TCCSĐT- Tuần qua,
trong đời sống chính trị - xã hội ở Tu-ni-di (Tunisia) có những xáo trộn
mạnh và thay đổi bất ngờ: Từ sự việc tự thiêu của một thanh niên trí
thức, khắp cả nước đã dấy lên làn sóng biểu tình đòi Tổng thống từ chức,
thực thi các quyền tự do, dân chủ, tạo công ăn việc, cải thiện đời sống
của người dân. Tổng thống Din En A-bi-đin Ben A-li (Zine El Abidine Ben
Ali) đã phải bỏ chạy ra nước ngoài; Chủ tịch Quốc hội Phu-ét Mê-be-gia
(Foued Mebezza) trở thành Tổng thống lâm thời. Người ta gọi đây là cuộc
“Cách mạng Hoa nhài”.
Từ nguyên nhân sâu xa
Mấy thập kỷ gần đây, nước
Cộng hòa Tu-ni-di, ở Bắc Phi, luôn được coi là một trong những quốc gia
ổn định và có nền kinh tế phát triển nhất trong thế giới A-rập. Trình
độ học vấn của nhân dân nước này cao hơn hẳn so với các nước láng giềng.
Tu-ni-di có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú, và mặc dù chịu ảnh
hưởng mạnh mẽ của văn hóa Pháp (trước đây Tu-ni-di là thuộc địa của
Pháp) nhưng người dân nước này vẫn mang đậm phong cách Hồi giáo.
Từ sau vụ khủng bố kinh
hoàng ngày 11-9-2001 tại Mỹ, Tu-ni-di trở thành một trong những đồng
minh tin cậy của phương Tây trong cuộc đấu tranh chống An Kê-đa. Ban
lãnh đạo Tu-ni-di mặc dù được coi là “có uy tín” nhưng thực ra, trong
nhiều năm nay Tổng thống A-bi-đin Ben A-li đã thi hành chế độ độc tài,
chuyên chế. Khắp đất nước thường xuyên diễn ra những vụ xử tử hình công
khai và khủng bố hàng loạt, nhằm chống lại các phe phái đối lập. Trên
danh nghĩa, Tu-ni-di là một nước cộng hòa, Hiến pháp quy định người dân
có mọi quyền tự do, dân chủ, nhưng trong thực tế, không ít quan chức
thỏa sức lộng hành, nạn tham nhũng tràn lan, giá lương thực, thực phẩm
leo thang hàng ngày, tỷ lệ lạm phát gia tăng chóng mặt. Chỉ các quan
chức cấp cao và một số tầng lớp thượng lưu được hưởng những sự ưu đãi,
có cuộc sống sung túc, thậm chí sống sa hoa, còn người dân thì không đủ
việc làm, đội quân thất nghiệp ngày càng dài ra, đại đa số nhân dân sống
trong cảnh bần hàn, thua xa mức sống của người dân hai nước láng giềng
liền kề là Li-bi và An-giê-ri. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến
các cuộc mít tinh, biểu tình, diễu hành trên đường phố trong những ngày
gần đây, đòi lật đổ Tổng thống, thay đổi chính quyền, thực thi các quyền
tự do, dân chủ, tạo thêm việc làm, cải thiện dân sinh, mà người ta gọi
đó là cuộc “Cách mạng Hoa nhài”.
Đến duyên cớ trực tiếp
Ngày 17-12-2010, chàng
thanh niên 26 tuổi Mô-ha-mét Bu-a-di-di (Mohamed Bouazizi) đã tẩm xăng
tự thiêu, để phản đối chính quyền. Bu-a-di-di đã tốt nghiệp Trường Đại
học Tổng hợp cách đây mấy năm, song không thể tìm được một chỗ làm việc
bình thường, cuối cùng anh chỉ còn cách ra chợ, thuê một chỗ bán rau quả
kiếm sống. Nhưng ngay đến cả công việc lao động đơn giản ấy cũng không
thể thực hiện. Các nhà chức trách đã tịch thu rau quả, cấm Bu-a-di-di
bán hàng, vì anh không có giấy phép. Bị dồn đến bước đường cùng, chàng
thanh niên trí thức đã quá phẫn uất, tự đem thân mình thắp lên ngọn lửa
trong “màn đêm đem tối” với hy vọng tỉnh ngộ giới quan chức, làm bùng
lên ngọn lửa đấu tranh của hàng trăm nghìn thanh niên cũng đang bị thất
nghiệp như anh.
Câu chuyện tự thiêu của
Bu-a-di-di đã nhanh chóng lan ra khắp thành phố Xi-đi Bu-dít (Sidi
Bouzid) quê hương anh. Quá bức xúc và mệt mỏi trước cảnh nghèo đói, bất
công, hàng nghìn, hàng vạn thanh niên thất nghiệp thành phố Xi-đi Bu-dít
đã xuống đường diễu hành phản đối chính quyền. Phong trào biểu tình
nhanh chóng lan từ thành phố này sang thành phố khác và cuối cùng, đến
cả các tầng lớp nhân dân Thủ đô Tu-nít cũng rầm rộ xuống đường. Họ không
chỉ tỏ thái độ phẫn uất trước vụ tự thiêu của một con người trẻ tuổi,
mà còn đưa ra các yêu sách về kinh tế: đòi nhà cầm quyền chặn đứng ngay
tình trạng leo thang giá cả và tạo việc làm mới.
Bước sang năm mới 2011, lại có thêm hai tin như đổ thêm dầu vào lửa: Thứ nhất,
nhờ sự tiết lộ từ các báo cáo của một số nhà ngoại giao Mỹ trên trang
mạng Wikileaks, người dân Tu-ni-di biết rõ hơn về cuộc sống vô cùng sa
hoa của Tổng thống A-bi-đin Ben A-li. Thậm chí, trong một bữa tiệc gia
đình mời bè bạn thân hữu, ông đã cho đặt mua mọi thứ đồ ăn thức uống, kể
cả kem và hoa quả tráng miệng, ở các nhà hàng danh tiếng nhất của thành
phố nghỉ mát nước Pháp Xanh Tơ-rô-pét (Saint-Tropez), để rồi từ đó chở
bằng máy bay về Tu-ni-di. Thứ hai, ngày 5-1 chàng thanh niên trí thức Bu-a-di-di đã qua đời, mặc dù các bác sĩ đã rất tận tình cứu chữa.
Hai tin đó càng làm dâng
cao làn sóng biểu tình, đòi Tổng thống A-bi-đin Ben A-li phải từ chức.
Vị Tổng thống quen trị quốc bằng thói độc tài, không những không biết
đưa ra các biện pháp mềm dẻo, lại còn cố tình lừa dối, ra lệnh cho bộ
máy thông tin, tuyên truyền đổ vấy, vu khống những người biểu tình là
“những phần tử quá khích, bạo loạn”. Đồng thời, hối thúc Bộ Nội vụ tung
ra mọi lực lượng cảnh sát dã chiến, cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát chống
khủng bố… để đàn áp quần chúng. Trong 3 ngày, từ ngày 8 đến ngày 10-1,
chỉ riêng các vụ đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình trên các
đường phố ở Thủ đô Tu-nít đã làm hơn 50 người thiệt mạng và hàng trăm
người bị thương. Ngoài ra, cảnh sát còn bắt giam hàng trăm người khác.
Nói dối không ai tin,
dùng biện pháp mạnh, quần chúng nhân dân cũng không chùn bước, Tổng
thống A-bi-đin Ben A-li rất tức giận, đã cách chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
và ngày 12-1 buộc phải lên Đài Truyền hình xoa dịu dự luận. Ông hứa hẹn
sẽ thực hiện những đòi hỏi của nhân dân, có biện pháp giảm giá đối với
lương thực, thực phẩm, tạo 300 nghìn việc làm mới trong thời gian sớm
nhất và tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới trước thời hạn. Đương nhiên,
những lời đường mật đó đã quá muộn, trở thành vô nghĩa. Trước phong trào
đấu tranh của quần chúng nhân dân ngày càng lên cao, đêm 14-1, Tổng
thống A-bi-đin Ben A-li cùng vợ con đã phải lên máy bay chạy trốn sang
A-rập Xê-út.
Theo luật pháp Tu-ni-di,
một khi ghế tổng thống bị bỏ trống, thì Chủ tịch Quốc hội sẽ tự động lên
thay. Ngày 15-1, ông Phu-ết Mê-be-gia (Foued Mebezza) đã tuyên thệ nhậm
chức Tổng thống lâm thời của Tu-ni-di và ngay lập tức, ông yêu cầu Thủ
tướng Mô-ha-mét Gan-nu-chi (Mohamed Ghannouchi) thành lập một chính phủ
đoàn kết. Theo Hiến pháp nước này, ông Mê-be-gia có 60 ngày để tổ chức
bầu cử tổng thống mới.
Liên minh châu Phi (AU)
đã công nhận ông Phu-ết Mê-be-gia là Tổng thống lâm thời của Tu-ni-di.
Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di cũng đã hứa sẽ giúp tiến trình dân
chủ của Tu-ni-di.
Tổng thống A-bi-đin Ben
A-li trước kia là một nhân vật quân sự, nhậm chức Tổng thống Tu-ni-di
nhiệm kỳ đầu tiên vào ngày 7-11-1987. Ở Tu-ni-di, cứ 5 năm bầu lại tổng
thống một lần và tất cả những lần bầu cử sau đó, ông A-bi-đin Ben A-li
đều trúng cử với số phiếu rất cao. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất, năm
2009, ông cũng giành được 99% số phiếu ủng hộ. Trước khi xảy ra cuộc
“Cách mạng Hoa nhài”, căn cứ theo những số liệu chính thức và sự phản
ánh của bộ máy truyền thông nhà nước Tu-ni-di, người ta khó có thể biết
được đời sống thật sự của nhân dân nước này và càng dễ bị lầm tưởng về
vai trò, công lao cũng như uy tín của ông A-bi-đin Ben A-li.
Lãnh đạo một nước cộng
hòa được coi là ổn định và có nền kinh tế phát triển nhất trong thế giới
A-rập hơn 23 năm, giờ đây phải nhận lấy một kết cục thảm hại như vậy,
quả thật ông A-bi-đin Ben A-li chẳng lấy gì làm vinh quang, thậm chí còn
để lại tiếng xấu muôn đời trong lịch sử Tu-ni-di.
Theo dõi tình hình chính
trị, kinh tế, xã hội và nhất là diễn biến của cuộc “Cách mạng Hoa nhài” ở
Tu-ni-di, có lẽ nhiều nhà lãnh đạo các nước A-rập cũng đã ngộ ra rằng,
không phải người A-rập không sẵn sàng, không muốn và không cần dân chủ.
Điều quan trọng là người lãnh đạo phải biết chủ động tạo điều kiện thuận
lợi nhất để thực thi dân chủ. Hơn thế, qua sự kiện này, các nhà lãnh
đạo trong thế giới A-rập phải kịp thời rút ra những bài học thiết thực
để điều hành đất nước, để xử lý linh hoạt và mềm dẻo các mối quan hệ
giữa nhà nước và nhân dân. Nếu không làm được như vậy và không biết “tu
nhân tích đức”, không có cuộc sống lành mạnh, trong sạch, thì không ai
có thể hoàn toàn chắc chắn không rơi vào vết xe đổ của ông A-bi-đin Ben
A-li./.
Quế Anh- TCCS: Số 2 (218) năm 2011