THỜI
GIAN với TUỔI TRẺ
(Nhân dịp
Hướng về Tháng THANH NIÊN 3-2009)
"Tuổi
trẻ đâu có dài,nó quét qua như một cơn lũ. Nhưng sau lũ, người ta có thể xây
làng mới. Còn tuổi trẻ qua đi, làm sao xây lại được!"
Đó là câu nói giàu hình tượng và sâu
sắc của chàng trai LÊ ĐỨC THÔNG - sinh viên ĐH Giao Thông Vận Tải TP.HCM -
người đã đưa ra ý tưởng và luận cứ khoa học biến
âm thanh thành ánh sáng (Theo TUỔI TRẺ 21-2-2004).
Được "nhóm mồi" từ quan điểm trên và
từ bài báo đó, sinh viên Khoa Tâm Lý Học của ĐH Văn Hiến TP.HCM đã được khuyến
khích sưu tầm những ý tưởng giá trị, điển hình, liên quan đến TUỔI TRẺ &
THỜI GIAN. Mỗi ý tưởng như thế được coi
là một bông hoa (hoa ý tưởng) trong
vườn hồng nhân văn.
Sau đây là những sản phẩm đã sưu
tầm, được chọn lọc và tổng hợp:
1. Thời gian là một dạng hàng hóa, và sử dụng thời gian là một thứ văn
hóa. Giá trị cá nhân cùng với giá trị cộng đồng được khẳng định một phần bởi
thứ văn hóa đó. Một kẻ thích giết chết thì giờ khác rất xa với một người lo chắt
chiu từng phút giây.
(Theo Red Book)
2. Tuổi trẻ vẫn còn nhỏ để chơi nhiều hơn học, nhưng cũng đủ lớn để học
nhiều hơn chơi. Thời gian ghi dấu ấn của sự học luôn cao giá hơn vui chơi. Thời
gian dùng để làm việc và sáng tạo còn cao giá hơn cả sự học.
(Bill Gates)
3. Sự khác biệt của một ngày so với một giờ là 24 lần hơn kém. Sự khác
biệt của người thành công đúng nghĩa so với người thất bại thực sự là hiệu quả
làm việc của người này gấp 24 lần người kia trong cùng một thời gian.
(Rockefeller)
4. Khi ta sống nhởn nhơ với ngày tháng, đó là cái chết đang ẩn mình trong
thời gian. Nó không làm ta chết ngay, mà là một kiểu chết lâm sàng, hoặc chỉ là
"sống mòn" và vạ vật theo thời gian.
(Charlotte Bronte)
5. Giấy không
gói được lửa. Sự lừa dối không giữ được hạnh phúc. Kẻ lười biếng không chiếm
được thời gian. Giá trị của thanh niên gói gọn trong việc sử dụng thì giờ làm
chất liệu sống.
(Abraham Maslow)
6. Thời gian không đợi, mình phải theo nó. Nhưng việc học hành và rèn
luyện không bao giờ là quá trễ. Thời gian vẫn luôn là đồng minh của những người
có nghị lực và biết nỗ lực đúng cách. Giá trị nhân văn là ở chỗ đó.
(Nguyễn Khắc Viện)
7. Sự vung phí thời gian sẽ làm tổn thương mọi giá trị và phá hỏng mọi nhân
cách. Đó cũng là sự khởi đầu của nhiều bi kịch trong cuộc sống.
(Quách Mạt Nhược)
8. Ai có dư thì giờ và sử dụng thì giờ ấy chỉ để "giết thời gian", người
đó có chỉ số EQ rất thấp, dù chỉ số IQ rất cao! Sử dụng thời gian là tiêu chí
quan trọng nhất để xác định giá trị thành hay bại của một đời người.
(Peter Salovey)
9. Mất thì giờ cho cuộc chơi mà biết tìm tòi và khảo sát còn có giá trị
gấp bội phần so với việc mất thì giờ cho sự học mà không chịu suy nghĩ và sáng
tạo gì hết. Giá trị của việc sử dụng thời gian nằm ở chỗ sáng tạo.
(Stephen Hawking)
10. Tôi coi trọng mode, y phục và đồ trang sức quý hiếm. Nhưng tôi có thể
sống mà không để hao phí thì giờ, tiến bạc và công sức cho những nhu cầu xa xỉ.
Từ nhỏ, tôi đã được cha mẹ giáo dục tinh thần đó.
(Sophie Marceau - Nữ diễn viên điện
ảnh nổi tiếng của Pháp)
11. Tuổi trẻ là thời khai hoa nở nhụy. Bản thân vẻ đẹp tự nhiên ấy không
cần đến mỹ phẩm. Ngược lại, mỹ phẩm có thể hủy hoại những vẻ đẹp thiên thần của
tuổi hoa, có khi nó còn bào mòn giá trị nhân cách của người sử dụng.
(Theo Internet)
12. Theo thời gian, kẻ ngu xuẩn vừa không muốn khoan dung lại vừa nhớ rất dai,
rất kỹ. Trong khi người ngây thơ dễ khoan dung lại rất dễ chóng quên. Người
thông minh thì hơi ngược lại: Rất dễ tha thứ, nhưng luôn nhớ nằm lòng.
(Edward Gibbon)
13. Tự do quá trớn biến thành bừa bãi. Bừa bãi dẫn tới bạo ngược. Bạo ngược
lại hủy diệt tự do. Đó là chu kỳ thời gian của sự hủy diệt mà những người quên
mất quá khứ thế nào cũng bị lật nhào theo vết xe đổ.
(George Santayare)
14. Lịch sử không chỉ là câu chuyện quá khứ. Nó còn là bài học cho hiện tại
và tương lai. Dấu ấn thời gian của lịch sử
và bản thân lịch sử luôn là những thông điệp mang tính cảnh báo.
(Dương Trung Quốc)
15. Giá trị vĩnh hằng của cuộc sống xuất phát chủ yếu từ giá trị nhân bản
của hành động trong hiện tại. Nếu biết điều chỉnh khôn ngoan và nỗ lực kiên trì,
hiện tại sẽ bù đắp cho quá khứ và mở đường cho tương lai.
(Rudyard Kipling)
16. Nếu bạn cảm thấy đời mình u ám và nặng nề, thử coi lại cánh cửa nhận thức
của mình đã được "lau kỹ" từng ngày hay chưa, đồng thời mỗi đêm có lưu ý nhặt
sạn trong tâm hồn hay chưa.
(La Rochefoucauld)
17. Thời cơ không phải là lúc ta đánh cược với cuộc đời bằng môt ván cờ may
rủi! Không dựa vào may rủi mà biết chủ động tích cóp tài năng và tâm đức thì
mới chớp được thời cơ.
(Theo Red Book)
18. Mỗi thời khắc trôi qua báo động cho sự rút ngắn thời gian còn lại, vì
vậy, đó cũng là dấu ấn ghi nhận sự vươn tới hay thụt lùi của ta.
(Winston Churchill)
19. Hãy hỏi những người vừa lỡ chuyến tàu để hiểu rõ giá trị của một phút.
Hãy hỏi những ai vừa thoát được hiểm nguy để hiểu rõ giá trị của một giây. Thời
gian là linh vật cứu độ đến từng khắc.
(Theo Internet)
20. Quá khứ là
lịch sử. Tương lai là bí ẩn. Hiện tại là món quà. Những gì ta làm tốt hôm nay
đều là quà tặng cho tương lai.
(Theo Red Book)
21. Gieo quá
khứ gặt hiện tại. Gieo hiện tại gặt tương lai. Chính thời gian mới thẩm định
giá trị cả khi gieo và khi gặt, cả nguyên nhân và kết quả.
(Lâm Ngữ Đường)
22. Vấn đề không chỉ là tiếc vì sự lãng phí thời gian. Quan trọng và cơ bản hơn:
phải biết cách làm ra thời gian và tăng thêm tiềm năng sinh lợi của nó.
(Abraham Lincoln)
23. Ai cũng có 24 giờ mỗi ngày. Vấn đề là làm sao để 24 giờ ấy được sử dụng
tối đa hay bị chiếm dụng gần hết. Không phải ai cũng coi thì giờ là vàng bạc.
Những kẻ thích đốt thời gian, họ coi thì giờ là rơm rác.
(Honda Shoishiro - Nhà sáng lập Hãng
xe Honda)
24. Giá trị to lớn nhất của mọi quá trình thành đạt nằm ở sự nỗ lực cá nhân.
Giá trị tiêu biểu nhất của sự nỗ lực cá nhân nằm ở việc sử dụng quỹ thời gian
một cách khôn khéo và linh hoạt.
(John Hopkins)
25. Khi giao việc, người quản lý giỏi là người nhanh chóng phát hiện được
nhân viên nào biết quý trọng thời gian và khéo sử dụng thời gian. Người khéo sử
dụng thời gian là người biết làm nhiều việc cho một mục đích, và làm một việc
cho nhiều mục đích.
(Dick Carison)
26. Thời gian không quay ngược. Chỉ có kẻ điên mới quay ngược lịch sử khi
xu thế thời đại đang lên. Người khôn ngoan là người biết "bấm nút thời gian"
trong những khoảnh khắc bất ngờ và lợi hại nhất.
(Theo Red Book)
27. Tiết kiệm thời gian là một mỹ đức. Lãng phí thời gian lại là thất đức,
ít nhất là thất đức đối với người lam lũ, càng thất đức đối với người đang vì
mình mà làm việc và kiếm sống.
(Lời tư vấn của một công ty tuyển
dụng nhân lực của Hàn Quốc)
28. Thời gian ủng hộ chúng ta? Nói như vậy không đúng cho tất cả, ít nhất
là không đúng với kẻ lười biếng. Thời gian chỉ ủng hộ những ai có chí khí, có
nghị lực, biết cần mẫn. Hơn nữa, nó là đồng minh của những ai biết dựa vào tâm sức
của mình và luôn tận tụy để sáng tạo trong công việc.
(Jack Canfield - Nhà tư vấn nổi
tiếng của Mỹ)
Xin có đôi lời bày tỏ về sự
khâm phục của người thời nay [thời @] đối với hai nhân vật nổi tiếng xung quanh
chuyện sử dụng thời gian:
Một là, BILL
GATES - người giàu nhất thế giới (bằng chính sức mình). Ông có một câu nói ấn
tượng: Thời gian đã cho tôi cơ hội để thể
hiện sự chăm chỉ. Và, càng chăm chỉ bao nhiêu, tôi càng được may mắn bấy nhiêu. Chuyện kể
rằng, mỗi lúc ông đang làm việc hay hội họp, chiếc điện thoại bàn và điện thọai
di động của ông đều được cài đặt ở chế độ không đổ chuông khi có ai gọi tới,
đồng thời ghi âm lại lời nhắn của người gọi vào máy. Ông coi đó là cách giữ
được liên lạc với bên ngoài mà vẫn không làm ông bị phân tâm trong thời gian
cần tập trung cho công việc.
Hai là, ERAN
KATZ - người có trí nhớ kỷ lục (được ghi tên trong Guinness). Ông đưa ra giải
pháp căn bản nhất để luyện trí nhớ là đừng vung phí thì giờ cho việc nhớ những thứ
tạp nham. Có một mẹo rất đơn giản mà lại rất hiệu quả mà ông đã gợi cho những
ai cần ôn thi nhanh mà tốt, đó là tắt điện
thoại. Bởi vì, như ông nói: "Khi ta ngồi học, mức độ tập trung sẽ
tăng dần lên. Nếu điện thoại reo và chỉ đơn giản là nhấc máy nói rằng ‘tớ sẽ
gọi lại cho cậu sau' thì cũng phải mất thêm ít
nhất 20 phút mới lấy lại được mức độ tập trung trước đó" (xem TUỔI TRẺ 9-3-2009). Có nghĩa là, khi ta bị phân tâm
bởi sự chi phối thì giờ vào những cái lãng nhách, đó là một thất thiệt rất lớn
cho năng suất, chất lượng và hiệu quả của công việc.
Nguồn: http://www.ier.edu.vn/content/view/276/186/