TCCSĐT - Theo nhiều
đánh giá của các tổ chức quốc tế, triển vọng kinh tế thế giới năm 2011
chưa thật sự sáng sủa, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức: tỷ lệ thất
nghiệp cao, nợ công của nhiều nước tiếp tục gia tăng, sự hợp tác giữa
các nền kinh tế lớn suy giảm gây căng thẳng trong giao thương và thị
trường tài chính, dẫn đến tăng cường chính sách bảo hộ ở nhiều nước và
nguy cơ bùng nổ chiến tranh tiền tệ.
Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại
Báo cáo thường niên của
Liên hợp quốc “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2011”, công
bố đầu tháng 12-2010, nhận định rằng, sự phục hồi kinh tế thế giới đã
bắt đầu mất đà từ giữa năm 2010. Mọi chỉ số cho thấy tăng trưởng kinh tế
toàn cầu đã chậm lại. Điều đó ảnh hưởng nặng nề tới triển vọng tăng
trưởng kinh tế thế giới năm 2011. Nếu năm 2010, dự báo GDP của cả thế
giới tăng trưởng 3,6%, thì trong năm 2011 chỉ hy vọng ở mức 3,1% và đến
năm 2012 mới có thể nhích lên 3,5%.
Cơ quan phụ trách các vấn
đề kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc (DESA) cũng cho rằng, nền kinh tế
thế giới chưa thể thoát ra khỏi khủng hoảng và năm tới sẽ phải đối mặt
với những rủi ro còn lớn hơn. Những căng thẳng gần đây trong lĩnh vực
tiền tệ và thương mại, giá trị đồng USD suy yếu và biến động tỷ giá đã
thúc đẩy một số quốc gia thực hiện những biện pháp tiền tệ tự vệ để giữ
dòng vốn cho mình, giữa các nước không có sự phối hợp chặt chẽ về chính
sách tiền tệ khiến các thị trường trở nên bất ổn hơn.
Dư luận trên các phương
tiện thông tin đại chúng cũng đều cho rằng, triển vọng phục hồi kinh tế
thế giới trong năm 2011 vẫn rất mong manh, tăng trưởng GDP ở phần lớn
các khu vực đều giảm so với năm 2010; kinh tế Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản
và khu vực đồng ơ-rô sẽ có mức tăng trưởng chậm hơn. Tạp chí Nhà kinh tế
(The Economist) nhận định, dù khả năng suy thoái kép chưa hiện hữu,
nhưng phải mất một thời gian khá dài nữa để sự phục hồi kinh tế toàn cầu
mới đạt tới mức độ an toàn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
thì cho rằng, kinh tế thế giới trong năm 2011 tiếp tục tăng trưởng, tuy
nhiên mức độ tăng trưởng và phục hồi không đồng đều giữa các khu vực
địa lý, các nước công nghiệp phát triển tăng trưởng chậm nhất, còn các
nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao
hơn.
Việc các nước, trước hết
là những nước lớn tăng cường sự bảo hộ cho nền kinh tế của mình, thiếu
sự hợp tác veefchinhs sách để thúc đẩy tăng kinh tế, thương mại toàn
cầu, thì khó có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của cả nền kinh tế thế
giới.
Kinh tế các khu vực tăng trưởng không đồng đều
Tổ chức Hợp tác và Phát
triển kinh tế (OECD) dự báo, các nền kinh tế của 33 quốc gia thành viên,
mà chủ yếu là ở châu Âu, trong năm 2010 chỉ đạt mức tăng trưởng trung
bình 2,8%, so với mức 3,4 % trong năm 2009. Năm 2011 sẽ còn thấp hơn
nữa, chỉ hy vọng GDP toàn khối tăng 2,3%.
Mỹ là nước có nền kinh tế
lớn nhất trong OECD, cũng như trên toàn thế giới, từ giữa năm 2010 đã
phải hạ mức dự báo tăng trưởng GDP từ 3,5 xuống còn 2,6%. Trong năm
2011, mức tăng trưởng GDP có thể còn bị thụt lùi hơn nữa. Hiện cường
quốc hàng đầu thế giới vẫn loay hoay, mắc kẹt trong khủng hoảng. Mặc dù
trong những tháng đầu năm 2010, kinh tế Mỹ le lói dấu hiệu khả quan,
khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nghĩ đến việc giảm dần các gói
kích thích, tuy nhiên, từ giữa năm 2010, kinh tế Mỹ liên tục nhận được
tin tức bi quan từ các thị trường lao động, nhà đất… Tỷ lệ thất nghiệp
luôn ở mức cao, và không suy giảm, thậm chí vào đầu tháng 12-2010 còn
tăng vọt từ 9,6 lên 9,8%. Đứng trước những khó khăn chồng chất đó, Mỹ đã
quyết định bơm thêm 600 tỉ USD để mua trái phiếu nhằm hỗ trợ đà phục
hồi kinh tế. Quyết định này gặp phải nhiều búa rìu dư luận từ nhiều nước
và từ cả phe đối lập trong nước.
Tại khu vực 16 nước sử
dụng đồng ơ-rô (đều nằm trong OECD) sẽ có tốc độ tăng trưởng yếu nhất.
Hồi mùa xuân năm 2010, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng GDP của
các nước này chỉ ở mức 0,9%. Trong báo cáo mới nhất cuối tháng 11 vừa
qua, EC đã nâng mức tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm 2010
lên 1,7%, gần gấp đôi dự báo ban đầu, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ. Tuy
nhiên, EC cũng cho rằng thâm hụt ngân sách tại các nước như Bồ Đào Nha
và Tây Ban Nha sẽ cao hơn dự đoán. Tăng trưởng của khu vực này trong năm
2011 được cho là tiếp tục giảm xuống còn 1,5%, do tốc độ tăng trưởng
toàn cầu giảm và ảnh hưởng của các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà
các nước khu vực này đang áp dụng. Tuy nhiên, dự kiến vào năm 2012, GDP
của khu vực đồng ơ-rô sẽ tăng 1,8%.
Theo EC, trong năm 2011,
nhịp độ tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất là ở Đức, nền kinh tế lớn nhất
châu Âu. Năm 2010 Đức tăng trưởng 3,7%, sang năm 2011 chỉ còn ở mức
2,2%, mặc dù vậy vẫn cao hơn mức trên trung bình của cả khu vực. Pháp là
nước có nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng
1,6% năm 2010 và 2011.
Các nước gặp khó khăn
nhiều nhất về nợ nần sẽ tiếp tục lao đao khi chính phủ hạn chế chi tiêu
và tăng thuế. Bồ Đào Nha - được đông đảo dư luận cho là nền kinh tế dễ
bị tổn thương nhất sau Hy Lạp và Ai-len, theo dự báo trong năm 2011 có
nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái, tăng trưởng giảm khoảng 1%
(năm 2010 chỉ tăng 1,3%).
Nền kinh tế Hy Lạp đã
được giải cứu hồi tháng 5-2010 nhờ gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 110 tỉ
ơ-rô, thế nhưng mức tăng trưởng GDP trong năm 2011 sẽ chỉ còn 1,2%, giảm
3% so với mức tăng trưởng năm 2010. EC khuyến cáo rằng các nước khu vực
đồng ơ-rô nên sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp "thắt lưng buộc
bụng" cho dù có tăng trưởng thấp hơn mong đợi.
Các nền kinh tế lớn ngoài
tổ chức OECD sẽ tăng trưởng mạnh hơn, do đó sẽ có thể bù đắp nhịp độ
phục hồi kinh tế thế giới. Theo dự báo của IMF, Trung Quốc sẽ tăng
trưởng ổn định ở mức 10% trong năm 2010 và năm 2011. Đầu năm 2010, Trung
Quốc đã vượt Nhật Bản về GDP (1.330 tỉ USD so với 1.280 tỉ USD) để trở
thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tổ chức kinh tế uy tín Conference Board cho rằng, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ ngay trong năm 2012,
nếu xét về sức mua tương đương (PPP), còn nếu xét về GDP thực, Trung
Quốc còn phải mất hơn một thập niên nữa để vượt Mỹ. Nhận định này trùng
với báo cáo mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng Trung
Quốc sẽ trở thành siêu cường lớn nhất toàn cầu vào năm 2020.
Tổng thống Nga Mét-vê-đép
cuối tháng 11-2010 cho biết, nền kinh tế Nga đã ổn định và khôi phục,
sau một thời gian dài tăng trưởng bấp bênh, bất ổn. Ước tính tăng trưởng
GDP trong năm 2010 là 4% và trong năm 2011 còn có thể cao hơn. Tỷ lệ
lạm phát sẽ giảm từ 6,7% năm 2011 xuống còn 5%-6% năm 2012 và 4,5%-5,5%
năm 2013.
Chủ tịch của Ngân hàng
ADB, ông Ha-ru-hi-kô Ku-rô-đa, cũng nhận xét: “Căn cứ vào các số liệu
cho thấy cuộc khủng hoảng đã không có tác động nặng nề đến khu vực châu Á
- Thái Bình Dương như người ta lo sợ ban đầu vào năm 2008, nhưng cuộc
khủng hoảng đã làm gián đoạn đà tăng trưởng mạnh mẽ của giai đoạn trước
năm 2007 và cái giá của cuộc khủng hoảng có thể đo được thông qua thu
nhập mất đi vì sự suy giảm tốc độ tăng trưởng”.
Theo dự báo mới nhất của
IMF, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ năm 2010 sẽ đạt 9,7%, cao hơn mức
9,4% dự báo hồi tháng 7. Năm 2011 có thể sẽ giảm đôi chút, nhưng vẫn giữ
ở mức 8,4%. Các nhà kinh tế nhận định rằng, mức tăng trưởng đó chủ yếu
là do sự hồi sinh của mức cầu trong dân số 1,2 tỉ người của Ấn Độ. Chính
phủ Ấn Độ cũng tỏ ra lạc quan hy vọng rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng
mạnh 9%-10% trong 2 năm tới. Họ cho rằng, đẩy cao mức tăng trưởng kinh
tế là cách duy nhất để giảm bớt tình trạng nghèo khó, vốn vẫn hiện diện
tại nhiều khu vực trong nước, bất chấp nền kinh tế đang đà đi lên của Ấn
Độ.
Các nền kinh tế lớn
ở Đông Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Xin-ga-po trong năm
2011 cũng sẽ phát triển chậm lại. Nếu năm 2010, GDP của 4 nước này tăng
tổng cộng 8,8%, thì năm 2011 sẽ chỉ ở mức 7,3%. Ngân hàng phát triển
châu Á (ADB) còn lo ngại rằng một số nước châu Á trong năm 2011 sẽ tăng lạm phát ở mức cao.
IMF dự đoán kinh tế Trung
Đông và Bắc Phi sẽ vẫn tăng trưởng mạnh. Nền kinh tế hai khu vực này
phụ thuộc chủ yếu vào ngành dầu mỏ, bởi vậy nó dễ bị tổn thương nếu giá
dầu thô lại giảm mạnh. Thế nhưng, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mới
đây đã nâng mức dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới lên 85,59 triệu
thùng/ngày trong năm nay và tăng lên 86,64 triệu thùng/ngày trong năm
2011 và giá dầu vẫn sẽ ổn định ở mức 75 - 80 USD/thùng. Bởi vậy dự báo
tăng trưởng GDP của hai khu vực này sẽ là 4,1% năm 2010 và 5,1% năm
2011, so với mức 2% năm 2009.
Tại khu vực Mỹ La-tinh và
vùng Ca-ri-bê, hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ và giá hàng hóa tăng cao
đang “tiếp sức” cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh hơn mong đợi. Dự kiến,
tăng trưởng GDP của khu vực này năm 2011 vẫn tương đối mạnh, ở mức 4%,
mặc dù không bằng mức tăng trưởng 5,6% ước tính trong năm 2010. Bra-xin,
đầu tàu tăng trưởng của khu vực, sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu tiêu dùng
mạnh mẽ ở trong nước để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của các nước láng
giềng. Khu vực này cũng được lợi nhờ các mối quan hệ kinh tế ngày càng
tăng cường và mở rộng với các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục nhịp độ tăng trưởng cao trong năm 2011
Năm 2010, Việt Nam
đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do tác động bất lợi
từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai,
dịch bệnh và một số thiếu sót, yếu kém trong quản lý và chỉ đạo thực
hiện kế hoạch. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đạt được phần lớn các chỉ tiêu
đã đề ra: kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế
(GDP) ước đạt 6,7%, xuất khẩu ước tăng 19,1%, cao hơn gần 3 lần so với
kế hoạch; an sinh và phúc lợi xã hội được chăm lo khá hơn; cải cách hành
chính tiếp tục được đẩy mạnh; quốc phòng và an ninh được giữ vững, trật
tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế
đạt nhiều kết quả tích cực, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng lên
trên trường quốc tế.
Các tổ chức kinh tế - tài
chính quốc tế thường xuyên theo dõi những bước đi của kinh tế Việt Nam
cũng bày tỏ sự vui mừng và chia sẻ về nhịp độ phát triển tương đối cao
của nước ta.
Ngân hàng thế giới (WB)
đánh giá cao năng lực điều hành của Chính phủ Việt Nam trong thời gian
qua và cho rằng, Việt Nam, một lần nữa, đã chứng minh khả năng của mình
trong việc vượt qua những thách thức, khó khăn về mặt kinh tế để giành
được những thắng lợi nhất định. Việt Nam đã tránh được một cuộc suy
thoái trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đang rất nghiêm trọng.
Các chuyên gia của Ngân hàng đầu tư HSBC (The Hong Kong and Shanghai Banking Corporation)
nhận định, GDP của Việt Nam trong năm 2010 có thể tăng 7,2%, mức tăng
cao nhất kể từ năm 2007 và cao hơn đáng kể so với mức 6% do IMF dự báo.
Hãng Bloomberg cũng cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển theo
chiều hướng tích cực, tăng trưởng GDP trong quí 3 và quí 4 năm 2010 cao
hơn hai quí đầu năm vì kinh tế đã phục hồi một cách rõ rệt. Tăng trưởng
GDP trong cả năm có thể đạt mức 7,18%.
Ngân hàng UOB (United
Overseas Bank), ngân hàng lớn nhất và có uy tín nhất ở Xin-ga-po ví nền
kinh tế Việt Nam “như con hổ đang tiến về phía trước”. Việt Nam như một
địa chỉ đầu tư đáng tin cậy và nhiều tiềm năng với những yếu tố thuận
lợi như chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào và giá rẻ, tốc độ tăng
GDP hằng năm thuộc hàng cao trên thế giới, một thị trường tiêu thụ rộng
lớn đầy tiềm năng với hơn 85 triệu dân...
Theo báo cáo của EIU (Economist Intelligence Unit, một tổ
chức nghiên cứu độc lập về các quốc gia trên toàn cầu), tình hình chính
trị, xã hội của Việt Nam ổn định. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần
thứ XI với một thế hệ các nhà lãnh đạo mới với chủ trương, đường lối
phát triển kinh tế sẽ làm cho Việt Nam có vị trí nổi bật hơn trên thế
giới. EIU dự báo rằng, châu Á sẽ là khu vực mạnh nhất về tăng trưởng
kinh tế năm 2010-2011 và các nhà đầu tư nước ngoài trong một triển vọng
lâu dài vẫn tích cực đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh những nhận xét tích
cực như vậy, trong báo cáo tựa đề “Vietnam - Country Forecast Februry
2010”, EIU cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam đã vượt qua được những tác
động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng sức ép
về thâm hụt ngân sách và lạm phát vẫn còn đe dọa tới sự ổn định của nền
kinh tế.
Trong khi đó, IMF bày tỏ
lo ngại rằng, bên cạnh những bận tâm về thâm thủng ngân sách, cán cân
chi trả của Việt Nam hiện đang ở mức nguy hiểm. Những con số mà IMF ghi
nhận cho thấy dự trữ ngoại tệ của Việt Nam quá mong manh, chỉ đủ để nhập
khẩu trong 7 tuần. Bởi vậy, IMF khuyến cáo không nên nới lỏng chính
sách tiền tệ tín dụng quá sớm. Nếu niềm tin vào đồng nội tệ lấy lại được
phần nào, áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt và dự trữ ngoại tệ có thể gia tăng
một cách khiêm tốn. Mức dự trữ ngoại tệ an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế
là phải đủ cho 12 tuần lễ chi trả mà Việt Nam từng đạt được hồi năm
2008./
Số 2 (218) năm 2011