TCCSĐT - Ngày 1-12-2009, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma
chính thức tuyên bố về chiến lược mới của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan, theo đó,
Mỹ sẽ tăng thêm 30.000 quân cho chiến trường này và bắt đầu rút quân
khỏi đây từ năm 2011. Ngay lập tức, tuyên bố của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Mỹ và thế giới.
Triển vọng mờ mịt của chiến lược “ba con cá voi”
Trong tuyên bố của mình,
Tổng thống B. Ô-ba-ma khẳng định: “Chúng ta sẽ theo đuổi các mục tiêu,
tận diệt hang ổ cuối cùng của tổ chức khủng bố An Kê-đa; giành thế chủ
động trước Ta-li-ban và loại bỏ khả năng trở lại cầm quyền của chúng ở
Áp-ga-ni-xtan; giúp đỡ các cơ quan an ninh và chính phủ Áp-ga-ni-xtan tự
chịu trách nhiệm trước tương lai và vận mệnh của mình”.
Để thực hiện các mục tiêu
đó, Tổng thống B. Ô-ba-ma cho rằng, Mỹ sẽ dựa trên sức mạnh của “ba con
cá voi”, đó là: hoạt động quân sự chống lại Ta-li-ban; hợp tác với Liên
hợp quốc, các đối tác quốc tế và nhân dân Áp-ga-ni-xtan; hợp tác chặt
chẽ với Pa-ki-xtan. Hồi tháng 8-2009, Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ và NATO
tại Áp-ga-ni-xtan, Tướng Xten-li Mác-cri-xtơn (Stanley McChrystal) đã
từng cảnh báo, nếu Mỹ không gửi ít nhất 40.000 quân đến Áp-ga-ni-xtan
thì Oa-sinh-tơn có thể sẽ gánh chịu thất bại trong cuộc chiến với
Ta-li-ban ở quốc gia Trung Á này.
Theo thông báo chính thức
của Chính phủ Mỹ, việc gửi thêm quân tham chiến đến Áp-ga-ni-xtan sẽ
tiêu tốn từ 25-30 tỉ USD trong ngân sách quốc gia Mỹ năm 2010. Nhưng
giới phân tích cho rằng, chi phí cho chiến tranh là chuyện không ai nói
trước được. Thí dụ, ở I-rắc, chi phí cho chiến tranh đã vượt quá mức dự
kiến và lên tới 300 tỉ USD. Vậy nên, con số 30 tỉ USD cho chiến trường
Áp-ga-ni-xtan chỉ mới là “những giọt dầu bôi trơn” ban đầu cho cỗ máy
chiến tranh của Mỹ tiếp tục vận hành.
Theo Tổng thống B.
Ô-ba-ma, Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan sau 18 tháng,
kể từ khi tăng viện lần này. Lần đầu tiên, trong lịch sử chiến tranh,
Tổng thống B. Ô-ba-ma là người tuyên bố trước thời hạn rút quân khi đưa
ra quyết định về một chiến lược chiến tranh mới. Nhiều chuyên gia phân
tích quân sự cho rằng, tuyên bố của Tổng thống B. Ô-ba-ma giống với kịch
bản phim Hô-li-út, hoặc trò chơi điện tử trên máy tính, hơn là một
chiến lược quân sự.
Phản ứng từ các đồng minh của Mỹ trong khối NATO
Ngày 2-12-2009, Tổng thư
ký NATO, ông An-đrê Phốc Ra-xmu-xen (Anders Fogh Rasmussen) tuyên bố
rằng, đây không phải là cuộc chiến của riêng nước Mỹ. Do đó, trong năm
2010, NATO có kế hoạch sẽ tăng cường thêm 5.000 quân cho các lực lượng
quốc tế tại Áp-ga-ni-xtan. Tổng thư ký NATO tuyên bố vậy thôi, chứ cam
kết tăng viện cho các lực lượng của liên minh này ở Áp-ga-ni-xtan là một
nhiệm vụ khó khăn, bởi chính phủ nhiều nước liên minh của Mỹ trong NATO
đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế với thâm hụt ngân sách
lớn. Các cuộc thăm dò cho thấy, hầu hết người dân châu Âu phản đối việc
tăng quân cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan, cũng không ít người coi cuộc
chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan là “vô nghĩa” và không có triển vọng giành
chiến thắng. Đó là chưa kể tới tình hình quân đội các nước NATO tranh
giành nhau các khu vực ít xảy ra chiến sự, bởi không ai muốn rơi vào
những vùng được mệnh danh là “chiếc cối xay thịt” như ở Áp-ga-ni-xtan.
Tại thời điểm này, chỉ có Anh, Ba Lan, Xlô-va-li-a, Thổ Nhĩ Kỳ,
Gru-di-a, Hàn Quốc và Mông-tê-nê-grô có tín hiệu sẵn sàng điều động thêm
binh lính gia nhập lực lượng liên minh do Mỹ chỉ huy ở Áp-ga-ni-xtan.
Nhật Bản tuyên bố sẽ không gửi quân tham gia, còn Đức và Pháp đang “cân
nhắc”.
Theo tin của hãng thông
tấn “Novosti” (Nga), mặc dù đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ
Ngoại giao của Áp-ga-ni-xtan ra tuyên bố cho rằng, chiến lược của Tổng
thống B. Ô-ba-ma là “có lợi” cho quốc gia này, rằng mối quan hệ chiến
lược giữa Mỹ và Áp-ga-ni-xtan mang tính lâu dài, cho phép tăng cường
đáng kể tiềm lực quân đội quốc gia và lực lượng an ninh, nhưng nhiều
nghị sĩ của Nghị viện Áp-ga-ni-xtan không mấy vồ vập với chiến lược mới
này của Mỹ.
Đáng chú ý nhất là ý kiến
của bà Su-ri-a Ba-ra-dai (Shukria Barakzai), Nghị sĩ Áp-ga-ni-xtan. Bà
nhận xét: “Đây là chiến lược tốt đối với Mỹ, chứ không phải với chúng
tôi. Trong chiến lược này không có từ nào nói về bảo vệ quyền con người
hay phát triển chế độ dân chủ tại Áp-ga-ni-xtan. Mỹ và châu Âu, những
quốc gia nắm trong tay lực lượng quân đội, tài chính, quyền lực chính
trị và nhiều thứ khác không thể bảo đảm hòa bình và an ninh trên lãnh
thổ Áp-ga-ni-xtan trong suốt 8 năm qua, nay lại muốn đẩy trách nhiệm này
cho lực lượng an ninh và quân đội Áp-ga-ni-xtan”.
Trong bài phát biểu ngày
2-12-2009, tại cuộc “Tọa đàm bàn tròn” của kênh truyền hình tư nhân
“Tô-lô” ở Áp-ga-ni-xtan, bà Su-ri-a Ba-ra-dai khẳng định, hiện nay lực
lượng an ninh và quân đội Áp-ga-ni-xtan vẫn chưa sẵn sàng nhận sự chuyển
giao trách nhiệm từ phía Mỹ. Chiến lược của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan không
thể là tạm thời, chóng vánh, mà phải là một chiến lược lâu dài. Theo bà
Su-ri-a Ba-ra-dai, các giải pháp của cả hai phía (Mỹ và chính phủ ở
Ca-bun) đối với vấn đề Áp-ga-ni-xtan vẫn còn “non tay”. Năm 2001,
Áp-ga-ni-xtan không có hệ thống vận hành quốc gia hiệu quả. Hiện nay vẫn
vậy. Bà Su-ri-a Ba-ra-dai nhận xét, Mỹ đã không lựa chọn sự hợp tác
chính trị với Áp-ga-ni-xtan theo hệ thống mà chỉ hợp tác với các cá nhân
riêng biệt và đang tiếp tục làm như thế mặc dù những cá nhân đó không
phải lúc nào cũng cần thiết cho Áp-ga-ni-xtan. Bà tuyên bố: “Đến năm
2011, chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình, nhưng chiến lược mới của
Tổng thống B. Ô-ba-ma tạo ra nguy cơ chiến tranh rõ rệt cho nhân dân và
Chính phủ Áp-ga-ni-xtan”.
Một nghị sĩ khác của
Áp-ga-ni-xtan, ông Đa-út Xun-tan-dâu (Daoud Sultanzoy), nhận xét: “Chiến
lược mới của Tổng thống B. Ô-ba-ma là chiến lược nhanh chóng rút quân
khỏi Áp-ga-ni-xtan, trong khi việc rút quân này vẫn còn quá sớm”. Theo
ông, cùng với chiến lược mới, Tổng thống B. Ô-ba-ma phải ra lời kêu gọi
tiến hành cuộc chiến chống nạn tham nhũng ở Áp-ga-ni-xtan, bởi nạn tham
nhũng trong chính quyền ở Ca-bun là trở ngại chính của mọi vấn đề, từ
phát triển kinh tế đến bảo đảm an ninh.
Các chuyên gia quân sự phương Tây nói gì?
Nhận xét về chiến lược
mới ở Áp-ga-ni-xtan của Tổng thống B. Ô-ba-ma, các chuyên gia quân sự
phương Tây cho rằng, để quân đội và cảnh sát Áp-ga-ni-xtan có thể kiểm
soát được tình hình an ninh trong nước, quốc gia này phải có quân đội
với quân số khoảng 400.000 quân. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng vũ trang
của Áp-ga-ni-xtan chưa thể gọi là một đội quân cần có các lực lượng
thông thường và thiết yếu nhất như không quân, pháo binh, các thiết bị
kỹ thiết giáp, tên lửa.
Áp-ga-ni-xtan đã từng có
quân đội chính quy được trang bị và huấn luyện khá tốt sau ngày
15-2-1989, khi Liên Xô rút quân về nước. Lực lượng vũ trang khá mạnh đó
đã cho phép quân đội của ông Mô-ha-mát Na-gia-bu-lát (Mohammad
Najibullah), Tổng thống Áp-ga-ni-xtan khi đó, đánh bại các cuộc tấn công
của lực lượng phản cách mạng và các lực lượng xâm nhập từ phía
Pa-ki-xtan trong thời gian 3 năm. Chỉ sau khi Liên Xô tan rã và không
còn viện trợ quân sự cho Áp-ga-ni-xtan, chế độ cầm quyền ở Áp-ga-ni-xtan
mới bị lật đổ.
Còn hiện nay, với một lực
lượng quân sự và an ninh có sức chiến đấu được trợ giúp bằng sức mạnh
quân sự và kinh tế của Mỹ như ở Áp-ga-ni-xtan, thì liệu trong 18 tháng,
Mỹ và liên quân có phép màu nào huấn luyện được một đội quân đủ sức bảo
đảm an ninh cho sự tồn tại của một chính phủ sau khi quân Mỹ và liên
quân rút đi. Rõ ràng, đây là bài toán chưa có lời giải. Nhiều chuyên gia
quân sự đã từng bàn tới một thất bại của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan giống như
Liên Xô trước đây.
Người Mỹ nói gì?
Theo kết quả điều tra dư
luận gần đây của hãng thống tấn CNN và hãng thăm dò ý kiến Opinion
research company, hiện chỉ có 45 % người Mỹ được hỏi ý kiến tỏ ra ủng hộ
cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan, thấp hơn nhiều so với con số 90% năm
2001.
Ngay sau khi Tổng thống
B. Ô-ba-ma tuyên bố kế hoạch tăng quân để rút khỏi Áp-ga-ni-xtan, nhiều
nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đã lên tiếng chỉ trích gay gắt kế hoạch bắt
đầu rút lính Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan vào tháng 7-2011. Hầu hết các thành
viên Đảng Cộng hòa đều ủng hộ quyết định gửi thêm quân tới nhưng họ cho
rằng, Tổng thống B. Ô-ba-ma đang chơi trò chính trị khi đưa ra hạn chót
rút quân theo kiểu “tùy hứng” mà lẽ ra, kế hoạch này phải dựa trên thực
tế tình hình lúc đó ở Áp-ga-ni-xtan. Một số thành viên của Đảng Dân chủ
thì tỏ ý lo ngại, liệu quyết định của Tổng thống B. Ô-ba-ma tăng viện
cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan có thể mang lại chiến thắng hay không?
Ông Cô-ni-e Mác (Connie Mack), người của Đảng Cộng hòa và là thành viên
Ủy ban Phụ trách các vấn đề đối ngoại của Quốc hội Mỹ tuyên bố, ông
không tán thành quyết định của Tổng thống B. Ô-ba-ma về cách ứng xử như
thế với kẻ thù của nước Mỹ. Theo ông, khi Mỹ thực hiện kế hoạch tăng
viện để rút quân, Ta-li-ban có thể tập hợp lại và tái kiểm soát lãnh thổ
Áp-ga-ni-xtan. Thượng nghị sĩ Giôn Mác-kên, đối thủ của ông B. Ô-ba-ma
trong cuộc đua vào Nhà Trắng, thì tuyên bố: “Quyết định tăng viện được
đưa ra đồng thời với tuyên bố về thời điểm chính xác bắt đầu rút quân Mỹ
là hai tuyên bố không phù hợp với nhau”.
Ta-li-ban đang chuẩn bị “nghênh tiếp” quân Mỹ tăng viện
Các lực lượng thuộc Phong
trào Ta-li-ban đã từng gây sóng gió và chết chóc cho quân đội Mỹ và
liên quân ở Áp-ga-ni-xtan trong 8 năm qua, sau khi nghe tin Tổng thống
B. Ô-ba-ma tuyên bố chiến lược mới chống khủng bố, đang tỏ ra “háo hức”
chuẩn bị để “nghênh tiếp” lực lượng Mỹ sắp tăng viện.
Theo tuyên bố của một
trong các thủ lĩnh Ta-li-ban ở tỉnh Va-đắc (Áp-ga-ni-xtan) với hãng
thông tấn BBC, ở miền đông Áp-ga-ni-xtan, các lực lượng Ta-li-ban không
hề hạ vũ khí và mất sức chiến đấu sau hai lần Mỹ tăng viện cho các lực
lượng kiểm soát tại đây trong năm 2009. Họ cũng không chấp nhận đàm phán
hòa bình với Mỹ. Theo viên chỉ huy này, Ta-li-ban chỉ hạ vũ khí một khi
quân nước ngoài chiếm đóng rút khỏi Áp-ga-ni-xtan. Thậm chí, y tuyên
bố, việc Tổng thống B. Ô-ba-ma quyết định tăng viện cho chiến trường
Áp-ga-ni-xtan chỉ tạo điều kiện cho Ta-li-ban tiêu diệt được nhiều quân
Mỹ hơn! Ngay cả với những lực lượng hạn chế, Ta-li-ban vẫn có thể gây
thiệt hại nhiều hơn đối với Mỹ, bởi họ có ưu thế “chơi trên sân nhà” và
thuộc lòng địa hình địa vật vô cùng hiểm trở ở quốc gia Trung Á đầy bí
ẩn này.
Áp-ga-ni-xtan không
phải là I-rắc chỉ có phần lớn là sa mạc mênh mông. Áp-ga-ni-xtan là một
“mê cung” mà người ngoại bang dường như không thể thấu hiểu. Năm 2009
là năm để lại tổn thất nhiều nhất cho quân Mỹ và NATO ở Áp-ga-ni-xtan kể
từ năm 2001. Trong năm, có tới 486 lính thiệt mạng, trong đó quân Mỹ
chiếm 299 người, Anh chiếm 99 người./.
TCCS: Số 23 (191) năm 2009