Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

14. Biến đổi khí hậu và những hệ lụy khôn lường

TCCS - Biến đổi khí hậu, một dạng thách thức an ninh phi truyền thống, đang ngày càng trở nên nguy hại hơn tới an ninh phát triển của bất kỳ quốc gia nào. Đặc biệt, với tần suất và mức độ thiệt hại tăng cao của thảm họa thiên nhiên liên tục xảy ra mới đây trên khắp các châu lục, thì các hệ lụy khôn lường từ biến đổi khí hậu cần được nhận diện rõ nét hơn bao giờ hết.
Cơ sở dự báo
Vào năm 1986, Ủy ban Thế giới về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc trong báo cáo nhan đề “Tương lai chung của chúng ta” đã dự báo, nhiệt độ trung bình của Trái đất trong thế kỷ XXI sẽ tăng từ 1,5oC đến 4,5oC, tùy thuộc vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính(1). Dù đây chỉ là một trong những dự đoán ban đầu về biến đổi khí hậu, song nó được dư luận quan tâm bởi, dự báo được đúc rút từ cơ sở khoa học nghiên cứu nghiêm túc của một nhóm gồm 1.500 nhà khoa học có uy tín trên thế giới được Liên hợp quốc mời cộng tác.
Tại châu Á: Năm 2010, lũ lụt và lở đất ở Trung Quốc đã làm chết hơn 3.000 người, khiến 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Mùa xuân năm ngoái, vùng Tây Nam Trung Quốc cũng đã phải chống trọi với một trận khô hạn được coi là tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ qua và sau đó vùng đất khô hạn này lại bị lũ lụt tàn phá.
Đến đầu thế kỷ XXI, tiếp tục dựa trên cơ sở nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học đến từ 40 quốc gia, Nhóm công tác 1 - Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra bản báo cáo về biến đổi khí hậu, trong đó khẳng định: sự ấm lên của hệ thống khí hậu toàn cầu là điều rõ ràng, nhiệt độ không khí và nhiệt độ nước ở các đại dương tính trung bình trên toàn cầu đang tăng lên; các lớp tuyết, băng đang tan chảy trên diện rộng; mực nước biển đang dâng cao. Theo các kịch bản phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do IPCC đưa ra cùng với các mô hình sử dụng kỹ thuật số dự tính trong hai thập niên tới thì cứ mỗi thập niên, nhiệt độ trung bình của Trái đất sẽ tăng lên khoảng 0,2oC, thậm chí, nếu việc khống chế sự phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính (chủ yếu là các chất sun-phát sơ cấp, các-bon hữu cơ, các-bon đen, ni-tơ-rát và bụi) được duy trì ở mức năm 2000, thì Trái đất vẫn nóng lên khoảng 0,1oC.
Cũng theo các nghiên cứu trên, nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu được xác định là sự gia tăng đáng kể nồng độ khí nhà kính nhân tạo trong khí quyển. Những hoạt động của con người, trong đó có việc sử dụng nguồn năng lượng dầu mỏ và than đá, làm cho khí các-bon tích tụ ngày càng nhiều trong khí quyển Trái đất; sự khai thác triệt để dẫn đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật sống, đặc biệt là tài nguyên rừng và nước - vốn là bộ máy khổng lồ giúp điều hòa khí hậu Trái đất; tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng trong mọi lĩnh vực môi trường như không khí biển, nước trên đất liền và nhiều hệ sinh thái bị mất cân bằng, không còn khả năng tự điều chỉnh vốn có của mình, gây biến đổi khí hậu.
Hậu quả nhãn tiền
Trong thời gian gần đây, các thảm họa thiên nhiên xảy ra ở khắp nơi trên thế giới đều được mô tả với các đánh giá như “chưa từng có trong lịch sử” hay “lớn nhất trong hàng thập niên qua”, thể hiện tần suất gia tăng thiên tai liên tục, phá vỡ mức độ tàn phá trước đây. Chỉ riêng từ đầu năm 2010 đến nay đã diễn ra trận lụt dữ dội chưa từng có ở Pa-ki-xtan, đợt nắng nóng nhất từ 1.000 năm qua ở Nga, lở đất kinh hoàng ở Trung Quốc, và Trung Âu chìm trong biển nước... Nhân loại bàng hoàng trước những hậu quả khủng khiếp mà thiên tai để lại, còn các nhà nghiên cứu thì đều có chung giải thích, đây chính là những hậu quả nhãn tiền của tình trạng biến đổi khí hậu đã được cảnh báo.

Tại châu Phi: Trận hạn hán tồi tệ mùa hè năm 2010 khiến tình trạng đói nghèo thêm trầm trọng, ảnh hưởng tới 10 triệu người ở 4 quốc gia Tây Phi. ở Ni-giê, đất nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, 7,1 triệu người chịu cảnh đói ăn vì mất gia súc và mùa màng trong khi giá ngũ cốc leo thang gấp đôi. Trong khi đó, năm 2009, mưa dữ dội đã phá hủy hoa màu, khiến tình hình sản xuất các loại ngũ cốc ở các quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kể cả nước láng giềng Sát và Ni-giê-ri-a.
Pa-ki-xtan vừa trải qua đợt lũ lụt kinh hoàng mà hậu quả của nó được nhận định là còn tồi tệ hơn cả thảm họa sóng thần năm 2004 ở châu Á, động đất ở Pa-ki-xtan năm 2005 và trận động đất xảy ra gần đây ở Hai-i-ti. Phó Giám đốc Ủy ban Phòng chống lụt bão Pa-ki-xtan A.Tan-vi khẳng định, khoảng 13,8 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 1.176 người thiệt mạng, 4.717 người bị thương trong đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong 80 năm qua tại nước này; gần 300.000 ngôi nhà bị phá hủy; khoảng 800.000ha đất canh tác đến kỳ thu hoạch bị nước lũ cuốn trôi... Đặc phái viên của Liên hợp quốc về thảm họa J.M.Ri-pe dự đoán, Pa-ki-xtan sẽ phải cần tới hàng tỉ USD để khôi phục những khu vực chịu thiệt hại, song điều này rất khó khi thế giới đang bị tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong khi Trung Quốc, Pa-ki-xtan, Ấn Độ... phải gồng mình chống lũ, những đợi nắng nóng kéo dài, kèm theo cháy rừng bùng lên dữ dội trong những ngày đầu tháng 8-2010 được mô tả là tồi tệ nhất trong hơn 1.000 năm qua, đẩy nước Nga vào một thảm họa chưa từng thấy.
Ông Ô.Ba-đua, một quan chức đặc trách theo dõi khí hậu của Tổ chức Khí tượng thế giới ghi nhận rằng, nhiệt độ ở Mát-xcơ-va đã lập kỷ lục cao tuyệt đối (38,2oC cuối tháng 7-2010), kể từ khi nước này bắt đầu ghi chép các dữ liệu khí tượng cách đây 130 năm. Còn lũ lụt ở Pa-ki-xtan cũng là chưa từng có, cả về quy mô lẫn mức độ tác hại. Tuy nhiên, ông Ô. Ba-đua cũng lưu ý rằng, cần phải xem xét những hiện tượng cực đoan này trong nhiều năm nữa mới có thể rút ra các kết luận về hậu quả của biến đổi khí hậu.
Hầu hết các nhà khí tượng học cho rằng, các thiên tai gần đây diễn ra ở khắp nơi trên thế giới không nằm ngoài những kết luận của IPCC. Phó Chủ tịch IPCC Van Ypéc-sen-lơ giải thích: những hiện tượng này sẽ tái diễn và ngày càng gia tăng, nhất là khi khí hậu trên trái đất bị xáo trộn bởi khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hệ lụy lâu dài
Tuy nhiên, sự khủng khiếp của những thảm họa thiên nhiên có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở cảnh tượng hoang tàn, đổ nát sau thiên tai. Tác hại ghê gớm của nó còn nằm ở những bất ổn đối với cuộc sống của mỗi con người, mỗi quốc gia, trên các lĩnh vực từ an ninh - xã hội, môi trường, kinh tế đến an ninh chính trị và phát triển.
Từng có so sánh cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh của thế giới là rất lớn, khó lường, lâu dài, có thể còn nghiêm trọng hơn cả chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Được coi là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu, tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vượt ra khỏi biên giới quốc gia, khu vực, khiến cho các chiến lược, biện pháp mang tính quốc gia đơn lẻ, kể cả của các nước phát triển nhất, không thể đối phó một cách hiệu quả đối với thách thức này. Những nước có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các hiện tượng biến đổi khí hậu (nước biển dâng, thiên tai, thời tiết diễn biến bất thường...) chính là các quốc gia ven biển.
Ở châu Mỹ: Tháng 4-2010, trận lụt và sạt lở đất đã tấn công Ri-ô đờ Gian-nê-rô (Bra-xin) sau khi trận mưa như trút nước chưa từng có trong bốn thập niên qua, khiến 212 người bỏ mạng. Lũ lụt một lần nữa hoành hành trở lại vào tháng 6-2010 ở các bang A-la-goát và Pơ-nam-bu-cô của Ấn Độ, làm ít nhất 1.000 người mất tích.
Theo dự báo, đến năm 2050, khoảng 150 triệu người có thể phải rời khỏi những khu vực duyên hải do nước biển dâng, bão lụt hoặc nước ngọt bị nhiễm mặn. Tháng 8-2010, nhà nghiên cứu người Mỹ A.Mu-en-chô thuộc Đại học Đờ-lây-ua cho biết, một khối băng vĩnh cửu khổng lồ có diện tích 260km2 đã tách khỏi dải băng hà ở bắc Đan Mạch. Tốc độ băng tan nhanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mực nước ở các đại dương vốn đang dâng cao thêm 3mm mỗi năm, đe dọa đến cư dân ở các quốc gia ven biển cũng như đến diện tích đất trồng cây lương thực tại các quốc gia này.
Với việc gây ra những thảm họa toàn cầu về thiên nhiên - môi trường, đe dọa mạng sống hàng triệu người, làm bùng nổ các làn sóng di cư, thậm chí là sự tồn tại của nhiều quốc gia ở vị trí thấp hơn so với mực nước biển, biến đổi khí hậu có thể làm xáo trộn cơ cấu địa - chính trị cũng như không gian chiến lược ở một số khu vực trên thế giới, từ đó làm thay đổi hình thái tập hợp lực lượng quốc tế.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phân bổ nguồn lực thế giới khi ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng nguồn tài nguyên như một loại "vũ khí" quan trọng nhằm mặc cả lợi ích trong quan hệ quốc tế. Biến đổi khí hậu làm gia tăng sự khan hiếm, thay đổi quá trình phân bổ các nguồn tài nguyên thiết yếu, có tầm chiến lược quan trọng như nước, đất trồng trọt..., làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh phi truyền thống khác, như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, khoảng cách giàu - nghèo..., từ đó dẫn tới nguy cơ bất ổn định, xung đột, khủng bố, làm sâu sắc thêm các mâu thuẫn chính trị -xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Dự báo đến năm 2025, khoảng 5 tỉ người có thể sẽ sống trong những khu vực có nguy cơ căng thẳng, xung đột liên quan đến sự khan hiếm nước và lương thực.
Trong lịch sử từng diễn ra các thảm kịch của những triều đại hưng thịnh mà nguyên nhân sâu xa cũng chính từ các thiên tai thời tiết. Nhà nghiên cứu G.Giang thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã có một nghiên cứu công phu về vấn đề này, trong đó so sánh hai nhóm dữ liệu về các biến động chính trị và biến động có liên quan đến tự nhiên, khí hậu như nhiệt độ thay đổi, lũ lụt, hạn hán, nạn châu chấu, giá lúa gạo... trong giai đoạn hơn 1.900 năm của lịch sử Trung Quốc. Nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa sự thay đổi của thời tiết, khí hậu với số phận của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc, theo đó thời tiết thay đổi làm giảm sản lượng lương thực, dẫn đến những hỗn loạn trong dân chúng, làm suy yếu sức mạnh của triều đình.
Những chu trình tương tự không chỉ tồn tại trong lịch sử Trung Quốc mà còn được ghi nhận ở hầu hết các nhà nước nông nghiệp khác trong thế giới hiện đại. Một báo cáo do các nhà khoa học Đức và Thụy Sĩ thực hiện, trong khuôn khổ Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc đã cảnh báo, trong tương lai một số khu vực có thể trở thành điểm nóng về xung đột do biến đổi khí hậu, đó là châu Phi, Trung Á, Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Băng-la-đét, Trung Quốc, một phần khu vực Ca-ri-bê và Mỹ La-tinh. Tại châu Phi, sau thời kỳ 2025 - 2030, tranh chấp nước giữa Ai Cập và các quốc gia láng giềng sẽ trở thành vấn đề không thể giải quyết, dẫn đến nguy cơ xung đột của cả khu vực. Trung Á, Ấn Độ, Pa-ki-xtan và Băng-la-đét cũng có thể xảy ra chiến tranh nước.
Ở châu Âu: Các nước miền Trung và Đông Âu, như Ba Lan, Hung-ga-ri, Xlô-va-ki-a hồi tháng 5 và tháng 6-2010 cũng phải chịu đựng trận lũ tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Nước Anh phải trải qua sáu tháng đầu năm khô hạn nhất kể từ năm 1929; trong khi nước Nga đang chật vật đối phó với tình trạng cháy rừng trên diện rộng do khí hậu khô nóng, gây thiệt hại 200.000 ha rừng.
Trước đây những nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu với các cuộc chiến tại châu Phi chỉ tập trung vào lượng mưa. Nhưng mới đây, các nhà khoa học của Đại học Ca-li-phoóc-ni-a và Đại học Xtan-phót (Mỹ) đã phân tích cả dữ liệu về lượng mưa, nhiệt độ và số lượng các cuộc xung đột vũ trang tại châu Phi từ năm 1981 tới năm 2002. Theo New Scientist, nhóm nghiên cứu nhận thấy có một mối liên hệ chặt chẽ giữa nhiệt độ và nguy cơ xung đột vũ trang. Trong những giai đoạn mà nhiệt độ trung bình tăng thì số lượng các cuộc chiến cũng leo thang. Các tính toán dựa trên mô hình khí hậu cho thấy, nguy cơ chiến tranh sẽ tăng lên 54% trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030, với số lượng người thiệt mạng tăng thêm 393.000 người. M.Buốc-cơ và Đ.Lô-ben, hai trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, lượng khí thải sẽ không giảm trong ngắn hạn nên nhiệt độ trái đất còn tăng, sản lượng lương thực sẽ giảm do cây trồng sinh trưởng kém hơn cũng như năng suất lao động trong nhiều ngành kinh tế khác cũng giảm. Tình trạng đó khiến kinh tế tụt dốc, gây ra căng thẳng xã hội và nguy cơ xung đột gia tăng.
Theo một nghiên cứu được công bố năm 2008 của Tổ chức Báo động quốc tế, 46 quốc gia, khoảng 2,7 tỉ người, có nguy cơ cao về xung đột bạo lực do biến đổi khí hậu và có tới 56 quốc gia khác cũng có nguy cơ bất ổn chính trị.
“Đáng sợ hơn đại chiến thế giới”
Đây là nhận định được cựu Thủ tướng Anh G.Brao đưa ra tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu diễn ra ở Luân-đôn cuối năm 2009. Ông G. Brao khẳng định, tình trạng ấm lên của Trái đất có thể gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế mà mức độ thiệt hại vật chất của nó lớn hơn cả hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc đại suy thoái 1929 -1933 cộng lại. Nhận định của ông G. Brao cũng được nhiều nhà lãnh đạo các nước chia sẻ. Theo ông G. Brao, hậu quả của biến đổi khí hậu là nguy cơ về mặt nhân đạo, sinh thái và kinh tế. Nếu không ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, GDP toàn cầu sẽ giảm 20%.
Điều lo ngại hơn là chính trong bối cảnh cấp thiết đó, một hội nghị quan trọng và được dư luận kỳ vọng hơn - Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc chủ trì vào tháng 12-2009 tại Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch) đã không đạt được sự đồng thuận của các nước trong việc tìm ra một thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu, thay thế Nghị định thư Ki-ô-tô sẽ hết hiệu lực vào năm 2012. Những nước giàu không muốn chấp nhận các cam kết nghiêm ngặt trong việc giảm khí thải các-bon. Trong khi đó, những nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ từ chối hành động nếu nhóm nước giàu không chịu đưa ra cam kết.
Thực chất, nội dung nhận định trên đã được ông G. Brao trích dẫn từ Hội nghị quốc tế về môi trường được tổ chức tháng 11-2006 tại Nai-rô-bi (Kê-ni-a). Khi đó, hơn 100 bộ trưởng và 6.000 đại biểu là các nhà quản lý, kinh tế, khoa học đã đánh giá những thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra trong vài thập niên tới có thể làm giảm 20% GDP toàn cầu, gây ra những đảo lộn về kinh tế - xã hội.
Bắc Cực: Đầu tháng 8-2010, một khối băng có diện tích 260 km2 được phát hiện đã tách khỏi dòng sông băng ở Đan Mạch. Đây là đảo băng lớn nhất tách ra ở Bắc Cực trong nửa thế kỷ quan sát. Nhiệt độ của một mùa hè nóng nhất trong vòng 150 năm lịch sử khí hậu toàn cầu được coi là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
Những quan ngại cho tương lai của Trái đất dường như đã lắng xuống sau thất bại của Hội nghị Cô-pen-ha-gen tháng 12-2009, song gần đây nó lại dấy lên sau một loạt các thiên tai khủng khiếp và mang tính chất bất thường diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới trong nửa đầu năm 2010. Dù vậy, vào đầu tháng 8-2010, một phiên họp quốc tế về khí hậu ở Bon (Đức), nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Can-cun được tổ chức vào tháng 12-2010 ở Mê-hi-cô cũng cho kết quả không mấy sáng sủa, chủ yếu vẫn do bất đồng lợi ích quá lớn giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc tìm ra tiếng nói chung cho vấn đề này. Mục tiêu cơ bản mà các diễn đàn về khí hậu hướng tới là: hạn chế sự nóng lên của khí hậu ở mức 2oC, theo đó, vào năm 2020, các nước công nghiệp phát triển phải giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng thời gian cho công việc khó khăn này chỉ còn có 10 năm. Với thực trạng đó, khó có thể lạc quan tin rằng, Hội nghị quốc tế ở Can-cun diễn ra trong 3 tháng nữa, sẽ có kết quả lạc quan hơn các hội nghị trước.
Do những thách thức đa chiều và phức tạp của vấn đề này cũng như sự khó khăn trong việc tìm giải pháp khả thi mà nội dung biến đổi khí hậu đang dần trở thành ưu tiên quan trọng trong chiến lược an ninh, đối ngoại của các nước lớn và được cộng đồng quốc tế quan tâm rộng rãi. Điều này chứng tỏ nhận thức toàn cầu về những nguy cơ tiềm tàng từ vấn đề biến đổi khí hậu đã có bước nâng cao. Trước khi đạt được một thỏa thuận toàn cầu về vấn đề này, điều cần thiết hiện nay là mỗi quốc gia cần có cách tiếp cận và phương thức mới trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại - an ninh phù hợp để đối phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng mục tiêu phát triển “kinh tế xanh” bền vững, đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào việc hoạch định chính sách phát triển toàn diện của quốc gia./.
____________________________________________
(1) Nguyễn Trường Giang: Những phát triển của luật pháp quốc tế trong thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008
TCCS- Minh Châu (Bộ ngoại giao)-Số 23 (215) năm 2010