Bài viết được trích từ Tài liệu "Những kỹ năng học tập cần thiết" do CEEA biên soạn, tháng 10/2010
TS.Nguyễn Kim Dung
Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm Tp.HCM
Viết dựa theo các tài liệu của TS. Bob Kizlik (Cập nhật mới nhất: Tháng 3, 2010)
Có kỹ năng học tập hiệu quả không chỉ là việc hiểu
Để có các kỹ năng học tập hiệu quả, bạn
cần phải luyện tập và thực hành. Điều này không chỉ đơn giản là ‘nghĩ
về’ việc học, mà bạn phải thực sự thực hiện và trong quá trình thực hiện
này, bạn cần sử dụng thông tin để thực hành tốt hơn. Đó là ý tưởng chính của phần này. Tất cả những gì trình bày sau đây chỉ là việc làm rõ hơn những ý tưởng trên.
Xây dựng lịch học/thời khoá biểu
Trước khi bắt đầu nghĩ đến cải tiến quá
trình học tập của mình, bạn nên xây dựng một lịch trình cho việc học.
Nếu không, bạn sẽ không có cách nào tốt hơn để có thể bố trí thời gian
quí giá của mình khi có việc gì đó bất ngờ xảy ra. Một lịch học/thời
khóa biểu tốt, được lên một cách cẩn thận có thể được xem là ‘cứu tinh’
của bạn đấy! Bạn cũng cần học cách lập một thời thời khóa biểu đáp ứng
nhu cầu của mình, điều chỉnh nó khi cần thiết và, quan trọng nhất, thực hiện theo đúng những gì mà bạn đã đặt ra.
Quá trình học tập
Làm thế nào để sử dụng thời gian của bạn?
Thời gian là nguồn lực có giá trị nhất
mà một học sinh có khi ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, phần lớn các
học sinh đã sử dụng thời gian hoang phí. Vì vậy, một khi đã có thời
khóa biểu, hãy làm theo kế hoạch mà bạn đã đặt ra.
Học ở đâu
Bạn có thể học được bất cứ ở nơi đâu.
Tất nhiên, một số nơi sẽ tốt hơn các nơi khác. Thư viện, phòng đọc sách,
phòng học hay phòng riêng là tốt nhất. Ngoài ra, chỗ mà bạn chọn để học
nên là những nơi không có nhiều tiếng ồn hay làm bạn mất tập trung.
Thư viện là một nơi rất tốt cho việc học tập.
Các chiến thuật học tập
Kỹ năng tư duy
Tất cả mọi người đều có các kỹ năng tư
duy, nhưng chỉ có một số người biết sử dụng chúng một cách hiệu quả.
Không thể học kỹ năng tư duy hiệu quả, nhưng có thể xây dựng và phát
triển các kỹ năng này trong một thời gian. Các nhà tư duy giỏi nhìn thấy
được các khả năng trong khi những người khác chỉ nhìn thấy một điểm
đến. Nếu bạn không phải là người biết tư duy tốt, hãy bắt đầu hình thành
các thói quen tự mình đặt ra các câu hỏi cho chính mình từ ngay bây
giờ. Trò chuyện với những học sinh khác mà bạn cảm thấy đó là những
người biết tư duy tốt. Hỏi các bạn ấy những gì họ làm khi họ có tư duy
phản biện hay sáng tạo. Theo thời gian, bạn có thể có được cái nhìn sâu
sắc và có giá trị giúp bạn trở thành người có tư duy tốt hơn trước đây.
Phương pháp SQ3R
Phương pháp SQ3R được chứng minh là
phương pháp học tập rất hiệu quả. SQ3R là Tìm hiểu/Khảo sát (Survey),
Đặt câu hỏi (Questions), Đọc (Read), Kể lại (Recite) và Ôn tập (Review).
Bây giờ hãy dành 1 phút để viết lại những từ SQ3R xuống giấy. Có thể
xem đây là một cách tốt để nhớ lại chiến lược học tập hiệu quả này.
Tìm hiểu/Khảo sát – nhằm có được bức
tranh tổng thể tốt nhất về những gì mà bạn sẽ học TRƯỚC KHI bạn học các
chi tiết. Nó cũng giống như tấm bản đồ chỉ đường trước khi bạn bắt đầu
một hành trình. Nếu như bạn không biết rõ địa hình, ranh giới, tìm hiểu
bản đồ là cách tốt nhất để bắt đầu một chuyến đi.
Đặt câu hỏi – Hỏi để học. Các vấn đề
quan trọng cần phải học thường là câu trả lời cho các câu hỏi đó. Các
câu hỏi phải dẫn đến các thông tin trọng tâm, cần nhấn mạnh vào nội dung
cần học như cái gì, tại sao, làm thế nào, khi nào, ai và ở đâu.
Hãy tự hỏi mình các câu hỏi khi bạn đang đọc hay trước khi học. Khi bạn
trả lời các câu hỏi này, bạn sẽ thấy được ý nghĩa của tài liệu/sách mà
bạn đang học và việc học tập sẽ trở nên dễ dàng hơn vì những ấn tượng mà
bạn có được trong quá trình này. Đừng ngại viết ra các câu hỏi của mình
trên lề của vở, sách giáo khoa hay bất cứ nơi nào mà bạn thấy cần thiết
để đối với bạn.
Đọc – Cách tốt nhất để có thông tin là
thông qua việc đọc. Càng học lên cao, việc đọc càng cần thiết. Trước
đây, bạn đọc vì được ‘yêu cầu’ phải đọc. Tuy nhiên, càng học lên, bạn
cần phải tập cách đọc có chủ đích. Khi học, bạn cần đọc một bài học ba
bốn lần và mỗi lần với một chủ đích khác nhau. Bạn cần phải biết mục
đích chính trước mỗi lần đọc và đọc theo mục đích đó.
Đọc như thế nào là hiệu quả?
Việc đọc KHÔNG PHẢI là
đảo mắt qua các trang trong sách giáo khoa. Khi bạn đọc, hãy đọc một
cách tích cực và chủ động. Đọc để trả lời các câu hỏi mà bạn tự hỏi mình
hay các câu hỏi của giáo viên hay các tác giả sách giáo khoa đặt ra.
Luôn để ý và tập trung vào những chỗ IN ĐẬM hoặc IN NGHIÊNG.
Những người viết sách giáo khoa thường có khuynh hướng muốn quyển sách
của mình nhận được sự chú ý đặc biệt khi sử dụng các chỗ như thế. Cũng
nên lưu ý rằng khi bạn đọc, hãy cố gắng đọc tất cả mọi thứ, bao gồm các
bảng biểu, sơ đồ và minh họa. Thường các bảng biểu, sơ đồ và minh họa có
thể truyền đạt các ý tưởng có sức mạnh và ý nghĩa thông tin nhiều hơn
là các đoạn văn.
Khi đọc, cần tìm ý chính!
Đọc hiệu quả là tìm ra ý chính trong khi đọc. bạn cần học cách biết
được ý chính của bài đọc và của tác giả và diễn đạt lại theo cách bạn
hiểu, bằng từ của chính mình. Mỗi đoạn văn thường chứa một ý tưởng
chính. Các ý tưởng chính sẽ cho thấy nội dung chính của quyển sách. Hãy
tạo thói quen tìm các ý tưởng chính trong từng đoạn văn bạn đọc. Đọc
xong ý chính, hãy phát triển các chi tiết quan trọng!
Khi đọc, đừng cố đọc to lên!
Thường việc đọc to không giúp ích cho việc học của bạn. Nếu như bạn
chuyển động môi của mình trong khi đọc, việc đọc của bạn sẽ kém hiệu quả
do tốc độ đọc của bạn sẽ chậm lại, hãy đặt một ngón tay lên môi của
mình, nếu như bạn có thói quen đọc to. Ngón tay của bạn sẽ nhắc bạn đừng
chuyển động môi của mình. Hãy cố gắng đọc nhanh hơn và nhớ lại nhiều
hơn – sau một thời gian, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy được sự tiến bộ
trong việc đọc của mình.
Kể lại – Khi bạn kể lại, bạn sẽ dừng
việc đọc của mình một lúc để nhớ lại những gì mà bạn đã đọc. Cố gắng nhớ
những tiêu đề chính, các ý tưởng và khái niệm quan trọng được trình bày
ở dạng IN ĐẬM hoặc IN NGHIÊNG, cũng như những
gì mà các bảng biểu, sơ đồ và minh họa biểu thị. Cố gắng xây dựng khái
niệm chung về những gì mà bạn đã đọc và diễn đạt lại bằng từ hay ý tưởng
của chính bạn. Cố gắng kết nối những gì mà bạn đã đọc với những gì mà
bạn đã biết. Khi bạn làm điều này thường xuyên, bạn sẽ có cơ hội nhớ
nhiều hơn rất nhiều và có khả năng trình bày lại những gì mà bạn đọc
được từ tài liệu để hoàn thành bài viết, bài thi của mình.
Ôn tập - Một bài ôn tập là một cuộc tìm
kiếm/khảo sát những gì mà bạn đã học. Đó có thể là việc ôn tập những gì
mà bạn được mong đợi phải hoàn thành chứ không phải là những gì mà bạn
sẽ phải làm.
Ôn tập giúp bạn nắm vững những gì đã học.
Ghi chép
Giống như việc đọc, việc ghi chép cũng
là một kỹ năng cần phải được học và hoàn thiện. Nhiều học sinh trung học
phổ thông rất kém kỹ năng này. Học cách ghi chép không khó, nhưng bạn
cần phải kiên trì.
Ghi chép ở đâu
Bạn phải học cách giữ các ghi chép của
mình rõ ràng và khoa học. Hãy nhớ rằng nếu như bạn không thể đọc được
các ghi chép của mình sau 3-4 ngày, chúng sẽ dễ dàng trở nên vô dụng.
Hãy sử dụng các quyển sổ tay có nhiều ngăn và có thể thêm giấy vào khi
cần thiết và tập thói quen ghi chép những gì bạn cho là quan trọng và
cần ghi nhớ. Thay sổ khi đã hết chỗ ghi và tạo cho mình niềm vui mới khi
có sổ mới.
Cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng, để có các kỹ năng học tập hiệu quả, bạn phải thực hành nhiều lần. Có một câu nói: “Sự thực hành không làm nên sự hoàn hảo; thực hành hoàn hảo mới tạo nên sự hoàn hảo”. Nếu bạn muốn là người đạt được điều đó, hãy ghi nhớ câu này trong tâm trí của mình.
(http://ceea.ier.edu.vn/hoat-dong-tu-van/cac-n-phm-ca-ceea/330-cac-k-nng-hc-tp-hiu-qu#comments)