Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

39. Thoát nghèo - hành trình còn lắm gian nan

TCCS - Cuối năm, từ chuyện hỗ trợ người nghèo tiền Tết nhìn sang chuyện thoát nghèo, là vô vàn nút thắt khó gỡ, với những hệ lụy dai dẳng. Để gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong hành trình thoát nghèo, rất cần sự đồng thuận, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và người dân.
“Muôn hình muôn vẻ” chuyện hỗ trợ hộ nghèo
Từ chuyện người dân không chịu... ra khỏi diện hộ nghèo...
Tháng 10 - 2008, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Lê Bạch Hồng, từng nói, có những hộ dân nhất định không chịu nhận đã thoát nghèo. Ông kể lại: Tôi đi công tác ở tỉnh, có một hộ nằm trong danh sách xóa đói, giảm nghèo được xã bình chọn là hết nghèo, phải đưa ra khỏi danh sách. Tuy nhiên, chủ gia đình này viện mọi lý do không chịu ra khỏi diện hộ nghèo. Xã cương quyết đưa ra, chỉ sáu tháng sau, ông ta xây cái nhà to! (1)
Người nghèo đấu tranh để được hộ nghèo cũng khó!
Gần 300 gia đình ở Đức Thanh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) phải bỏ phiếu bình chọn... vì chỉ được 62 suất hộ nghèo. Nhiều người nghèo thật sự, ông già bà lão không nơi nương tựa, ít đi họp hành nên phiếu bầu thấp, đành chấp nhận bị đưa ra khỏi danh sách. Tết Kỷ Sửu 2008, một số hộ gia đình làm ăn khá giả được thẻ hộ nghèo, được Chính phủ hỗ trợ 200.000 đồng/ người; trong khi nhiều hộ khác nhà cửa cũ nát, thiếu ăn thường xuyên không được hỗ trợ. Điển hình, hộ ông Trần Văn Tám có vợ chồng con trai bị tai nạn chết, để lại hai cháu nhỏ dưới 10 tuổi, nhà chật hẹp, nhưng vẫn bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Đã nghèo lại còn bị “xà xẻo”...
Năm 2009, ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), 257 người thuộc diện nghèo nhưng không hề nhận được một đồng tiền hỗ trợ Tết. Chính quyền huyện sau đó phải chỉ đạo các xã “bỏ quên” số người nghèo nói trên khẩn trương lập danh sách nộp lên huyện để ứng tiền trao tặng bổ sung. Ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An), ông Nguyễn Đình Tân, Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 1 “sáng kiến” giữ lại tiền hỗ trợ của dân(!). Một người dân bất bình trước cách làm này, tối mồng 1 Tết đã vác dao... đến “thăm” ông, may dân trong xóm kịp can ngăn.
... Đến “hộ nghèo” mà không nghèo
Một thiếu tá nghỉ hưu, lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng ở xã An Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) và một số cán bộ khác được phát tiền hỗ trợ Tết. Nhiều hộ dân ở xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) có nhà tầng, xe máy... nhưng vẫn được công nhận hộ nghèo. Bí thư chi bộ thôn 2, ông Trần Văn Lô, thừa nhận, trước đây xã cấp sổ chứng nhận hộ nghèo cho một số gia đình không thuộc diện nghèo để chữa bệnh, cho con đi học, nhưng “Khi tiền hỗ trợ Tết gửi về, mình không cấp thì không được bởi như thế lại làm sai. Còn tiền đã trả cho dân sao đòi được vì về lý người ta có sổ hộ nghèo”(!?).
Và “thuật ngữ” lạ về nghèo
Nghèo ghép, hay gửi khẩu nghèo, là tình trạng phổ biến. Nhiều người thân cận của cán bộ ủy ban nhân dân xã, người nhà cán bộ chính sách... được điền tên vào danh sách... nghèo, dù họ khá giả. Xã Sơn Viên (Nông Sơn, Quảng Nam), có đến 72 người được ghép vào các hộ nghèo...
Xác định chuẩn nghèo cũng khó khăn!
Các tỉnh, thành trên toàn quốc hiện đang khẩn trương tiến hành tổng điều tra hộ nghèo theo Chỉ thị 1752/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Theo chuẩn nghèo mới, ở nông thôn, hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống, ở thành thị từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống.
Song, xác định thế nào là hộ nghèo rất khó khăn, do điều tra viên phải tiến hành thu thập thông tin ở ba loại phiếu điều tra; phạm vi cuộc điều tra rộng, điều kiện kinh tế, địa lý... ở các vùng, miền không đồng đều, thời gian thực hiện gấp (từ ngày 21-9 đến 30-11-2010). Lực lượng điều tra viên là trưởng xóm, thôn và các thành viên đoàn thể xã hội ở xóm, thôn... nên nhiều người trình độ hạn chế, nhất là ở miền núi, vùng cao. Một số người dân ỷ lại, muốn được xác định là hộ nghèo để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nên thiếu hợp tác với điều tra viên. Kinh phí thực hiện điều tra ở nhiều địa phương hạn hẹp...
Do đó, thực hiện cuộc điều tra bảo đảm yêu cầu từ thôn, khu phố, trực tiếp đối với từng hộ, bảo đảm công khai, dân chủ, có sự tham gia của người dân theo đúng quy trình quy định, nhằm xác định đúng đối tượng, là không hề dễ.
Những hệ lụy dai dẳng...
Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), năm 2007, ở Việt Nam, người nghèo hưởng an sinh xã hội thấp nhất. Người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa khổ đã đành, người nghèo ở đô thị cũng phải gánh chịu muôn vàn cái khổ: phải sống trong cảnh ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, giá cả đắt đỏ...
Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo kiểm tra, làm rõ ngay sai phạm tiền hỗ trợ người nghèo, có biện pháp xử lý theo đúng quy định phần nào giúp người dân hiểu rõ, quyền lợi của dân luôn được Đảng, Nhà nước đặt lên hàng đầu trong từng bước đường phát triển đất nước.
Song, hệ lụy dai dẳng, nguy hiểm nhất, không chỉ ở số tiền thất thoát lớn gây lãng phí xã hội, mà là khiến người dân giảm lòng tin vào chính quyền. Việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo kiểm tra, làm rõ ngay sai phạm tiền hỗ trợ người nghèo, có biện pháp xử lý đúng quy định phần nào giúp người dân hiểu rõ, các cán bộ sai phạm chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, và quyền lợi của dân luôn được Đảng, Nhà nước đặt lên hàng đầu trong từng bước đường phát triển đất nước. Đến nay, thông qua các chương trình giảm nghèo, hàng triệu hộ dân đã được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn tín dụng; được trợ giúp kiến thức sản xuất, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, con em họ được miễn, giảm học phí... Tỷ lệ hộ nghèo năm 1993 là 58%, đến cuối năm 2009 giảm xuống còn khoảng 11%. Như vậy, Việt Nam đã sớm hoàn thành cam kết với cộng đồng quốc tế: đến năm 2015, giảm 1/2 số người nghèo.
Tuy nhiên, chênh lệch giàu - nghèo ở nước ta đang nới rộng, quy mô dân số tuy cao, nhưng chỉ số phát triển con người thấp; tỷ lệ nghèo cả nước giảm nhanh, nhưng tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số có xu hướng gia tăng; kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Nhiều hộ gia đình ở mức cận nghèo, chỉ cần tác động của thời giá, thiên tai... sẽ chạm ngưỡng nghèo. Nếu theo chuẩn nghèo mới, nước ta sẽ có khoảng 3,3 triệu hộ nghèo, tương ứng với 16,5 triệu người nghèo.
Lỗi từ chính quyền hay lỗi ở người dân?
Phải thừa nhận rằng, lỗi ở cả hai:
- Từ chính quyền: Tình trạng cán bộ làm sai vẫn lên chức, hoặc nếu bị kỷ luật, khiển trách cũng chỉ ở mức độ “giơ cao đánh khẽ”... ở một số địa phương đã tạo tiền lệ xấu cho những việc làm sai trái. Một số cán bộ trình độ hạn chế, nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm, ý nghĩa công việc mình làm đối với hộ nghèo nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, dẫn đến làm sai. Thậm chí, ở nhiều địa phương, việc bình xét được thực hiện cẩu thả, cảm tính và nặng tính “yêu ghét”.
Bệnh thành tích, quan liêu, nể vì, né tránh,... vẫn tồn tại trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo và cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo, nên một số người duyệt danh sách hộ nghèo không cần kiểm tra lại, hoặc chỉ kiểm tra đại khái; hoặc do quen biết, nể nang, có người biết sai nhưng... vẫn làm; vì “bệnh thành tích” nên ghép các hộ nghèo với nhau để giảm số hộ nghèo thực... Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức thoát nghèo của chính quyền một số nơi vẫn chưa được chú trọng, để tạo thành nhận thức thống nhất thúc đẩy chính quyền và người dân cùng phối hợp xóa đói, giảm nghèo.
- Từ người dân: Tính ỳ, ỷ lại ở một số người vẫn cao, chỉ muốn trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Không ít người nghèo do nhận thức hạn chế, nên khi không được công nhận hộ nghèo, bị ăn chặn, bớt xén tiền hỗ trợ vẫn không biết hoặc chưa dám tìm cách bảo vệ quyền lợi cho mình. Khả năng làm ăn kinh tế và trình độ của nhiều người chưa cao do không được học hành, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nên dù nhận được tiền trợ cấp vẫn chưa tìm được hướng làm ăn hợp lý...
Thoát nghèo đâu thể chỉ trong “một sớm một chiều”!
Trong chuyến công tác tại Việt Nam tháng 8-2010, bà M. Xê-pun-vê-đa, chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc về nhân quyền và nghèo đói cùng cực, phát biểu: Việt Nam cần tiếp tục có thêm những nỗ lực để bảo đảm các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương cũng được hưởng lợi và bảo đảm tính bền vững của những tiến bộ đã đạt được. Không nên hiểu nghèo đói đơn giản là một vấn đề kinh tế có thể được giải quyết chỉ với việc tăng thu nhập các hộ gia đình, mà “là một hiện tượng đa chiều và công tác xóa đói, giảm nghèo cần được thực hiện trên cơ sở cách tiếp cận toàn diện, trong đó việc tuân thủ các công cụ pháp lý về nhân quyền đóng vai trò then chốt”; “các chiến lược giảm nghèo hiệu quả cần phải luôn được xây dựng trên quan điểm chung là mọi người dân Việt Nam cần được hưởng đầy đủ các quyền dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa”.(2)
Về phía chính quyền:
- Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật trúng và chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, phối hợp với các địa phương đề ra chiến lược, cách làm phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn và đặc trưng của từng vùng, miền. Trừ các hộ đang quá nghèo đói cần hỗ trợ ngay, đối với các hộ nghèo nói chung, chính quyền chỉ nên hỗ trợ trong công tác sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, thay vì cung cấp cho dân gạo, nước... Tức là, cấp “cần câu” thay vì cấp “con cá”, nhằm nâng cao tính tự giác và chủ động của người dân.
- Thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo cần bảo đảm tính toàn diện ở mọi vùng, miền của đất nước, song vẫn cần có chính sách ưu tiên trọng điểm, và nên phân thành các cấp nghèo phù hợp với điều kiện từng vùng. Đồng thời, cần liên kết chặt chẽ giữa chính quyền với các bộ, ngành và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội nhằm tạo chính sách tổng thể, cơ chế thuận lợi giúp người dân thoát nghèo nhanh, bền vững. Bảo đảm sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của cả chính quyền và người dân, tính minh bạch và quy định rõ trách nhiệm giải trình của những người liên quan trong quá trình thực hiện xóa đói, giảm nghèo nhằm hướng tới mục tiêu chung là nhân quyền và tiến bộ, công bằng xã hội. Chính phủ sớm tăng cường các cơ chế khiếu nại và luật pháp bảo vệ người dân để họ dễ dàng được tiếp cận với thông tin và được bảo vệ khi có bằng chứng xác thực tố cáo vi phạm, sai trái... về hỗ trợ hộ nghèo, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Các chiến lược giảm nghèo hiệu quả cần phải luôn được xây dựng trên quan điểm chung là mọi người dân Việt Nam cần được hưởng đầy đủ các quyền dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.
- Chấn chỉnh việc bình xét hộ nghèo từ cơ sở. Theo nguyên tắc rà soát hộ nghèo được quy định trong thông tư 04/2007/TT-BLĐTBXH, việc làm này phải dân chủ, công bằng, công khai và có sự tham gia bình xét của người dân. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương cần chủ động tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố rà soát lại hộ nghèo trên địa bàn, đồng thời giám sát chặt chẽ hơn từ cơ sở.
- Hợp tác chặt chẽ hơn nữa với hệ thống báo chí, truyền thông nhằm tạo diễn đàn mở, vừa tuyên truyền xóa đói, giảm nghèo, vừa thu nhận ý kiến, nguyện vọng và giải pháp thoát nghèo chính đáng từ phía người dân. Đặc biệt, báo chí cần thẳng thắn phê phán những hộ dân cố tình ỷ lại, không chịu làm ăn thoát nghèo.
Về phía người dân:
- Trước hết, cần chủ động vươn lên làm ăn thoát nghèo, có tinh thần cầu thị, ham học hỏi làm giàu chính đáng, không ỷ lại, trông chờ vào chính quyền, địa phương.
- Mạnh dạn hơn nữa trong việc công khai, trình báo với chính quyền địa phương hoặc các cấp, ngành hữu quan khi phát hiện các trường hợp hộ “giả nghèo”, hoặc phát hiện việc chi sai tiền hỗ trợ hộ nghèo cho dân..., nhằm tạo sự minh bạch, công bằng, dân chủ, góp phần tạo tiền đề cho quá trình xóa đói, giảm nghèo bền vững của đất nước.
* Bài viết có sử dụng một số thông tin từ báo điện tử Dân Trí, Tiền Phong, Vietnamnet, VnExpress...
(1) Theo vietnamnet.vn/xahoi/ 2008/10/808225/
(2) Theo http: //www.un.org.vn/vi/ feature-article-press-centre-submenu-252/1517-as-vietnam-develops-new-efforts-are-needed-to-ensure-no-one is left-behind-says-un-expert-on-extreme-poverty.html
Nam Phương
Số 3 (219) năm 2011