Bài
phân tích trên tờ “Liên hợp buổi sáng” của Singapore ngày 18/4 cho rằng
“đàm phán giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng
cần phải được tiến hành sớm”.
Vị thế của Trung Quốc ở Đông Á sẽ ngày càng cao hơn. Vì thế, cần
lợi dụng thời kỳ Trung Quốc đang chủ trương giải quyết tranh chấp
với các nước láng giềng bằng phương thức hòa bình, các nước cần sớm giải
quyết tranh chấp với Trung Quốc, như vậy mới có thể tranh thủ được lợi
ích ở mức cao nhất.
Những
năm gần đây, với thực lực kinh tế là đầu tàu, sức mạnh tổng hợp của
Trung Quốc ngày càng mạnh. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng dần tăng
lên theo tiến trình hiện đại hóa ngày càng sâu sắc. Với ảnh hưởng của
“thuyết đe dọa từ Trung Quốc”, sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng
tăng nhanh đã dẫn đến sự lo ngại và bất an của một số nước láng giềng,
đặc biệt là các nước có tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc
như Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.
Từ
năm 1949 đến nay, giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng đã xảy ra
chiến tranh cục bộ, có nguồn gốc từ tranh chấp biên giới như chiến tranh
Trung-Ấn năm 1962, chiến tranh Trung-Nga ở đảo Damansky trên sông Ô Tô
Lý giữa biên giới hai nước năm 1969, chiến tranh ở vùng biển Hoàng Sa
giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 1974 và chiến tranh biên giới giữa Trung
Quốc và Việt Nam năm 1979. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc coi trọng quốc
sách lấy xây dựng kinh tế là trung tâm trong thập niên 80 thế kỷ trước,
Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền
lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng bằng đàm phán hòa bình chứ
không phải xung đột vũ trang.
Về
biên giới trên bộ, Trung Quốc là nước có đường biên giới trên bộ dài
nhất và có nhiều nước láng giềng nhất, cũng là một trong những nước có
tình hình biên giới phức tạp nhất trên thế giới, với đường biên giới
trên bộ dài tổng cộng 22.000 km, tiếp giáp với 14 nước như Bắc Triều
Tiên, Ấn Độ, Việt Nam, Nga... Trung Quốc đã thông qua phương thức đàm
phán hòa bình ký hiệp ước hoặc hiệp định biên giới với 12/14 nước (trừ
Ấn Độ và Butan), chiều dài biên giới đã hoạch định ổn thỏa, chiếm khoảng
90% tổng chiều dài biên giới. Trung Quốc vẫn đang trong tiến trình đàm
phán với Ấn Độ và Butan, tuy không thể xác định khi nào sẽ thành công
nhưng khả năng xảy ra xung đột vũ trang một lần nữa do tranh chấp biên
giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ là không đáng kể.
Tranh
chấp chủ quyền trên bộ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng xem ra
không còn là vấn đề lo ngại, vấn đề chủ yếu hiện nay là tranh chấp lợi
ích ở các khu vực lãnh thổ, lãnh hải và biển khơi với các nước láng
giềng, cụ thể là vấn đề biển Hoa Đông giữa Trung Quốc-Nhật Bản và vấn đề
biển Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á. So với vấn đề
biển Hoa Đông, vấn đề Biển Đông bề ngoài xem ra phức tạp hơn nhưng trên
thực tế không hẳn như vậy, vì Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cuối
cùng đã ký “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” năm 2002,
các bên cam kết sẽ “thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, giải
quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng phương thức hòa bình”. Tuy tiến triển
hạn chế nhưng ít nhất các bên đã đi đến nhận thức chung là giải quyết
tranh chấp bằng phương thức hòa bình chứ không phải vũ lực, hơn nữa đã
hình thành được văn kiện, tới đây chỉ cần tích cực thông qua nỗ lực
ngoại giao chuyển hóa tinh thần văn kiện thành tính khả thi, như vậy
thỏa thuận hay hiệp ước song phương hoặc đa phương có hiệu lực pháp lý
sẽ có thể đạt được.
Trừ
phi xảy ra sự kiện lớn xâm phạm đến lợi ích căn bản của Trung Quốc,
chẳng hạn như nước ngoài xâm lược hay Đài Loan tuyên bố độc lập, nếu
không, Trung Quốc - vốn đang rất cần môi trường hòa bình để tiếp tục
phát triển kinh tế - sẽ không dễ dàng sử dụng vũ lực vì chiến tranh
không hề có lợi cho kinh tế Trung Quốc.Vì thế, có lý do để tin tưởng vào
việc Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng bằng
phương thức hòa bình.
Tuy
nhiên, có một điểm mà các nước trong khu vực cần chú ý là tới đây, vị
thế của Trung Quốc ở Đông Á - thậm chí ở cả châu Á - sẽ ngày càng cao
hơn. Trung Quốc có khả năng trở thành cường quốc số một ở châu Á. Trung
Quốc cũng sẽ đưa ra những quan điểm và chủ trương giải quyết tranh chấp
với các nước láng giềng bằng phương thức hòa bình. Vì thế, các nước hoặc
khu vực có tranh chấp với Trung Quốc cần sớm giải quyết tranh chấp với
Trung Quốc, như vậy mới có thể tranh thủ được lợi ích ở mức cao nhất.
Theo Liên hợp buổi sang
Quốc Trung (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1382-ly-do-cac-nuoc-lang-gieng-can-som-tranh-thu-giai-quyet-tranh-chap-voi-trung-quoc