Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

72. Xác định mục tiêu học tập

Bài viết được trích từ Tài liệu "Những kỹ năng học tập cần thiết" do CEEA biên soạn, tháng 10/2010
xac_dinh_muc_tieu_hoc_tap_1


I. Tầm quan trọng của mục tiêu

Việc xác định mục tiêu là rất quan trọng và cần thiết đối với học sinh trung học phổ thông, do việc đặt ra mục tiêu giúp chúng ta thấy được ý nghĩa của công việc mà mình đang và sẽ làm.
Trong học tập cũng vậy, xác định mục tiêu học tập là vô cùng cần thiết vì mục tiêu học tập sẽ làm cho việc học của bạn trở nên có ý nghĩa.
Mục đích cơ bản của mục tiêu là giữ cho bạn có suy nghĩ và hành động cho học tập nhất quán. Điều này có nghĩa là tất cả những suy nghĩ và hành động học tập của bạn đều nhằm đáp ứng mục tiêu học tập mà bạn đã xác định.
Ví dụ:  Bạn xác định mục tiêu học tập của mình sau khi học xong phổ thông là thi đậu vào ngành Sư phạm Toán Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM. Với mục tiêu này, bạn sẽ tập trung nhiều vào việc học 3 môn Toán, Lý và Hóa và dành nhiều thời gian, công sức cho các môn này hơn  để họi giỏi ít nhất là 3 môn học này.

II. Mục tiêu học tập là gì?

Mục tiêu học tập là những gì người học đặt ra để phấn đấu trong học tập và có khả năng đạt được nó trong quá trình học tập của mình.

III. Xác định mục tiêu

Để có được mục tiêu khả thi và hữu ích, người học cần xác định mục tiêu học tập của mình theo 05 yếu tố sau đây:

1. Cụ thể và rõ ràng

Mục tiêu của người học phải thật cụ thể và rõ ràng (càng chi tiết càng tốt).

2. Đo lường được

Mục tiêu có thể đo lường và đánh giá được một cách rõ ràng. Ví dụ, kinh nghiệm cho thấy muốn đậu vào ngành sư phạm Toán Trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh, thường các học sinh cần phải có điểm trung bình cuối năm ở các lớp, đặc biệt là lớp 12, các môn Toán, Lý và Hóa từ 7 trở lên.

3. Có thách thức

Mục tiêu phải cho thấy người học cần phải nỗ lực và có kỷ luật mới có thể đạt được. Đối với một học sinh trung học phổ thông, việc giải một bài toán lớp 8-9 không có tính thách thức vì bài toán này là quá dễ. Bạn phải đặt ra mục tiêu là giải được các bài toán thi vào đại học. Tuy nhiên, nếu bạn đặt ra mục tiêu giải các bài toán trình độ đại học thì bài toán này lại là quá khó và như vậy tính thách thức ở đây cũng trở nên vô nghĩa.

4. Thực tế

Mục tiêu của bạn là có khả năng đạt được, không vượt quá khả năng và nguồn lực của bạn.Nếu bạn có học lực bình thường mà sau 5 năm muốn trở thành một nhà toán học giống GS Ngô Bảo Châu thì mục tiêu của bạn là không thực tế.

5. Có thời gian để hoàn thành

Mục tiêu phải có thời hạn hoàn thành cụ thể. Nếu là mục tiêu lâu dài, cần chia mục tiêu thành nhiều mục tiêu nhỏ và xác định thời hạn hoàn thành đối với từng mục tiêu. Trong năm lớp 10, bạn có thể phấn đấu từ học sinh trung bình lên trung bình khá hoặc khá (chương trình lớp 10 tương đối khó). Sau đó, bạn đặt mục tiêu sau năm lớp 11 là học sinh giỏi và duy trì danh hiệu này đến hết lớp 12.
Tóm lại, trong học tập, người học cần xác định mục tiêu của mình để học tập vì khi có mục tiêu, việc học của bạn sẽ trở nên có ý nghĩa và bạn sẽ không lãng phí nhiều thời gian, công sức và trí tuệ của mình trong học tập
(http://ceea.ier.edu.vn/hoat-dong-tu-van/cac-n-phm-ca-ceea/333-xac-nh-mc-tieu-hc-tp#comments)