TCCSĐT -
Cách đây 20 năm, ngày 17-1-1991, do I-rắc mắc mưu của Oa-sinh-tơn tiến
hành xâm lược Cô-oét, Mỹ đã phát động một cuộc chiến tranh lớn đầu tiên
sau “chiến tranh lạnh”, gọi là cuộc chiến tranh Vùng Vịnh. Cuộc chiến
tranh này có ý nghĩa lịch sử quan trọng vì nó vừa mở đầu kỷ nguyên cạnh
tranh và xung đột địa - chính trị sau khi Liên Xô tan rã, vừa khởi phát
cuộc “thập tự chinh” của Mỹ trên toàn thế giới, đưa Mỹ tới thất bại và
suy giảm sức mạnh quân sự, đồng thời chứng tỏ một chân lý của thời đại
là không ai có thể thể sử dụng sức mạnh quân sự, dù lớn đến mấy, để áp
đặt “các giá trị” và “dân chủ” cho các dân tộc khác.
Sau cuộc chiến tranh Vùng
Vịnh (năm 1991), Mỹ đã phát động nhiều cuộc chiến tranh khác, điển hình
là cuộc chiến tranh Cô-xô-vô (năm 1999), chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (năm
2001), chiến tranh I-rắc (năm 2003). Tất cả đều có chung một động cơ là
tranh giành các lợi ích địa - chính trị trên phạm vi toàn cầu và đều
được phát động dưới những nguyên cớ hoàn toàn do Mỹ dàn dựng.
Động cơ tranh giành các lợi ích địa - chính trị
Đầu những năm 1990, sau
“chiến tranh lạnh”, sự đối đầu ý thức hệ giữa hai hệ thống chính trị thế
giới phải nhường chỗ cho sự cạnh tranh địa - chính trị và kinh tế không
kém phần quyết liệt hơn. Đồng thời, sự gia tăng các xu hướng ly tâm
trong các nước thuộc liên minh chống lại hòa bình và tiến bộ do Mỹ cầm
đầu không thể không làm cho bộ máy cầm quyền ở Oa-sinh-tơn lo ngại, hoặc
đã đụng chạm đến nền tảng sức mạnh quân sự và tầm vóc to lớn của Mỹ
trong kỷ nguyên kể từ sau Chiến tranh thế chiến lần thứ II, nghĩa là
đụng chạm đến vị trí chiến lược mà các ngân hàng và các hãng công nghiệp
của Mỹ đã từng có được trong nền kinh tế thế giới trong những thập kỷ
cuối cùng thế kỷ XX. Do đó, một vấn đề nổi lên hàng đầu đối với các nhà
hoạch định chiến lược ở Oa-sinh-tơn là làm thế nào tạo dựng đối thủ để
ngăn chặn xu hướng li tâm trong hàng ngũ các đồng minh và tiếp tục duy
trì họ tập hợp dưới ô sức mạnh của Mỹ trước nguy cơ liên minh chống cộng
thời “chiến tranh lạnh” đang tan rã. Oa-sinh-tơn đã chọn I-rắc làm mục
tiêu thực hiện chiến lược toàn cầu sau “chiến tranh lạnh”, bởi quốc gia
này có vị trí địa - chính trị cực kỳ quan trọng trong chiến lược toàn
cầu của Mỹ.
Trong chiến lược chuyển
dịch trục đối đầu quốc tế từ xung đột Đông - Tây sang bình diện xung đột
Bắc - Nam, không phải ngẫu nhiên Mỹ đi tìm đối thủ mới là I-rắc, bởi
đây là quốc gia đang theo đuổi tham vọng bá chủ ở Cận Đông, trước hết là
trong khu vực Vùng Vịnh. Các nước ở đây đáp ứng tới 1/4 tổng nhu cầu
dầu mỏ của thế giới và tập trung tới 66% nguồn dầu mỏ đã được thăm dò
phát hiện. Do nhu cầu dầu mỏ ngày một tăng, một khi Mỹ kiểm soát được
các khu vực dầu mỏ lớn nhất thế giới, trước hết là Vùng Vịnh, thì tất cả
các nước đồng minh của Mỹ sẽ phải tiếp tục ủng hộ vị thế bá chủ chính
trị - quân sự của Mỹ trên thế giới và sẽ phải tự nguyện tiếp tục đứng
dưới ô bảo trợ của Oa-sinh-tơn.
Trong cuộc chiến tranh
Vùng Vịnh, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, các hoạt động chiến sự
được truyền hình trực tiếp để thế giới biết được thế nào là sức mạnh
vượt trội, không có đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Các tướng, tá Mỹ tuyên
bố, chiến tranh Vùng Vịnh mở đầu kỷ nguyên chiến tranh công nghệ cao,
hoặc “chiến tranh không tiếp xúc”, trong đó Mỹ có thể tiến công bất cứ
đối thủ nào, ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời gian nào mà không bị đánh
trả. Chiến tranh Vùng Vịnh cũng là dấu mốc mở đầu kỷ nguyên “trật tự thế
giới mới”, trong đó sức mạnh quân sự vượt trội là một trong những công
cụ để Oa-sinh-tơn xây dựng trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo.
Được khuyến khích bởi
chiến thắng “ngoạn mục” trong chiến tranh Vùng Vịnh, Oa-sinh-tơn đã phát
động các cuộc chiến tranh khác để chiếm giữ các khu vực địa - chính trị
quan trọng đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ. Đó là chiến tranh
Cô-xô-vô (năm 1999), chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (năm 2001) và chiến tranh
I-rắc (năm 2003).
Mỹ và NATO phát động cuộc
chiến tranh Cô-xô-vô xuất phát từ những tính toán chiến lược cho rằng,
mảnh đất tuy nhỏ nhoi này là mắt xích quan trọng trong chiến lược của
Oa-sinh-tơn nhằm Mỹ hóa toàn bộ khu vực Ban Căng trở thành bàn đạp để Mỹ
và NATO tiếp tục bành trướng ảnh hưởng sang vùng Cáp-ca và Trung Á. Từ
Ban Căng, Mỹ có thể nhanh chóng triển khai lực lượng sang toàn bộ châu
Âu và Trung Đông một khi có biến.
Còn động cơ phát động
“cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” ở Áp-ga-ni-xtan xuất phát từ
chiến lược hoạch định “bàn cờ lớn” trong thế kỷ XXI, bởi quốc gia này là
trái tim của Trung Á, nơi sẽ diễn ra một trong những cuộc cạnh tranh
địa - chính trị khốc liệt nhất trong thế kỷ XXI không chỉ nhằm chiếm
đoạt quyền khai thác dầu mỏ và khí đốt ở khu vực này, mà còn nhằm hiện
diện quân sự tại một khu vực then chốt để kiềm chế ảnh hưởng và hạn chế
lợi ích của các nước lớn gồm Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có thể thách thức
vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ trong thế kỷ XXI. Chiến tranh
Áp-ga-ni-xtan mở đầu quá trình “Mỹ hóa Trung Á” để hình thành vành đai
địa - chính trị nằm dưới ảnh hưởng của Mỹ, khởi đầu từ các nước thành
viên NATO ở châu Âu, qua Ban Căng tới vùng Cáp-ca và Trung Á, hình thành
gọng kìm bao vây Nga và Trung Quốc - hai đối thủ lớn nhất đối với Mỹ
trong cuộc tranh giành địa - chính trị thế kỷ XXI.
Nếu cuộc chiến tranh Vùng
Vịnh năm 1991, còn được gọi là cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 1,
chỉ nhằm “diễu võ dương oai” và thể hiện sức mạnh quân sự không ai có
thể cạnh tranh được, thì cuộc chiến tranh I-rắc năm 2003, hay là cuộc
chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 2, là nhằm tiêu diệt hoàn toàn nhà nước và
chế độ chính trị ở quốc gia này, mở đầu quá trình “dân chủ hóa” hay “Mỹ
hóa” toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn, biến khu vực này trở thành “sân
nhà” của Mỹ.
Như vậy, tất cả các cuộc
chiến tranh do Mỹ phát động từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh cách đây vừa
tròn 20 năm, đều nằm trong chuỗi mắt xích chiến lược toàn cầu của Mỹ
nhằm tranh giành các lợi ích địa - chính trị trên phạm vi toàn cầu.
Nguyên cớ phát động chiến tranh đều do Mỹ dàn dựng
Để chuẩn bị phát động
chiến tranh Vùng Vịnh, Oa-sinh-tơn đã sớm nhận thấy tham vọng của Tổng
thống I-rắc Xát-đam Hút-xen muốn thôn tính Cô-oét, một quốc gia láng
giềng mà nhà cầm quyền ở Bát-đa chỉ coi là một tỉnh của I-rắc. Để thúc
đẩy Tổng thống I-rắc Xát-đam Hút-xen phát động chiến tranh nhằm vào
Cô-oét, Oa-sinh-tơn đã thông qua Đại sứ Mỹ ở I-rắc Z.Gla-xpi thông báo
cho Tổng thống I-rắc Xát-đam Hút-xen rằng, các yêu sách lãnh thổ của
I-rắc đối với Cô-oét "chỉ là công việc nội bộ của I-rắc và Mỹ sẽ không
can thiệp". Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Giôn Ke-li phụ trách khu vực Cận
Đông đã tái khẳng định điều này vào ngày 30-7-1990, rằng Mỹ sẽ không gây
bất kỳ khó khăn nào đối với I-rắc trong chuyện thôn tính Cô-oét.
Ở Bát-đa, Tổng thống
Xát-đam Hút-xen coi tuyên bố đó của Mỹ là hành động "bật đèn Xanh" cho
các kế hoạch ông trong quan hệ với Cô-oét. Đây là sai lầm chiến lược
chết người của Xát-đam Hút-xen trong khi nhận định về Mỹ, đã dẫn ông tới
quyết định phát động chiến tranh thôn tính Cô-oét. Do sai lầm này ông
đã phải trả giá quá đắt.
Lấy cớ “I-rắc xâm lược
Cô-oét”, Mỹ đã thành công trong việc đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt I-rắc. Và ngày 17-1-1991, được Liên
hợp quốc cho phép, lực lượng liên quân đa quốc gia do Mỹ chỉ huy đã mở
đầu chiến dịch “Bão táp sa mạc” tiến công I-rắc. Bằng những vũ khí hiện
đại nhất tích luỹ được trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” chưa được đem ra
thi thố như “tên lửa hành trình”, “máy bay tàng hình”, bom đạn “thông
minh” được điều khiển bằng vệ tinh, Mỹ đã nhanh chóng tàn phá tất cả các
mục tiêu hạ tầng cơ sở quân sự và kinh tế quan trọng nhất, các sở chỉ
huy chiến lược, các trung tâm truyền hình và phát thành của I-rắc. Ngày
23-2-1991, Mỹ và liên quân mở chiến dịch trên bộ và chỉ trong 4 ngày đã
đập tan sự kháng cự của quân đội I-rắc. Ngày 27-2-1991, Tổng thống Mỹ
G.W.Bu-sơ tuyên bố chấm dứt chiến sự, còn I-rắc chấp nhận Nghị quyết của
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mỹ chỉ dừng lại ở đó mà không tiếp tục
tiến công tiêu diệt Tổng thống Xát-đam Hút-xen bởi lúc đó Mỹ đang cần
một I-rắc có tham vọng bá chủ khu vực tuy đã suy yếu những vẫn có thể
kiềm chế ảnh hưởng của các quốc gia khác ở Cận Đông như I-ran,
Gioóc-đa-vi và A-rập Xê-út.
Trong cuộc chiến tranh
Cô-xô-vô, Mỹ đã lấy cớ Nam Tư có các hành động “thảm sát nhân đạo” đối
với người An-ba-ni ở vùng đất tự trị này. Trên thực tế, cái gọi là
“người Xéc-bi tàn sát dã man” đối với người Cô-xô-vô gốc An-ba-ni chỉ là
do Oa-sinh-tơn thổi phồng và làm to chuyện từ những vụ xung đột lẻ tẻ
xảy ra tại đây. Lấy cớ “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, năm 1999, Mỹ và
NATO đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư - một quốc gia có chủ
quyền dưới danh nghĩa ngăn chặn cái gọi là “thảm họa nhân đạo”. Sau
chiến tranh, tại Hội nghị thượng đỉnh của NATO tổ chức ở Mỹ tháng 5-1999
đã thông qua Chiến lược quân sự mới của liên minh này, trong đó đưa ra
luận điểm mới về quyền của họ thực hiện các chiến dịch “can thiệp nhân
đạo” trên toàn thế giới, mà không cần được phép của Hội đồng bảo an Liên
hợp quốc.
Để phát động cuộc chiến
tranh Áp-ga-ni-xtan, Oa-sinh-tơn đã lợi dụng vụ khủng bố ngày 11-9-2001
nhằm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại quốc tế ở Mỹ. Trong khi chưa
thể điều tra xác định ai là thủ phạm đích thực gây ra cuộc khủng bố tàn
khốc này, Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ đã vội vàng chớp lấy thời cơ để tuyên
bố phát động “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” trước hết nhằm
vào Áp-ga-ni-xtan là nơi mà Oa-sinh-tơn cho rằng chính quyền Ta-li-ban
đang “che dấu những kẻ gây ra vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ”. Trên thực
tế, Mỹ đã viện cớ vụ 11-9 để khẳng định chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa
an ninh toàn cầu đối với thế giới, do đó tất cả các nước nên đi theo Mỹ
để “chống khủng bố”. Như vậy, “nguy cơ khủng bố trên quy mô toàn cầu”
là cái cớ hợp lý nhất để Mỹ tập hợp thế giới dưới ngọn cờ của Mỹ, thực
chất là xây dựng trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo.
Để phát động cuộc chiến
tranh I-rắc, Mỹ đã viện cớ quốc gia này “sở hữu vũ khí sát thương hàng
loạt” và “có mối quan hệ với tổ chức khủng bố An Kê-đa”. Nhưng về sau,
các cuộc điều tra do Mỹ tiến hành chứng tỏ nguyên cớ đó là hoàn toàn bịa
đặt, ngụy tạo.
Tuy nhiên, Mỹ đã phạm sai
lầm nghiêm trọng trong chiến lược sử dụng sức mạnh quân sự. Trong chiến
tranh Cô-xô-vô, Mỹ đã thất bại về quân sự do sự chống trả quyết liệt,
dũng cảm và đầy mưu trí của các lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Tư.
Thậm chí, Nam Tư đã bắn rơi máy bay “tàng hình” F-117A và hàng trăm tên
lửa hành trình – con át chủ bài của Mỹ. Mỹ và NATO đã phải ký kết hiệp
định đình chiến và chỉ có thể lật đổ được Tổng thống Nam Tư
Mi-lô-xê-vích trong cuộc “cách mạng nhung” sau đó.
Trong cuộc chiến tranh
I-rắc và chiến tranh Áp-ga-ni-xtan, đội quân mạnh nhất và được trang bị
hiện đại nhất thế giới đã hoàn toàn bất lực trước một loại hình chiến
tranh mới trong thế kỷ XXI. Đó là chiến tranh bạo loạn. Mỹ đã sa lầy
trong cuộc chiến tranh I-rắc, đã phải rút quân chiến đấu vào cuối năm
2010 và sẽ rút hết toàn bộ lực lượng quân sự vào cuối năm 2011. Còn thất
bại trong cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan đang đưa Mỹ và NATO rơi vào bế
tắc về chiến lược, và khủng hoảng về học thuyết. Chiến tranh
Áp-ga-ni-xtan sẽ là câu trả lời về tương lai của NATO - liên minh quân
sự lớn nhất thế giới sau “chiến tranh lạnh”.
Vậy là 20 năm sau cuộc
chiến tranh Vùng Vịnh, các chuyên gia quân sự cho rằng, sức mạnh quân sự
của Mỹ mặc dù là rất lớn, không có đối thủ cạnh tranh, nhưng hoàn toàn
không thích hợp trong việc đối phó với những thách thức và nguy cơ trong
thế kỷ XXI. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã phải
điều chỉnh chiến lược, trong đó Mỹ sẽ chú ý kết hợp “sức mạnh cứng” với
“sức mạnh mềm” như các thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, ngoại giao, kinh
tế, văn hóa v.v./
Hương Ly-TCCS:Số 2 (218) năm 2011