Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

74. Các bạn học sinh - sinh viên Việt Nam cần làm gì cho ước mơ tương lai của mình

Lang thang trên mạng (nơi tập trung rất nhiều bạn trẻ và những người … không còn trẻ) để tìm hiểu ước mơ của các bạn, tôi gặp nhiều tâm sự như sau:
  1. Tôi đã mơ ước trở thành một cô giáo, rồi một nữ tiếp viên hàng không, rồi một đầu bếp giỏi, một kiến trúc sư … Nhưng rồi tôi không thể trả lời được câu hỏi đầu tiên: “ước mơ là gì?” Tôi cứ quen với ý nghĩ “ước mơ” là một điều gì rất gần gũi, tự nhiên, giống như việc nói và ăn vậy … http://vietbao.vn/Blog/Tuoi-tre-va-chia-khoa-cua-uoc-mo/20677246/393/
  2. Ngày xưa còn đi học tôi cũng có ước mơ, ước mơ của tôi là trở thành bác sĩ, vì tôi rất muốn cố hết sức mình để cứu những bệnh nhân đang bị … dày vò. Nhưng số tôi trời đã định cho mạng khổ, đầu óc tôi không phải dùng trong việc học hành, vì vậy ước mơ kia đã không thành sự thật. Ước mơ ngày nay của tôi là làm sao kiếm được nhiều tiền, vì tôi thấy có nhiều tiền thì đôi khi còn có thể cứu được nhiều người hơn là bác sĩ nữa. (http://www.maiyeuem.net/vtopic19110.html)
  3. "I Dreamed A Dream" (Tôi mơ một giấc mơ) – bài hát do Susan Boyle (người có sắc vóc bình thường nhưng hiện giờ đang được xem là ‘giọng ca của nước Anh’) trình bày: Có thể nhiều người sẽ cho rằng Bà thật viển vông, nhưng cuộc sống là vậy, phải biết ước mơ và sống vì nó. Nó giúp bạn cố gắng nhiều hơn và sống có ích hơn bạn ạ. Tôi cũng vậy, cũng có những ước mơ, lớn có, nhỏ có và tất cả làm. Tôi càng cố gắng hơn với một mong muốn một ngày nào đó ước mơ của Tôi sẽ thành hiện thực (http://www.vnexpress.net/GL/Ban-doc-viet/2009/04/3BA0E437/).
thuc-hien-uoc-mo
Và rất nhiều những giấc mơ khác nữa… Ảnh: http://1000namthanglonghanoi.vn
Ấn tượng với những ước mơ tuổi học trò, chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu nhỏ về vấn đề này. Chúng tôi nhận thấy rằng học sinh-sinh viên của chúng ta có quan điểm rất lạc quan về tương lai, có nhiều mơ ước và muốn lập kế hoạch cho một tương lai tốt đẹp. Các bạn có nhận thức được những kiến thức cần thiết để thành công, tuy nhiên, các bạn vẫn còn mơ hồ về những thái độ, kỹ năng mềm rất quan trọng cho cuộc sống sau này do chưa được hướng dẫn đầy đủ để có thể chuẩn bị cho tương lai. Các bạn còn khá xa lạ với cách thức lập kế hoạch thích hợp và linh hoạt để có thể phát huy hết thế mạnh và năng khiếu của mình và cũng chưa được giúp đỡ để có thể chọn cho mình một hướng đi phù hợp với năng lực.
Có thể nói rằng, tất cả những điều trên cho thấy nền giáo dục của chúng ta còn quá tập trung vào lý thuyết, truyền đạt kiến thức và điều này cũng cho phép suy luận rằng sự nghèo nàn về các phương pháp giảng dạy và học tập tại Việt Nam đã hạn chế khả năng đa dạng hóa sự lựa chọn tương lai của người học, giảm thiểu rất lớn nhu cầu và khả năng cân nhắc hướng đi trong tương lai của đa số học sinh và sinh viên. Ngoài ra, những tồn tại trong công tác tư vấn của nhà trường và xã hội, những khó khăn trong việc chọn hướng đi, định hướng tương lai của học sinh cũng là hệ quả của sự nghèo nàn về phương pháp giảng dạy và học tập đang phổ biến ở Việt Nam. Thực trạng này đã không đáp ứng được yêu cầu đa dạng hóa học sinh-sinh viên. Học sinh-sinh viên không được cá nhân hoá việc học, trái lại bị “gò ép” vào chung một khuôn mẫu.
Qua nghiên cứu của mình, chúng tôi nhận thấy rằng nếu không có sự đa dạng trong cách giảng dạy và học tập, mà cụ thể là mục tiêu và động cơ học tập, thì không phát huy được ưu thế và bản sắc cá nhân. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người thuộc mẫu người “bình thường” là những người ít có cơ may nhất trong việc phát triển một tương lai tốt đẹp. Được giáo dục theo một cách thức như nhau, học sinh-sinh viên dường như có một lối suy nghĩ giống nhau trong những vấn đề liên quan đến việc định hướng tương lai, lúng túng trước ngưỡng cửa tương lai, không tự tin để chọn cho mình một lối đi riêng, không dám ‘dấn thân’ vào đời mà chỉ muốn quay trở lại tiếp tục việc học hành, cho nên mơ ước lúc nào cũng là ước mơ. Chính vì vậy, chúng ta vẫn bắt gặp những thay đổi ước mơ như trên: “Ước mơ ngày nay của tôi là làm sao kiếm được nhiều tiền, vì tôi thấy có nhiều tiền thì đôi khi còn có thể cứu được nhiều người hơn là bác sĩ nữa”. Nhưng làm sao có được ‘nhiều tiền’ là điều mà vẫn còn rất nhiều người không giải đáp được.
Từ những kết quả nghiên cứu của mình, chúng tôi đề nghị rằng: học sinh - sinh viên cần được trang bị những kỹ năng mềm, những phẩm chất cần thiết để có thể tự tin và hướng về một tương lai tốt đẹp. Điều đó đòi hỏi nhà trường phải đa dạng hoá chương trình giảng dạy, để mở khả năng cho người học tự lựa chọn chương trình, tài liệu học tập và cả hình thức học tập với mục tiêu đa dạng không chỉ mang lại lợi ích cho chính người học, mà còn thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục và tiến bộ xã hội nói chung.
Ngoài ra, các bạn ơi, nếu những người tuổi trẻ đầy mơ ước và nhiệt huyết như các bạn mà không dám trải nghiệm, không dám dấn thân, thì những sự hỗ trợ của nhà trường, gia đình vẫn chỉ là những lực đẩy ‘nhẹ nhàng’ mà thôi. Muốn tạo ra những ‘cú húc’ thật ấn tượng như Susan Boyle , các bạn phải tận dụng những lực đẩy đó cộng hưởng với sự nỗ lực ‘bật tường’ của mình, tự tin vào năng lực của các bạn để tiến lên phía trước đầy hứa hẹn một tương lai tốt đẹp như ước mơ của chính các bạn. Xin chúc các bạn thành công!
TS. Nguyễn Kim Dung
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Giáo dục về nhận thức tương lai của giới trẻ Việt Nam.