Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

63. Đi tìm thái độ sống và kỹ năng sống trong việc học và hành

PHÂN TÍCH TÂM LÝ VỀ MỘT "SIÊU HIỆN TƯỢNG"
(Nguồn: http://www.ier.edu.vn/content/view/241/174/)
Một buổi sáng đầu tháng 12-2008, ngồi nói chuyện với hai người bạn bên ấm trà, chúng tôi nhắc đến một hiện tượng đặc biệt mới đây trong học đường mà báo chí đã đưa tin. Đó là một nữ sinh tuổi teen, lớp 10, đã lập được kỳ tích: đạt điểm tối đa của chuẩn TOEIC - một đỉnh cao mà ngay cả những cử nhân hay thạc sĩ Anh văn cũng không với tới được.

Trong số 525 học viên xuất sắc được nhận bằng Anh ngữ giao tiếp quốc tế TOEIC hôm 30-11-2008, chỉ có duy nhất NGUYỄN HÀ NGUYÊN ANH, 15 tuổi, chiếm điểm tuyệt đối ! Viện Kiểm định chất lượng giáo dục của Hoa Kỳ (cơ quan đứng ra tổ chức thi tiếng Anh quốc tế TOEIC Bridge) cho biết, số người đạt được kỳ tích này trên thế giới rất hiếm. Và, vì hiếm nên đặc biệt quý. Không chỉ quý với toàn cầu, càng rất quý đối với Việt Nam. Do vậy, có thể coi đây là một "siêu hiện tượng" trong lĩnh vực học ngoại ngữ.
KẾT QUẢ THÀNH CÔNG CHƯA PHẢI LÀ BẾN BỜ HẠNH PHÚC, MÀ CHỈ ĐANG TRÊN MỘT DÒNG CHẢY QUA NHIỀU GHỀNH THÁC VÀ VỰC THẲM...
Để đạt tới điểm cao tột đỉnh, không thể không nói đến thái độ học và kỹ năng học - một yếu tố quan trọng của thái độ sống và kỹ năng sống. Về mặt tâm lý, NGUYÊN ANH (N.A.) đã kích hoạt tâm sức của mình trên hai bình diện "kép": nỗ lực và phương pháp, thái độ và kỹ năng. Hãy nghe N.A. bày tỏ ý mình khi đáp lại những lời ca tụng của người khác : "Em xem chuyện này là bình thường, bởi nếu quá coi trọng những gì mình đạt được, cứ nhìn vào đó mà mĩm cười thì sẽ không còn động lực để phấn đấu nữa". (Phụ Nữ TP.HCM - 5/12/2008).
Sự phấn đấu của N.A. không chỉ với môn Anh văn, mà N.A. cũng không tự coi mình là một "ngôi sao" Anh ngữ trong lớp. Theo lời kể, N.A. chỉ hoàn thành đầy đủ các bài tập Anh văn được giao, ngoài ra "thích gì, học thêm nấy" chứ không chuyên sâu vào Anh văn. Chính vì vậy, N.A. có thời gian để đầu tư và đủ sức học giỏi các môn khác. (Hiện tại, N.A. học chuyên ban A, lớp 10A3, trường THPT Lê Quý Đôn - TP.HCM).
Được biết, ngoài giờ học, N.A. còn dành thời gian tiếp cận với sách báo và thực tế để trang bị thêm những hiểu biết về xã hội. Để vượt qua tất cả những câu trắc nghiệm của TOEIC, không chỉ cần trình độ Anh ngữ mà còn phảỉ nắm được những kiến thức tổng quát về xã hội và nhân văn. N.A. cũng coi đó là yếu tố thuận lợi để giúp tự bổ sung cho chuyên ban Toán Lý Hóa mà mình đang theo đuổi. Chuẩn TOEIC là một chứng minh cho chất lượng đào tạo đối với người đạt chuẩn. Do vậy, kết quả đó không chỉ thể hiện một hiệu quả cao về kỹ năng học, còn là kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống, trong giao tiếp trước mắt và trong nghiên cứu khoa học về lâu dài.
Điều này cho thấy, với một não trạng và tâm lý học hành như N.A., thành công chưa phải là một điểm đến, mà là một hành trình suốt chiều dài phấn đấu liên tục. Nói khác đi, kết quả thành công thực sự (nếu có) là phải xét cả quá trình trước và sau của mỗi thành quả. Nói khác nữa: Thành công đích thực chưa phải là một bến bờ hạnh phúc, mà là một dòng chảy qua những thác ghềnh, và có khi bắt ta phải "lội ngược".
HẠNH PHÚC ĐƯỢC NHÂN ĐÔI KHÔNG PHẢI NHỜ MAY MẮN, MÀ CHÍNH LÀ NHỜ TÌM ĐƯỢC CÁCH LÀM CHO SỰ HỌC VÀ CÔNG VIỆC TRỞ NÊN VUI THÚ, NHẸ NHÀNG.
Nỗ lực không ngừng, càng nỗ lực tiếp... sau những thành qủa, chính là phương châm hành động của những người có phong cách chiến thắng như N.A. Trong lời tự thuật, N.A. cho biết, bắt đầu học Anh văn từ năm lớp 3, "Lúc đó, em học tiếng Anh rất "ẹ", vừa ghét vừa sợ, bởi chẳng thấy gì thích thú. Học ì ạch đến lớp 6 mới bắt đầu thấy khá dần. Tuy vẫn chưa thích nhưng cũng không muốn quá thua kém bạn, nên em học chăm chỉ, từ đó tích lũy được vốn từ nhất định. Và chính những bài hát tiếng Anh đã giúp em trở nên thích môn học này. Từ sự lôi cuốn của những giai điệu và rất muốn hiểu ý nghĩa của bài hát, nên những lúc gặp ca từ không hiểu, em cảm thấy rất bực mình "không biết họ đang hát gì ấy nhỉ?". Vậy là lật từ điển ra xem liền, nếu không thì... ăn cơm không ngon". (Phụ Nữ TP.HCM - 5/12/2008).
Tâm lý nhiều người học ngoại ngữ ban đầu thường rất ham, nhưng học một thời gian là thấy oải, chán, cuối cùng là sợ và muốn bỏ. Làm sao để vượt qua điều này? Hãy nghe N.A. chia sẻ : "Người ta chỉ oải đối với điều khiến người ta nặng nề, chỉ thấy chán với những gì vô vị, và chỉ bỏ những gì khiến người ta không thể mang theo nổi. Vậy, vấn đề là, hãy làm cho môn học trở nên nhẹ nhàng. Anh văn sẽ không vô vị, nếu mình biết tìm những nội dung thú vị mà nó chuyển tải. Và, khi đã đến được gần, coi "nó" như một người bạn, mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều". (Phụ Nữ TP.HCM - 5/12/2008).
Để làm được như vậy, N.A. đã nghĩ đến biện pháp "tự nhóm lửa" rồi tìm cách "tiếp thêm lửa, đổ thêm dầu" cho nhiệt huyết có sẵn. Đó là lúc mà N.A. hạ quyết tâm: dù tiếng Anh chưa khá cũng cứ liều xem các đài truyền hình bằng tiếng Anh, và cuối cùng đâm... ghiền. N.A. bộc bạch : "Ban đầu xem đài nước ngoài mà như vịt nghe sấm, nhưng nội dung quá hấp dẫn nên cứ xem, xem càng nhiều càng quen cách phát âm, dần dần có thể hiểu hết nội dung chương trình. Bản chất ngoại ngữ không có gì hấp dẫn, nhưng chính nội dung mà ngoại ngữ đó chuyển tải lại hấp dẫn, khiến người học càng đào sâu càng say mê". (Phụ Nữ TP.HCM - 5/12/2008).
Thế mới rõ, N.A. học ngoại ngữ với thái độ và kỹ năng theo đuổi đến tận cùng công việc, và biến công việc thành một "đối tác" để mình đọ sức trong sự tìm tòi vui thú. Tại đó, sự lạc thú sẽ giúp giảm thiểu gian nan. "Lửa thử vàng, nhẹ nhàng thử sức". "Nhẹ nhàng" ở đây là khả năng chuyển hóa từ phức tạp sang đơn giản, từ nặng nề sang nhẹ tênh, từ khó thành dễ... đến mức ai cũng làm được. Việc thử sức bằng kiểu nhẹ nhàng thư thế thật đáng mặt anh tài, thể hiện sự tinh anh từ trong cách nghĩ đến cách học, coi việc vượt qua thử thách là một cuộc chơi. Kỹ năng đó, thái độ đó không chỉ giúp giải quyết công việc trước mắt, còn là tố chất quan trọng cho những sáng tạo để giải quyết mọi vấn đề nan giải sau này.
Âu rằng, đấy cũng là một trong những bí quyết thành công của N.A. tuổi nhỏ, và nó sẽ đi mãi với N.A. ở tuổi lớn. Hơn nữa, không chỉ người nhỏ, mà ngay người lớn cũng thấy cần học bài học sáng giá này. Tiến sĩ Chérie Carter Scott, tác gỉả cuốn sách "Nếu thành công là một cuộc chơi" (*) khi trả lời câu hỏi "Thành công là gì?", đã viết : "Dù với người này là sự giàu sang, kẻ khác là đạt được danh tiếng, lại có người chỉ mong để lại dấu ấn khác biệt... thế nhưng, hết thảy đều nhất trí: được toại nguyện là thước đo cao nhất của thành công". Tác giả nói tiếp : "Nhiều người đo lường sự thành công bằng các tiêu chí bên ngoài (tiền của, danh vọng...), còn toại nguyện được đánh giá theo nội tâm, tức là các tiêu chuẩn bên trong".
Thật vậy, toại nguyện (chứ không phải mãn nguyện - với cảm giác no đầy, bão hòa, tự mãn) có một ý nghĩa tâm thức, một giá trị tinh thần mang tính nhân bản cao hơn nhiều. Một bên (toại nguyện) tôn vinh những kết quả của nội tâm, nội lực, trọng thực chất. Bên kia (mãn nguyện) đề cao sự thỏa mãn ham muốn về hình thức, nặng về danh nghĩa. Với N.A. tuổi teen, khi đứng trên đỉnh cao của TOEIC, cô bé chỉ toại nguyện bước đầu, luôn tự nhắc nhở mình còn đi tiếp... một cách nhẹ nhàng và vui thú như "một cuộc chơi".
________________
 (*) If Success is a Game - These are the Rules
Biên dịch: Bích Thủy & Hạnh Nguyên. NXB Trẻ - 2008