Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

65. Đánh giá và kiểm tra, thi cử trong giáo dục Việt Nam

Phát biểu trong cuộc gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân với Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh ngày 11/10/2006
Kính thưa Bộ trưởng Bộ GDĐT - Nguyễn Thiện Nhân
Kính thưa PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Tp.HCM
Kính thưa tất cả các Thầy/Cô, Anh/Chị và Quí Đồng Nghiệp
Tôi xin được đi thẳng vào việc trình bày các quan điểm của mình về vấn đề đánh giá kết quả học tập của sinh viên (SV), học sinh (HS) hiện nay trong hệ thống GD của chúng ta. Có 3 ý mà tôi muốn trao đổi: 1) Kinh nghiệm của các nuớc; 2) Thực trạng kiểm tra đánh giá kết quả hiện nay; và 3) Các đề xuất và kiến nghị. Tôi xin được phép phát biểu trong vòng 15 phút.
Trước khi đi vào phần 1 về kinh nghiệm của các nước, tôi xin kể một câu chuyện rất ngắn. Tôi có một người bạn đi du học ở Úc và dẫn hai con nhỏ của mình theo. Tất nhiên, chị cho các con vào học ở hai trường khác nhau ở Úc, một là trường ĐH và một là phổ thông. Những khó khăn ban đầu về học tiếng, sự khác nhau về văn hóa là rất nhiều, nhưng sau 6 tháng, các con chị đã bắt đầu hòa đồng với các bạn và đuổi kịp chương trình học của trường. Khi phát biểu về thời gian học của mình ở Việt Nam so với chương trình học của trường, các cháu này bảo “Đúng là ‘Cơn ác mộng’” và cương quyết xin mẹ cho ở lại không về lại VN sau khi chị đã học xong.

Kinh nghiệm của các nước

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: làm thế nào mà các nước có nền giáo dục (GD) tiên tiến có thể làm cho SV, HS của mình xem việc học là niềm vui được khám phá hay xem việc học là bổ ích? Các nước này có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này, mà cụ thể là các nghiên cứu về mục đích của kiểm tra, đánh giá và tâm lý người học. Để có thể đánh giá chính xác kết quả học tập của người học, chúng ta cần phải hiểu được các nguyên tắc sau:
  1. Mục đích của đánh giá là để a) phản hồi cho SV về cách học tập; b) tạo động cơ và kích thích SV học tập; c) Hỗ trợ và thúc đẩy việc học tập; d) Phản hồi cho các giáo viên (GV) ở các khóa sau và những người khác biết về kết quả; e) Cho điểm: Phân loại thành tích (sự tiến bộ của SV); và f) đảm bảo chất lượng (theo các tiêu chuẩn trong trường và bên ngoài trường: đáng tin cậy, có giá trị và có thể lặp lại)
  2. Tuy nhiên, SV hoàn toàn không quan niệm mục đích của việc đánh giá là như vậy. Suy nghĩ của SV về kiểm tra đánh giá thường là: a) Xác định động cơ học tập; b) Xác định: tại sao, khi nào và học như thế nào; c) Thường rất nhiều SV nghĩ: Tất cả những gì họ đang làm trong lớp học như viết bài luận hay các kiểm tra không có nhiều liên quan gì đến cuộc sống thực tế.
  3. Từ quan niệm đó, có thể rút ra kết luận là: a) SV có thể tránh các thầy cô dạy dở, nhưng không tránh được các bài tập kiểm tra đánh giá tồi và b) nếu chúng ta muốn thay đổi cách học của SV, HS, chúng ta hãy thay đổi cách đánh giá của mình
Để tránh việc người học thực hiện phương pháp học tập để thi, thường qui trình kiểm tra đánh giá của các nước được tiến hành như sau: 1) Xác định mục tiêu chương trình đào tạo; 2) Xây dựng chiến lược, kế hoạch và phương pháp giảng dạy; 3) Thiết kế việc kiểm tra đánh giá dựa vào các mục tiêu đã đề ra. Các mục tiêu đó thường bao gồm các mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Các đánh giá thường được tiến hành theo các dạng sau: 1) Đánh giá đầu vào; 2) Đánh giá quá trình và 3) Đánh giá đầu ra theo các hình thức khác nhau. Trong các dạng đánh giá đó, chỉ có đánh giá quá trình là dạng đánh giá chính xác nhất các mục tiêu kỹ năng và thái độ mà Việt Nam chúng ta thường bỏ qua.

Thực trạng hiện nay ở Việt Nam

Với kinh nghiệm của các nước về kiểm tra đánh giá như vậy, chúng ta cần xem lại cách làm của mình. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến công tác kiểm tra đánh giá ở bậc đại học (ĐH). Sau đây là suy nghĩ của một số GV trực tiếp đứng lớp mà chúng tôi tham khảo về qui chế đánh giá kết quả học tập của SV hiện nay do Bộ GD-ĐT ban hành và lý do mà GV của chúng ta không muốn thực hiện qui chế đó.
Qui chế về kiểm tra đánh giá trước đây, hay còn gọi là QC 04, chỉ có thể đánh giá được kiến thức và phương pháp tư duy như là cách kiểm tra định kỳ sau mỗi học trình 15 tiết, tức là cho kiểm tra và chấm bài viết chứ không tổ chức cho SV học theo nhóm và đánh giá theo nhóm? Hiện nay, qui chế này được thay thế bằng Quy chế Đào tạo Đại học và Cao đẳng Chính quy, Ban hành theo quyết định số 25/2006/QĐ-BGDĐT, còn được gọi là QC 25. Theo QC này thì hình thức thi kết thúc học phần do GV đề xuất, Hiệu Trưởng quyết định. Tuy nhiên, trên thực tế các GV rất ít khi đề xuất kiểm tra đánh giá quá trình hay các hình thức phỏng vấn hay trắc nghiệm cho kỳ thi cuối khóa, cho dù các hình thức này có nhiều ưu điểm.
Cũng theo QC 25 thì điểm tổng hợp đánh giá học phần (gọi tắt là điểm học phần) bao gồm: 1) điểm kiểm tra thường xuyên trong quá trình học tập; 2) điểm đánh giá nhận thức và thái độ tham gia thảo luận; 3) điểm đánh giá phần thực hành; 4) điểm chuyên cần; 5) điểm thi giữa học phần; 6) điểm tiểu luận và 7) điểm thi kết thúc học phần, trong đó điểm thi kết thúc học phần là bắt buộc cho mọi trường hợp và phải có trọng số không dưới 50% của điểm học phần. Như đã nói, việc lựa chọn các hình thức đánh giá bộ phận và trọng số của các điểm đánh giá bộ phận cũng như cách tính điểm tổng hợp đánh giá học phần do giảng viên đề xuất, được Hiệu trưởng phê duyệt và phải được quy định trong đề cương chi tiết của học phần.
Như vậy. QC 25 để mở khả năng cho các GV đánh giá kỹ năng, thái độ của SV. Đây là một QC mà chúng tôi cho là tiến bộ theo chủ trương “Dạy đi đôi với hành” đã được đưa ra trong nhiều văn bản chỉ đạo, và cũng là mong muốn thiết tha của người học. Trên thực tế, các GV không tìm kiếm các hình thức thực hành thực tập mới mẻ, thậm chí né tránh các giờ dạy thực hành nếu có thể được?
Câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên, theo các GV mà chúng tôi tham khảo ý kiến, nằm ở vấn đề cách tính toán để đo lường công sức lao động của người GV bỏ ra trong khi các chế độ chính sách hiện hành không có ý nghĩa khuyến khích hành vi của người GV theo hướng thúc đẩy họ hành động có lợi cho người học. Nếu các tiết thực hành chỉ được tính bằng 30-50% tiết lý thuyết thì GV không muốn đầu tư thiết kế hoạt động thực hành. Nếu bài thi trắc nghiệm được trả tiền ra đề cao hơn nhưng tiền chấm bài bị cắt giảm thì GV lại thích chấm bài thi tự luân hơn. Vấn đề mấu chốt ở đây là nếu không có sự quan tâm sâu sắc đến tính nhất quán giữa chủ trương và chính sách (dù là chính sách được ban hành ở cấp TW hay địa phương) thì chính chính sách lại cản đường, triệt tiêu khả năng hiện thực hóa chủ trương. Vì vậy, những người làm chính sách cần chú ý đến mục tiêu điều chỉnh hành vi của đối tượng mà chính sách đó hướng đến hơn là chỉ tính toán xem họ phải trả công cho người lao động cao hơn hay thấp hơn các chế độ thanh toán hiện có.


Nhân đây, có một vấn đề mà chúng tôi cũng muốn trao đổi. Tại sao SV nước ngoài chỉ lên lớp một tuần vài buổi trong khi SV Việt Nam học suốt trên lớp? Cách bố trí chương trình dạy và học như hiện nay khiến cho SV không có thời gian đến thư viện hay làm các nghiên cứu cũng như các khảo sát thực tế. Do đó, SV không quen tự tìm kiếm và sử dụng thông tin, mà chỉ quen nghe và ghi chép trên lớp. Các GV xem việc cung cấp thông tin trên lớp là dễ dàng hơn so với việc rèn luyện các kỹ năng cần thiết thông qua việc phản hồi về sự tiến bộ của từng cá nhân người học nên cũng sẵn lòng sử dụng phương pháp dạy học mà họ cho là dễ nhất nhưng lại thiếu hiệu quả nhất do thực tế này đưa đến tình trạng rất thụ động dễ nhận thấy của SV Việt Nam. Nguyên nhân của vấn đề này có phải là do thói quen quản lý việc dạy và học theo kiểu quản lý việc thực hiện chương trình đúng và đủ số tiết mà không thực sự quan tâm đến việc người học được lợi gì qua quá trình đó? Chúng ta khống chế tiền lương GV theo một mức nhất định, hạn chế việc tính lương theo hiệu quả công việc. “Quản lý bằng mục tiêu” dường như vẫn còn là một khái niệm rất mới trong quản lý giáo dục đào tạo của nước ta.
Chính cách dạy học và kiểm tra đánh giá như thế nên thực tế hiện nay SV chúng ta học để đối phó, và kết quả mà họ nhận được là không thực chất. Các trường hợp như đạo văn hay sao chép bài là hiện tượng thường thấy. Ngoài ra, các GV bị một áp lực về thời gian rất cao do phải dạy nhiều để bảo đảm thu nhập cho đủ sống. Nói tóm lại, chúng ta không thể thay đổi cách học của SV mà không thay đổi cách dạy và đánh giá của GV. Chúng ta hiểu rằng cần phải thay đổi nhưng chúng ta thiếu nguồn lực và kế hoạch để làm việc đó. Hiện nay, có rất nhiều GV muốn thay đổi, nhưng sự  đơn độc của các bộ môn và thiếu sự phối hợp nhất định của các đơn vị cũng như kế hoạch và giám sát của lãnh đạo làm cho quá trình này xảy ra rất chậm.

Các kiến nghị

Sau đây là các kiến nghị nhằm đổi mới công tác đánh giá kết quả học tập của SV:
Cần phải thay đổi tư duy về đánh giá kết quả học tập. Các trường ĐH, mà cụ thể là GV, cần xác định mục đích và mục tiêu đánh giá một cách rõ ràng, đó là nhằm hỗ trợ việc học, phản hồi và định hướng cho người học, chứ không phải để làm cho có và SV nào cũng có thể qua cũng như để đánh đố hay đánh rớt SV. Tôi nghĩ rằng, chúng ta không thể dạy SV của mình tất cả mọi thứ được, chúng ta chỉ có thể làm cho quá trình học tập của họ trở nên dễ dàng hơn


  1. Thông báo cho SV ngay từ đầu về mục đích của khoá học (nhấn mạnh các mục tiêu kỹ năng và thái độ) và các tiêu chí đánh giá
  2. Sử dụng nhiều dạng đánh giá như tự luận, thực tập, trình bày miệng, làm việc nhóm và phản ánh hay phê bình cũng như các phương pháp đánh giá khác nhau như tự đánh giá và đánh giá của bạn đồng cấp và chú trọng đến tính giá trị, đáng tin cậy và nhất quán của đánh giá
  3. Cần chú ý đến mối liên hệ giữa việc thiết kế chương trình học với việc đánh giá kết quả học tập
  4. Phải xem trọng các vấn đề như thời gian và chất lượng cũng như khối lượng học tập thích hợp
  5. Khuyến khích SV có trách nhiệm với việc học tập của mình, hiểu đầy đủ qui trình học tập
  6. Cần xây dựng lại các tiêu chuẩn đánh giá GV, trong đó, có sử dụng ý kiến phản hồi của SV về việc giảng dạy
  7. Cần có chế độ sử dụng trợ giảng trong giảng dạy
  8. Bộ GD-ĐT nên trao cho các trường nhiều quyền tự chủ hơn nữa trong các vấn đề chuyên môn, đừng quá chú trọng đến công tác tuyển sinh hay kiểm tra đánh giá mà nên nắm lấy việc định hướng sứ mạng và mục tiêu GD ĐH và giám sát việc các trường thực hiện các chiến lược GD có tính vĩ mô. Việc Bộ bao cấp toàn bộ qui trình thực hiện làm cho hệ thống GD của chúng ta cứ bị trói buột trong một vòng lẩn quẩn: Bộ không có thời gian cho những vấn đề chung và lớn hơn còn các trường lại bị phụ thuộc nhiều hơn và thiếu tính sáng tạo rất nhiều trong các chương trình hành động của mình. Với cơ chế còn nặng tính tập trung như hiện nay, chúng ta rất khó lòng có thể đào tạo ra những công dân đáp ứng yêu cầu của thực tế xã hội và phù hợp với quá trình hội nhập thế giới như chúng ta mong muốn.
  9. Vấn đề lương bổng, đánh giá lao động của đội ngũ GV là vấn đề mà chúng ta cần chấn chỉnh ngay. Có một sự thật mà chúng ta đang tránh né: đó là hiện nay thu nhập của tất cả GV không đồng nhất với tiền lương mà họ nhận được nhưng không ai muốn gom tất cả thu nhập lại thành lương chính thức. Tuy nhiên, tôi không phân tích vấn đề này ở đây vì đó không phải là mục đích chính của phát biểu này.
Nói tóm lại, để cho việc đến trường của SV, HS hiện nay không còn là ‘cơn ác mộng’ cho phụ huynh và người học như ví dụ mà lúc đầu tôi kể và cũng là tâm trạng chung của rất nhiều SV, HS của chúng ta, và để cho SV của chúng ta không cảm thấy thời gian trên giảng đường là hoài phí, tôi xin kiến nghị Bộ GD-ĐT và các trường ĐH cũng như cả hệ thống GD của chúng ta nên có các chương trình, chiến lược và kế hoạch khoa học, hợp lý và thuyết phục hơn. Nguy cơ SV, HS Việt Nam ‘chạy’ sang các trường quốc tế tại Việt Nam hoặc theo con đường du học là một hồi chuông báo động mà chúng ta cần phải nghe thấy ngay bây giờ, hiện tại và ngay lúc này.
Xin cảm ơn quí vị đã chú ý lắng nghe. Xin chúc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT một nhiệm kỳ đầy hứng khởi, kết quả tốt và xứng đáng với sự tin tưởng của mọi người. Chúc tất cả mọi người sức khỏe và mong chúng ta hết lòng hơn cho sự nghiệp GD của nước nhà.
TS. Nguyễn Kim Dung
Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM
Viết ngày 11/10/2006
(Nguồn: http://ceea.ier.edu.vn/danh-gia-kiem-dinh/danh-gia/127-anh-gia-va-kim-tra-thi-c-trong-giao-dc-vit-nam#comments)