Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

93. Môi trường địa - chính trị Đông - Nam Á với hội nhập Việt Nam - ASEAN

Cùng với sức ép của toàn cầu hóa và sự leo thang của khủng bố bạo lực, sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trước hết là Mỹ - Trung ở Đông - Nam Á đã và đang làm thay đổi sâu sắc môi trường địa - chính trị khu vực này, tác động lớn đến các mối quan hệ của ASEAN và các nước thành viên. Bài viết này chủ yếu nêu khái quát sự tác động của môi trường địa - chính trị khu vực hiện nay đến sự hội nhập và vai trò của Việt Nam trong ASEAN những năm sắp tới.
I - KHÁI QUÁT VỀ BỨC TRANH ĐỊA - CHÍNH TRỊ ĐÔNG - NAM Á
1 - Tăng sức ép của toàn cầu hóa và liên kết khu vực

Sự kết thúc "chiến tranh lạnh" đã tạo ra bước ngoặt địa - chính trị thế giới và khu vực, đưa đến sự hợp tác sâu rộng giữa các nước trong khu vực, thúc đẩy liên kết ASEAN và hợp tác Đông Á. Đây còn là kết quả gia tăng của toàn cầu hóa, trước hết là kinh tế, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ đang chi phối "dòng chảy" công nghệ và vốn với quy mô lớn từ các nước tư bản phát triển sang các nước đang phát triển. Đối với các nước ASEAN, trong gần một thập niên qua, do môi trường cạnh tranh ít được cải thiện nên rơi vào trì trệ, mà biểu hiện rõ nét nhất là khủng hoảng tài chính - tiền tệ những năm 1997 - 1998. Điều này kéo theo sự bất ổn chính trị - xã hội ở nhiều nước, làm chậm tiến trình hội nhập của ASEAN. Tuy nhiên, rủi ro này cũng thôi thúc ASEAN tăng cường tính mở và hội nhập trong khu vực. Sự cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN và mở rộng của tiến trình Hợp tác Đông Á là những xu hướng nổi lên hiện nay, đang tác động lớn đến quan hệ quốc tế, trong đó có sự tham gia đóng góp của Việt Nam.
2 - Gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở Đông - Nam Á

a - Sự trỗi dậy của Trung Quốc với vai trò ngày càng tăng cường ở khu vực

Sự trỗi dậy của Trung Quốc được thể hiện trên mọi lĩnh vực, trước hết là kinh tế. Năm 1978, GDP của Trung Quốc lục địa mới chỉ chiếm có khoảng 1% của thế giới, nhưng đến 2005 tăng 4%, vượt I-ta-li-a, đứng vị trí thứ 6 với 1.981 tỉ USD. Về ngoại thương, Trung Quốc đứng hàng thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Nhật Bản); dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai, sau Nhật Bản. Điều gây ấn tượng là đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài trên khắp các châu lục trong thời gian gần đây tăng rất nhanh, với nhiều dự án lớn đạt hàng tỉ USD.
Đối với Đông - Nam Á, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn thứ 4 của ASEAN, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2004 đạt xấp xỉ 106 tỉ USD. Về đầu tư, Trung Quốc đang trên đường trở thành nhà đầu tư lớn của ASEAN; nhiều hợp đồng lớn đầu tư lên tới hàng tỉ USD vừa được ký kết với Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a. Từ năm 2004, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư và cung cấp viện trợ phát triển số 1 ở Cam-pu-chia và có thể trở thành nhà đầu tư số 1 tại Mi-an-ma và Lào trong một, hai năm tới. Đồng thời, Trung Quốc là nước hết sức nhiệt tình tham gia phát triển Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.
Về khía cạnh chính trị - ngoại giao, thời gian gần đây, Trung Quốc không chỉ chấp nhận toàn cầu hóa kinh tế, mà còn chủ động hội nhập quốc tế trên tất cả các bình diện, nhất là trong hợp tác với các nước ASEAN.
Ngoài hai lĩnh vực chính trên, sự trỗi dậy của Trung Quốc còn được thể hiện ở sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Điển hình là Trung Quốc vừa thực hiện thành công phóng tàu vũ trụ "Thần Châu 6", đưa người vào vũ trụ lần thứ hai, trở thành cường quốc chinh phục vũ trụ thứ 3 trên thế giới, sau Nga và Mỹ. Theo kế hoạch, đến năm 2007 Trung Quốc sẽ đưa người lên mặt trăng, và tương lai không xa sẽ xây Trạm không gian vũ trụ.
Trung Quốc trở nên quan tâm hơn đến hợp tác quốc tế ở khu vực Biển Đông. Điều này được thể hiện bằng việc Trung Quốc tham gia hợp tác với Việt Nam và Phi-líp-pin cùng thăm dò địa chấn và dầu khí ở Biển Đông.
b - Gia tăng sự hiện diện và tái can dự của Mỹ ở Đông - Nam Á

Cùng với việc điều chỉnh "Chiến lược toàn cầu mới" sau sự kiện ngày 11-9, sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự chuyển mình của Ấn Độ, sự bất ổn chính trị kéo dài ở nhiều nước ASEAN sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ (1997 - 1998) và sự gia tăng tâm lý chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo đang làm cho Mỹ trở nên quan tâm nhiều hơn đến Đông - Nam Á.
Trước hết về khía cạnh an ninh - quốc phòng. Mỹ phục hồi và tăng cường hợp tác an ninh - quân sự với các nước Đông - Nam Á bằng việc ký hàng loạt thỏa thuận quân sự mới với các nước đồng minh truyền thống như Phi-líp-pin, Thái Lan và Xin-ga-po, và cho họ hưởng quy chế "Đồng minh chiến lược ngoài NATO". Ngoài ra, Mỹ còn cải thiện quan hệ và mở rộng hợp tác với đối tác ít thân thiện hơn như In-đô-nê-xi-a và Việt Nam.
Tiếp đến là sự gia tăng can dự và kiểm soát của Mỹ ở eo biển Ma-lắc-ca và khu vực Biển Đông. Điều này được thể hiện bằng việc Mỹ đưa ra hàng loạt sáng kiến mới như: "Sáng kiến an ninh Con-ten-nơ" (CSI), "Sáng kiến an ninh hàng hải khu vực" (RMSI), "Hiệp ước trợ giúp hậu cần" (ACSA) với một số nước ASEAN v.v.. Cùng với những hành động trên, Mỹ trở nên "có lập trường" hơn đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, chuyển từ thái độ " hầu như không có trách nhiệm" hay "trung lập" sang "giúp đỡ" các nước tranh chấp với Trung Quốc. Điều này được thể hiện bằng việc tăng tần số các cuộc tập trận chung trên Biển Đông và điều quân số nhiều hơn đến đồn trú tại khu vực này
Tiếp theo là Mỹ trở nên gây áp lực nhiều hơn đối với ASEAN và một số nước thành viên trong việc thực thi dân chủ và nhân quyền. Điều này được thể hiện bằng việc thúc ép Hiệp hội này thành lập Ủy ban Nhân quyền ASEAN và phản đối việc Mi-an-ma giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Sự gia tăng vai trò của Mỹ cũng được thể hiện qua quan hệ kinh tế. Thương mại Mỹ -ASEAN từ 130 tỉ USD năm 2003 tăng lên gần 140 tỉ USD vào năm 2004. Rất có thể trong một, hai năm tới, Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) song phương Mỹ - Thái Lan, Mỹ - Ma-lai-xi-a sẽ được ký kết. Việt Nam đang là điểm khá hấp dẫn mới trong thương mại và đầu tư của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ đưa ra các sáng kiến mới như "Sáng kiến Doanh nghiệp ASEAN" (2002), "Chương trình hợp tác ASEAN" (2004) và gần đây nhất là ký với ASEAN "Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ" vào ngày 17-11-2005 v.v..
c - Gia tăng vai trò đáng kể của các nước lớn khác

Trước hết là Ấn Độ. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, đặc biệt là công nghệ thông tin của Ấn Độ đang tạo ra thế và lực mới cho mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó có ASEAN. Ấn Độ là một đối tác chiến lược của ASEAN và đã ký TAC vào năm 2003. Điều nổi bật là Ấn Độ đã ký FTA song phương với Thái Lan (2004) và Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện với Xin-ga-po (2005), và đặc biệt gần đây tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAC) (12-2005), góp phần làm cân bằng sự lo ngại của nhiều nước ASEAN về gia tăng quá nhanh ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này. Thương mại ASEAN - Ấn Độ tăng khá nhanh, đạt 16 tỉ USD vào năm 2004.
Nhật Bản đang sử dụng sự phục hồi kinh tế của mình cùng với chiến lược toàn cầu mới của Mỹ để "đuổi kịp chính trị", cạnh tranh với Trung Quốc, trước hết là ở Đông - Nam Á. Ngoài việc tăng cường các hoạt động thương mại, đầu tư (trong đó các nước Đông Dương và In-đô-nê-xi-a đang được quan tâm hơn), Nhật Bản còn tăng cường viện trợ phát triển cho các dự án lớn như Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng v.v..
Nước Nga đang tận dụng công cụ dầu lửa và công nghệ quốc phòng cũng như sự tăng trưởng kinh tế gần đây để lấy lại ảnh hưởng trên trường quốc tế, trong đó có ASEAN. Sự gia tăng đáng kể thương mại cùng với những hoạt động ngoại giao khá dồn dập giữa Nga và ASEAN trong vài năm trở lại đây (như tham gia TAC (2004), Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên Nga - ASEAN năm 2005) v.v.. đang làm tăng tính hấp dẫn, nhạy cảm, đa chiều trong quan hệ quốc tế của Đông - Nam Á.
Ngoài các xu hướng trên, ở khu vực này trong những năm gần đây xảy ra nhiều vụ khủng bố bạo lực, ly khai dân tộc, nhất là ở một số nước như In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan. Cùng với tình hình bất lợi này, sự gia tăng tranh chấp chủ quyền tại các vùng biển, nhất là ở Biển Đông, biển Su-la-ve-si, nơi có dự trữ lớn dầu khí và tài nguyên biển lớn, lại là vị trí chiến lược trong hàng hải và phòng thủ quốc tế, và sự khan hiếm về nước sạch dùng cho thủy điện và sinh hoạt trên các con sông, nhất là sông Mê Công có thể làm cho môi trường địa - chính trị Đông - Nam Á trở nên phức tạp hơn. Ngoài các vấn đề trên, sự gia tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm vũ khí hiện đại, tiến hành nhiều cuộc tập trận với quy mô lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng là một đặc điểm khá nổi bật hiện nay ở nhiều nước ASEAN.
II - TÁC ĐỘNG CỦA CÁC QUÁ TRÌNH TRÊN ĐẾN SỰ HỘI NHẬP VÀ VAI TRÒ CỦA VIỆT NAM TRONG ASEAN
1 - Tác động đến môi trường cạnh tranh và liên kết ASEAN

Sự gia tăng sức ép của toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của hai nền kinh tế mới là Trung Quốc và Ấn Độ đang tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với ASEAN và các nước thành viên. Trước hết, quá trình trên thúc đẩy các nước này cải thiện nhanh hơn môi trường đầu tư và dân chủ hóa xã hội. Tiếp theo là ASEAN trở nên năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ chế, giải pháp thúc đẩy liên kết nội khối và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Việc các nước lớn, trước hết là Mỹ và Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước ASEAN làm tăng tính nhạy cảm và đa nguyên trong cơ cấu quyền lực và lợi ích chiến lược tại khu vực này. Trong tương lai, xu hướng vượt trội của Trung Quốc trong quan hệ kinh tế với khu vực sẽ thách thức vai trò của Mỹ; và điều này có thể làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc của Đông - Nam Á, tạo ra những "cú hích" mới thúc đẩy hội nhập khu vực; đồng thời góp phần tạo thêm "không gian tự do", bổ sung "phương tiện mặc cả" cho việc theo đuổi chính sách "cân bằng thế lực", đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của ASEAN và các nước thành viên, làm cho Hiệp hội này trở nên quan trọng hơn trong bàn cờ địa - chính trị của các nước lớn.
Thế nhưng, các quá trình trên cũng đang tạo ra không ít thách thức (tuy cơ hội vẫn là nhiều hơn), nhất là việc lựa chọn hay thúc đẩy quan hệ đối tác với từng nước lớn. Hơn nữa, sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ có thể làm giảm đi sức hấp dẫn của ASEAN với tư cách là một khu vực kinh tế năng động, đoàn kết chính trị và giữ vai trò chủ đạo trong các nỗ lực hợp tác khu vực. Điều này có thể xảy ra, nếu như ASEAN không khắc phục được những hạn chế "cố hữu" của mình.
2 - Tác động đến hội nhập của Việt Nam trong ASEAN

a - Tác động đến vị thế địa - chiến lược của Việt Nam

Xét tầm với của các nước lớn hiện nay và trong tương lai gần thì Việt Nam có thể trở nên quan trọng hơn đối với ba nước là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản; Trong tầm trung và dài hạn, Việt Nam còn có khả năng nằm trong bàn cờ chiến lược của cả Nga và Ấn Độ. Sự cạnh tranh chiến lược trên đang làm tăng vị thế địa - chính trị của Việt Nam. Việt Nam có thể trở thành "đầu mối" của các nỗ lực hợp tác và liên kết kinh tế cho khu vực và thế giới với tư cách là "cửa ngõ" ra biển cho vùng Tây Nam của Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia và miền Bắc Thái Lan, và "đầu cầu" trên đất liền, trên biển và trên không giữa Đông - Bắc Á và Đông - Nam Á, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giữa Âu - Mỹ và các nước trong khu vực.
Hơn nữa, qua hơn 20 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã được tăng cường. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, chính trị - xã hội ổn định, thị trường khá hấp dẫn với dân số trên 83 triệu người (2005), Việt Nam đã và đang chiếm được cảm tình trong ASEAN như một quốc gia có trách nhiệm, đáng tin cậy trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Với vị thế địa - chiến lược và thực lực kinh tế đang lên, lại có chính sách cởi mở, hội nhập tích cực, Việt Nam có thể trở thành "đầu cầu", "trạm chuyển tiếp" trong sản xuất và lưu thông, giao lưu văn hóa của các nước lớn với khu vực.
b - Tác động đến hội nhập của Việt Nam trong ASEAN

Việt Nam gia nhập ASEAN cách đây 11 năm là một trong những lựa chọn và hành động mang tính chiến lược và lịch sử, không chỉ chứng minh đường lối chủ động hội nhập, mở cửa, góp phần duy trì ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ quyền lợi quốc gia - dân tộc và phát triển đất nước, mà còn mở ra một trang sử mới cho đoàn kết và hòa giải khu vực, củng cố sức mạnh của ASEAN. Hơn nữa, sự tham gia và hoạt động có hiệu quả của Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng cho việc mở rộng hợp tác quốc tế và hình thành các sáng kiến, cơ chế hợp tác mới của ASEAN. Điển hình nhất là "Chương trình hành động Hà Nội" do Việt Nam đưa ra và đã được chấp thuận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 với mục tiêu hiện thực hóa "Tầm nhìn 2020"- nền tảng tư tưởng cho sự ra đời Cộng đồng ASEAN sau này. Trên con tàu ASEAN, Việt Nam nhanh chóng hội nhập với quốc tế, cụ thể là trở thành thành viên sáng lập ASEM (1996), thành viên chính thức của APEC (1998), mở rộng không gian hợp tác với các nước Đông Á (qua cơ chế hợp tác đa phương ASEAN+1, ASEAN+3), và đặc biệt là thuận tiện hơn trong cải thiện quan hệ với Mỹ v.v..
Để thích ứng với bối cảnh mới, ASEAN đã cam kết thiết lập Cộng đồng ASEAN (AC) với 3 trụ cột là Cộng đồng Kinh tế (AEC), Cộng đồng An ninh (ASC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) vào năm 2020 và tích cực mở rộng đàm phán, thiết lập các FTA song phương và đa phương với các đối tác bên ngoài, mà điển hình là Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc được ký từ năm 2002. Bên cạnh đó, ASEAN đã và đang có những linh hoạt hơn trong việc áp dụng phương thức "ASEAN way" bằng cách cho phép thực hiện nguyên tắc hay công thức 10-x (từ 2002). Cùng với bối cảnh quốc tế mới, những cơ chế hay hình thức hợp tác, liên kết mới này đã và đang tạo ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy hội nhập của ASEAN và tham gia của Việt Nam.
Trước hết, sự thiết lập AEC sẽ thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp luật, và nền hành chính quốc gia của mỗi nước, tiếp cận nhiều hơn với các yếu tố bên ngoài, nhất là vốn, thị trường và công nghệ, làm tăng cơ hội việc làm và nâng nhanh mức sống của nhân dân. Còn ASC và ASCC ra đời sẽ làm tăng mức độ hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, củng cố ý thức cộng đồng khu vực, giúp ASEAN duy trì được bản sắc của mình, làm tăng khả năng phòng ngừa và tiến tới giải quyết xung đột, xây dựng một cộng đồng xã hội năng động, hòa thuận và khoan dung v.v. Những điều này phù hợp với chính sách và lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đang khẩn trương khai thác tối đa những lợi thế và cơ hội mới đang tạo ra, chủ động hơn nữa hội nhập khu vực và thế giới. Điều này được thể hiện bằng sự cam kết của Việt Nam thực hiện 11 lĩnh vực ưu tiên trong hội nhập ASEAN, bằng việc thành công tổ chức Hội nghị ASEM năm 2004, có những chuyển động lớn, tích cực trong quan hệ với các nước lớn, đặc biệt với Mỹ, khẩn trương hoàn tất thủ tục để gia nhập WTO và triển khai hội nghị APEC vào cuối năm 2006.
Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng tạo ra không ít thách thức đối với Việt Nam. Về khía cạnh chính trị, sự hội nhập sâu rộng trong kinh tế đòi hỏi Việt Nam phải hài hòa về hệ thống pháp luật. Điều này ít nhiều đụng chạm đến bản sắc chế độ chính trị - xã hội của nước ta hiện nay. Về kinh tế, Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi, còn nhiều bất cập. Nếu hội nhập sâu rộng, sẽ tạo ra sức ép lớn đối với sản phẩm và thị trường của Việt Nam. Điều này có thể phương hại đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, tác động tiêu cực về mặt xã hội như thất nghiệp, tệ nạn xã hội, di cư và chảy máu chất xám v.v..
Việt Nam - với tư cách là nước thành viên ASEAN, có nhiều hải cảng nước sâu, các đảo nổi ở khu vực tranh chấp Biển Đông với tiềm năng dầu khí lớn, lại nằm trên các trục lộ giao thông huyết mạch của nền kinh tế khu vực và quốc tế, nơi có sự đan xen các thời cơ, thách thức của thời đại, nên hết sức nhạy cảm với sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và liên kết khu vực. Sự vận động trên đang tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức mới, trong đó làm tăng tầm quan trọng vị thế địa - chính trị của Việt Nam. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần đánh giá đúng mức và khai thác một cách có hiệu quả vị thế địa - chính trị này để phát triển đất nước.
Tuy liên kết ASEAN diễn ra chậm chạp, gặp nhiều thách thức, nhưng Việt Nam cần tích cực hơn trong việc thúc đẩy liên kết nội khối, (trong đó có việc phát triển các tiểu vùng, trục giao thông, hành lang kinh tế đi qua Việt Nam). Một ASEAN mạnh sẽ góp phần quan trọng cho thúc đẩy hội nhập và duy trì bản sắc của Việt Nam. Qua ASEAN, Việt Nam sẽ dễ dàng cải thiện quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là với Mỹ và Nhật Bản. Hơn nữa, những nỗ lực mới của Việt Nam sẽ là "cú hích" cho đổi mới của ASEAN và các nước thành viên, nhất là đối với Lào, Mi-an-ma và Cam-pu-chia. Đây là cách thức tốt để Việt Nam thúc đẩy hội nhập kinh tế với thế giới, nhất là trong quan hệ với các nước lớn và các tổ chức quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam nên tham gia tích cực hơn vào các cơ chế hợp tác đa phương khác, trong đó có APEC, ASEM, Hợp tác Đông Á theo mô hình mở v.v., và quan trọng nhất là thực hiện một cách có hiệu quả sau khi gia nhập WTO. Điều này sẽ giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn chiến lược "cân bằng động", đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, khai thác tốt hơn các tiềm năng sẵn có của mình.
Theo TSKH. Trần Khánh
Tạp chí Cộng sản số 16, tháng 8/2006