Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

16. Người nghèo tại Mỹ và châu Âu

TCCSĐT - Khi nhắc tới đói nghèo, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các nước đang phát triển. Tuy nhiên, những số liệu mới công bố của Cục thống kê dân số Mỹ và nghiên cứu được do Ngân hàng thế giới (WB) và Văn phòng số liệu của Ủy ban châu Âu (Eurostat) tiến hành về tình trạng người nghèo tại Mỹ cũng như ở châu Âu, sẽ cho thấy một bức tranh toàn cảnh hơn về tình trạng nghèo trên toàn thế giới.
Theo điều tra của Cục thống kê dân số Mỹ vào năm 2009, có 43,6 triệu người Mỹ đang sống trong đói nghèo (tức là cứ 7 người thì có 1 người nghèo). Đây là con số cao kỷ lục trong suốt 51 năm qua. Cụ thể hơn, 43,6 triệu người này hiện sống dựa vào mức thu nhập thấp hơn cả ngưỡng nghèo của liên bang (khoảng 10.956 đô-la Mỹ cho một người độc thân và 21.954 đô-la Mỹ cho một gia đình gồm 4 người). Trong khi đó, thu nhập trung bình, tức khoản tiền mà ½ số hộ gia đình tại Mỹ kiếm được nhiều hoặc ít hơn không hề giảm, vẫn “dậm chân” quanh mốc 49.777 đô-la từ năm 2009.
Cục số liệu lao động Mỹ công bố, tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước Mỹ vào tháng 8-2010 là 9,6%, con số này ba năm trước là 4,6%. Trong lực lượng lao động thuộc độ tuổi từ 18 đến 65, số người nghèo cũng tăng từ 11,7% lên 12,9% - mức cao nhất kể từ những năm 60 của thế kỷ trước. Một số điều tra khác cho thấy, cứ 5 trẻ em Mỹ thì có 1 em chịu cảnh đói nghèo, tỷ lệ này ở trẻ em da màu hoặc gốc Hi-xpan-nic (Hispanics) là ¼.
Kết quả điều tra do WB và Eurostat cho tiến hành cho thấy:
- Trong tổng số 510 triệu dân tại châu Âu thì có 84 triệu người (16% dân số) xếp vào diện nghèo vì sống dựa vào thu nhập thấp hơn 60% thu nhập trung bình của cả nước. Tỷ lệ này cao nhất tại Lát-vi-a với 26%.
- 17% dân số châu Âu “bị tước quyền vật chất” (material deprivation)*. Tỷ lệ này ở Ru-ma-ni là trên 50%, Lát-vi-a 40%, và 30% ở Hung-ga-ry, quốc đảo Síp (Cyprus), Xlô-va-ki-a và Li-thu-a-ni-a (Lithuania).
- Ước tính 32% dân số châu Âu thuộc vào diện nghèo và bị tước quyền vật chất.
- 60 triệu người ở Đông Âu và Liên bang Xô-viết cũ trang trải cuộc sống chỉ với 2 đô-la Mỹ một ngày.
- Tỷ lệ trẻ em nghèo tại châu Âu chiếm 20% (tức là cứ 5 em thì có 1 em nghèo). Cụ thể, tỷ lệ này ở Đan Mạch là 9%, Ru-ma-ni: 33%, Bun-ga-ri: 26%, I-ta-li-a và Lát-vi-a 25%.
- 28% người độc thân trên 65 tuổi ở châu Âu sống trong cảnh nghèo. Tại một số nước như Et-xtô-ni-a, Bun-ga-ri và quốc đảo Síp, tỷ lệ người già độc thân trên 65 tuổi trong diện nghèo đạt mức cao kỷ lục (tỷ lệ tương ứng: 79%, 68% và 67%). Ở Luc-xem-bua, Hung-ga-ry và Hà Lan con số này thấp hơn (khoảng 8%, 8% và 9%).
- Kiếm được một công việc không có nghĩa là giúp bạn thoát nghèo. Ước tính 9% dân số châu Âu (từ 18 tuổi trở lên) đang đi làm ổn định có thu nhập dưới chuẩn nghèo quốc gia. Ở Ru-ma-ni, tỷ lệ này là 18%, Hy Lạp: 14%, Ba Lan và Bồ Đào Nha: 12%.
Dĩ nhiên, tỷ lệ nghèo ở nhóm người thất nghiệp còn cao hơn, chiếm 42%. Tính đến tháng 10-2009, tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu là 9,3%, cao nhất phải kể đến Lát-vi-a: 20,9%, Tây Ban Nha: 19%, Ai-len: 12,8%.
Bình luận về tình trạng nghèo và thất nghiệp nêu trên, một số ý kiến cho rằng, tuy số người nghèo tại Mỹ đã tăng từ 13,2% năm 2008 lên 14,3% năm 2009 nhưng vẫn được coi là thấp hơn con số 15% mà nhiều chuyên gia dự đoán khi đất nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Ông Sen-đân Đa-ni-giơ (Sheldon Danizger), Giám đốc Trung tâm nghèo đói quốc gia thuộc Đại học Mi-chi- gân (Michigan) cho biết: “Tin xấu là tỷ lệ đói nghèo ở mức cao và có thể tiếp tục gia tăng, tuy nhiên tin tốt là không tăng nhiều như chúng ta quan ngại”.
Nhà kinh tế học Hây-đi Si-ơ-hâu (Heidi Shierholz) làm việc tại Viện chính sách kinh tế nhận định, sự tàn phá thị trường lao động từ 2008 đến 2009 là sự tàn phá khủng khiếp nhất mà chúng ta từng chứng kiến bởi thu nhập của phần đông người dân tại Mỹ đều phụ thuộc vào đây.
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma nói rằng, những con số đó cho thấy “năm 2009 khó khăn như thế nào”, nhưng nhấn mạnh, chúng “nhắc nhở chúng ta rằng một cuộc suy thoái lịch sử không thể làm gia tăng bất ổn kinh tế gia đình”. Trong một cuộc họp tại Nhà Trắng, ông Ô-ba-ma đã phát biểu khẳng định rằng, các biện pháp giúp hồi phục kinh tế mà chính quyền của ông đang chú trọng sẽ bao gồm cả giảm đói nghèo. Ông nói: “Nỗ lực tối quan trọng hiện nay nhằm xóa đói giảm nghèo là tăng trưởng kinh tế và đảm bảo có đủ công ăn việc làm”. Ông cũng nhận định đây là nhiệm vụ quan trọng hơn bất kỳ chương trình nào khác và nếu có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo thêm nhiều việc làm hơn, người dân sẽ được hưởng một chuỗi tác động tích cực từ đó.
Giới chuyên gia cho rằng, những con số thống kê trên không thể một sớm, một chiều có thể kích thích những thay đổi trong chính sách của chính phủ hỗ trợ người nghèo và không chứa nhiều “sức nặng” đối với các cử tri. Ông Lau-ren M.mit (Lawrence M. Mead), một giáo sư khoa học chính trị của Đại học Niu-Oóc (New York) nói: “Lúc này đói nghèo chưa phải là vấn đề gì lớn so với tình trạng thất nghiệp ở tầng lớp trung lưu. Đó mới là vấn đề chính trị cấp bách nhất hiện nay.”
Còn tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (European Commission) đã đưa ra Chiến lược châu Âu 2020 vì sự tăng trưởng thông minh, bền vững và đồng bộ. (Europe 2020: A strategy for smart, sustainable and inclusive growth). Trong đó, phải kể đến phát kiến “Diễn đàn châu Âu chống lại đói nghèo” với mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo xuống còn 25%, giúp hơn 20 triệu người thoát cảnh nghèo. Diễn đàn ra đời còn nhằm đảm bảo tính cố kết về kinh tế, xã hội, lãnh thổ, xây dựng Năm châu Âu chống đói nghèo và chống bị tước quyền xã hội, nâng cao ý thức và ghi nhận quyền cơ bản của những người từng trải qua đói nghèo, từ đó, giúp họ tham gia tích cực vào hoạt động xã hội.
Tới hạn chót tổng kết các Mục tiêu thiên niên kỷ MDG, chỉ còn năm năm nữa, trong các mục tiêu đó, xóa đói giảm nghèo được xếp ở vị trí đầu tiên. Có thể nói, không chỉ 43,6 triệu người nghèo tại Mỹ và 84 triệu người nghèo tại châu Âu mà gần 1 tỷ người nghèo khác trên toàn thế giới cũng đang trông chờ cộng đồng quốc tế làm tròn lời hứa đưa ra trong Tuyên bố thiên niên kỷ (Millennium Declaration): vì một thế giới tốt đẹp hơn./.

* Material deprivation: Văn phòng số liệu châu Âu định nghĩa “bị tước quyền vật chất” là bị thiếu 3 trong 9 thứ sau: khả năng chi trả các phí sinh hoạt, khả năng chi trả cho một tuần nghỉ xa nhà, thoát nợ (thế chấp hoặc tiền thuê nhà, hóa đơn tiện ích gia đình, trả góp hoặc các khoản vay khác), được ăn cơm với thịt, gà hoặc cá vào ngày thứ hai trong tuần, có điện để giữ nhà đủ ấm, sở hữu một máy giặt, một ti vi màu, hoặc một ô tô riêng.
Hà Bùi tổng hợp từ ABCnews, Eurostat và World Bank