Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

53. Bài phát biểu về những điều đúng và sai của Internet: Những lựa chọn và thách thức trong một thế giới nối mạng

Bài phát biểu

Hillary Rodham Clinton
Bộ trưởng Ngoại giao
Đại học George Washington
Washington
15/02/2011

________________________________________
Xin chào và xin cảm ơn tất cả các quý vị. Tôi rất vinh dự được một lần nữa quay trở lại trường Đại học George Washington, nơi tôi đã từng đến nhiều lần trong những hoàn cảnh khác nhau trong suốt gần 20 năm vừa qua. Đặc biệt tôi xin cám ơn Hiệu trưởng Knapp và Phó Hiệu trưởng Điều hành Lerman, đây là một cơ hội đặc biệt để tôi đề cập đến nội dung quan trọng này. Vấn đề này xứng đáng nhận được sự quan tâm chú ý của người dân và chính phủ các nước, và thực tế cũng đang thu hút được sự quan tâm chú ý đó. Sau bài trình bày của tôi hôm nay, chúng ta có thể sẽ bắt đầu một cuộc tranh luận sôi nổi hơn, trả lời cho những yêu cầu mà chúng ta đang thấy hàng ngày trong thời gian thực trên màn ảnh truyền hình.

Chỉ vài phút sau nửa đêm ngày 28/1, internet đã ngừng hoạt động trên toàn lãnh thổ Ai Cập. Trong bốn ngày trước đó, hàng trăm ngàn người Ai Cập đã tuần hành đòi thành lập một chính phủ mới. Và thế giới, qua truyền hình, máy vi tính, điện thoại cầm tay, điện thoại di động thông minh, đã theo dõi từng bước đi ở Ai Cập. Những hình ảnh và đoạn phim về Ai Cập tràn ngập trên các trang web. Trên Facebook và Twitter, các phóng viên đăng tải những bài viết từ thực địa. Những người biểu tình phối hợp triển khai các bước đi tiếp theo. Và người dân thuộc mọi thành phần xã hội cùng chia sẻ hy vọng cũng như nỗi lo sợ trước giây phút quyết định trong lịch sử Ai Cập.

Hàng triệu người trên thế giới đã trả lời trong thời gian thực “Các bạn không đơn độc và chúng tôi ở bên các bạn”. Ngay lập tức Chính phủ Ai Cập quyết định ngắt mạng. Dịch vụ điện thoại di động bị cắt, tín hiệu truyền hình vệ tinh bị nghẽn và việc truy cập internet bị chặn đối với hầu hết người dân Ai Cập. Chính phủ không muốn người dân liên hệ với nhau và cũng không muốn báo chí tiếp xúc với người dân. Rõ ràng Chính phủ Ai Cập không muốn thế giới theo dõi những gì đang diễn ra tại đây.

Các sự kiện diễn ra ở Ai Cập làm chúng ta nhớ lại phong trào phản kháng diễn ra 18 tháng trước tại Iran khi hàng ngàn người xuống đường tuần hành sau cuộc tuyển cử nhiều tranh cãi. Những người biểu tình cũng sử dụng các trang web để tổ chức biểu tình. Đoạn băng ghi hình một phụ nữ trẻ tên Neda bị một thành viên trong lực lượng bán quân sự giết hại đã được quay lại bằng điện thoại di động; và chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, đoạn băng video đó đã được mọi người ở khắp nơi trên thế giới theo dõi.

Chính quyền Iran cũng sử dụng đến công nghệ. Lực lượng Vệ binh Cách mạng theo dõi các thông tin trên internet của các thành viên tham gia Phong trào Xanh. Cũng giống như tại Ai Cập, Chính phủ Iran đã chặn hoàn toàn mạng internet và điện thoại di động trong một khoảng thời gian. Sau đó chính quyền tiến hành lùng sục nhà cửa, tấn công ký túc xá đại học, thực hiện nhiều cuộc bắt giữ, tra tấn và nổ súng vào người biểu tình, và cuối cùng các cuộc biểu tình chấm dứt.

Tuy nhiên, tại Ai Cập, câu chuyện lại kết thúc theo một hướng khác. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn cho dù internet bị chặn. Người dân tổ chức các cuộc tuần hành bằng tờ rơi và truyền miệng từ người này sang người khác, sử dụng các mô-đem quay số và máy fax để liên lạc với thế giới bên ngoài. Sau 5 ngày, Chính phủ buộc phải nhượng bộ và internet được nối lại tại Ai Cập. Chính quyền sau đó tìm cách sử dụng internet để kiểm soát các cuộc biểu tình bằng cách ra lệnh cho các công ty di động gửi đi các tin nhắn ủng hộ Chính phủ, bắt giữ các blogger và những ai tổ chức biểu tình trên mạng. Nhưng chỉ 18 ngày sau khi các cuộc biểu tình nổ ra, Chính phủ đã sụp đổ và tổng thống buộc phải từ chức.

Những gì diễn ra tại Ai Cập và tại Iran, nơi một lần nữa trong tuần này tiếp tục sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình đòi những quyền tự do cơ bản, liên quan đến nhiều yếu tố, không chỉ đơn thuần là internet. Trong cả hai trường hợp, người biểu tình phản đối vì họ thất vọng với tình hình chính trị và kinh tế của họ. Họ đứng lên, tuần hành và hô khẩu hiệu, chính quyền theo dõi, ngăn chặn và bắt giữ họ. Internet không gây ra những việc này, mà chính là người dân. Tại cả hai quốc gia, cách thức mà người dân và chính quyền sử dụng internet một mặt phản ánh quyền lực cũng công nghệ kết nối trong vai trò là công cụ thúc đẩy thay đổi chính trị, xã hội và kinh tế, mặt khác cũng là phương tiện để bóp nghẹt và dập tắt những thay đổi này.

Hiện tại trong một số giới đang diễn ra cuộc tranh luận về việc liệu internet là lực lượng thúc đẩy tự do hay là thúc đẩy áp chế. Tôi cho rằng cuộc tranh luận như vậy đã không đề cập đến đúng chủ điểm của vấn đề. Những gì diễn ra ở Ai Cập không mang tính khích lệ vì người dân đã sử dụng Twitter để liên lạc. Yếu tố tạo nên cảm hứng ở đây là người dân đã tập hợp lại và kiên định đấu tranh đòi một tương lai tốt đẹp hơn. Iran không tồi tệ vì chính quyền đã sử dụng Facebook để theo dõi và bắt giữ các thành viên của lực lượng đối lập. Iran là trường hợp tồi tệ vì chính quyền thường xuyên vi phạm quyền của người dân.

Chính những giá trị của chúng ta là nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy được khích lệ hoặc căm phẫn trước những hành động này, chính ý thức về phẩm giá con người của chúng ta đã tạo ra các quyền đi kèm theo đó và các nguyên tắc dựa trên đó. Và cũng chính những giá trị này khiến chúng ta phải suy nghĩ về con đường phía trước. Hiện nay có 2 tỷ người sử dụng internet, chiếm gần một phần ba nhân loại. Chúng ta nói tiếng nói từ mọi nơi trên thế giới, sống dưới các chính phủ khác nhau và có những hệ tín ngưỡng riêng. Và chúng ta sử dụng internet ngày càng nhiều để tiến hành nhiều hoạt động quan trọng trong cuộc sống.

Internet đã trở thành không gian công cộng của thế kỷ 21 - internet là quảng trường lớn, là lớp học, là chợ, là quán cà phê, là câu lạc bộ đêm. Tất cả chúng ta định hình và được định hình theo những gì diễn ra trên internet, tất cả 2 tỷ người chúng ta và con số này không chỉ dừng lại ở đó. Điều đó cũng mang đến nhiều thách thức. Để có thể duy trì được một môi trường internet mang lại những lợi ích to lớn nhất cho thể giới, chúng ta cần phải tiến hành trao đổi nghiêm túc về những nguyên tắc định hướng, những quy tắc cần áp dụng hoặc không nên áp dụng và tại sao, những hành vi ứng xử nào cần được khuyến khích hoặc không nên khuyến khích, và làm việc đó như thế nào.

Mục đích là để hướng dẫn mọi người biết sử dụng internet; cũng tương tự như cách chúng ta hướng dẫn mọi người sử dụng quảng trường, cho dù đó là Quảng trường Tahrir hay là Quảng trường Thời đại. Giá trị của những không gian này bắt nguồn từ những hoạt động mà người dân có thể thực hiện tại đó, đó có thể là tổ chức một cuộc tuần hành để bán được nông sản, hay như để nói chuyện riêng. Những không gian này là một diễn đàn mở, và internet cũng vậy. Internet không phục vụ cho bất kỳ một chương trình nghị sự cụ thể nào, và không bao giờ nên như vậy. Nhưng nếu muốn người dân trên toàn thế giới truy cập vào internet hàng ngày và có được những trải nghiệm an toàn và hữu ích, chúng ta cần có một viễn cảnh chung để định hướng cho chúng ta.

Một năm trước đây, tôi đã đưa ra bước khởi đầu cho viễn cảnh đó qua việc kêu gọi một cam kết toàn cầu về tự do internet để bảo vệ nhân quyền trên internet như chúng ta đã có trên thực tế. Quyền của các cá nhân được bày tỏ quan điểm một cách tự do, quyền được đưa ra các kiến nghị đến các nhà lãnh đạo, quyền được thờ phụng theo tín ngưỡng của mình – các quyền này là những quyền phổ biến, cho dù được thực hiện tại một quảng trường công cộng hay trên một trang blog cá nhân. Quyền được tự do hội họp và lập hội cũng được áp dụng trên không gian ảo. Trong thời đại hiện nay, người dân hoàn toàn có thể tập hợp lại để theo đuổi những mối quan tâm chung trên internet cũng giống như tại một nhà thờ hay một hội trường nào đó.

Tóm lại, quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội trên internet tạo thành cái mà tôi gọi là tự do kết nối. Hoa Kỳ ủng hộ tự do kết nối cho mọi công dân ở tất cả mọi nơi trên thế giới, và chúng tôi kêu gọi các quốc gia khác cũng làm như vậy vì chúng tôi muốn tất cả mọi người đều có cơ hội thực hiện quyền tự do này. Chúng tôi cũng ủng hộ việc mở rộng tiếp cận internet đến với người dân. Và vì internet phải được hoạt động một cách bình đẳng và tin cậy để có thể mang lại những giá trị mong muốn, chúng tôi ủng hộ hệ thống đa chủ thể hiện đang vận hành hoạt động của mạng internet, điều này đã giúp cho internet vượt qua mọi trở ngại của các mạng lưới, biên giới và khu vực khác nhau.

Một năm kể từ sau bài phát biểu đó, người dân trên toàn thế giới vẫn tiếp tục sử dụng internet để giải quyết các vấn đề chung và để phơi bày các vụ tham nhũng ra ánh sáng; từ việc người dân Nga theo dõi các vụ cháy rừng trên internet và tổ chức thành lập các đội chống cháy rừng tự nguyện, đến việc những trẻ em ở Syria đã sử dụng Facebook để tiết lộ những vi phạm của giáo viên, cho đến phong trào trên mạng tại Trung Quốc để giúp các bậc phụ huynh tìm lại những người con bị mất tích.

Nhưng đồng thời, internet vẫn tiếp tục bị hạn chế bằng những cách thức khác nhau. Ở Trung Quốc, chính phủ kiểm duyệt các nội dung và làm chệch hướng các lệnh tìm kiếm đến những trang khác. Tại Mianma, các trang tin độc lập bị tấn công và không thể truy cập được. Ở Cuba, chính phủ xây dựng mạng thông tin nội bộ quốc gia và không cho phép công dân của mình được truy cập vào mạng internet toàn cầu. Tại Việt Nam, các blogger chỉ trích chính phủ bị bị bắt giữ và ngược đãi. Ở Iran, chính quyền ngăn chặn các trang web đối lập và các trang tin tức, tấn công các mạng xã hội và lấy cắp thông tin cá nhân của người dân nhằm lùng bắt họ.

Các sự việc này cho thấy một bức tranh phức tạp và rất dễ bùng nổ. Và chắc chắn sẽ càng phức tạp và dễ bùng nổ hơn nữa trong những năm tới đây khi có thêm hàng tỷ người khác sẽ kết nối với Internet. Sự lựa chọn mà chúng ta đưa ra ngày hôm nay sẽ quyết định internet sẽ phát triển như thế nào trong tương lai. Các doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn liệu có nên và bằng cách nào để tiếp cận các thị trường hạn chế sự tự do của Internet. Người dân sẽ phải lựa chọn việc hành xử trên mạng Internet như thế nào, chia sẻ các thông tin gì và với ai, bày tỏ những ý kiến nào và bày tỏ bằng cách nào. Các chính phủ phải lựa chọn tuân thủ cam kết của mình là bảo vệ tự do ngôn luận, hội họp và lập hội của mình.

Đối với Hoa Kỳ, sự lựa chọn là rõ ràng. Trong lĩnh vực tự do internet, chúng ta ủng hộ Internet mở. Chúng ta đều biết rằng Internet mở cũng đồng nghĩa với thách thức. Điều này đòi hỏi phải có những quy định để bảo vệ chúng ta khỏi những việc làm sai và nguy hiểm. Bên cạnh đó, tự do internet cũng làm gia tăng căng thẳng, giống như bất cứ quyền tự do nào khác. Nhưng chúng ta tin rằng những lợi ích mà tự do internet mang lại lớn hơn rất nhiều so với những hạn chế của nó.

Và hôm nay, tối muốn trao đổi về những thách thức mà chúng ta phải đối mặt khi tìm kiếm những biện pháp bảo vệ môi trường Internet mở và tự do. Tôi là người đầu tiên nói rằng cả tôi và chính phủ Hoa Kỳ đều không thể đưa ra tất cả các giải pháp. Và chúng tôi cũng không khẳng định là chúng tôi biết tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Những chúng tôi cam kết sẵn sàng đưa ra các câu hỏi, đi đầu trong các cuộc trao đổi và bảo vệ không chỉ những nguyên tắc phổ biến mà cả những lợi ích của người dân và của các đối tác của chúng ta.

Thách thức đầu tiên là làm thế nào để có được tự do và an ninh internet. Tự do và an ninh thường được coi là hai yếu tố đối nghịch; mặt này nhiều hơn thì mặt kia sẽ ít đi. Trên thực tế, tôi tin là cả hai mặt bổ sung cho nhau. Không có an ninh, tự do sẽ rất dễ mất đi. Không có tự do, an ninh sẽ trở thành trấn áp. Thách thức đối với chúng ta là làm thế nào để tìm ra được một giới hạn phù hợp: có đủ an ninh để đảm bảo cho các quyền tự do của chúng ta nhưng cũng không quá ít hoặc quá nhiều để làm phương hại đến những quyền tự do đó.

Tìm ra một giới hạn phù hợp cho internet là rất quan trọng vì những điểm tích cực mà internet mang lại trong vai trò là động lực thúc đẩy những tiến bộ chưa từng có như tính mở, hiệu ứng phẳng, khả năng ảnh hưởng và tốc độ - cũng đồng thời tạo điều kiện cho những việc làm sai trái diễn ra ở một cấp độ chưa từng có. Những kẻ khủng bố và những nhóm cực đoan sử dụng internet để chiêu mộ thành viên mới, xây dựng kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Những kẻ buôn bán người sử dụng internet để tìm kiếm và dụ dỗ các nạn nhân trở thành những nô lệ thời kỳ hiện đại. Những kẻ sản xuất ấn phẩm khiêu dâm sử dụng Internet để xâm hại trẻ em. Các hacker xâm nhập vào các công ty tài chính, các mạng điện thoại và tài khoản thư điện tử cá nhân.

Chính vì vậy chúng ta cần có chiến lược để đối phó với những mối đe dọa này, cũng như các mối đe dọa khác mà vẫn không hạn chế tính mở - lợi ích lớn nhất của internet. Hoa Kỳ kiên quyết theo dõi và ngăn chặn những kẻ tội phạm và khủng bố trên mạng. Chúng ta cũng đang đầu tư vào hệ thống an ninh mạng, vừa nhằm để ngăn chặn các cuộc tấn công trên mạng, vừa nhằm để giảm bớt hậu quả của nó. Chúng ta cũng đang phối hợp với các nước khác đấu tranh chống lại tội phạm xuyên quốc gia trên không gian ảo. Chính phủ Hoa Kỳ đã đầu tư giúp các quốc gia khác xây dựng năng lực thực thi pháp lý của mình. Chúng ta cũng đã phê chuẩn Công ước Budapest về tội phạm trên mạng Internet, trong đó đề ra những bước đi mà các nước phải thực hiện để đảm bảo những kẻ tội phạm và khủng bố không sử dụng internet vào những mục đích sai trái đồng thời vẫn bảo vệ được quyền tự do của người dân.

Trong các nỗ lực để ngăn chặn các vụ tấn công hay bắt giữ các kẻ tội phạm, chúng ta tiếp tục cam kết thực hiện các quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Hoa Kỳ quyết tâm ngăn chặn các hoạt động khủng bố và tội phạm trên mạng cũng như trên thực tế. Và trong cả hai không gian đó, chúng ta cam kết theo đuổi những mục tiêu này phù hợp với luật pháp và giá trị của chúng ta.

Tuy nhiên, có nước lại thực hiện cách tiếp cận khác. An ninh thường được lấy làm lý do để tiến hành các cuộc đàn áp tự do. Đây không phải là một chiến thuật mới trong thời đại kỹ thuật số; nhưng nó lại có ý nghĩa mới vì internet đã mang lại cho các chính phủ khả năng mới trong việc truy tìm và trừng phạt những người ủng hộ quyền con người và những người bất đồng chính kiến. Các chính phủ bắt giữ blogger, xâm nhập vào các hoạt động hòa bình của công dân và hạn chế việc người dân tiếp cận internet và lập luận rằng họ làm vậy là để đảm bảo an ninh. Trên thực tế họ có thể đang thực hiện đảm bảo an ninh theo như cách nghĩ của họ; nhưng đó là cách thức sai lầm. Những biện pháp trấn áp tự do internet có thể cản trở việc người dân bày tỏ mong muốn của mình trong một khoảng thời gian nhất định nhưng không phải là mãi mãi.

Thách thức thứ hai là bảo vệ tính minh bạch và tính bí mật của internet. Văn hóa minh bạch trên internet bắt nguồn từ khả năng đưa tất cả mọi thông tin ra công khai ngay lập tức. Nhưng internet không chỉ là không gian công cộng mà còn là kênh giao tiếp cá nhân. Để tiếp tục đảm bảo được điều đó, cần phải có những biện pháp để bảo vệ giao tiếp cá nhân trên mạng. Hãy nghĩ đến cách thức mà người dân và các tổ chức trao đổi những thông tin bí mật để thực hiện các công việc của mình. Các doanh nghiệp có các cuộc trao đổi bí mật khi phát triển các sản phẩm mới để đi trước các đối thủ của mình. Các nhà báo cần giữ bí mật về các nguồn thông tin để bảo vệ họ không bị trả thù. Và các chính phủ cũng dựa vào việc trao đổi thông tin bí mật trên mạng cũng như trong thực tế. Các công nghệ kết nối có thể sẽ làm cho việc duy trì bí mật khó khăn hơn, nhưng nó không làm thay đổi nhu cầu này.

Tôi biết rằng bí mật của chính phủ là một chủ đề tranh luận trong những tháng gần đây với vụ việc Wikileaks; nhưng nội dung tranh luận này sai trên nhiều phương diện. Về bản chất, Wikileaks bắt đầu với hành động ăn cắp. Các tài liệu của chính phủ đã bị ăn cắp, cũng giống như việc lấy cắp các tài liệu từ cặp đựng tài liệu.

Một số người cho rằng hành vi ăn cắp này có thể chấp nhận được vì các chính phủ có trách nhiệm tiến hành các công việc một cách công khai có sự theo dõi của người dân. Tôi không đồng ý với điều đó. Nước Mỹ không thể mang lại cho người dân an ninh cũng như thúc đẩy quyền con người và dân chủ trên toàn thế giới nếu chúng ta công khai hóa tất cả những gì chúng ta làm. Các giao tiếp bí mật giúp chính phủ chúng ta có những cơ hội để thực hiện các công việc mà không thể thực hiện theo một cách khác.

Ví dụ như những gì chúng ta làm với các quốc gia Xô viết cũ liên quan đến việc quản lý lỏng lẻo nguyên liệu hạt nhân. Bằng việc giữ bí mật các chi tiết của hoạt động này, chúng ta đã hạn chế khả năng những kẻ khủng bố và tội phạm phát hiện ra và lấy cắp nguyên liệu hạt nhân để phục vụ cho mục đích của chúng. Hay hãy xem những thông tin của các tài liệu mà Wikileaks công bố. Tôi xin không bình luận về tính xác thực của những tài liệu cụ thể. Tuy nhiên chúng ta đều nhận thấy rằng rất nhiều các bản điện tín mà Wikileaks công bố đề cập đến các công việc liên quan đến quyền con người ở khắp nơi trên thế giới. Các nhà ngoại giao của chúng ta hiện đang hợp tác chặt chẽ với các nhà hoạt động vì nhân quyền, các phóng viên và người dân thách thức lại các hoạt động sai trái của các chính phủ áp chế. Đây là những công việc nguy hiểm. Bằng việc công khai các bức điện tín ngoại giao này, Wikileaks đang đặt những con người này đối mặt với những nguy hiểm lớn hơn.

Đối với các hoạt động như thế này, tính bí mật là cần thiết, đặc biệt trong kỷ nguyên internet khi các thông tin nguy hiểm có thể được gửi đi trên toàn thế giới chỉ thông qua một cú click trên bàn phím. Nhưng tất nhiên chính phủ có nhiệm vụ phải minh bạch. Chúng ta điều hành đất nước với sự chấp thuận của nhân dân dân và sự chấp thuận đó phải có ý nghĩa nào đó. Chúng ta phải xem xét một cách thấu đáo khi nào thì không công khai những việc đang làm và chúng ta phải thường xuyên rà soát lại những chuẩn mực đang áp dụng để đảm bảo là các chuẩn mực đó đó đã được xem xét cẩn thận. Ở đất nước chúng ta, có những luật đã được xây dựng để đảm bảo chính phủ công khai các hoạt động của mình trước toàn dân. Và Chính phủ của Tổng thống Obama đã tiến hành một sáng kiến chưa từng có là đưa các thông tin của chính phủ lên mạng internet, khuyến khích sự tham gia của người dân và tăng cường tính mở của chính phủ.

Khả năng bảo vệ đất nước, bảo vệ quyền tự do của người dân chúng ta và hỗ trợ các quyền và tự do của những người khác trên toàn thế giới của chính phủ Hoa Kỳ phụ thuộc vào việc duy trì sự cân bằng giữa những gì nên công khai và những gì không nên và không được công khai. Sự cân bằng này nên và sẽ luôn luôn nghiêng về phía gia tăng tính công khai, nhưng việc làm lệch hẳn cán cân về một bên sẽ không phục vụ cho lợi ích của ai. Tôi xin được nói rõ hơn về điều này. Tôi đã nói vụ việc Wikileaks bắt đầu bằng hành động ăn cắp, giống như việc ăn cắp giấy tờ trong cặp đựng tài liệu. Việc Wikileaks sử dụng internet không phải là lý do chúng ta chỉ trích Wikileaks. Vụ việc Wikileaks không ảnh hưởng đến cam kết ủng hộ tự do internet của chúng ta.

Ý kiến cuối cùng của tôi trong vấn đề này là có những thông tin nói sau khi các bức điện tín được tiết lộ, chính phủ Mỹ đã can thiệp để buộc các công ty tư nhân từ chối cung cấp dịch vụ cho Wikileaks. Điều đó không đúng. Một số chính trị gia và học giả công khai kêu gọi các công ty không làm ăn với Wikileaks, số khác chỉ trích các ý kiến này. Các công chức có tham gia vào các cuộc tranh luận này, nhưng có ranh giới giữa việc bày tỏ ý kiến của mình và việc ép người khác phải thực hiện nó. Các quyết định của các doanh nghiệp tư nhân được đưa ra theo các giá trị hoặc để thực chính sách riêng của họ đối với Wikileaks, hoàn toàn không phải theo chỉ đạo từ chính phủ của Tổng thống Obama.
Thách thức thứ ba là làm thế nào để bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong khi vẫn thúc đẩy được tính khoan dung và văn minh. Tôi không cần phải nói với các bạn ở đây về việc internet là nơi chứa đựng đủ mọi loại thông tin – sai có, xúc phạm có, gây kích động có, sáng tạo có, đúng sự thật có, tốt đẹp có.

Tính đa dạng của các ý kiến và ý tưởng trên internet vừa là kết quả của tính mở của internet lại vừa phản ánh sự đa dạng của nhân loại. Trên internet, mỗi cá nhân có một tiếng nói riêng. Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho tất cả mọi người. Nhưng mỗi lời chúng ta nói ra đều có những hệ quả nhất định. Những lời nói căm ghét hay phỉ báng sẽ kích động thù địch, đào sâu thêm ngăn cách và kích động bạo lực. Trên mạng internet, quyền năng này lại càng được gia tăng. Các bài phát biểu không có tính chất tính khoan dung sẽ càng được phóng đại và khó có thể rút lại. Tất nhiên bên cạnh đó Internet cũng cho chúng ta không gian đặc biệt để người dân có thể thu hẹp lại những khác biệt, xây dựng sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.

Một số người cho rằng để thúc đẩy sự khoan dung, chính phủ cần phải ngăn chặn những ý kiến thù địch. Chúng tôi cho rằng các nỗ lực để ngăn chặn nội dung của các bài phát biểu thường hiếm khi thành công và thường trở thành cái cớ để vi phạm tự do ngôn luận. Thay vì đó, như lịch sử đã nhiều lần chứng minh, câu trả lời tốt nhất cho những bài phát biểu có tính chất công kích là phát biểu đáp trả lại. Người dân có thể và nên phát biểu chống lại sự thù địch và sự không khoan dung. Bằng việc đưa những ý kiến như vậy ra tranh luận, những ý kiến có giá trị sẽ được củng cố, trong khi những nhận xét sai trái và không có cơ sở sẽ dần mất đi; có thể không phải ngay lập tức nhưng cuối cùng sẽ là như vậy.

Cách tiếp cận như vậy không phải sẽ làm cho những phát biểu thù địch ngay lập tức sẽ không còn được tin tưởng hay thuyết phục được những người có niềm tin mù quáng phải suy nghĩ lại. Nhưng chúng ta đã xác định trong một xã hội, cách tiếp cận như vậy sẽ mang lại hiệu quả hơn bất kỳ cách tiếp cận nào khác. Việc xóa bỏ các trang viết, ngăn chặn nội dung, bắt giữ người bày tỏ ý kiến có thể trấn áp được những phát biểu này nhưng không thể ngăn chặn được những nội hàm bên dưới của những phát biểu đó. Nó chỉ đẩy những ai tin tưởng vào những phát biểu này đến ranh giới mà ở đó lòng tin của họ lại càng được củng cố và khó có thể thách thức được.

Mùa hè vừa rồi, đặc phái viên của Mỹ Hannah Rosenthal phụ trách việc giám sát và đấu tranh chống lại chủ nghĩa bài Do thái đã đến thăm trại tập trung Dachau và Auschwitz với một đoàn các lãnh tụ Hồi giáo của Mỹ và các nước khác. Rất nhiều trong số họ trước đây phủ nhận nạn diệt chủng người Do thái và không có ai lên án việc phủ nhận nạn diệt chủng này. Nhưng việc đến thăm các trại tập trung này đã cho thấy các lãnh tụ tôn giáo sẵn sàng xem xét một quan điểm khác. Và chuyến thăm đã mang lại những kết quả thực sự. Họ cùng cầu nguyện, cùng ký các thông điệp hòa bình và nhiều các thông điệp này được viết trong sổ lưu bút bằng tiếng A-rập. Kết thúc chuyến thăm, họ đọc một tuyên bố cùng viết và cùng ký lên án việc phủ nhận nạn diệt chủng người Do thái và tất cả các hình thức khác của chủ nghĩa bài Do thái.

Rõ ràng cái gọi là khu chợ của các ý tưởng đã hoạt động có hiệu quả. Ngày nay, các nhà lãnh đạo này không bị bắt giữ vì lập trường trước đây của họ hay bị ra lệnh phải im lặng. Các nhà thờ Hồi giáo của họ không bị đóng cửa. Nhà nước không dùng vũ lực để ép buộc họ. Họ được giới thiệu xem những bằng chứng thực tế. Và các phát biểu của họ là các kết quả từ các phát biểu khác.

Hoa Kỳ có hạn chế loại hình phát biểu nhất định theo quy định pháp luật và cam kết quốc tế của chúng ta. Chúng ta cũng có quy định về việc bôi nhọ, vu khống, phỉ báng và những bài phát biểu kích động bạo lực. Nhưng chúng ta thực thi các quy định này một cách minh bạch và các công dân có quyền kháng nghị khi các quy định này được áp dụng. Chúng ta không hạn chế các bài phát biểu cho dù có thể đa số dân chúng cho rằng bài phát biểu đó có tính chất công kích. Rốt cuộc lịch sử đã cho chúng ta những ví dụ về việc có những ý tưởng bị cấm đoán do nhiều lý do mà ngày nay chúng ta thấy đó là sai lầm. Đã từng có những người dân bị trừng phạt vì phủ nhận quyền thần thánh của các bậc hoàng đế hay vì cho rằng mọi người nên được đối xử một cách bình đẳng cho dù thuộc chủng tộc, giới tính hay tôn giáo nào. Trong quá khứ lúc đó, các hạn chế này phản ánh quan điểm của đa số và các biến thể của những hạn chế này vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới ngày.

Liên quan đến quyền phát biểu trên internet, Hoa Kỳ không tách rời khỏi những nguyên tắc đã từng được thử thách theo thời gian. Chúng ta kêu gọi người dân hãy phát biểu một cách văn minh, nhận thức được mức độ ảnh hưởng mà những phát biểu này có thể có trên internet. Chúng ta đã được chứng kiến ngay tại đất nước này những minh chứng về việc các hoạt động côn đồ trên mạng đã mang lại những hậu quả khủng khiếp như thế nào. Những ai làm việc cho chính phủ cần phải nêu tấm gương trong ngôn từ mà chúng ta sử dụng và trong ý tưởng mà chúng ta ủng hộ. Nhưng lãnh đạo đồng nghĩa với việc tạo khả năng cho người dân thực hiện sự lựa chọn của mình, thay vì can thiệp và tước đoạt đi những sự lựa chọn này. Chúng ta bảo vệ tự do ngôn luận bằng pháp luật và chúng ta kêu gọi những phát biểu có lý sẽ vượt lên trên những lời lẽ thù hận.
Việc thúc đẩy ba nguyên tắc lớn này cùng một lúc không phải là điều dễ dàng. Việc này sẽ tạo ra nhiều căng thẳng và thách thức. Nhưng chúng ta không được phép lựa chọn riêng một nguyên tắc nào. Tự do và an ninh, minh bạch và bí mật, tự do ngôn luận và sự khoan dung – tất cả những yếu tố này là nền tảng cho một xã hội tự do, cởi mở và an toàn cũng như một môi trường internet tự do, cởi mở và an toàn, nơi mà những quyền con người phổ biến được tôn trọng và là không gian cho thịnh vượng và tiến bộ trong tương lai.

Hiện nay có một số quốc gia đang cố thực hiện theo một cách thức khác, như giảm bớt quyền tự do Internet, dựng lên những bức tường ngăn chặn các hoạt động trao đổi kinh tế, thảo luận chính trị, bày tỏ ý kiến tôn giáo và các giao tiếp xã hội. Họ muốn giữ lại những gì họ thích và trấn áp những gì họ không thích. Nhưng đây không phải là việc dễ dàng. Các công cụ tìm kiếm kết nối doanh nghiệp với các khách hàng mới và cũng thu hút người sử dụng vì các công cụ này còn giúp phổ biến và tổ chức thông tin. Các mạng xã hội không chỉ là nơi bạn bè chia sẻ các bức ảnh; họ còn chia sẻ các quan điểm chính trị và tìm kiếm sự ủng hộ cho những hoạt động xã hội hoặc tìm kiếm các thông tin nghề nghiệp để cùng hợp tác triển khai một cơ hội kinh doanh mới.

Việc dựng lên các bức tường để chia rẽ internet, ngăn chặn các nội dung chính trị, ngăn cấm nhiều loại hình ngôn luận hoặc cho phép một số hình thức hội họp hòa bình nào đó nhưng lại ngăn cấm những loại hình khác, đe dọa những ai bày tỏ ý kiến của mình dễ dàng hơn nhiều so với việc duy trì nó. Lý do không phải vì người dân sử dụng sự khéo léo của mình để tìm cách vượt qua các bức tường này mà vì không tồn tại riêng internet kinh tế, internet xã hội hay internet chính trị; chỉ có một internet duy nhất. Việc duy trì các hạn chế nhằm ngăn chặn thay đổi thực tế là đem lại nhiều tổn thất, về đạo đức, về chính trị và cả về kinh tế. Các quốc giá có thể gánh chịu các tổn thất này trong một thời gian nhất định nhưng chúng tôi tin rằng điều đó sẽ không thể bền vững trong thời gian dài. Việc để internet mở cho hoạt động kinh doanh nhưng đóng lại đối với việc bày tỏ tự do ngôn luận đi kèm theo với những chi phí cơ hội nhất định– như những tổn thất cho hệ thống giáo dục, sự ổn định chính trị, tính cơ động của xã hội và tiềm năng kinh tế.

Khi các quốc gia hạn chế tự do internet, chính là họ đang hạn chế tương lai kinh tế của mình. Các công dân trẻ không được tham dự các cuộc thảo luận đang diễn ra trên khắp thế giới hoặc việc được tự do đưa ra những câu hỏi thách thức lại cách thức làm việc cũ và sáng tạo ra cách thức mới. Việc cấm chỉ trích quan chức chính phủ sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ tham nhũng, gây biến dạng kinh tế với những hệ lụy lâu dài. Tự do tư tưởng và một sân chơi bình đẳng mà pháp luật mang lại là những gì thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo.

Không có gì ngạc nhiên khi tuần trước, Hội đồng Kinh doanh Châu Âu-Hoa Kỳ, một tổ chức của hơn 70 doanh nghiệp đã đưa ra một tuyên bố công khai mạnh mẽ ủng hộ tự do internet. Nếu bạn đầu tư vào những quốc gia đang thực hiện chính sách kiểm duyệt và giám sát, các trang web của bạn có thể bị đóng cửa mà không được báo trước, máy chủ của bạn có thể bị chính phủ lấy cắp thông tin, các thiết kế bị ăn cắp và nhân việc bị đe dọa bị bắt giữ hoặc trục xuất nếu không tuân thủ mệnh lệnh xuất phát từ động cơ chính trị. Những rủi ro đối với mục tiêu của bạn cũng như lòng tự trọng của bạn một lúc nào đó sẽ lớn hơn lợi nhuận mang lại, đặc biệt khi có những cơ hội ở những thị trường khác.

Một số người đã đề cập đến một vài nước, đặc biệt Trung Quốc, nước này được coi là một ngoại lệ vì kiểm duyệt internet ở mức độ nghiêm trọng nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao. Rõ ràng là nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận những hạn chế về internet để tiếp cận được các thị trường này. Trong ngắn hạn, thậm chí trong trung hạn, các chính phủ này có thể thành công trong việc duy trì một môi trường internet bị chia rẽ. Nhưng những hạn chế này sẽ mang lại những tổn thất về dài hạn mà một ngày nào đó có thể trở thành cái thòng lọng kìm hãm sự tăng trưởng và phát triển.
Bên cạnh đó còn có những tổn thất về mặt chính trị. Hãy xem xét trường hợp của Tuy-ni-di, các hoạt động kinh tế trực tuyến là một phần trong quan hệ kinh tế với châu Âu trong khi kiểm duyệt Internet cũng ở mức độ như Trung Quốc và Iran. Những nỗ lực nhằm tách biệt internet kinh tế khỏi những “internet khác” ở Tuy-ni-di đã không thành công. Người dân Tuy-ni-di, nhất là những người trẻ tuổi, luôn tìm ra cách sử dụng công nghệ kết nối để tổ chức và chia sẻ những bất bình của họ, những điều mà như chúng ta đều biết đã giúp thúc đẩy một phong trào dẫn đến sự thay đổi mang tính cách mạng ở Tuy-ni-di. Ở Syria cũng vậy, chính phủ cố gắng dung hòa giữa những thực tế không thể dung hòa được. Tuần trước, Syria bãi bỏ lệnh cấm với Facebook và Youtube lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua nhưng ngày hôm qua lại kết án 5 năm tù giam một bé gái vị thành niên về tội gián điệp do đã bày tỏ quan điểm chính trị trên blog của mình.

Việc làm đó không thể bền vững. Nhu cầu tiếp cận các diễn đàn ngôn luận không thể được đáp ứng khi mà việc sử dụng các diễn đàn này là con đường dẫn đến nhà giam. Chúng tôi tin rằng các chính phủ đã dựng lên các rào cản đối với tự do internet, cho dù là sử dụng các bộ lọc kỹ thuật hay chế độ kiểm duyệt hoặc các cuộc tấn công nhằm vào những ai thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp trên mạng cuối cùng sẽ nhận thấy sẽ không thể thành công. Họ sẽ gặp phải thế tiến thoái lưỡng nan của một chế độ độc tài khi phải lựa chọn giữa việc xóa bỏ những bức tường này hay trả một cái giá cao để duy trì nó, điều này cũng đồng nghĩa với việc đẩy nhanh thất bại qua việc phải tăng cường trấn áp và gánh chịu những chi phí ngày càng gia tăng của việc mất đi những ý tưởng đã bị ngăn chặn và những con người đã không còn tồn tại.

Tôi kêu gọi các quốc gia trên thế giới thay vì đó hãy cùng chúng tôi đánh cược rằng một môi trường internet mở sẽ chỉ làm cho đất nước mạnh mẽ và thịnh vượng hơn. Đây là việc mở rộng điều mà nước Mỹ đã đánh cược trong hơn 200 năm qua là một xã hội mở sẽ mang lại những tiến bộ bền vững nhất, là pháp quyền là nền tảng vững chắc nhất cho hòa bình và công lý và sáng tạo chỉ được thực hiện khi mọi ý tưởng được đề xuất và khám phá. Đây không chỉ là đánh cược vào máy tính hay điện thoại di động. Đây là việc đánh cược vào con người. Chúng ta tin tưởng rằng cùng với các đối tác trong chính phủ và người dân trên toàn thế giới đánh cược vào việc cùng tôn trọng những quyền phổ biến làm nền tảng cho xã hội mở, chúng ta sẽ duy trì internet là một không gian mở cho tất cả. Nước Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy một không gian internet mà ở đó quyền của người dân được tôn trọng và bảo vệ, một internet mở cho các sáng tạo được triển khai trên toàn thế giới, một internet đủ an ninh để mọi người có thể tin tưởng và đủ tin cậy để có thế hỗ trợ cho công việc của người dân.

Trong năm vừa qua, chúng tôi hoan nghênh sự hình thành của một liên minh toàn cầu gồm các quốc gia, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự, và các nhà hoạt động internet để thúc đẩy các mục tiêu này. Chúng ta có những đối tác là một số chính phủ khác, chúng ta được khích lệ bởi những công việc của tổ chức Sáng kiến Nối mạng Toàn cầu đang thực hiện, tổ chức này tập hợp các công ty, các nhà nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ lại với nhau để cùng giải quyết những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt như xử lý các yêu cầu về kiểm duyệt của chính phủ như thế nào hoặc quyết định xem liệu có nên bán các công nghệ có thể được sử dụng để vi phạm các quyền hoặc làm thể nào để giải quyết các vấn đề cá nhân trong bối cảnh có thể tiếp cận thông tin từ mọi nơi. Chúng ta cần có những đối tác là các công ty với những cam kết mạnh mẽ có tính nguyên tắc về tự do internet trong khi chúng ta đang nỗ lực hợp tác để thúc đẩy sự nghiệp chung này.

Chúng ta đều biết rằng để mang lại ý nghĩa thực tế, tự do internet phải trở thành phong trào hành động thực tế. Đó là lý do tại sao chúng ta đang triển khai Sáng kiến Xã hội Dân sự 2.0 để kết nối các tổ chức phi chính phủ và những người ủng hộ với công nghệ và đào tạo để giúp tăng cường ảnh hưởng này. Chúng ta cũng cam kết tiếp tục các cuộc đối thoại với người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tuần trước, các bạn có thể đã nghe nói về việc chúng tôi đã đưa ra dịch vụ Twitter bằng tiếng A-rập và tiếng Ba Tư, bổ sung thêm vào những ngôn ngữ mà chúng ta đã có như tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Chúng ta cũng sẽ tiến hành việc này với các ngôn ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nga và tiếng Hindi. Điều này sẽ giúp chúng ta có một cuộc trao đổi hai chiều và trong thời gian thực với người dân ở những nơi có sự kết nối không bị chính phủ ngăn chặn.

Cam kết của chúng ta về tự do internet là cam kết đối với quyền của người dân và chúng ta gắn cam kết này với các hoạt động của chúng ta. Giám sát và đáp trả loại những đe dọa đối với tự do internet đã trở thành một phần trong công việc hàng ngày của các nhà ngoại giao và các chuyên gia phát triển của chúng ta. Họ đang làm việc để thúc đẩy tự do internet trên thực địa tại các đại sứ quán và phái đoàn của chúng ta trên toàn thế giới. Nước Mỹ tiếp tục giúp đỡ người dân sống trong các môi trường internet bị hạn chế vượt qua các bộ lọc, các hệ thống kiểm duyệt, các hacker và những kẻ côn đồ đã đánh đập hoặc bỏ tù họ vì những phát biểu trên Internet của mình.

Mặc những quyền mà chúng ta tìm cách bảo vệ và ủng hộ rất rõ ràng, các quyền này lại bị vi phạm theo những cách thức ngày càng trở nên tinh vi. Tôi biết có những ý kiến phê phán chúng tôi là đã không đầu tư vào một công nghệ nào đó nhưng chúng tôi tin rằng không có một thần dược trong cuộc đấu tranh chống lại áp chế internet. Không có ứng dụng mới nào cho điều đó đâu (cười). Tất cả các bạn ở đây, hãy bắt đầu làm việc (cười). Theo đó, chúng ta sẽ thực hiện một cách tiếp cận sáng tạo và toàn diện, cách tiếp cận gắn ngoại giao của chúng ta với công nghệ, những mạng lưới phân phối các công cụ một cách an toàn và hỗ trợ trực tiếp cho những ai ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh này.

Ba năm vừa qua, chúng tôi đã dành hơn 20 triệu đô-la hỗ trợ tài chính thông qua một quy trình mở, trong đó bao gồm đánh giá của các chuyên gia kỹ thuật và chính sách liên ngành để hỗ trợ cho một nhóm các nhà công nghệ và hoạt động đầy tiềm năng nghiên cứu về công nghệ mới trong cuộc chiến chống lại trấn áp internet. Năm nay, chúng tôi sẽ bổ sung thêm hơn 25 triệu đô-la. Chúng tôi cũng đang theo đuổi một cách tiếp cận giống như là mô hình vốn đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ cho các danh mục đầu tư vào các công nghệ, công cụ và đào tạo, ứng dụng khi ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng thiết bị di động. Chúng tôi lắng nghe ý kiến tại thực địa, nói chuyện với các nhà hoạt động kỹ thuật số về việc họ cần giúp đỡ gì và cách tiếp cận đa dạng hóa của chúng ta đồng nghĩa với việc chúng ta có khả năng thích nghi với những mối đe dọa mà chúng ta đang phải đối mặt. Chúng ta hỗ trợ cho các loại hình công cụ khác nhau, do đó nếu một chính phủ trấn áp Internet tìm ra cách để tấn công một công cụ nào đó, những công cụ khác sẽ được sử dụng. Chúng tôi cũng đầu tư vào những công nghệ mới nhất vì chúng tôi biết rằng các chính phủ trấn áp cũng thường xuyên đổi mới các biện pháp trấn áp của họ và chúng ta phải đặt mục tiêu luôn đi trước họ.

Cũng giống như vậy, chúng tôi cũng đi đầu trong việc tăng cường an ninh cũng như những sáng tạo mới trên mạng, xây dựng năng lực tại các nước đang phát triển, thúc đẩy các chuẩn mực mở và có thể ứng dụng ở nhiều nơi, thúc đẩy hợp tác quốc tế để đối phó với các đe dọa trên Internet. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lynn đã có bài phát biểu về vấn đề này ngày hôm qua. Tất cả những nỗ lực này được xây dựng trên những kết quả của một thập kỷ làm việc để duy trì internet mở, an toàn và tin cậy. Trong những năm tới chính phủ sẽ hoàn thành chiến lược quốc tế về không gian ảo, đưa ra đường hướng để tiếp tục công việc này trong tương lai.

Đây là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chúng tôi, và sẽ ngày càng quan trọng trong những năm tới. Đó là lý do tại sao tôi đã thành lập Văn phòng Điều phối các Vấn đề mạng để thúc đẩy công việc của chúng tôi về an ninh mạng và các vấn đề khác, thúc đẩy sự hợp tác giữa Bộ Ngoại giao với các cơ quan chính phủ khác. Tôi đã bổ nhiệm ông Chritopher Painter, cựu giám đốc cao cấp về an ninh mạng tại Hội đồng An ninh Quốc gia và là người đi tiên phong trong lĩnh vực này trong 20 năm qua đứng đầu văn phòng này.

Những thay đổi lớn về người sử dụng Internet trong 10 năm qua rất đáng xem xét. Nhưng đây chỉ là màn mở đầu. Trong vòng 20 năm tới, sẽ có gần 5 tỷ người tham gia kết nối. Những người sử dụng internet này sẽ là người quyết định tương lai.

Chúng ta đang tham gia một trò chơi dài kỳ. Không giống những gì đang diễn ra trên internet, những tiến bộ trên mặt trận này sẽ mất hàng năm, chứ không phải hàng giây để có thể định lượng được. Con đường mà chúng ta vạch ra ngày hôm nay sẽ quyết định liệu những người bước theo chúng ta trên con đường đó sẽ có cơ hội được trải nghiệm sự tự do, an ninh và thịnh vượng trên internet mở hay không.

Nhìn vào tương lai, hãy nhớ rằng tự do internet không phải là một hoạt động đơn thuần trên mạng. Tự do internet là đảm bảo cho internet là một môi trường trên đó tất cả mọi hoạt động có thể tiến hành, từ những phong trào lớn có tính chất lịch sử, khai phá cho đến những hoạt động nhỏ, rất bình thường hàng ngày.

Chúng ta mong muốn có một mạng internet mở mà tại đó một người biểu tình sử dụng mạng xã hội để tổ chức tuần hành ở Ai Cập; một sinh viên gửi thư điện tử cho gia đình những bức ảnh về học kỳ vừa rồi của mình ở nước ngoài; một luật sư ở Việt Nam viết blog để phơi bày các vụ việc tham nhũng; một thiếu niên ở Mỹ bị bắt nạt có thể tìm thấy sự chia sẻ; một chủ doanh nghiệp nhỏ ở Kenya sử dụng ngân hàng di động để quản lý lợi nhuận của mình; một nhà triết học ở Trung Quốc đọc bài viết trên các tạp chí nghiên cứu phục vụ cho bản luận văn của mình; một nhà khoa học ở Brazil chia sẽ dữ liệu trong thời gian thực với các đồng nghiệp ở nước ngoài; và hàng tỷ, hàng tỷ các giao tiếp khác trên mạng internet hàng ngày khi con người giao tiếp với những người yêu quý của mình, theo dõi tin tức, làm việc và tham gia vào các cuộc thảo luận góp phần định hình nên thế giới của họ.

Tự do internet là bảo vệ không gian diễn ra tất cả các hoạt động trên, không chỉ cho những sinh viên ngồi đây ngày hôm nay, mà còn cho những thế hệ tiếp sau các bạn. Đây là một trong những thách thức lớn trong thời đại chúng ta. Chúng ta cùng tham gia vào nỗ lực chung chống lại những kẻ mà chúng ta đã luôn đấu tranh, những người muốn vùi dập và trấn áp để duy trì thực tại theo cách của họ và không chấp nhận thực tại khác. Chúng tôi mong muốn nhận được sự giúp đỡ của các bạn trong cuộc đấu tranh này. Đây là cuộc đấu tranh vì quyền con người, cuộc đấu tranh vì tự do của con người, và cũng là cuộc đấu tranh vì phẩm giá con người.

Xin cám ơn tất cả các bạn. (Vỗ tay).
Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/clinton_150211.html
 Xem video Phó Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Baer thảo luận về tự do Internet