TCCSĐT - Cuộc bạo động
chính trị dẫn tới hành động đảo chính nhà nước ở Tuy-ni-di, hay còn
được gọi là “cuộc cách mạng hoa nhài”, diễn ra trong những ngày cuối
cùng của thập đầu thế kỷ đầu XXI tại một trong những quốc gia phát triển
thịnh vượng nhất ở Bắc Phi, dường như là “sự kiện châm ngòi” cho các vụ
bạo động chính trị, hoặc các cuộc “cách mạng nhung” đầy kịch tính ở Ai
Cập, đang âm ỉ nhen nhóm ở Y-ê-men, Gioóc-đa-ni, Xi-ri và có thể bùng
phát ở nhiều quốc gia khác ở châu Phi. Một câu hỏi lớn đặt ra ở đây là,
liệu có phải các cuộc bạo động chính trị đó là hiện tượng mang tính quy
luật, hay do các thế lực nào giật dây và đạo diễn nhằm mưu cầu những lợi
ích riêng?
Vẫn là kịch bản “cách mạng nhung” quen thuộc
Để trả lời câu hỏi này,
ông Uy-li-am Ăng-đan (F. William Engdahl), nhà nghiên cứu chính trị,
lịch sử và kinh tế Mỹ, tác giả cuốn sách mang tựa đề “Chiến lược giành
ưu thế toàn diện hay là nền dân chủ bá quyền trong trật tự thế giới
mới” (“Full Spectrum Dominance: Totalitarian Democracy in the New World
Order”, Nhà xuất bản Wiesbaden, Cộng hòa Liên bang Đức, năm 2009),
có bài viết đăng trên báo điện tử “Chiến tranh và hòa bình” (Uy-li-am Ăng-đan - “Cuộc cách mạng ở Ai-cập phải chăng là sự tàn phá cái cũ để xây dựng Trung Đông Lớn?” đăng trên http://www.warandpeace.ru/ru/exclusive/vprint/55198/), đã
chứng minh rằng, các cuộc “cách mạng nhung” đầy kịch tính ở nhiều nước
châu Phi, đặc biệt là ở Ai Cập hiện nay, đều do các tổ chức phi chính
phủ ở Mỹ đạo diễn và tài trợ, để thực hiện kế hoạch “bình định” toàn bộ
khu vực Trung Đông nhằm tranh giành tài nguyên và thị trường với các đối
thủ cạnh tranh là Trung Quốc, Nga, EU và nhiều nước khác.
Theo Uy-li-am Ăng-đan,
nhìn bề ngoài, có vẻ như các cuộc “cách mạng nhung” đó diễn ra một cách
tự nhiên, xuất phát từ cùng một nguyên nhân là khủng hoảng kinh tế - xã
hội; nạn thất nghiệp gia tăng; sự bất bình đẳng trong xã hội; khoảng
cách giữa người giàu và người nghèo ngày một lớn; chính quyền ở các nước
đó bảo thủ và trì trệ trong nhiều năm... Tuy nhiên, khi phân tích kỹ
dựa trên các cứ liệu lịch sử và xâu chuỗi các sự kiện diễn ra trong suốt
nhiều thập kỷ thì nhận thấy, công thức chung cho các cuộc “cách mạng”
đó đã được Lầu Năm Góc, các cơ quan tình báo, các viện nghiên cứu chiến
lược, các tổ chức phi chính phủ của Mỹ và nhiều nước phương Tây nghiên
cứu hoạch định và áp dụng từ trước đây rất lâu. Mà khởi đầu là từ năm
1968 trong các sự kiện nhằm gây bất ổn chính trị ở nước Pháp dưới thời
cầm quyền của Tổng thống Pháp Đờ-gôn - một người không chịu nghe theo sự
chỉ bảo của Mỹ. Các chuyên gia nghiên cứu chiến lược chính trị gọi đó
là “công nghệ ong vỡ tổ”.
Kể từ các cuộc bạo động
chính trị ở Pháp năm 1968, Oa-sinh-tơn đã sử dụng “công nghệ ong vỡ tổ”
để đạo diễn hàng loạt vụ bạo động chính trị nhằm thay đổi chính phủ cầm
quyền ở nhiều nước Đông Âu và các khu vực khác trên thế giới, mà gần đây
nhất là các cuộc “cách mạng nhung” ở Nam Tư, Gru-di-a, U-crai-na,
Cư-rơ-gư-dơ-xtan, I-ran v.v.
Do đâu Mỹ bỏ rơi đồng minh chiến lược ở Trung Đông?
Ngày 11-2-2011, trước sức
ép ngày càng tăng của phong trào phản kháng cũng như sự hối thúc quyết
liệt của Mỹ và một số nước phương Tây, Tổng thống Ai Cập Hô-xni
Mu-ba-rắc đã phải quyết định từ chức và trao lại quyền điều hành đất
nước cho giới quân sự.
Một trong những câu hỏi
đặt ra trước dư luận quốc tế cũng như giới phân tích là thái độ khá bất
ngờ và không thông thường của Oa-sinh-tơn đối với các biến cố ở Ai Cập
và bản thân Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc. Trong một thời gian khá dài,
Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc là một trong những đồng minh và đối tác tin
cậy nhất, then chốt nhất của Mỹ và các nước phương Tây ở Trung Đông. Ai
Cập đã từng hợp tác rất chặt chẽ với I-xra-en-một đồng minh chiến lược
của Mỹ và đã từng đóng vai trò trung gian để thực hiện các kịch bản của
Oa-sinh-tơn ở khu vực này.
Thế nhưng, trong diễn
biến các sự kiện vừa qua ở Ai Cập, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và một
số quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ liên tiếp đưa ra những tuyên bố
nhằm hối thúc Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc từ chức ngay lập tức. Trợ lý
của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, ông Mác-phôn, đã từng tuyên bố: “Một
mặt, Mỹ tiếp tục giữ quan hệ nhà nước với Ai Cập, mặt khác vẫn ủng hộ
phong trào phản kháng tại đây”. Trên thực tế, Oa-sinh-tơn đã bỏ rơi Tổng
thống Hô-xni Mu-ba-rắc. Do đâu có tình hình đó?
Theo giới phân tích chính
trị quốc tế, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào ở Trung Đông, Oa-sinh-tơn
vẫn phải xuất phát từ các lợi ích địa - chính trị. Có thể thấy, thời
gian đầu sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ trở thành quốc gia chiếm ưu thế gần
như tuyệt đối ở Trung Đông. Họ đã đơn phương phát động chiến tranh ở
I-rắc, được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành chiến tranh
ở Áp-ga-ni-xtan, liên tục đưa ra các giải pháp gây sức ép đối với
I-ran. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình thực tế diễn biến bất lợi
đối với Mỹ, trong đó Oa-sinh-tơn đứng trước nguy cơ mất dần ảnh hưởng
và mất quyền kiểm soát ở Trung Đông. Tiến trình “Mỹ hóa I-rắc” và “Mỹ
hóa Áp-ga-ni-xtan” rơi vào bế tắc, khả năng Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự
để giải quyết “hồ sơ hạt nhân” của I-ran đã bị “xếp xó”, đồng thời Mỹ
cũng đã hoàn toàn thất bại trong vai trò trung gian hòa giải để dàn xếp
tiến trình hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin.
Trong bối cảnh đó, ngay
trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như trong giới quyền lực khác ở Oa-sinh-tơn
đã hình thành hai loại ý kiến khác nhau. Một loại ý kiến cho rằng, Mỹ
nên giữ nguyên hiện trạng. Còn loại ý kiến khác đưa ra là cho dù có hiện
diện quân sự ở Trung Đông, Mỹ vẫn không thể “bình định” được khu vực
này và đặt nó dưới tầm ảnh hưởng toàn diện của mình. Do đó, Mỹ nên có
các biện pháp chiến lược dung hòa với các lực lượng hồi giáo ôn hòa,
thậm chí mở đường cho họ tham gia bộ máy cầm quyền ở một số nước trong
khu vực nhằm ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa hồi giáo cực đoan. Ở Ai Cập,
đại diện điển hình cho lực lượng hồi giáo ôn hòa là tổ chức “Những người
Hồi giáo anh em”. Chính tổ chức này là một thành phần quan trọng tham
gia các cuộc biểu tình, chống Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc ở Ai Cập vừa
qua.
Vì thế, theo Uy-li-am
Ăng-đan, cuộc “cách mạng” hiện nay ở Ai Cập xuất phát từ chủ trương của
Oa-sinh-tơn muốn lật đổ Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc, một người trong
thời gian gần đây đã trở thành vật cản trên con đường Mỹ thực hiện chiến
lược “bình định” trên toàn bộ khu vực được họ gọi là Trung Đông Lớn.
Quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc
đã từng bị đóng băng do Cai-rô và Oa-sinh-tơn mâu thuẫn trong cách giải
quyết vấn đề hạt nhân của I-ran nói riêng và chính sách của Tổng thống
Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đối với toàn bộ khu vực Trung Đông nói chung. Chính
vào thời điểm bùng phát các cuộc bạo động trên đường phố ở Cai-rô đòi
Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc từ chức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ai
Cập, trung tướng Xa-mi Ha-phét, được Lầu Năm Góc mời sang thăm Mỹ nhằm
vô hiệu hóa sự hỗ trợ của quân đội trong việc ủng hộ Tổng thống Hô-xni
Mu-ba-rắc dẹp loạn.
Cuộc “cách mạng” ở Ai Cập
Dựa trên các cứ liệu xác
thực, Uy-li-am Ăng-đan chứng minh rằng, cuộc bạo động chính trị ở Ai Cập
diễn ra theo đúng kịch bản các cuộc “cách mạng nhung”, hay còn gọi là
“cách mạng bằng sức mạnh mềm” đã từng diễn ra ở Gru-di-a và U-crai-na. Ở
Ai Cập, lực lượng tiến hành “cách mạng” bao gồm đông đảo thanh niên sử
dụng các phương tiện công nghệ thông tin và mạng Internet có quan hệ gắn
bó với ông Mô-ha-mét En Ba-ra-đây, nguyên Giám đốc Cơ quan năng lượng
nguyên tử quốc tế, và nhóm giáo phái mang tên “Những người Hồi giáo anh
em” đã từng có nhiều năm “ăn nằm” với các cơ quan tình báo Mỹ và Anh.
Lời kêu gọi tổng bãi công
trên toàn lãnh thổ Ai Cập và tổ chức “Ngày nổi giận” hôm 25-1-2011 đòi
Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc từ chức được phát đi từ “chỉ huy sở” đặt
trên mạng xã hội Facebook và được mang tên là “Phong trào ngày 6 tháng
4” do Át-mét Ma-hơ I-bra-him, kỹ sư xây dựng 29 tuổi, đứng đầu. Trước
đó, vào ngày 6-4-2008, chính Át-mét Ma-hơ I-bra-him đã sử dụng mạng xã
hội Facebook ra lời kêu gọi công nhân bãi công chống chính phủ của Tổng
thống Hô-xni Mu-ba-rắc.
Theo tính toán của “Thời báo Mỹ” (New York Times), từ năm 2009
đã có khoảng 800.000 người Ai Cập, đa số là thanh niên, sử dụng hai
mạng xã hội lớn nhất là Facebook và Twitter. Trả lời phỏng vấn ở
Oa-sinh-tơn, Át-mét Ma-hơ I-bra-him tuyên bố: “Là phong trào thanh niên ở
Ai Cập sử dụng mạng xã hội trên Internet, như Facebook và Twitter,
chúng tôi sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ bằng cách khuyến khích cộng đồng
tham gia các quá trình chính trị”.
Cũng trong năm 2009,
Át-mét Ma-hơ I-bra-him cho biết, “Phong trào ngày 6 tháng 4” nhận được
sử ủng hộ của ông Mô-ha-mét En Ba-ra-đây, Giám đốc Cơ quan năng lượng
nguyên tử quốc tế; ông Gioóc-giơ Ít-hắc-cơ, thủ lĩnh tổ chức mang tên
“Phong trào vì sự thay đổi ở Ai Cập”, và chủ tịch phong trào “Những
người Hồi giáo anh em”. Lúc này, “Phong trào vì sự thay đổi ở Ai Cập” và
tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” là lực lượng chủ chốt và đóng vai
trò trung tâm trong cuộc “cách mạng nhung” ở Ai Cập. Theo nhận định của
giới phân tích, ông Mô-ha-mét En Ba-ra-đây là nhân vật trung tâm trong
các diễn biến dân chủ mang tính chất nghị viện ở Ai Cập trong thời gian
tới. Căn cứ vào dư luận ở Mỹ, ông Mô-ha-mét En Ba-ra-đây nhận được sự
ủng hộ của các tướng lĩnh quân đội và nhiều quan chức có ảnh hưởng lớn ở
Oa-sinh-tơn.
Một động thái rất đáng
chú ý là “Phong trào vì sự thay đổi ở Ai Cập có tên gọi bằng tiếng A-rập
là “Ke-phai-ơ”, có nghĩa là “Đã đến lúc phải chấm dứt”, hoàn toàn trùng
hợp với tên gọi “Cơ-ma-ra” bằng tiếng Gru-di-a để chỉ phong trào thanh
niên “cách mạng nhung” cũng có cùng một nghĩa như thế. Nói cách khác,
khẩu hiệu “cách mạng nhung” ở Ai Cập và ở Gru-di-a là giống nhau, đều
kêu gọi chấm dứt chế độ cầm quyền hiện tại là đòi tổng thống đương quyền
phải ra đi.
Một thực tế rất đáng chú ý
là các lực lượng tham gia phong trào “Ke-phai-ơ” ở Ai Cập, cũng như
phong trào thanh niên “Cơ-ma-ra” ở Gru-di-a, đều do “Quỹ quốc gia ủng hô
dân chủ” và “Viện An-be Anh-xtanh” là các tổ chức phi chính phủ ở Mỹ
tài trợ và huấn luyện. Trong các cuộc mít tinh chống chính phủ ở Ai Cập
vào tháng 12-2009, “Phong trào vì sự thay đổi ở Ai Cập” cũng đã từng ra
tuyên bố ủng hộ ông Mô-ha-mét En Ba-ra-đây ra ứng cử Tổng thống Ai Cập
trong các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào năm 2011.
“Phong trào vì sự thay
đổi ở Ai Cập” được thành lập năm 2008 theo sáng kiến chiến lược của Ban
an ninh quốc gia thuộc Công ty RAND của Mỹ do Cục công nghệ phản ứng
nhanh của Lầu Năm Góc tài trợ. Sáng kiến này nhằm sử dụng các phương
tiện thông tin đại chúng, các lực lượng thanh niên cực đoan và lôi kéo
các tầng lớp dân chúng bất bình với chính phủ để tiến hành “cách mạng
nhung”. Tháng 5-2009, trước khi Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma có chuyến
thăm Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ
phụ trách khu vực Trung Đông, ông Giơ-phe-ri Phen-man, đã tổ chức cuộc
gặp các thành viên tích cực nhất thuộc các “phòng trào cách mạng” ở Ai
Cập do tổ chức phi chính phủ mang tên “Ngôi nhà tự do” của Mỹ tài trợ
trong khuôn khổ chương trình mang tên “Thế hệ mới”. Tổ chức này là một
trong các tổ chức phi chính phủ đã từng đạo diễn các cuộc “cách mạng
nhung” ở U-crai-na, Gru-di-a và nhiều cuộc “cách mạng sắc màu” khác.
Như vậy, theo Uy-li-am
Ăng-đan, các tổ chức phi chính phủ của Mỹ như “Ngôi nhà tự do”, “Quỹ
quốc gia hỗ trợ dân chủ”, “Viện quốc gia nghiên cứu quốc tế của Đảng
Cộng hòa”, “Viện quốc gia nghiên cứu quốc tế của Đảng Dân chủ”... là
những tổ chức chuẩn bị và đứng đằng sau các cuộc “cách mạng nhung” trước
đây ở một số nước, cũng như các cuộc bạo động chính trị hiện nay ở
Tuy-ni-di, Ai Cập và nhiều nước châu Phi khác.
Lúc này, sự kiện Ai Cập
đã tạo ra thêm một tiền lệ, khiến chính quyền ở các nước có định hướng
thân Mỹ và thân phương Tây có thể mất dần niềm tin vào Oa-sinh-tơn. Họ
sợ rằng, để bảo vệ các lợi ích địa - chính trị trên toàn cầu, đến một
lúc nào đó, Mỹ sẽ bỏ rơi họ trong những tình huống tương tự như ở Ai
Cập./.
Mỹ Tâm-TCCS: Số 3 (219) năm 2011