Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

27. Cục diện thế giới sau khủng hoảng kinh tế - tài chính

TCCS - Sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (tháng 9-2008) sau 158 năm tồn tại đã mở đường cho cơn bão tài chính trên phạm vi toàn cầu. Tính đến tháng 10-2009 đã có tới hơn 100 tập đoàn và công ty (cả trong lĩnh vực tài chính lẫn công nghiệp) tuyên bố phá sản, trong đó có những tập đoàn khổng lồ của Mỹ như Fannie Mae, Freddie Mac, AIG, CIT, General Motors v.v.. Ở vào vị trí “tâm bão”, Mỹ chịu tổn thất nặng nề nhất. Sự suy thoái của nền kinh tế số 1 thế giới đã khiến hầu hết các quốc gia rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Cơn lốc tài chính đã làm thế giới có những thay đổi mạnh mẽ trong năm 2009. Hiện tại, chưa thể khẳng định đầy đủ về mức độ thiệt hại mà cuộc khủng hoảng này sẽ gây ra. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là tất cả những biến đổi trong thời gian qua sẽ đưa thế giới về đâu? Cục diện thế giới sẽ biến đổi ra sao?
Thế giới trước năm 2008
Sự thay đổi của thế giới ngày hôm nay không đơn giản là do cơn bão tài chính gây ra mà đó chính là hệ quả tất yếu của cả một quá trình vận động, ít nhất là từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chúng ta đã chứng kiến hai lần thay đổi lớn của cục diện thế giới.
Cục diện thứ nhất có thể tính từ sau sự sụp đổ của Liên Xô đến trước khi xảy ra sự kiện ngày 11-9-2001. Bước ra khỏi Chiến tranh lạnh với ưu thế tuyệt đối trong so sánh với phần còn lại của thế giới, nhưng Mỹ đã không tạo ra được một cục diện “đơn cực” (như Ph.Phu-cu-y-a-ma đã từng dự báo trong cuốn sách nổi tiếng được xuất bản vào năm 1992, cuốn “The End of History and the Last Man”) như mong muốn. Có thể coi đây là giai đoạn chuyển đổi, khi hầu hết các quốc gia, kể cả siêu cường duy nhất là Mỹ, đều còn đang choáng ngợp bởi những thay đổi của thế giới thời hậu Chiến tranh lạnh, bởi hàng loạt vấn đề, đặc biệt là vấn đề phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, việc các quốc gia ưu tiên cho đối thoại, hợp tác nhằm chấn hưng nền kinh tế là sự lựa chọn tất yếu. Chính vì thế, ngay cả Mỹ với tham vọng lãnh đạo thế giới thì chính quyền B.Clin-tơn, chủ yếu, cũng chỉ thực hiện được một nửa khẩu hiệu mà họ đưa ra: “Đa phương khi cần thiết, đơn phương khi có thể”. Khuynh hướng coi trọng các hoạt động đa phương của nhiều nước đã tạo nên một cục diện “đa trung tâm, nhiều tầng nấc”. Cơ cấu “một siêu - nhiều cường” chủ yếu phản ánh thực trạng về so sánh lực lượng giữa Mỹ với các cường quốc còn lại, hơn là về hệ thống luật chơi mà “hợp tác, liên kết để phát triển” chiếm ưu thế nổi trội.
Sự kiện ngày 11-9-2001 đã mở ra cục diện thứ hai thời hậu Chiến tranh lạnh. Khi lực lượng An Kê-đa tấn công vào nước Mỹ có lẽ không ngờ rằng họ đã kích hoạt vào tham vọng bá quyền của nước Mỹ mà ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, do nhiều lý do đã bị che lấp trong suốt hai nhiệm kỳ của B.Clin-tơn. Sự xuất hiện hiểm họa “khủng bố quốc tế” đã thúc đẩy Oa-sinh-tơn từ bỏ thái độ kiềm chế ở giai đoạn trước để nỗ lực kiến tạo ra một liên minh nhằm khẳng định vai trò thủ lĩnh thế giới. Chính quyền Bu-sơ đã bắt đầu công cuộc biến những phỏng đoán về một thế giới một cực của Mỹ trong giai đoạn trước trở thành hiện thực chỉ 12 giờ đồng hồ sau các vụ tấn công ngày 11-9(1). Người ta bắt đầu ta thán về những hành động có tính hiếu chiến, ngạo mạn, phớt lờ các chuẩn mực pháp lý của “siêu cường đơn độc” Mỹ ở khắp mọi nơi. Tính đơn phương nghiêm trọng nhất của chính quyền Bu-sơ đối với cộng đồng quốc tế chính là quyết định tấn công xâm lược I-rắc (cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Áp-ga-ni-xtan ít bị công luận soi xét bởi nó xảy ra ngay sau sự kiện ngày 11-9 và những hành vi cực đoan của chính quyền Ta-li-ban). Cuộc chiến đã mở đường cho việc công khai học thuyết Bu-sơ (còn gọi là học thuyết “Đánh đòn phủ đầu”). Trong suốt gần hai nhiệm kỳ của mình, chính quyền Bu-sơ với tuyên bố “Ai không đi với ta là chống ta” đã luôn đặt thế giới trong một tình trạng căng thẳng bởi những nỗi lo về sự áp đặt thường trực đến từ phía nước Mỹ.
Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Mỹ lại có thể thiết lập được ưu thế (điều lẽ ra phải có được dưới thời Tổng thống B.Clin-tơn) trên trường quốc tế? Bởi lẽ, ngay sau khi nhậm chức, chính quyền Bu-sơ đã phải đối mặt với cơn sóng suy thoái đầu tiên (Quý III-2001, các chuyên gia kinh tế công bố, nước Mỹ bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái). Những sự kiện tiếp nối nhau từ sau cuộc gặp thượng đỉnh thiên niên kỷ 2000 có thể giúp đưa ra một số lý giải sau:
Thứ nhất, sự kiện ngày 11-9 chỉ tô đậm thêm mức độ nguy hại của một loạt vấn đề có tính toàn cầu như khủng bố quốc tế, nạn dịch SARC, H5N1, sóng thần Tsunami v.v.. Bên cạnh vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hay chương trình phát triển hạt nhân của I-ran, tiếp tục nổ ra những xung đột vũ trang đẫm máu ở Trung Đông (thậm chí là giữa nội bộ người Pa-le-xtin, giữa các lực lượng Pha-ta và Ha-mát!), ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan v.v.. Quá trình giải quyết những vấn đề này sẽ là cơ hội để cho những nước có năng lực, trước hết là Mỹ với tư cách của một siêu cường duy nhất, thể hiện vai trò của họ. Chính quyền Bu-sơ đã tận dụng tối đa cơ hội mà sự kiện ngày 11-9 đem lại để khẳng định vai trò của một “bá quyền Mỹ”.
Thứ hai, sự yếu kém của các cơ chế quốc tế, những địa chỉ có thể hạn chế tham vọng của Mỹ. Hầu hết trong số này như Liên hợp quốc, NATO, IMF, WB và cả WTO đã hình thành từ trong Chiến tranh lạnh, do vậy, ở những mức độ khác nhau đều chịu ảnh hưởng của Mỹ. Bản thân các cơ chế này cũng đang tỏ ra không đủ năng lực để giải quyết các vấn đề. Chẳng hạn như trường hợp của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), những quyết định của cơ quan này hầu như chẳng đưa đến một tác dụng hữu ích nào trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, Mỹ còn lợi dụng tổ chức này để có được giấy phép cho những hoạt động xâm lược.
Thứ ba, vì những tính toán riêng mà mức độ phản ứng của mỗi nước rất khác nhau trước những hành động đơn phương của Mỹ. Nhìn chung, thái độ của hầu hết các nước, trước hết của các nước lớn, là e dè, ngại xung đột với Mỹ hoặc nếu có thì chỉ dừng lại ở mức độ gây sự chú ý với chính quyền Bu-sơ. Khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh xâm lược I-rắc, đã không có một phiên họp khẩn cấp nào của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cho dù một số nước đều lên án hành động của Mỹ vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Dường như họ đã “quên” mất quyền phủ quyết (Veto) mà họ đang sở hữu với tư cách là thành viên thường trực của cơ quan an ninh chuyên trách tối cao của Liên hợp quốc! Sự phản kháng của các nước nhỏ, trong hầu hết các trường hợp, đều không đủ sức răn đe hay ngăn chặn chính sách hiếu chiến của Mỹ. Các nước bị buộc phải lựa chọn giữa các vấn đề liên quan đến lợi ích dân tộc như phát triển kinh tế hay chống khủng bố quốc tế với việc chống lại Mỹ. Sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là ưu thế về kinh tế, đã có tác động mạnh lên các quyết sách của các quốc gia.
Sự tương tác lợi ích giữa các bên đã giúp cho việc hình thành một cục diện “tương đối giống” với mô hình “đơn cực” - xin nhấn mạnh chỉ là “tương đối giống”. Bởi lẽ, trong quá trình thực thi bá quyền, bản thân Mỹ cũng phải trông cậy rất nhiều vào sự trợ giúp của các nước khác, nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, vấn đề được chính phủ Bu-sơ ưu tiên hàng đầu. Nói cách khác, giả sử tồn tại cục diện đơn cực, thì với tính chất tùy thuộc lẫn nhau ngày càng cao trong thời đại toàn cầu hóa, cục diện này chắc chắn chỉ có thể tồn tại trong một thời gian hết sức ngắn ngủi và rất dễ bị phá vỡ. Cuộc khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu nổ ra đã chứng minh điều đó.
Cục diện thế giới mới
Cuộc khủng hoảng tài chính là hệ quả của quá trình quản lý yếu kém của Mỹ trong lĩnh vực này, nhưng nếu xét rộng ra thì đây có lẽ cũng là hệ quả tất yếu của những cố gắng thiết lập một thế giới đơn cực của chính quyền Bu-sơ. Một làn sóng chống đối Mỹ đã xuất hiện từ nhiều phía, nhiều đối tượng và trong nhiều lĩnh vực, trước hết trong lĩnh vực kinh tế, bởi lẽ không nước nào dễ dàng chịu sự áp đặt của nước khác. Học thuyết của Bu-sơ thực sự như một lời tuyên chiến với bất kỳ quốc gia nào có chính sách thù địch với Mỹ. Điều này đã làm cho cả những đồng minh trung thành nhất của Mỹ cũng phải cảnh giác đề phòng(2). Những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới ngày càng sâu sắc. Luận điểm của P.Ken-nơ-đy về “tính hống hách quá căng” và hệ quả tất yếu là nước Mỹ sẽ suy tàn bởi việc với tay quá xa (3) đang dần ứng nghiệm.
Mặt khác, chính chính sách đơn phương, cứng nhắc của chính quyền Bu-sơ, ở mức độ nào đó, lại thúc đẩy sự liên kết giữa các nước. Ý tưởng thành lập Cộng đồng Đông Á đã ra đời và có những bước tiến đáng kể nhằm hiện thực hóa trong bối cảnh đó. Sự xích lại gần nhau hơn giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc như một hệ quả tất yếu trước chính sách đơn phương của Mỹ. Trong một số trường hợp, chính sách này còn trói buộc chính Mỹ. Ví dụ như trong cuộc chiến tranh giữa Nga và Gru-di-a, vì vấn đề Nam Ô-xê-ti-a, Mỹ đã không thể có được phản ứng khá hơn ngoài sự chấp nhận hành động của Nga như là một sự đã rồi.
Cơn bão tài chính đã cuốn đi mọi nỗ lực xây đắp một thế giới đơn cực và thậm chí cả những người đã cổ xúy cho nó. Thất bại của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tháng 11-2008 dường như đã được tiên liệu. Sức tàn phá của cuộc khủng hoảng đã đe dọa nghiêm trọng đến những toan tính lợi ích cá lẻ, đặc biệt là tham vọng bá quyền. Nền kinh tế của Mỹ bị thiệt hại nghiêm trọng (ngày 12-11-2009, Bộ Tài chính Mỹ công bố trong năm tài khóa 2009, Mỹ đã thâm hụt ngân sách là 1.420 tỉ USD - mức cao nhất trong 54 năm qua, tương đương 9,9% GDP; tỷ lệ thất nghiệp đạt 10,2% - mức cao nhất trong vòng 26 năm qua)(4), và vì thế các nền kinh tế khác cũng chịu những tổn thất không nhỏ. Bởi lẽ, chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong môi trường mà sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các chủ thể ngày càng trở nên khăng khít. Trong bão tố tài chính, mới thấy xuất hiện những hiện tượng mới:
Thứ nhất, những thay đổi từ nước Mỹ. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm sau khi nhậm chức, vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ đã tạo ra một bộ mặt mới cho đất nước. Người ta không còn nhận ra một nước Mỹ luôn có thái độ ngang ngược, đơn phương đến độ hiếu chiến như thời Bu-sơ. Thay vào đó là một ê-kíp luôn gọi mời đối thoại với phần còn lại của thế giới, kể cả với những quốc gia bị chính quyền tiền nhiệm liệt vào “Trục ma quỷ”. Trên thực tế, kết quả đạt được chưa thật nhiều, nhưng có lẽ cũng khiến bầu không khí căng thẳng của thế giới giảm đi đáng kể. Sự đột phá theo hướng hòa dịu của chính quyền Ô-ba-ma trong các vấn đề quốc tế đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận thông qua việc trao giải thưởng Nobel vì hòa bình cho vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Thứ hai, sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các cường quốc. Những cuộc gặp giữa Mỹ với các nước EU, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc cho thấy, ở một mức độ nhất định, giữa họ đã đạt được thỏa hiệp trong những lĩnh vực quan trọng như tài chính, hạt nhân v.v.. Ví dụ điển hình là việc chính quyền Ô-ba-ma tuyên bố đơn phương hủy bỏ chương trình lá chắn tên lửa ở châu Âu, một chương trình gây nhiều cản trở trong quan hệ giữa Mỹ và Nga thời chính quyền Bu-sơ. Như vậy là đã có sự chấp nhận chia sẻ quyền lực giữa Mỹ với các cường quốc.
Thứ ba, sự thay đổi trong quan hệ Bắc - Nam. Cuộc gặp G20 tại Luân-đôn (tháng 4-2009) cho thấy các nước công nghiệp phát triển đã có những suy nghĩ lại về vai trò của các nước đang phát triển. Kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh G20 còn cho thấy không chỉ đơn thuần là việc tăng kinh phí hỗ trợ cho các nền kinh tế kém phát triển hay là sự ghi nhận về vai trò quan trọng của nhóm nước G hơn 100 (tên gọi hiện nay của G77 - nhóm các quốc gia đang phát triển). Điểm mới ở đây là xu hướng chia sẻ quyền lực giữa nhóm giàu và nhóm nghèo trong lĩnh vực kinh tế. Ngay sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, vai trò của các nước vừa và nhỏ đã tăng lên đáng kể nhưng chủ yếu trong lĩnh vực chính trị, an ninh. Thất bại trong các vòng đàm phán U-ru-goay và Đô-ha giữa các nước phương Bắc giàu có và phương Nam nghèo đói cho thấy riêng trong lĩnh vực kinh tế, các nước đang phát triển vẫn chỉ có được một vị trí khá khiêm tốn, một điều chẳng hợp lý chút nào trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Liệu những thay đổi trên đây đã khiến cục diện cũ thay đổi chưa? Bởi lẽ, chúng ta chưa thấy được những biến đổi mạnh mẽ trên cả phương diện so sánh lực lượng lẫn hệ thống “luật chơi” quốc tế. Không ít người vẫn còn hoài nghi về tầm ảnh hưởng cũng như tính bền vững của những thay đổi trên, trước hết là chính sách đối ngoại của Mỹ. Song, có thể nhận định rằng, những thay đổi trên, tuy mới chỉ là bước đầu và có tính hiện tượng đơn lẻ nhưng lại hết sức quan trọng và có tác động mạnh tới mức làm thay đổi cục diện cũ. Điều này có thể lý giải bởi những lý do sau: 1- Sự thay đổi xuất phát từ Mỹ, hạt nhân của cục diện cũ. Chính sách đối ngoại của chính quyền Ô-ba-ma đã có những thay đổi có tính bước ngoặt so với chính sách của Bu-sơ; 2- Quy mô rộng lớn của sự thay đổi trong cách ứng xử với các vấn đề quốc tế nóng bỏng, trước hết là những vấn đề trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Khủng hoảng tài chính đã lan rộng trên phạm vi toàn cầu thì đương nhiên ảnh hưởng của nó cũng sẽ không ngoại trừ bất cứ nước nào, nhất là trong môi trường toàn cầu hóa. Hệ quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa là sự suy giảm của bất cứ một loại hình độc quyền nào; 3- Nguyên nhân chính dẫn đến những thay đổi trên là các vấn đề kinh tế, những vấn đề có tính chất cơ sở nền tảng; 4- Khủng hoảng tài chính thúc đẩy nhanh hơn quá trình nổi lên của những thế lực mới, cả nhà nước lẫn phi nhà nước. Không một thế lực nào ngăn cản được sự nổi lên của những thế lực này. Khi khủng hoảng qua đi, sẽ có một lượng tác nhân lớn chưa từng có có khả năng sử dụng sự ảnh hưởng trong khu vực hoặc trên toàn cầu(5).
Tóm lại, cục diện thế giới cũ đang thay đổi về chất. Vậy thì cục diện mới sẽ có diện mạo ra sao? Từ những thay đổi trên đây, chúng ta có thể rút ra hai đặc điểm chính của cục diện thế giới mới như sau:
Xét về so sánh lực lượng, sự thay đổi là không lớn so với cục diện cũ. Bởi lẽ, mặc dù chịu nhiều tổn thất nhất từ cơn bão tài chính, và vì thế khoảng cách giữa Mỹ và các cường quốc khác, đặc biệt là với Trung Quốc, bị thu hẹp đáng kể, nhưng Mỹ cũng vẫn tiếp tục giữ vai trò “đầu tàu” về nhiều mặt (6). Sự thay đổi trong cục diện mới này là nhận thức của các nước, trước hết là Mỹ, về so sánh lực lượng. Khác với thời Bu-sơ, chính quyền Ô-ba-ma không cho rằng nước Mỹ là vượt trội tới mức không thèm đếm xỉa gì tới các nước khác. Trong quá trình khắc phục khủng hoảng, Trung Quốc, Nga cũng không còn quá e ngại Mỹ nữa, bởi họ nhận thức được vai trò mới của mình (7). Cơn bão tài chính cũng chỉ ra những yếu kém của các cơ chế tài chính quốc tế như IMF, WB. Sự ra đời của G20 có thể mở đường cho việc xuất hiện những cơ chế mới. Những cơ chế này chắc chắn sẽ có tính dân chủ hơn, công bằng hơn với các nước đang phát triển. Cuộc khủng hoảng đã cho thấy nhà nước vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng. Như vậy thì các cơ chế quốc tế, cũng sẽ ngày càng có ý nghĩa hơn trong cục diện này.
Sự thay đổi rõ rệt hơn cả là trong cách ứng xử quốc tế, nền tảng của hệ thống “luật chơi” của quan hệ quốc tế. Sau một thời gian ngắt quãng bởi chính sách đơn phương đến mức hiếu chiến của Mỹ, xu hướng đối thoại đã quay trở lại. Quá trình tìm kiếm các giải pháp nhằm khắc phục khủng hoảng đã thúc đẩy sự chia sẻ quyền lực một cách tự nguyện. Chính sách mềm dẻo, mang nhiều tính thỏa hiệp của chính quyền Ô-ba-ma phần nào đã tạo ra một cơ cấu quyền lực mới trong quan hệ quốc tế. Hiện tượng này được một số nhà nghiên cứu gọi là “hình thái không phân cực” để khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa các trung tâm này chứ không phải tồn tại riêng rẽ như cơ cấu hai cực thời Chiến tranh lạnh(8). Hiện tại, chúng ta chưa thấy những biến chuyển lớn trong hệ thống luật quốc tế. Tuy nhiên, với sự tham gia của các nước nhỏ hay sự liên kết giữa các tổ chức khu vực (như sự phát triển của cơ chế ASEM) dần dần sẽ làm thay đổi hệ thống “luật chơi” hiện hành.
Tất nhiên, cũng không nên quá ảo tưởng có một sự thay đổi mang tính tổng thể chỉ trong khoảnh khắc. Vẫn còn quá nhiều vấn đề quốc tế đòi hỏi phải có thời gian và những việc làm thực tế mới có thể được giải quyết, ví dụ như vấn đề hạt nhân của I-ran, của CHDCND Triều Tiên hay xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin v.v.. Chính vì thế, trong cục diện thế giới mới này vẫn còn tồn tại nhiều đặc điểm của giai đoạn trước, cụ thể như:
1- Vai trò của Nhà nước vẫn tiếp tục chi phối cả những vấn đề đối nội lẫn đối ngoại. Các gói cứu trợ kinh tế cho thấy vai trò quan trọng đến nhường nào của chính phủ trong thời khắc khủng hoảng. Người ta lại nói nhiều về tính hữu ích của học thuyết Kên (Kennes) và chính sách “New Deal” của F. Ru-dơ-ven(9) Nhưng nếu vai trò của nhà nước tăng lên thì vấn đề bảo vệ lợi ích của nhà nước đó (chúng ta thường sử dụng ngôn từ “lợi ích quốc gia”) sẽ luôn được đặt lên hàng đầu. Xung đột lợi ích giữa các nhà nước, vì vậy, câu chuyện những biện pháp dùng để khắc phục những mâu thuẫn nảy sinh lại tiếp tục là điệp khúc của lịch sử. Các biện pháp bảo hộ mậu dịch trong cơ cấu không phân cực sẽ có cơ hội để phát triển.
2 - Vai trò của các cơ chế quốc tế, trước hết là Liên hợp quốc, sẽ ngày một gia tăng. Trong trạng thái không phân cực, sự ổn định của thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hiệu lực pháp lý của các thể chế quốc tế. Nói cách khác, ý thức trách nhiệm đối với các quy định quốc tế của từng thành viên trong các cơ chế đó sẽ có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của thế giới. Trong khi đó, hệ thống luật pháp quốc tế đã được định hình từ rất lâu, nhiều điều khoản đã không còn thích ứng với hoàn cảnh mới nữa nhưng trong số những nhà làm luật (ở đây muốn nói là các nhà nước) không phải ai cũng muốn có sự thay đổi cái mà họ thường gọi là “Những nguyên tắc bất di bất dịch”. Những thất bại mà Liên hợp quốc đang vướng phải đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cho thấy, loài người vẫn đang loay hoay trong hai sự lựa chọn: Bạo lực hay luật pháp(10).
3 - Mô hình phát triển của nền kinh tế thế giới hiện nay vẫn chứa đựng quá nhiều rủi ro bởi tính phi đối xứng của nó. Quá trình toàn cầu hóa mới đi được những bước đi ban đầu - lắp ghép các nền kinh tế riêng biệt lại với nhau. Những vết ghép vẫn hiện ra quá rõ, bởi những mâu thuẫn giữa một bên xuất khẩu và bên nhập khẩu, giữa những nhà đầu tư và người nhận tiền hay công nghệ vẫn chưa có một hướng giải quyết nào ổn thỏa. Sự yếu kém của WTO trong những xung đột giữa Mỹ và EU; Mỹ và Trung Quốc v.v.. đã chứng minh điều đó. Ngay bất cứ một nền kinh tế nào, tiêu biểu như nền kinh tế Mỹ, cũng chưa cho thấy bước đột phá nào trong mô hình phát triển. Các chuyên gia kinh tế vẫn loay hoay tìm kiếm một mẫu hình phân cấp quản lý giữa nhà nước và khu vực tư nhân ở mức độ nào cho thỏa đáng, giảm thiểu rủi ro.
4 - Trong quá trình giải quyết những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, như vấn đề chống khủng bố quốc tế hay vấn đề cấm phổ biến vũ khí hạt nhân chẳng hạn, chắc chắn sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, thậm chí chưa gặp bao giờ. Nhưng chúng ta thực sự chưa có sự chuẩn bị để đối phó, và theo thói quen thông thường, chúng ta vẫn quá lạm dụng những phương thức cũ kỹ để giải quyết chúng. Z.Brê-din-xki trong bài báo: “Những thách thức quan trọng về chính sách đối ngoại đối với tân tổng thống Hoa Kỳ”, sau khi liệt kê một loạt thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt, đã khẳng định việc thay đổi chính sách cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm G.Bu-sơ là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh rằng, những việc làm đó là để nhằm duy trì ưu thế, khẳng định vị trí số một của nước Mỹ trên thế giới. Lối tư duy cổ điển này vẫn tiếp tục tồn tại song song với luận điểm “thay đổi” của chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma(11).
Tóm lại, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang có những thay đổi và hệ quả tất yếu là một cục diện không phân cực đã dần lộ diện. Cục diện thế giới mới có sự đan xen giữa những “luật chơi” cũ và mới(12). Đặc biệt, do không có sự thay đổi lớn về so sánh lực lượng nên trong cục diện này vẫn có thể tồn tại hình thức phân cực ở cấp độ khu vực.
Nhìn lại chặng đường 20 năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới đã có thật nhiều biến đổi. Những biến đổi đó diễn ra ngày càng mau lẹ, bởi loài người đang sống trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa. Quá trình vận động này phản ánh sâu sắc vai trò chủ đạo của các nhà nước, và sự khác biệt về lợi ích quốc gia đã khiến những thay đổi đó không phải lúc nào cũng theo một đường thẳng tiến về phía trước. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 không có sức mạnh tàn phá như cơn đại khủng hoảng 1929 - 1933 nhưng cũng đủ tạo ra một diện mạo mới cho thế giới. Sự chia sẻ quyền lực cho thấy, cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng lớn, kinh tế hay an ninh, con người lại tiến thêm một bước theo hướng dân chủ hơn và công bằng hơn. Hy vọng thế kỷ XXI này sẽ khép lại với những kết quả tốt đẹp hơn cho phần đông nhân loại./.
_____________________________________________________________________________________________
(1) Philip H. Gordon: Can the War on terrorism be won? Foeign Affairs, November/December 2007. Campaign 2008, part III, tr 53 - 56
(2) Howard M: What Friend Are For?, The National Interest, Fall 2002, tr 8
(3) P.Kennedy: Hưng thịnh và suy vong của các cường quốc, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1992, tr 197
(4) http://www.cand.com.vn/news, ngày 09-11-2009
(5) Xem thêm: Richard Haass: The Age of Nonpolarity What will follow US Dominance, Foreign Affairs, May/June 2008, Vol.87, No3/ Bản dịch tiếng Việt trong Tài liệu phục vụ nghiên cứu, Viện thông tin Khoa học xã hội, TN 2009 - 11&12, tr 7
(6) “Những tác động địa chính trị của cuộc khủng hoảng tài chính”, Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo đặc biệt - tham khảo Chủ nhật 05-04-2009
(7) Willy Lam: Beijing Learns to be a Superpower, Far Eastern Economic Review (FEER), May 2009; http://feer.com/essays/2009/may/beijing-learns-to-be-a-superpower
(8) Richad N. Haass: The Age of Nonpolarity What Will Follow US Dominance, đã dẫn, tr 6 - 9
(9) F. Fukuyama: A New Era, The American Interest. Vol. 4, No 3, January/February 2009, http://www.the-american-interest.com
(10) F. Fukuyama: After the Neocons America at the Crossroads, Press Profile Books, London 2006, tr 191
(11) Z. Brezinsky: Major Foreign Policy Challenges for the Next US President, International Affairs, Vol. 85, No1, January 2009, pages 53-60/ Bản dịch tiếng Việt trong Tài liệu nghiên cứu, Viện Thông tin KHXH, số TN 2009 - 23, tr 11-12
(12) Xem: Daniel W. Drezner: The New New World Order, Foreign Affais, March/April 2007
Đỗ Sơn Hải
TS, Học viện Ngoại giao
TCCS: Số 6 (198) năm 2010