TCCSĐT - Năm 2010 là
năm đặc biệt trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam với nhiều sự kiện
nổi bật: 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 80 năm thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam, 35 năm Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước, 120 năm Ngày
sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đồng thời, cũng là năm kỷ niệm
lần thứ 15 Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN và đảm nhận vai trò Chủ tịch lần
thứ 16 của tổ chức này.
1. Việt Nam gia nhập ASEAN
Bước ngoặt trong hoạt
động mở rộng quan hệ đối ngoại của Việt Nam được bắt đầu từ năm 1986.
Với đường lối đổi mới toàn diện, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI
(tháng 12-1986) của Đảng đề ra chính sách đối ngoại phù hợp với yêu cầu
thực tiễn phát triển đất nước. Đại hội khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình và hữu nghị”(1). Về quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đảng ta chỉ rõ: “Chúng
ta mong muốn và sẵn sàng cùng các nước trong khu vực thương lượng để
giải quyết các vấn đề ở Đông Nam Á, thiết lập quan hệ cùng tồn tại hòa
bình, xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác”(2).
Đây là những quyết nghị hết sức đúng đắn, sáng tạo của Đảng về chính
sách đối ngoại trong giai đoạn cách mạng mới. Nó trở thành tư tưởng chủ
đạo, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế
của Việt Nam, đồng thời là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình từng
bước gia nhập ASEAN của Việt Nam.
Thực hiện đường lối đổi
mới do Đại hội Đảng VI đề ra, trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, các
đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định lập trường của
Việt Nam là được chung sống hòa bình với các nước trong khu vực, sẵn
sàng hợp tác để xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định
và phát triển. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Quan hệ Quốc tế (tháng
10-1991), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã nêu rõ chính sách
đối ngoại của Việt Nam đối với các nước trong khu vực, trong đó khẳng
định: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà trước hết là Đông Nam Á
và Đông Á, giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt
Nam…”(3). Tháng 1-1989, tại Hội nghị bàn tròn các nhà báo châu Á -
Thái Bình Dương tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Đảng Cộng
sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh một lần nữa nhấn mạnh: Việt Nam sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN và các nước trong khu vực. Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Những phát biểu trên một lần nữa nhấn mạnh quan điểm trước sau như một của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề gia nhập ASEAN.
Ngày 28-7-1995, tại
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 18, Việt Nam chính thức
được kết nạp vào ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này.
Sự kiện trọng đại này thể hiện rõ nét chính sách chủ động hội nhập khu
vực và quốc tế của ta. Đánh giá thắng lợi đó, Báo Sài gòn Giải phóng số ra ngày 20-9-1995 viết: Lịch
sử đã thực sự sang trang mới ở khu vực này. Nhân tố Việt Nam trong
ASEAN không chỉ đưa lại tác động tích cực về hợp tác kinh tế với một thị
trường hơn 70 triệu dân đầy sức hấp dẫn mà còn có ý nghĩa chính trị sâu
rộng.
Tầm quan trọng và ý
nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN còn được chính
các nhà lãnh đạo ASEAN 6 thừa nhận. Trong bài phát biểu chúc mừng tại
lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN ngày 28-7-1995, Bộ trưởng Ngoại giao
In-đô-nê-xi-a A-li A-la-tát phát biểu: Chúng ta vừa chứng kiến một sự
kiện trọng đại trong biên niên sử của ASEAN. Việc kết nạp Việt Nam vào
gia đình ASEAN có ý nghĩa to lớn hơn nhiều, chứ không phải chỉ là việc
tăng số lượng thành viên từ 6 lên 7... Việt Nam sẽ là một thành viên quý
giá của ASEAN. Nền văn hóa và lịch sử của Việt Nam sẽ làm phong phú
thêm di sản chung của chúng ta. Dân số 72 triệu người của Việt Nam sẽ
tạo ra động lực để tăng cường vai trò và ảnh hưởng quốc tế của ASEAN.
Thực hiện sự hội nhập
toàn diện của mình vào ASEAN, sau khi trở thành thành viên chính thức
của tổ chức này, các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Việt Nam từng bước
bắt nhịp cùng các cơ quan lãnh đạo của ASEAN. Tháng 9-1995, Quốc hội
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức liên minh nghị viện
Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO).
Trong những giai đoạn
tiếp theo, việc đưa Việt Nam hội nhập toàn diện vào ASEAN đã trở thành
một nội dung quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng và
Nhà nước ta. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm
2001), sau khi đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm trong 20 năm
đổi mới, Đảng ta đã đề ra những quyết sách quan trọng cho chiến lược
phát triển đất nước trong những năm đầu thế kỷ XXI. Về quan hệ đối
ngoại, Đảng ta khẳng định: Việt Nam “thực hiện nhất quán đường lối
đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển… Chủ động và
tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế
trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước
trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc
tế và khu vực… Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các
nước ASEAN, các nước châu Á - Thái Bình Dương…”(4).
2. Sự đóng góp của Việt Nam
Trong 15 năm hội nhập và
phát triển cùng ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho tổ
chức này. Cụ thể là, chỉ 3 năm sau khi trở thành thành viên chính thức,
trong bối cảnh khu vực vừa trải qua thời kỳ đầy sóng gió do tác động
tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, Việt Nam đã
đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 6 tại Hà Nội vào năm
1998. Với việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA), Hội nghị
cấp cao ASEAN 6 đã đề ra các biện pháp cụ thể và định hướng cho sự phát
triển của Hiệp hội trong giai đoạn tiếp theo, khôi phục lại vị thế và
sức mạnh của ASEAN sau khủng hoảng, đồng thời quyết định kết nạp
Cam-pu-chia trở thành thành viên thứ 10, hoàn thành ý tưởng một ASEAN
tròn 10, quy tụ tất cả các quốc gia Đông Nam Á trong một ngôi nhà chung
đoàn kết, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Tiếp đó, trong vòng một
năm, từ tháng 7-2000 đến tháng 7-2001, Việt Nam hoàn thành tốt vai trò
Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Tổ chức và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần
thứ 34 (AMM-34), Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 8 (ARF-8) v.v… Trong năm
Việt Nam làm Chủ tịch, ASEAN và ARFđã đạt được những kết quả quan
trọng, tiếp tục phát triển đúng hướng, phù hợp với lợi ích của từng nước
ASEAN và lợi ích của cả khu vực. Cũng trong thời gian này, với vai trò
chủ trì và điều phối của Việt Nam, ASEAN đã phê chuẩn Nghị định thư thứ
hai của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác, thông qua Quy chế của Hội đồng
Tối cao TAC và tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội đồng trong dịp AMM-34
v.v…
Sau thành công của Hội
nghị cấp cao ASEAN 6, tiếp tục phát huy vai trò đã được nâng cao trong
ASEAN và trên cơ sở những thành tựu, kinh nghiệm tích lũy được trong vai
trò chủ trì, điều phối các hoạt động của ASEAN, Việt Nam đã chủ động
hơn trong việc tham gia hợp tác ASEAN, hướng hoạt động của ASEAN vào
những nội dung hợp tác thiết thực, vừa bảo đảm lợi ích của Việt Nam,
vừa thể hiện quan tâm chung của ASEAN và các nước đối thoại.
Nhằm duy trì môi trường
hòa bình, ổn định trong khu vực, Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN
khác ký với Trung Quốc Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử
của các bên ở Biển Đông (năm 2002). Sau khi ký kết, Việt Nam đã chủ động
đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện Tuyên bố này theo hướng triển
khai hợp tác dần từng bước. Ngoài ra, Việt Nam cũng thể hiện vai trò
tích cực trong việc ASEAN thông qua Tuyên bố hòa hợp ASEAN 2 tại Ba-li,
In-đô-nê-xi-a (tháng 10-2003) trong đó đề ra những định hướng chiến lược
cho sự phát triển của ASEAN, hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN
năng động, tự cường và gắn kết vào năm 2020 (sau này ASEAN quyết định là
vào năm 2015) với ba trụ cột chính là Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC),
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
(ASCC).
Trong quá trình soạn thảo
và đi đến ký kết Hiến chương ASEAN (tháng 11-2007 tại Xin-ga-po), do có
sự chuẩn bị tốt, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng về nội dung,
đưa ra một số sáng kiến, đồng thời thể hiện vai trò là một thành viên
năng động, trách nhiệm được các thành viên ASEAN và các nước đối thoại
đánh giá cao. Việt Nam cũng thể hiện rõ vai trò là một nhân tố quan
trọng góp phần giữ vững các nguyên tắc cơ bản, định hướng phát triển
đúng của ASEAN, duy trì và tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Hiệp hội.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong quá trình soạn thảo Hiến chương
đã góp phần không nhỏ để Hiến chương được hoàn tất và ký kết với những
nội dung cơ bản và toàn diện, đúc kết và hệ thống hóa những mục tiêu,
nguyên tắc cơ bản và thỏa thuận đã có của ASEAN.
Với sự tham gia tích cực
và hiệu quả của Việt Nam, trong thời gian gần đây, ASEAN tiếp tục đẩy
mạnh việc thực hiện các chương trình liên kết khu vực. Sau khi hoàn tất
công tác soạn thảo (năm 2008) các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng
Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội cùng với Khuôn khổ
chiến lược về Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) và Kế hoạch công tác thực
hiện IAI giai đoạn 2 (năm 2009-2015), Hội nghị cấp cao ASEAN 14 đã thông
qua các văn kiện này (tháng 2-2009) để trở thành lộ trình xây dựng cộng
đồng ASEAN đến năm 2015.
Năm 2010, trên cương vị
là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã để lại dấu ấn đậm nét và những đóng góp
tích cực trong Hiệp hội. Với chủ đề Hướng tới Cộng đồng ASEAN từ tầm nhìn đến hành động,
sáng ngày 9-4-2010, Hội nghị cấp cao ASEAN 16, Hội nghị cấp cao đầu
tiên trong năm 2010 đã kết thúc thành công tốt đẹp tại Hà Nội với sự
đồng thuận cao của các bên tham gia. Đánh giá kết quả này, tại buổi tiếp
và chiêu đãi trưởng đoàn các nước ASEAN dự Hội nghị ngày 9-4-2010, Chủ
tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu: “Năm 2010 đánh dấu 15 năm Việt
Nam trở thành thành viên của đại gia đình ASEAN. Việt Nam đã hội nhập
nhanh chóng, tham gia tích cực và có những đóng góp quan trọng cho hợp
tác ASEAN… Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam cũng đã góp phần quan
trọng cho thành công và sự phát triển của ASEAN”. Biểu thị quyết tâm
của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN trong năm
2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Đảm nhận cương vị
Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ tập trung vào việc tăng cường đoàn kết
và liên kết ASEAN; thực hiện hiệu quả Hiến chương và Lộ trình xây dựng
Cộng đồng ASEAN; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các bên
đối tác, góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Hiệp hội. Đồng
thời, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa
trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác nhằm đối phó với những thách
thức toàn cầu, như khủng hoảng kinh tế- tài chính, an ninh lương thực và
năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh... Với tầm quan
trọng của năm 2010, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã, đang và
sẽ dành quyết tâm cao và tập trung nguồn lực cần thiết để hoàn thành
tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN”.
Ngoài những đóng góp quan
trọng cho ASEAN, việc hội nhập toàn diện vào tổ chức này cũng mang lại
những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Việt Nam. Việc tham gia
ASEAN đã tạo ra môi trường chính trị, an ninh, kinh tế thuận lợi cho
chúng ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tạo môi trường
thuận lợi để giao lưu, thông thương hàng hóa, dịch vụ và con người với
các nước trong khu vực và mở rộng ra bên ngoài. Thuận lợi có được trong
quá trình hội nhập và phát triển cùng ASEAN suốt 15 năm qua đã làm cho
hình ảnh của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tiếng
nói của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực đã góp phần quan
trọng vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định cùng hợp tác và
phát triển.
3. Một số bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn 15 năm hội nhập và phát triển cùng ASEAN dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình Việt Nam hội nhập và phát triển cùng ASEAN.
Đây được coi là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, nó không chỉ góp phần
cho Việt Nam hội nhập và phát triển đúng hướng mà còn tạo ra sự thống
nhất trong tư tưởng và hành động khi vị trí, vai trò của Việt Nam ngày
càng được nâng cao trong tổ chức này. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quá
trình này còn thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt
Nam. Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, Việt Nam cũng mong muốn là bạn,
là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.
Quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là tôn trọng độc lập chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trên tinh thần hợp tác, bình đẳng cùng có
lợi giữa các nước thành viên. Việt Nam luôn lấy mục tiêu lợi ích chung
giữa các quốc gia làm điểm tương đồng trên cơ sở thống nhất trong sự đa dạng nhằm tạo ra sự đồng cảm và nhất trí cao đối với những vấn đề có tác động chi phối với các thành viên.
Thứ hai, giữ vững tinh thần chủ động hội nhập và phát triển trong ASEAN. Việt
Nam hoà nhập vào ASEAN nhưng không lệ thuộc, không trông chờ, ỷ lại,
thụ động. Chúng ta tôn trọng những gì bè bạn đã hợp tác, giúp đỡ, nhưng
đồng thời phải khẳng định có tính nguyên tắc: hợp tác trên tinh thần tự
lực, tự cường, giữ vững độc lập chủ quyền về các mặt. Đẩy mạnh hội nhập
và phát triển cùng ASEAN là nhằm để bảo vệ nền sản xuất trong nước, khai
thác có hiệu quả tài nguyên quốc gia, góp phần củng cố độc lập dân tộc,
đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách tụt hậu; giữ
gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt
Nam. Mục tiêu tổng quát là nhằm tạo ra những lợi thế để Việt Nam sớm
khẳng định vị trí và vai trò của mình với tư cách là đối tác bình đẳng
cùng có lợi với các nước trong ASEAN và trên thế giới.
Thứ ba, lấy hội nhập vào ASEAN là cơ sở để đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới.
Thực tiễn đã chứng minh, cùng với việc đẩy mạnh hợp tác trong khu vực
ASEAN, Đảng ta luôn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên
thế giới, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội. Hội nhập với ASEAN
nhưng không chỉ chú trọng đến ASEAN mà xem nhẹ các quan hệ khác. Ngược
lại, cũng không chỉ chú trọng đối tác với các nước khác mà xem nhẹ vai
trò của ASEAN. Quan hệ và hợp tác nhiều mặt nhưng vẫn giữ được chủ quyền
của mình cả về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội quốc phòng, an
ninh... mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một áp lực nào từ bên ngoài.
Có thể nói, 15 năm là
khoảng thời gian không dài so với chiều dài lịch sử của dân tộc, nhưng
Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của mình
trong ASEAN. Với quyết tâm xây dựng một ASEAN hòa bình, ổn định và phát
triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đối ngoại đúng đắn với
những cách làm và bước đi phù hợp trong suốt quá trình Việt Nam tham gia
ASEAN. Những kết quả mà Việt Nam làm được sau 15 năm gia nhập không chỉ
đưa ASEAN trở thành một tổ chức vững mạnh, ngày càng có vị thế cao trên
thế giới mà còn góp phần tạo ra cho Việt Nam nhiều cơ hội thuận lợi để
xây dựng phát triển đất nước. Một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, năng
động và phát triển trong ASEAN là minh chứng rõ nét nhất về đường lối
đối ngoại đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó cũng là kết quả thiết
thực nhất để chúng ta kỷ niệm lần thứ 15 ngày Việt Nam gia nhập tổ chức
này./.
____________________________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội.1987, tr105
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập: Sđd, tr 108
(3) Nguyễn Mạnh Cầm: Bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Quan hệ Quốc tế, Tạp chí Quan hệ Quốc tế, số 10 năm 1991.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội.2006, tr 112-114
Số 14 (206) năm 2010