Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

11. Cạnh tranh địa - chính trị: Yếu tố có tính quyết định trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Li-bi

TCCSĐT - Theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế: một trong những quá trình có ý nghĩa toàn cầu do Oa-sinh-tơn khởi xướng nhằm bảo vệ "các lợi ích quốc gia", củng cố vị thế vượt trội và tiếp tục phổ biến ảnh hưởng của Mỹ, mà thực chất là giành giật các khu vực có ý nghĩa chiến lược trong tương lai dài hạn, đồng thời, đẩy lùi các đối thủ cạnh tranh, thậm chí, khi cần thiết có thể đẩy lùi cả các đồng minh gần gũi nhất, đang bước sang một giai đoạn mới quyết liệt. Đây là một trong những yếu tố có tính quyết định dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị ở Li-bi.
Các cuộc “cách mạng nhung” tiếp sau cái gọi là “cách mạng hoa nhài” là một phần của một chiến dịch quy mô lớn đã được lên kế hoạch từ lâu nhằm thay đổi giới cầm quyền ở nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi bằng cách sử dụng công nghệ mạng trong khuôn khổ một luận thuyết do giới tinh hoa chính trị ở Mỹ soạn thảo và được gọi là "tạo ra trạng thái rối loạn có điều khiển". Các sự kiện đã và đang xảy ra ở Tuy-ni-di, Ai-Cập và một số các quốc gia khác không thể được gọi là cách mạng bởi không những không dẫn tới thay đổi chế độ cầm quyền mà chỉ là thay đổi những người lãnh đạo cao nhất có quyền ra quyết định chiến lược ở cấp độ quốc gia nhằm mục đích chủ yếu là củng cố ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây tại một khu vực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của thế giới trong thế kỷ XXI.
Vì sao Mỹ và Phương Tây lại chọn Li-bi?
Li-bi được Mỹ đặc biệt chú ý trong chiến lược toàn cầu của họ ở Trung Đông và Bắc Phi bởi hai lý do. Một là, Tổng thống Li-bi, ông Ca-đa-phi, là một nhân vật chống Mỹ và phương Tây từ đầu tới cuối. Hai là, Li-bi là nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ và chất lượng cao. Trong suốt 42 năm cầm quyền, Ca-đa-phi đã từng chứng tỏ ông là một chính khách có quan điểm thực sự độc lập. Quyết định đầu tiên của ông sau khi lên nắm quyền là tước bỏ một loạt các cơ sở chiến lược của Mỹ, trong đó, có căn cứ không quân “Matiga” ở ngoại ô thủ đô Tri-pô-li. Quá trình quốc hữu hóa công nghiệp dầu mỏ sau đó và việc tiếp tục thực hiện chính sách đi ngược lại ý đồ của Mỹ đã biến Đại tá Ca-đa-phi trở thành “kẻ thù không đội trời chung” với Mỹ.
Tháng 4 - 1986, không tuyên bố, Mỹ bí mật mở cuộc tiến công chớp nhoáng và ồ ạt vào thủ đô Tri-pô-li của Li-bi cùng nhiều thành phố khác nhằm mục tiêu ám sát cá nhân Tổng thống Ca-đa-phi. Trong chiến dịch này, hàng trăm dân thường của Li-bi đã bị thiệt mạng nhưng chỉ bị coi là “những tổn thất đi kèm” trong chiến tranh. Thuật ngữ kỳ lạ này về sau được Oa-sinh-tơn sử dụng phổ biến để biện minh cho các hành động của họ giết hại dân thường vô tội ở nhiều nước khác nhau lấy cớ là “chống khủng bố”.
Sau gần một phần tư thế kỷ, Mỹ đã tìm ra được sự sơ hở để ra tay đối với Tổng thống Ca-đa-phi. Oa-sinh-tơn lợi dụng mâu thuẫn cố hữu giữa các cư dân sống ở miền Tây (bang Tri-pô-li-a với trung tâm là thủ đô Tri-pô-li) với cư dân ở miền Đông (bang Ki-re-na-it với trung tâm là Ben-ga-di). Nguyên nhân của mâu thuẫn này là: Ca-đa-phi vốn là người sinh ra ở miền Tây đã từng lật đổ vua It-rit của Li-bi là người xuất thân từ bang Ben-ga-di. Điều này để lại dấu ấn không bao giờ quên trong ký ức của các bộ tộc ở miền Đông. Mâu thuẫn này thể hiện rõ nhất ở sự kiện Tri-pô-li tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày cầm quyền của Ca-đa-phi (01-09-2009) với cuộc duyệt binh lớn chưa từng có trong lịch sử với sự tham gia của khoảng 10.000 quân đến từ quân đội của gần 50 nước trên thế giới, trong đó có Đại đội danh dự thuộc Trung đoàn cận vệ của Tổng thống Nga, trong khi đó ở Ben-ga-di ở miền Đông, người dân Li-bi chỉ tổ chức kỷ niệm ngày này một cách sơ sài, đơn giản.
Vì sao Mỹ lại quyết định khởi sự vào lúc này?
Trong những năm gần đây, Li-bi đã từng phát triển quan hệ với cả phương Tây và phương Đông. Ca-đa-phi đã thiết lập được vị thế của mình như là một nhà hoạt động nổi tiếng của Liên minh châu Phi và đã từng được nhận biểu tượng không chính thức là “vua của các vua”.
Để có được vị thế đó, năm 2004, Tổng thống Li-bi Ca-đa-phi đã tuyên bố từ bỏ việc chế tạo vũ khí sát thương hàng loạt, nhận trách nhiệm về việc tổ chức hàng loạt vụ khủng bố, trong đó, có vụ khủng bố nổi tiếng trên bầu trời Lốc-cơ-bi. Ngoài ra, Li-bi còn chi 1,5 tỉ USD vào “Quỹ hỗ trợ các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố” như là một khoản tiền “bù đắp tội lỗi”. Đáp trả lại hành động này, Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Li-bi và dỡ bỏ lệnh cấm vận quốc tế đối với Li-bi. Sau thời điểm này bắt đầu diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng dầu mỏ trên thế giới để giành quyền khoan thăm dò và khai thác dầu mỏ ở Li-bi.
Chỉ một tháng sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Li-bi, Tri-pô-li đã ký hiệp định với hãng dầu mỏ “Royal Duthch Shell” của Hà Lan. Năm 2007, trong thời gian Thủ tướng Anh Tô-ni Ble tới thăm chính thức Tri-pô-li, hai bên đã công bố bản hợp đồng trị giá gần 1 tỉ USD cho phép hãng dầu mỏ của Anh “BP” được quyền thăm dò và khai thác trên một khu vực lãnh thổ rộng 54 ngàn km2 tại mỏ dầu “Gadames” trên lục địa và mỏ dầu trên thềm lục địa ở vịnh Sit-tơ của Li-bi trong thời hạn 7 năm. Sau đó, nhiều hãng dầu mỏ hàng đầu thế giới đã có mặt ở Li-bi như “Total” (Pháp), “Conoco Phillips” (Mỹ), “CNPC” (Trung Quốc), “Gazprom” của Nga cùng với hàng chục hãng dầu mỏ với quy mô nhỏ hơn.
Tháng 4-2008, Tổng thống Nga V.Pu-tin đến thăm Li-bi. Chuyến thăm này được dư luận Li-bi đánh giá là một sự kiện “có ý nghĩa lịch sử” bởi Nga đã xóa khoản nợ 4,5 tỉ USD cho Li-bi để đổi lại việc hai nước ký kết các hợp đồng trị giá nhiều tỉ USD với các hãng của Nga. Hai bên đã ký 10 văn kiện quan trọng, trong đó có “Tuyên bố chung về việc củng cố tình hữu nghị và phát triển hợp tác giữa Nga và Li-bi”, cùng với nhiều hợp đồng lớn khác. Ví dụ, Công ty "Đường sắt của Nga" xây dựng tuyến đường sắt dài 554 km chạy dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, giữa hai thành phố Si-tơ và Ben-ga-di của Li-bi trong vòng 4 năm, trị giá 3,5 tỉ USD. Sau đó, một hợp đồng khác đã được tiếp tục để xây dựng một nhà máy sản xuất vũ khí bộ binh ở Li-bi, trước hết là sản xuất súng máy AK-100. Nga và Li-bi còn ký kết nhiều hợp đồng vũ khí quan trọng khác.
Tháng 09-2008, Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai-xơ đến thăm Tri-pô-li. Đây là chuyến thăm Li-bi đầu tiên của một quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ kể từ năm 1957. Trong các cuộc đàm phán, bà Côn-đô-li-da Rai-xơ khẳng định: đã đến lúc Mỹ cần thiết lập quan hệ hợp tác có tính xây dựng với Li-bi. Còn các nhà phân tích thì cho rằng chuyến thăm Li-bi lần này của Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai-xơ nhằm mục tiêu chủ yếu là thăm dò triển vọng chính trị và khả năng Mỹ có thể tiếp cận dầu mỏ của Li-bi hay không. Cũng nhân dịp này, Tổng thống Ca-đa-phi nêu vấn đề về việc Mỹ thành lập Bộ Chỉ huy châu Phi. Ông Ca-đa-phi gọi đó là “biểu hiện của chủ nghĩa thực dân” và cảnh báo Mỹ không nên hiện diện quân sự ở châu Phi.
Ngày 31-10-2008, Tổng thống Ca-đa-phi đến thăm chính thức Nga theo lời mời của Tổng thống Nga V.Pu-tin. Các cuộc đàm phán diễn ra thắng lợi, trước hết trong lĩnh vực phát triển hợp tác kỹ thuật - quân sự. Li-bi sẵn sàng xây dựng một căn cứ bảo đảm vật chất kỹ thuật cho các tàu chiến của Hải quân Nga, tương tự như căn cứ bảo đảm vật chất kỹ thuật ở cảng Tac-tut của Xi-ri đã được hoàn thành xây dựng vào năm 1992. Theo nhận xét của phía Li-bi, vũ khí của Nga và sự hiện diện của hải quân Nga ở Xi-ri sẽ là sự bảo đảm nhằm ngăn chặn hành động xâm lược có thể có từ phía Mỹ. Trong năm 2008, các tàu chiến của Hải quân Nga đã hai lần đến thăm các cảng của Li-bi, trong đó có tàu tuần dương mang tên lửa “Pi-ôt Đại đế”, tàu chở máy bay mang tên “Đô đốc Chu-ba-nhen-cô” và khu trục hạm “Nheustrasnưi” (“Quả cảm”).
Tháng 01-2009 là thời điểm có tính bước ngoặt, khi đó, Tổng thống Ca-đa-phi tuyên bố: Li-bi có thể quốc hữu hóa các hãng dầu mỏ của nước ngoài trong trường hợp giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng lên tới 100 USD/thùng. Ông tuyên bố, với giá dầu này, Li-bi có thể kiểm soát nền công nghiệp dầu mỏ của mình mà không cần sự tham gia của nước ngoài. Đồng thời, ông còn khẳng định quốc hữu hóa là quyền chính đáng của Li-bi.
Sau đó, Công ty Dầu mỏ quốc gia của Li-bi đã xem xét lại điều kiện ký kết các hợp đồng hiện có với hãng dầu mỏ “Total” của Pháp về việc khai thác mỏ dầu An-duốc với khối lượng khai thác 45.000 thùng/ngày và mỏ dầu Map-ruc, mà ở đây Li-bi chỉ nhận được một khoản nhượng quyền một lần trị giá 500 triệu USD. Phía Li-bi dự định tăng tỷ phần tham gia của Li-bi lên tới 50% ở mỏ dầu này. Ngoài ra, Tổng thống Ca-đa-phi cho biết sẽ xem xét lại các hợp đồng với nhiều hãng dầu mỏ nước ngoài khác đang hoạt động tại Li-bi, trong đó, tỷ phần tham gia của họ trong việc khai thác sẽ phải từng bước giảm xuống tới mức 10-15%. Vì thế, hãng dầu mỏ “Gazprom” của Nga ngay từ đầu đã phải chấp nhận tỷ lệ tham gia 10,5%.
Cũng trong thời gian đó, Li-bi tăng cường hợp tác với Nga theo các hợp đồng chế tạo vũ khí, theo đó Nga chuyển giao cho Li-bi loại máy bay chiến đấu đa năng Su-35 lần đầu tiên được xuất khẩu theo một hợp đồng đã được ký kết trị giá 1 tỷ USD. Nga còn nhận hợp đồng của Li-bi để hiện đại hóa 145 xe tăng T-72M1 và tổ hợp tên lửa phòng không S-125. Tổng trị giá các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Nga sang Li-bi vào khoảng trên 7 tỷ USD, trong đó có nội dung chuyển giao cho Li-bi xe tăng T-90, tàu ngầm đề án 636, xuồng cao tốc mang tên lửa, hệ thống phòng không S-300, máy bay lên thẳng chiến đấu và vận tải, hệ thống pháo phản lực bắn loạt. Vì thế, máy bay chiến đấu “Rafael” của Pháp lúc đầu dự kiến sẽ xuất sang Li-bi, đã bị Tri-pô-li từ chối.
Triển vọng gia tăng đáng kể giá dầu, việc Li-bi hạn chế quyền hạn của các hãng dầu mỏ nước ngoài trong việc khai thác các mỏ dầu của Li-bi, cũng như việc Nga ký các hợp đồng xuất khẩu các loại vũ khí mới nhất sang Li-bi đã trở thành tiếng chuông báo động đối với phương Tây. Như thể “đổ thêm dầu vào lửa”, mùa hè năm 2009, Ap-đen Ba-xet An-mec-ra-khi, người duy nhất bị buộc tội về vụ khủng bố máy bay trên trên bầu trời Lốc-cơ-bi, được trở về Tri-pô-li trên một chiếc máy bay riêng của Tổng thống Ca-đa-phi và được người dân Li-bi đón tiếp như một “anh hùng dân tộc”.
Cũng trong năm 2009, Tổng thống Ca-đa-phi đã được phía I-ta-li-a chính thức xin lỗi về những tội ác trong quá trình thực dân hóa 30 năm ở Li-bi và được đền bù với số tiền 5 tỉ USD. Đến thời điểm đó, các hãng phương Tây cũng đã chuyển cho Li-bi những khoản tiền không nhỏ để nhận được quyền hoạt động trên lãnh thổ của Li-bi. Cùng lúc đó, xảy ra vụ con trai của Tổng thống Ca-đa-phi bị bắt giữ ở Thụy Sỹ. Trong vụ này, Li-bi đã rút hơn 25 tỉ USD ra khỏi các ngân hàng ở Thụy Sỹ, chấm dứt cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho quốc gia này và yếu cầu phía Thụy Sỹ chính thức xin lỗi.
Ngày 14-07-2010, một nhóm các nghị sĩ Mỹ yêu cầu hãng “BP” của Anh chấm dứt hoạt động khoan thăm dò trong vùng kinh tế của Li-bi chừng nào hãng này chưa làm rõ vai trò của họ ra sao trong việc giải phóng Ap-đen Ba-xet An-mec-ra-khi ra khỏi nhà tù. Áp lực từ phía Mỹ mạnh tới mức, ngày 10-08-2010, hãng “BP” đã phải tuyên bố ngừng việc thực hiện kế hoạch thăm dò dầu mỏ ở bờ biển Li-bi.
Tính đến tháng 1-2011, Li-bi là nước xuất khẩu dầu mỏ quan trọng sang nhiều nước trên thế giới, trong đó I-ta-li-a nhập khẩu trên 30% dầu mỏ của Li-bi; Đức chiếm vị trí thứ 2 (13,4%); Pháp và Trung Quốc chiếm vị trí thứ 3 (10%). Còn 13% giành cho các nước châu Âu khác. Mỹ chỉ giành được 6%. Một chi tiết rất đáng chú ý là trong những năm 1960, Mỹ và Anh chiếm phần lớn thị phần dầu mỏ của Li-bi. Còn hiện nay, họ đang bị xếp cuối bảng. Vì thế, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, sở dĩ Mỹ và Anh nóng lòng trong việc sử dụng giải pháp quân sự là vì họ đang muốn lấy lại vị thế địa - chính trị hoàng kim mà họ đã mất ở Li-bi./.
Nguồn Hương Ly, TCCS-Số 6 (222) năm 2011