể dễ dàng khấu trừ nếu các nước này vẫn nhất nhất không tuân theo quy định về ngân sách. Mức phạt trên cũng áp dụng cho các nước không dùng đồng tiền chung ơ-rô ví như Anh, và được trừ thông qua cắt giảm viện trợ từ EU.
Đệ trình trên của EC hiện đang chờ chính phủ các quốc gia và Nghị viện châu Âu thông qua. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại những biện pháp trừng phạt này có thể dẫn đến hạn chế tăng trường và gia tăng thất nghiệp do các nước càng “tiết kiệm” hơn trong vấn đề chi tiêu quốc gia, tránh thâm hụt ngân sách quá quy định của EC.
…Biểu tình, đình công và gia tăng người nghèo
Trước các chính sách cắt giảm ngân sách (cắt giảm lương, cắt giảm phúc lợi xã hội, sa thải nhân công), tăng tuổi nhận trợ cấp, tăng tuổi nghỉ hưu... mà hàng loạt quốc gia châu Âu đang áp dụng đã khiến cho đông đảo người dân bất bình. Do đó làn sóng biểu tình, đình công dâng cao tại châu Âu từ tháng 5 đến nay, nhất là tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Anh, Ru-ma-ni, Xlô-ve-ni-a, và Li-thu-a-ni-a.
Ngày 29-9 vừa qua, công nhân Hy Lạp cùng nhiều nghiệp đoàn khác qua châu Âu tham gia một cuộc tổng đình công 10 nghìn người, do Liên hiệp nghiệp đoàn châu Âu (European Trade Union Confederation) dẫn đầu, tập trung trước tòa nhà của Liên minh châu Âu tại Bru-xen (Brussels), Bỉ, phản đối dự luật trừng phạt các nước vi phạm thâm hụt ngân sách vừa được trình lên Nghị viện châu Âu.
Tình trạng thất nghiệp không chỉ buộc các quốc gia “thắt chặt hầu bao” khiến cuộc sống của dân thường trở nên khốn khó mà còn gia tăng số người nghèo trên thế giới. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) hồi tháng 8-2008, thế giới có khoảng 1,4 tỉ người sống trong cảnh cùng khổ (mức sống trung bình dưới 1,25 đô-la Mỹ/ngày), trong đó 2/3 tập trung tại châu Á. Ngay cả các cường quốc kinh tế như Mỹ và khu vực châu Âu cũng phải hứng chịu hậu quả do nạn thất nghiệp gây ra với 43,6 triệu người nghèo tại Mỹ và 84 triệu người nghèo tại châu Âu.
Thách thức toàn cầu
Thất nghiệp và những hệ lụy của nó đã tác động lớn đến cuộc sống của toàn cầu, vì thế giải quyết vấn đề này không còn là trách nhiệm của riêng quốc gia nào.
Chưa bao giờ trên thế giới lại diễn ra nhiều hội nghị, hội thảo với mục đích giúp nền kinh tế thế giới hồi phục đồng thời khắc phục những hậu quả do khủng hoảng gây ra như hiện nay, như Diễn đàn đầu tư thế giới (WIF) lần thứ hai diễn ra tại thành phố Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến (Đông Nam Trung Quốc) từ ngày 7-9-2010; Diễn đàn kinh tế quốc tế Bai-can lần thứ VI từ ngày 7 đến ngày 10-9-2010, tại thành phố Y-rơ-cút của Liên bang Nga; Diễn đàn kinh tế quốc tế lần thứ 20 khai mạc chiều 8-9-2010, tại thành phố Crư-ni-xa-Dơ-đơ-rui (Krynisa-Zdrui) của Ba Lan; Hội nghị Thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), còn gọi là Diễn đàn Đa-vốt (Davos) mùa Hè khai mạc chiều 13-9-2010 tại thành phố cảng Thiên Tân ở miền Bắc Trung Quốc; Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 4 tại thành phố Tô-rôn-tô (Toronto), Ca-na-đa, từ chiều 26-6. Nổi bật phải kể đến Hội nghị Ô-xlô (Oslo) với chủ đề “Thách thức tăng trưởng, việc làm và cố kết xã hội” diễn ra vào ngày 13-9-2010, tại Ô-xlô (Na-uy), dưới sự bảo trợ của IMF và ILO. Lãnh đạo thuộc các chính phủ, tổ chức lao động, khối doanh nghiệp và giới học thuật đã tới tham dự nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả với vấn nạn thất nghiệp và dư thừa nhân công phát sinh từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Riêng khu vực châu Âu, không chỉ lo giải quyết vấn đề việc làm và những bất ổn xã hội nảy sinh từ việc chính phủ các nước cắt giảm ngân sách dành cho hệ thống an sinh xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu, mà còn phải đối mặt với những thách thức đang đặt ra đối với đồng ơ-rô.
So với các quốc gia khác trên thế giới, khoản chi dành cho hệ thống an sinh phúc lợi xã hội của EU rất cao, dao động từ trên 20-38,2%. Tỷ lệ này ở Mỹ là 19,4% và ở Nhật Bản là 18,6%. Để có tiền đáp ứng hệ thống an sinh xã hội, EU buộc phải nâng các khoản thuế, theo đó, tỷ lệ thu thuế tính trên GDP của các nước trong khối EU tăng vượt trội so với các quốc gia khác trên toàn cầu, từ trên 30-50% GDP. Tỷ lệ này tại Mỹ và Nhật Bản lần lượt là 28,2% và 27,4%. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút nguồn vốn nước ngoài của EU.
Khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và kèm theo đó là vô số hệ lụy không thể đơn phương giải quyết, hay giải quyết trong một sớm một chiều ngay cả đối với những nước phát triển nhất trên thế giới đang đặt ra một câu hỏi: đâu là mô hình phát triển hoàn hảo hơn cho mỗi nước và cho thế giới?
TCCS: Số 19 (211) năm 2010
Hà Bùi tổng hợp