Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

15. Về 3 đặc điểm của tiến trình hội nhập EU sau Chiến tranh thế giới thứ hai

TCCS - Trong 65 năm qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, châu Âu có đóng góp lớn cho xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Thuyết "châu Âu là trung tâm của thế giới" đã từng bị phê phán, tuy nhiên, từ quá trình khoan dung, hòa giải, liên kết và hội nhập phát triển bền vững ở châu lục này có thể rút ra được một số kinh nghiệm bổ ích cho các châu lục khác, đặc biệt là đối với Đông á. Bài viết tập trung vào 3 đặc điểm của tiến trình hội nhập EU sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Vượt qua quan hệ thù địch để tiến tới quan hệ đối tác, bạn bè và đồng minh
Về một phương diện, có thể nói lịch sử châu Âu là lịch sử của những cuộc chiến tranh trong đó có cuộc chiến kéo dài tới cả trăm năm. Trong thế kỷ XX, châu lục này là nơi khởi nguồn của hai cuộc chiến tranh lớn (hai cuộc chiến tranh thế giới) và Chiến tranh lạnh. Định đề của chủ nghĩa hiện thực "Kẻ mạnh làm những gì mà họ có quyền lực để làm và kẻ yếu chấp thuận những gì họ phải chấp thuận" đã khơi mào cho nhiều âm mưu hiếu chiến từ cổ tới kim. Đối diện với chủ nghĩa hiện thực là chủ nghĩa lý tưởng với sự tôn vinh đạo lý và khát vọng hòa bình cho các dân tộc. Cuộc đấu tranh giữa hai trường phái tư tưởng này cũng là cuộc đấu tranh giữa "cái thiện" với "cái ác" trong từng cá nhân cũng như giữa các thế lực trong xã hội quốc gia và xã hội quốc tế.
Trong cuộc đấu tranh ấy, châu Âu đã trưởng thành và trở thành nôi khởi thủy của nhiều tư tưởng nhân văn, tiến bộ xã hội, trong đó có học thuyết của C. Mác về tự do và sự phát triển toàn diện của con người với một trong ba nguồn gốc là triết học cổ điển Đức. Trong tác phẩm "Hòa bình vĩnh viễn" xuất bản năm 1775, I. Can-tơ (Immanuel Kant), nhà triết học cổ điển Đức, đã đưa ra ý tưởng về một kiến trúc "Liên hiệp hòa bình" giữa các dân tộc ở châu Âu mà nền tảng là khung pháp lý thuyết Thể chế có ảnh hưởng lớn tới tiến trình tạo dựng hòa bình ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ "Cộng đồng Than thép châu Âu" (ECSC) được thành lập năm 1952 theo Hiệp ước Pa-ri năm 1951 tới "Liên minh châu Âu" (EU) ra đời năm 1992 theo Hiệp ước Ma-át-xtrích và việc thông qua Hiệp ước Li-xbon có hiệu lực từ ngày 1-12-2009 là một bước tiến dài trong lịch sử khu vực hóa - thể chế hóa ở châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung. ý tưởng của I.Can-tơ đã trở thành hiện thực. Kiến trúc EU chính là một dạng thức "Liên hiệp hòa bình" nhằm bảo đảm an ninh lâu dài và sự thịnh vượng cho các nước thành viên.
Hòa giải và hợp tác Pháp - Đức, hai nước lớn ở châu Âu, là động lực chính thúc đẩy hòa nhập châu Âu. Ngoại trưởng Pháp R. Xchu-man (Robert Schuman) là người đầu tiên nêu ý tưởng này trong tuyên bố ngày 9-5-1950: "Châu Âu sẽ không thể được tạo thành trong một sớm một chiều, cũng không phải được xây dựng cùng một lúc: nó sẽ phải được tiến hành theo từng bước cụ thể, trước hết là bằng việc tạo ra tình đoàn kết trong hành động. Việc tập hợp các quốc gia châu Âu yêu cầu phải chấm dứt sự đối đầu kéo dài cả thế kỷ giữa hai nước: mỗi hành động được triển khai phải xuất phát từ nguyên thủ quốc gia của mỗi nước". Ngày 9-5 sau này đã trở thành ngày sinh của EU và được kỷ niệm hằng năm là "Ngày châu Âu". Nhờ nỗ lực phấn đấu của cả hai nước theo kế hoạch của R.Xchu-man, mười ba năm sau, Hiệp ước về hợp tác Pháp - Đức (còn gọi là Hiệp ước Ê-ly-dê) do Thủ tướng Đức K. A-đơ-nô (Konrad Adenauer) và Tổng thống Đờ Gôn (De Gaulle) ký ngày 22-1-1963 đã trở thành một trong những nền tảng của quan hệ hợp tác giữa hai nước. Ba mục tiêu của Hiệp ước, được thể hiện trong bản Tuyên bố chung đi kèm Hiệp ước, là: khẳng định sự hòa giải Pháp - Đức đã chấm dứt các thế kỷ thù địch vừa qua và tạo ra sự thay đổi cơ bản trong quan hệ giữa hai dân tộc; thiết lập tình hữu nghị thực sự giữa hai dân tộc, đặc biệt giữa giới trẻ hai nước; thúc đẩy xây dựng châu Âu thống nhất và đây cũng là mục tiêu phấn đấu của cả hai dân tộc. Mặc dù còn những bất đồng và đây cũng là điều khó tránh, nhưng trong gần nửa thế kỷ qua, quan hệ hợp tác Pháp - Đức đã có sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng cả về chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, giáo dục và văn hóa. Mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở hòa hợp lịch sử giữa hai nước vốn bị chiến tranh chia cắt và cũng đồng thời là động lực thúc đẩy hòa nhập châu Âu. Mỗi một thời kỳ tăng cường xây dựng liên minh châu Âu đều dựa vào quan điểm thống nhất của Pháp và Đức. Sức mạnh của mối quan hệ Pháp - Đức chủ yếu dựa vào những mối liên hệ bền chặt mà cả hai nước đã thiết lập theo dòng thời gian và trên tất cả các lĩnh vực. Về mặt chính trị và quan hệ thể chế, Hiệp ước đã vạch ra một lịch trình ràng buộc đối với các chuyến thăm thường xuyên ở tất cả các cấp (Nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, quan chức cấp cao) nhằm duy trì thường xuyên tinh thần hợp tác giữa hai bên.
Vượt qua chủ quyền quốc gia tối thượng để đi tới "Liên minh châu Âu"
Quan niệm về chủ quyền quốc gia và tính bất khả xâm phạm của nó vốn là nguyên lý rường cột trong học thuyết về nhà nước được hình thành và khẳng định trong đời sống quốc tế ở châu Âu từ Hiệp ước Oét-pha-li-a (Wesphalia) năm 1648. Vì vậy, "vượt qua chủ quyền quốc gia" để đến với "liên kết và hội nhập khu vực" là thách đố lớn đối với tư duy và thực tiễn chính trị châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong bối cảnh đó, tầm nhìn xa vượt thời gian của những nhà sáng lập EU là ở chỗ họ đã vượt qua được "lẽ phải thông thường" về chủ quyền quốc gia và lợi ích kinh tế thuần túy mà theo cách nói của G.V.Ph.Hê-ghen (Hegel) thì "lẽ phải thông thường" lại không phải là triết học, để đi tới đích tương lai mà lúc đương thời cũng chưa thể hình dung hết được.
Chủ nghĩa liên bang là sự vượt qua chủ quyền quốc gia được pháp điển hóa lần đầu tiên ở Hiệp ước Oét-pha-li-a và cũng là sự phủ định tư tưởng chính trị quyền lực của chủ nghĩa hiện thực. Điểm cốt lõi của tư tưởng liên bang là nguyên tắc hiệp hội, theo đó, một liên minh tự nguyện của các quốc gia và dân tộc được hình thành nhờ sự thỏa ước, giao kèo hoặc tự do tham gia trên cơ sở tự nguyện, tôn trọng và thừa nhận lẫn nhau, cùng có lợi, khoan dung, ưng thuận và bình đẳng, tự quản và cùng nhau quản lý, giải quyết những công việc chung. Tư tưởng liên bang còn là một quan niệm tổ chức, chống tuyệt đối hóa, chống trung tâm hóa, tự trị, đoàn kết, chấp nhận sự khác biệt, bảo đảm tính công dân, xây dựng liên minh từ dưới lên chứ không phải là cách tiếp cận thứ bậc từ trên xuống và trong quá trình đó luôn có sự điều chỉnh và thích ứng với hoàn cảnh luôn thay đổi.
Vấn đề đặt ra đối với những nhà sáng lập EU là làm thế nào để thuyết phục các dân tộc có thể tiếp cận vấn đề và những lợi ích của họ theo cùng một cách nhìn, trong khi các cá nhân và dân tộc lại đang bị chia rẽ? Cách thức khả quan là từng bước tạo ra lợi ích chung rộng nhất giữa những người dân châu Âu mà lợi ích này được bảo vệ bằng các thiết chế dân chủ chung đại diện cho chủ quyền chính đáng của các quốc gia. Cách thức này đòi hỏi phải có sự thay đổi quan niệm của cá nhân bằng cách ngăn chặn và hóa giải những nguyên nhân gây ra sự thù địch giữa họ với nhau và như vậy, cần phải thay đổi một cách cấp tiến bối cảnh chính trị mà ở đó các cuộc xung đột đã xảy ra theo cách truyền thống.
Sự hoang tàn, đau khổ chất chồng ở châu Âu sau thảm họa phát-xít cũng đã nuôi dưỡng những tiền đề cần thiết cho chủ nghĩa liên bang đơm hoa kết trái. Truyền thống "Phục hưng" và "Khai sáng" của châu Âu cùng những khát vọng nhân văn đã được tích lũy qua nhiều thế kỷ vốn tiềm ẩn trong vô thức tập thể châu Âu, nay có dịp tỉnh thức như "hoa cúc vàng nở rộ vào mùa thu". Các công dân và các dân tộc cho dù trước đây đã từng có lúc đối đầu trên hai bờ chiến tuyến, đã từng bước rũ bỏ những định kiến, mặc cảm và rộng lòng khoan dung để dễ dàng tiếp nhận thiện chí hòa hợp và hợp tác dài lâu. Nhờ sự đoàn kết, kiên trì và quyết tâm hành động của các chính phủ và các dân tộc mà EU đã từng bước trưởng thành, hoàn thiện và có diện mạo như ngày nay. Với việc thực hiện Hiệp ước Li-xbon (tháng 12-2009), EU sẽ có thể giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn và với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ hơn. Hiệp ước Li-xbon là một phương tiện, không phải là mục đích, vì nó mang lại cho EU những công cụ để giải quyết những mối quan tâm của người dân EU trong thế kỷ XXI. Cho dù chưa có Hiến pháp châu Âu như mong đợi, nhưng Hiệp ước này cũng đã là một thành công lớn trên con đường thể chế hóa EU, hình thành một dạng thức "nhà nước liên bang pháp quyền khu vực". EU đã có Chủ tịch với nhiệm kỳ 2 năm và một chức danh phụ trách đối ngoại chung mà có thể xem như là bộ trưởng ngoại giao.
Sự phát triển của EU với tầm vóc như hiện nay mặc dù chưa có thể đáp ứng đầy đủ được nhu cầu của các thành viên, nhưng cũng đã tạo dựng được khung pháp quyền khu vực quan trọng làm cơ sở cho các bước tiến tiếp trong tương lai. Các chuẩn mực pháp lý khu vực vừa là định hướng cho an ninh và phát triển chung, vừa là tiêu chí để giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn có thể nảy sinh. Là một thành viên của EU, về một phương diện, mỗi quốc gia có thể phải chấp nhận một sự ràng buộc nghĩa vụ "hạn chế chủ quyền", chẳng hạn như khi phải "mở cửa biên giới", nhưng về một phương diện khác, họ lại có không gian pháp lý hoạt động rộng hơn "không gian biên giới". Các công dân và các công ty có thể dễ dàng hoạt động ngoài biên giới quốc gia, trong lãnh địa EU rộng lớn hơn nhiều lần.
Vượt qua tự do kinh tế thuần túy để vươn tới một trình độ mới về tự do trong một không gian mới 
Hiệp ước Li-xbon là một phương tiện, không phải là mục đích, vì nó mang lại cho EU những công cụ để giải quyết những mối quan tâm của người dân EU trong thế kỷ XXI. Cho dù chưa có Hiến pháp châu Âu như mong đợi, nhưng Hiệp ước Li-xbon cũng đã là một thành công lớn trên con đường thể chế hóa EU, hình thành một dạng thức "nhà nước liên bang pháp quyền khu vực".
Nếu chỉ dừng lại ở mục tiêu kinh tế thì EU cũng chỉ là
một thị trường chung và vấn đề "hòa bình vĩnh viễn" cho khu vực vẫn còn bỏ ngỏ. Kinh tế là nền tảng quan trọng của đời sống xã hội, nhưng không phải là mục đích tự thân mà chỉ là phương tiện phục vụ cho mục tiêu phát triển toàn diện cá nhân với tư cách là một chủ thể xã hội hoàn chỉnh. Tuyệt đối hóa "cái kinh tế", làm kinh tế bằng mọi giá thì sớm hay muộn sẽ dẫn tới sự băng hoại xã hội, làm đảo lộn hệ giá trị đạo đức và tàn phá môi trường sinh thái. Khi bàn về chính trị, A-ri-xtốt cho rằng, về bản chất, con người là "động vật chính trị", vì vậy khao khát quyền lực chính trị cũng là một "động cơ bản năng" của cá nhân. Nhưng nếu "quyền lực chính trị" bị tập trung tuyệt đối vào trong tay một cá nhân hay một nhóm cá nhân nào tới mức vượt ra khỏi vòng kiểm soát của xã hội thì hậu quả cũng khôn lường. Hai cuộc chiến tranh thế giới trong nửa đầu thế kỷ XX đã minh chứng cho châu Âu và nhân loại điều đó. Thảm kịch ở châu Âu đã cảnh tỉnh các thế hệ sau về con đường nào nên đi và cần phải đi trong tương lai. Chính vì vậy mà quá trình liên kết châu Âu là một quá trình hội nhập toàn diện hướng tới hòa bình và phát triển bền vững.
Theo Thủ tướng CHLB Đức A. Méc-ken (Angela Merkel), sự khoan dung và cởi mở chính là phẩm chất cơ bản đã giúp các dân tộc châu Âu vượt qua được sự thù địch kéo dài nhiều thế kỷ để đến với nhau, hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau xây dựng một châu Âu thống nhất. Và theo bà, điều quan trọng nữa là, những nhà sáng lập ra EU đã có tầm nhìn vượt thế hệ, vượt thời gian, vượt qua tự do kinh tế thuần túy. Chính vì vậy, các bước đi cụ thể trong quá trình liên kết châu Âu mà cụ thể là từ ECSC tới EU (Li-xbon 2009) không chỉ đơn thuần phản ánh lô-gic chuyển hóa từ kinh tế tới chính trị. Trong mối quan hệ tương tác với kinh tế, tính độc lập tương đối và vai trò định hướng phát triển của chính trị và những giá trị văn hóa có ý nghĩa rất lớn. Theo E. Pi-xa-ni (Edgar Pisani), "phát triển là một quá trình văn hóa và chính trị trước khi là một quá trình kinh tế và công nghệ"(1). Tầm nhìn về tự do không chỉ định hướng tạo dựng không gian chung cho hợp tác phát triển kinh tế của EU với đỉnh cao là liên minh tiền tệ (sự ra đời của đồng tiền chung ơ-rô), mà còn giúp kiến tạo một cấu trúc chính trị - xã hội mới với các yếu tố cấu thành như thể chế liên minh, hiến pháp chung và xã hội dân sự phù hợp với nhu cầu phát triển mới của mỗi quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển năng lực sáng tạo của từng cá nhân trong tương lai.
Nhờ quá trình hội nhập toàn diện mà EU, khác với Mỹ, đã trở thành một siêu cường "thầm lặng" có khả năng triển khai sức mạnh dân sự trên toàn cầu bao gồm cả ảnh hưởng kinh tế, luật quốc tế, "sức mạnh mềm" (khả năng lôi cuốn đối tác tư duy theo lô-gíc của mình) và "sức mạnh thông minh" (kết hợp ảnh hưởng quân sự với các hình thức ảnh hưởng dân sự).
Các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị đan xen, thẩm thấu vào nhau trong Kế hoạch Xchu-man. Việc xây dựng thể chế nhà nước pháp quyền trong quan hệ giữa các nước của EU đã tạo ra sự cân bằng quyền lực ngay trong nội bộ mỗi quốc gia tới mức có thể thay thế quan niệm về sức mạnh tuyệt đối, "cá lớn nuốt cá bé" của trường phái hiện thực chính trị quốc tế bằng quan niệm về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi nước trong hợp tác bảo vệ an ninh chung và thúc đẩy cùng phát triển bền vững(2). Đa nguyên chính trị, nhà nước pháp quyền, quyền con người đã trở thành điều kiện cần về chính trị cho các ứng cử viên muốn gia nhập EU. Hội nhập trong EU (bao gồm cả quá trình mở rộng EU sau Chiến tranh lạnh từ EU15 thành EU27) về một phương diện, đã và đang diễn ra theo kịch bản 3 điều khoản cuối cùng của I.Can-tơ (3). Điều khoản cuối cùng thứ nhất đòi hỏi hiến pháp dân sự của quốc gia - nhà nước phải là hiến pháp cộng hòa. Nền cộng hòa, theo I.Can-tơ, bảo đảm quyền tự do và bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân trong một chế độ đại nghị tam quyền phân lập dựa trên nền kinh tế thị trường. Điều khoản cuối cùng thứ hai là các nước cộng hòa tự do sẽ từng bước thiết lập nền hòa bình giữa họ bằng một "Liên bang hòa bình" hay một "Liên hiệp hòa bình". Theo I.Can-tơ "có thể chứng minh rằng ý tưởng về chủ nghĩa liên bang mở rộng dần dần để bao gồm tất cả các nước và do đó dẫn đến một nền hòa bình vĩnh viễn này là điều có thể đạt được và có thực tế khách quan. Nếu do may mắn, một dân tộc hùng mạnh và sáng suốt có thể thành lập một nước cộng hòa (mà do bản chất luôn hướng về hòa bình), thì nước này sẽ tạo ra một tiêu điểm cho sự liên hiệp có tính liên bang giữa các nước khác. Các nước này sẽ gắn với nước đầu tiên, qua đó bảo đảm tự do của mỗi nước phù hợp với ý tưởng về quyền quốc tế, và toàn bộ nhóm này sẽ dần dần mở rộng hơn nữa bằng một loạt liên minh thuộc loại này"(4).
Điều khoản cuối cùng thứ ba là xây dựng một bộ luật toàn thế giới phù hợp với "Liên hiệp hòa bình" mà trong đó thừa nhận "quyền của một người dân nước ngoài không bị đối xử một cách thù địch khi đặt chân lên một lãnh thổ khác" và điều đó "không vượt ra ngoài những điều kiện cho phép người nước ngoài đó thiết lập quan hệ (thương mại) với dân bản địa"(5). Ba điều khoản này với mức độ khác nhau đã được hiện thực hóa trong quá trình hội nhập ở quê hương châu Âu của I.Can-tơ. Các thành viên của EU27 cùng chia sẻ không chỉ những lợi ích chung mà cả những giá trị chung, thể chế chung cùng những chuẩn mực pháp luật chung về cả chính trị - an ninh, kinh tế và xã hội. Liên minh này được hình thành, củng cố và mở rộng thông qua tương tác giữa kinh tế với các thể chế mà chúng cần phải được xây dựng trong cấu trúc mới của châu Âu trên bình diện rộng. Phương pháp "Cộng đồng Than thép châu Âu" nhằm tạo dựng tình đoàn kết lớn nhất giữa các dân tộc vốn từng là địch thủ của nhau qua nhiều thế kỷ đã được áp dụng theo một cách thích hợp sao cho các dân tộc khác có thể từng bước hòa giải và tham gia các thiết chế và luật lệ chung - khung pháp lý của tự do và "hòa bình vĩnh viễn".
Cùng với quá trình xây dựng kiến trúc thượng tầng, một xã hội dân sự chung của EU cũng đã được tạo dựng dần dần. Xã hội này tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quyền lựa chọn cuộc sống tự do và việc làm cho các công dân. Từ "công dân quốc gia" trở thành "công dân EU" là một sự thay đổi quan trọng. Đối với các quốc gia tham gia Hiệp định Schengen, các công dân có "sân chơi" rộng lớn và phong phú hơn nhiều không gian quốc gia riêng lẻ và cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm, học tập, giải trí và phát triển toàn diện. Nhờ quá trình hội nhập toàn diện mà EU, khác với Mỹ, đã trở thành một siêu cường "thầm lặng" có khả năng triển khai sức mạnh dân sự trên toàn cầu bao gồm cả ảnh hưởng kinh tế, luật quốc tế, "sức mạnh mềm" (khả năng lôi cuốn đối tác tư duy theo lô-gic của mình) và "sức mạnh thông minh" (kết hợp ảnh hưởng quân sự với các hình thức ảnh hưởng dân sự). Trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới vừa qua, chủ nghĩa tự do cũ và mới lại thêm một lần nữa bộc lộ rõ ràng hơn sự bất cập. Phát biểu tại "Diễn đàn Kinh tế thế giới" ở Đa-vốt (Thụy Sĩ) vào cuối tháng 1-2009, Thủ tướng CHLB Đức A. Méc-ken cho rằng, mô hình kinh tế thị trường - xã hội là mô hình tốt cho tương lai vì nó tuân theo nguyên tắc: nhà nước là "người canh gác" trật tự kinh tế và xã hội. Cạnh tranh là vấn đề sống còn, nhưng cạnh tranh cần phải được điều tiết và gắn với trách nhiệm xã hội. Tự do cá nhân là rất cần thiết cho sự phát triển của các lực lượng thị trường, nhưng nó cũng cần phải bị kiềm tỏa một khi nó bắt đầu xâm phạm tới tự do của người khác. Nước Nga cũng đang đi theo mô hình kinh tế thị trường - xã hội và ngay cả nước Mỹ sau cơn bão khủng hoảng tài chính vừa rồi cũng đã phải có những điều chỉnh lớn về chính sách theo hướng phát triển bền vững, trong đó có việc thông qua đạo luật mới về bảo hiểm y tế và các biện pháp mới nhằm kiểm soát tốt hơn các hoạt động vốn rất phức tạp của hệ thống ngân hàng.
Mặc dù còn không ít những vấn đề và thách thức trong đó có mâu thuẫn EU - Mỹ, EU - Nga, nhưng sự ra đời, phát triển và mở rộng của EU cùng những đóng góp của Liên minh này cho hòa bình và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay đã và đang khẳng định sức sống, tính khả thi, tính phổ quát và triển vọng không thể phủ nhận của dự án về một nền "Hòa bình vĩnh viễn" do I.Can-tơ khởi xướng. Trong môi trường chiến lược của thế kỷ XXI, khi tất cả các dân tộc trên trái đất đang phải đối mặt với những thách thức an ninh phi truyền thống với những nguy cơ hủy diệt khôn lường, thậm chí có thể đặt ra cả vấn đề "tồn tại hay không tồn tại" cho cả nhân loại, thì dự án đó của I.Can-tơ càng có ý nghĩa thực tiễn cấp bách đối với tất cả các bình diện khu vực, liên khu vực và toàn cầu./.
__________________________________________________
 (1) Dẫn theo Richard Bergeron: Phản phát triển, cái giá của chủ nghĩa tự do, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 10
(2) Xem: Michael Burgess: Federalism and European Union: The building of Europe, 1950 - 2000, Routledge, 2000, pp 35-38
(3) Xem: Paul R. Viotti-Mark V.Kauppi, Lý luận quan hệ quốc tế, Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội 2001,
tr 381 - 388
(4) Sđd, tr 382 - 383
(5) Sđd, tr 383
TS.Nguyễn Đình Luân
TCCS.Số 20 (212) năm 2010