Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

18. Dự báo về triển vọng của 3 trung tâm kinh tế thế giới

TCCSĐT - Trong xu thế phục hồi chung của kinh tế thế giới, kinh tế của 3 trung tâm lớn là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng đang bước đầu hồi phục, tuy nhiên triển vọng chưa vững chắc.
Kinh tế Mỹ đang "u ám hơn"
Mặc dù được dự báo là nền kinh tế số 1 thế giới này sẽ không rơi vào khủng hoảng kép nhưng sẽ phát triển chậm trong những tháng cuối năm. Hãng tin Roi-tơ (Reuters) dẫn báo cáo điều tra của hãng dự báo kinh tế Blue Chip cho biết, triển vọng của nền kinh tế đầu tàu thế giới đang trở nên u ám hơn. Các nhà phân tích ngày càng bi quan về triển vọng của nền kinh tế đầu tàu thế giới và cho rằng, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm 2010, giảm hơn so với mức 3,3% đưa ra trong lần thăm dò dư luận hồi tháng 6. Những nguy cơ đối với sự phục hồi không ổn định ở Mỹ là thị trường bất động sản còn yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp khó có thể giảm mạnh.
Các báo cáo về số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu, số vụ nhà ở bị chủ nợ tịch thu thế nợ và doanh số bán lẻ trong tuần qua tại Mỹ cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này đang giảm mạnh và bầu không khí xã hội ngày càng ảm đạm. Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 6 có 125.000 việc làm bị mất, sau hai tháng có tiến bộ, đến đầu tháng 8, số người lao động thất nghiệp lần đầu trong tuần qua tăng khoảng 2.000 người, nâng tổng số người thất nghiệp hiện nay ở Mỹ lên 480.000 người. Đây là tuần thứ ba có số người thất nghiệp tăng trong tháng và là mức tăng cao nhất trong 6 tháng trở lại đây. Số liệu này cộng thêm các số liệu kinh tế trong vài tuần gần đây đã phủ nhận những dự báo lạc quan của các nhà kinh tế, với dự kiến số người thất nghiệp ở Mỹ sẽ giảm khoảng 14.000 người. Trung bình số người làm đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp bốn tuần qua tại Mỹ tăng 14.250 người lên 473.500 người. Nhiều nhà kinh tế nhận định đây là dấu hiệu của một nền kinh tế yếu kém, do số lượng việc làm quá ít, không đáp ứng được tốc độ phát triển bình thường của lực lượng lao động.
Bộ Lao động báo cáo tổng số nhân viên được trả lương trong tháng 7 giảm khoảng 131.000 người. Trước tình hình này, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại tỷ lệ thất nghiệp có thể còn tăng trên mức dự kiến chính thức 9,5% hiện nay. Nhà kinh tế Pierre Ellis của hiệp hội Decision Economics cho rằng báo cáo số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa rồi là sự đảo lộn đáng kể trên thị trường lao động, đe dọa mức tăng thu nhập và chi phí tiêu dùng. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ về số lượng tài sản bị các ngân hàng tịch thu thế nợ cho thấy tác động xã hội của cuộc khủng hoảng việc làm ngày càng xấu hơn.
Công ty bất động sản RealtyTrac cho biết, trong tháng 7/2010, các ngân hàng cho vay tịch thu gần 92.900 nhà ở, tăng 9% so với tháng 6/2010, con số hàng tháng cao nhất lần thứ hai, kể từ tháng 1/2005.
Nhận xét về tỷ lệ tài sản bị tịch thu thế nợ, ông Rick Sharga, phó ban tìm hiểu thị trường của RealtyTrac nói: "Các con số về thất nghiệp và mất nhà ở đang tăng mạnh và chúng ta sẽ còn chứng kiến số liệu đó tồi tệ hơn, nếu thị trường việc làm không được cải thiện."
Ngày 7-7-2010, khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình cáp CNBC, Ông R. Phít-sơ, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khu vực Đa-lát, dự báo trong nửa cuối năm nay, nền kinh tế Mỹ sẽ phát triển chậm hơn so với nửa đầu năm, tuy nhiên, nền kinh tế sẽ không bị rơi trở lại tình trạng suy thoái. Ông cho biết, từ tháng 12-2008, FED đã áp dụng lãi suất ngắn hạn ở mức gần bằng 0% và đã mua hơn 1.000 tỉ USD các loại tài sản liên quan tới nhà ở như trái phiếu được hỗ trợ bằng thế chấp để giữ lãi suất dài hạn trên thị trường ở mức thấp, qua đó giúp nền kinh tế Mỹ thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước.
Mặc dù Tổng thống B. Ô-ba-ma đã xác định “tăng trưởng” là điều quan trọng của nền kinh tế Mỹ, nhưng với tình hình kinh tế quốc tế gần đây nhất, Mỹ đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn đó là tiếp tục kích thích kinh tế hay cắt giảm thâm hụt ngân sách. Rất nhiều nhà kinh tế cho rằng, Mỹ cần một phương án kích thích kinh tế mới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ T. Gây-nơ và Chủ tịch Ủy ban kinh tế tại Nhà Trắng L. Xăm-mơ cũng đều chủ trương áp dụng các biện pháp kích thích mới. Vấn đề mấu chốt là do tình hình việc làm ở Mỹ hiện nay vẫn rất nghiêm trọng. “Sự phục hồi không việc làm” đã làm giảm lòng tin và sự kiên nhẫn của người dân Mỹ.
Theo quan điểm của giáo sư kinh tế Tim Đy, Đại học Oregon, vấn đề việc làm phản ánh trong nền kinh tế Mỹ đang tồn tại vấn đề mang tính cấu trúc ở tầng sâu hơn chứ không chỉ mang tính chu kỳ. Vấn đề mang tính cấu trúc này chủ yếu là do các ngành nghề chế tạo trong nhiều năm qua đã chuyển sang nước ngoài. Sự chuyển dịch của ngành chế tạo này không chỉ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm Mỹ, mà còn tác động xấu tới khả năng sáng tạo của toàn bộ nền kinh tế.
Ông Đ. Bếch-cơ, nhà kinh tế vĩ mô của Trung tâm nghiên cứu chính sách và kinh tế Oa-sinh-tơn cho rằng, tính bất xác định của nền kinh tế Mỹ hiện nay đang ngày càng gia tăng. Nó đã khiến các quyết sách kinh tế của Quốc hội Mỹ rơi vào tình trạng tê liệt, bởi vì sự phục hồi chưa đủ mạnh để xoay chuyển khó khăn thâm hụt ngân sách, hơn nữa lại không quá yếu để có thể thuyết phục các nghị sỹ đồng ý tiếp tục thực thi kế hoạch kích thích kinh tế.
Theo ông Krúc-man, nhìn chung, tương lai của nền kinh tế Mỹ khá bi quan. Ông kêu gọi, để ngăn chặn việc đi theo vết xe đổ của Nhật Bản trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Mỹ nên áp dụng tất cả các chính sách tiền tệ tài chính có thể, tránh để nền kinh tế lại trượt vào suy thoái. Trong phương diện khống chế thâm hụt, ông Krúc-man cho rằng, miễn là có biện pháp thích hợp, thâm hụt tài chính trong 10 năm tới vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát.
Trước những dấu hiệu không mấy sáng sủa của sự phục hưng kinh tế Mỹ, FED đã quyết định tái khởi động biện pháp hỗ trợ kinh tế bằng cách mua lại nợ chính phủ của các ngân hàng, với mục tiêu kép là bơm tiền vào nền kinh tế và ngăn chặn việc tăng lãi suất ngân hàng.
Về việc kiềm chế lạm phát, thì nhiều tháng nay các nhà phân tích của Mỹ đã cảnh báo về kịch bản một nền kinh tế tăng trưởng yếu ớt đi kèm với giá tiêu dùng và lương giảm xuống. Hiện tại, giá cả thì đình trệ do mức tiêu dùng đã giảm, còn giới chủ thì buộc phải giảm lương nhân viên. Vì thế, mối lo ngại cho việc kiềm chế lạm phát đang lớn dần.
Châu Âu đang dần lấy lại niềm tin
Triển vọng kinh tế châu Âu đang được cải thiện sau khi một loạt các tập đoàn lớn công bố lợi nhuận vượt dự báo của các chuyên gia phân tích. Tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất của khu vực tăng lên trong tháng 7.
Chỉ số niềm tin vào triển vọng kinh tế châu Âu được tính toán dựa trên khảo sát đối với 130.000 quản lý cao cấp và 40.000 người tiêu dùng trong thời gian 2 tuần đầu của tháng. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 7 tăng từ -17 lên mức -14. Chỉ số niềm tin trong lĩnh vực sản xuất tăng từ -6 lên -4, chỉ số niềm tin vào tăng trưởng dịch vụ tăng từ 4 lên 6.
Chính phủ Đức đã công bố số liệu về giá trị công nghiệp quý 2 của quốc gia này, giá trị bình quân tăng 5,4% so với quý trước. Ngoài ra, báo cáo còn cho biết, mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp của Đức trong tháng 6 giảm 0,6% so với tháng 5, nhưng mức giảm như vậy chỉ xuất hiện sau khi liên tục tăng trưởng với tốc độ nhanh trong mấy tháng liên tiếp, do đó sẽ không đáng lo lắng.
Ngày 6-8, Ý cũng đã công bố các số liệu có liên quan, cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng GDP trong quý 2 tăng 0,4% so với quý 1, ngoài ra, chỉ số niềm tin của quốc gia này trong tháng 6 cũng đạt mức cao nhất trong 2 tháng qua, điều này đồng nghĩa, đã có dấu hiệu bắt đầu sự phục hồi của Ý. Báo cáo còn chỉ ra rằng, động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý 2 rất có thể đến từ lĩnh vực đầu tư, đã phản ánh những biểu hiện nổi bật của ngành chế tạo nước Ý trong mấy tháng gần đây. Đương nhiên, điều này cũng có lợi cho sự phục hồi thương mại toàn cầu, cũng như giúp thị trường xuất khẩu châu Âu ngày một phát triển.
Nền kinh tế Tây Ban Nha - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi cơn bão tài chính công trong khu vực đồng tiền chung châu Âu - đã chuyển biến tích cực hơn. Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha dự đoán, GDP quý 2 của quốc gia này sẽ tăng 0,2% so với quý trước.
Trái ngược với sự thận trọng của Cục dự trữ liên bang Mỹ FED, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB lại tỏ ra khá lạc quan khi cho biết, tăng trưởng quý 3 của khu vực này rất có thể sẽ vượt ngoài dự báo. Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng ECB J.C.Trích-xê cho biết, bước phục hồi của nền kinh tế châu Âu đã vượt quá mong đợi, tất cả đều đang phát triển theo chiều hướng tốt, thị trường tiền tệ châu Âu đang từng bước cải thiện. Đồng thời, lòng tin của người dân châu Âu trước viễn cảnh nền kinh tế châu Âu cũng đã đạt tới mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Với những con số và tình hình cụ thể tại thị trường EU vừa qua, các chuyên gia kinh tế đánh giá: nền kinh tế Liên minh châu Âu đang có sự tăng trưởng. Những báo cáo thống kê vừa công bố cho thấy, trong quý 2 vừa qua, GDP của 16 quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã tăng 1%.
Nhật Bản đang có dấu hiệu phục hồi trở lại
Theo số liệu thống kê sơ bộ do Chính phủ Nhật Bản công bố sáng 16-8, GDP thực tế của Nhật Bản trong quý 2 năm 2010 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2009 và tăng 0,1% so với quý 1 năm 2010. Đây là quý thứ ba liên tiếp nền kinh tế Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng GDP thực tế dương. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP của quý 2 năm 2010 thấp hơn hẳn mức tăng 4,1% của quý 4 năm 2009 và 4,4% của quý 1 năm 2010. Bên cạnh đó, GDP danh nghĩa của Nhật Bản giảm 0,9% so với quý trước, là lần đầu tiên GDP danh nghĩa của Nhật Bản giảm trong 3 quý vừa qua. Trong quý 2 năm 2010, tiêu dùng, vốn tạo ra 60% GDP của Nhật Bản, chỉ tăng 0,03% so với quý 1 năm 2010. Tỷ lệ giảm phát tính theo GDP là 1,8%, thấp hơn mức 2,8% của quý trước, nhưng việc giá hàng hóa liên tục giảm khiến người tiêu dùng có xu hướng chờ giá giảm thêm và nhân tố này ảnh hưởng tiêu cực tới quyết định đầu tư của các doanh nghiệp và tăng chi phí vốn vay. Trong quý 2 năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng trưởng 5,9% nhờ nhu cầu tại thị trường châu Âu tăng mạnh.
Bình luận về các số liệu thống kê trên, Thư ký Quốc hội của Văn phòng Nội các Nhật Bản K. Tsu-mu-ra cảnh báo nền kinh tế nước này có thể đang "chững lại và đi ngang". Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài chính Nhật Bản S. A-rai đã bác bỏ quan điểm này, cho rằng kinh tế Nhật Bản đang tiếp tục phục hồi dù vẫn phải cẩn trọng với các nguy cơ suy thoái như những bất ổn ở các nền kinh tế và thị trường tài chính xung quanh. Bộ trưởng S.A-rai cũng cho biết, Chính phủ Nhật Bản sẽ quyết định liệu có cần các biện pháp kinh tế bổ sung hay không sau khi kiểm tra số liệu GDP chính thức của quý 2 năm 2010 dự kiến công bố trong tháng 9.
Theo ông S.A-rai, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cần có sự phối hợp để kiềm chế sự tăng giá quá cao của đồng yên, đồng thời nhấn mạnh chính phủ nước này đang kiểm soát chặt chẽ xem liệu tỷ giá đồng yên đối với các ngoại tệ chủ chốt khác có phải là "trở ngại lớn nhất" cho quá trình phục hồi kinh tế hay không.
Với mức tăng trưởng chậm lại, GDP danh nghĩa của Nhật Bản trong quý 2 năm 2010 ở mức 1.288 tỉ USD, thấp hơn mức 1.337 tỉ USD của Trung Quốc. Mặc dù khẳng định trong 6 tháng đầu năm 2010, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng các nhà phân tích kinh tế của Nhật Bản đều cho rằng với xu hướng tăng trưởng hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản trong năm 2010, và điều này hiện đã xảy ra./.
Trịnh Cường tổng hợp
Số 16 (208) năm 2010