Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

59. Giáo dục kỹ năng sống từ một cuốn sách

PHẢI LÀM SAO TRƯỚC NGHỊCH LÝ & SỰ ĐỜI?
Có một đầu sách vừa ra lò đã bán rất chạy (cuốn 10 NGHỊCH LÝ CUỘC SỐNG của TS. Kent M. Keith - NXB TRẺ - 2008). Tôi bị thu hút nhiều nhất bởi nghịch lý đầu tiên. Tại đó, tác giả kết một câu: People are illogical, unreasonable, and self-centered. Love them anyway! (Người đời thường vô lý, không biết điều và vị kỷ. Dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ!).
Khi dẫn giải, ông Kent vạch rõ trong tiếp xúc cộng đồng, ta thường gặp những người khó thiện cảm, nên khó giao tiếp, và do vậy khó yêu thương. Bởi ở họ lộ rõ nhiều tính xấu: chỉ biết mình, đòi hỏi vô lý, tự cho mình là trung tâm... Nói cách khác, họ là những biểu tượng của nghịch lý, được ngầm hiểu là người ... nghịch lý. Từ đó, trước lúc ông đưa ra lời kết (như nói trên), ông đã có một nhận định bước đầu: Sẽ là bi kịch nếu phải khoanh vùng đối tượng để yêu thương, loại trừ những ai là... người nghịch lý!
Cứ suy ngẫm mãi điều tác giả viết, tôi thử chiêm nghiệm, phân tích, thẩm định nghịch lý và cả... phản biện vấn đề, những mong rút tỉa được điều gì đấy về kỹ năng sống trong thời hội nhập.
Trước hết phải nói là cuộc sống quanh ta có vô vàn nghịch lý, không chỉ dừng ở con số 10 (như đề tựa "10 nghịch lý cuộc sống" mà tác giả Kent Keith đã nêu). Điều nghịch lý kỳ cục nhất và bao trùm nhất là chúng ta thường phải sống chung với nghịch lý!
Thật vậy, quanh ta kẻ ác đầy rẫy. Cộng đồng con người cũng như các loài muông thú, đều có hiền và có dữ đan xen. Con hiền thường làm mồi cho con dữ, chí ít thì bị con dữ lấn lướt, tranh phần. Vì sao? Tuy nó "xấu xa" nhưng nó có quyền lực. Nghịch lý tệ hại nhất là ở chỗ đó. Khi cái xấu xa và những nghịch lý kỳ cục không được đẩy lùi, người hiền đức đành chấp nhận sống chung với kẻ thất đức. Trong nhiều gia đình, người lam lũ sống chung với kẻ lười biếng, người vợ hiền chung sống với kẻ vũ phu... Thế là nghịch lý chồng lên nghịch lý, và nghịch lý này chung sống với nghịch lý kia. Trò ngược đời là vậy!
Nhưng, nói cho công bằng, bên cạnh những nghịch lý "dễ ghét" cũng có nhiều nghịch lý "dễ thương". Nghĩa là, không phải thứ nghịch lý nào cũng đầy phi lý. Ví dụ, báo Tuổi Trẻ mới đây (11-3-2009) mục ĐÓ ĐÂY đưa tin một đại tiệc mừng vì được... ly hôn. Ly hôn tan vỡăn mừng? Nghịch lý đó càng dễ thương ở chỗ chủ nhân của đại tiệc lại là một thiếu phụ liễu yếu, một nữ giáo viên hiền lành, từng bị chồng đánh đập thường xuyên. Cô đã phải thỉnh cầu suốt một năm để chồng chịu ly hôn. Ở xứ sở của cô, nhiều người không thể chấp nhận một phụ nữ "bị ly hôn" mà lại tổ chức tiệc mừng. Đối với họ, người vợ dù hoàn cảnh nào cũng không được đòi ly hôn. Còn khi đã ly hôn thì phải coi đó là nỗi ô nhục, sao lại còn mừng!? Đã mừng một cách "nghịch lý", còn tổ chức đại tiệc thịnh soạn tại một khách sạn sang trọng của thành phố, với nhiều bạn bè tới dự. Điều đó càng làm tăng chất nghịch lý của sự việc, dám thách thức cả công luận và cường quyền! (Thế mới biết, trong nghịch lý "dễ thương" ta thường thấy dưới đáy của các tầng sâu nhân văn có những giá trị lấp lánh của Nhân, Trí, Dũng...).
Song, đó là ý nghĩ của số đông (dù số đông chưa hẳn bao giờ cũng đúng). Một số khác không đông, họ có tiếng nói ngược lại mà suy kỹ thì chẳng có gì vô lý. Người dịch N.N.Hùng (dịch bài báo đó trên Al-Arablyah.net) đã viết, những người "nghĩ ngược" cho rằng không phải mọi vụ ly hôn đều là thảm họa, cũng như chẳng phải tất cả đám cưới đều đem lại hạnh phúc. Theo họ, có nhiều trường hợp ly hôn lại là cách giải thoát tốt nhất cho cả đôi bên. Vậy, ăn mừng, thậm chí mở đại tiệc mời bè bạn đến chung vui, cũng phải lắm. Đó là thứ nghịch lý được nhiều người nhìn nhận là "rất dễ thương", rất con người.
Cho nên, nói như tác giả Kent Keith, dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ (dù họ có làm điều nghịch lý). Hơn nữa, cái nghịch lý mà ta tưởng, có thể là nghịch lý đối với những người này mà chưa hẳn đã nghịch lý của một số khác. Người đời thường vô lý không chỉ vì họ không biết cái lý của người khác. Họ còn vô lý ở chỗ họ cứ khăng khăng rằng, cái lý của họ là duy nhất đúng và bất khả sai trong mọi trường hợp. Đó cũng là một thứ nghịch lý của kẻ kiêu căng và hiếu thắng. Nhưng, hãy nghĩ như Kent Keith: Love them anyway!
Chính lòng yêu thương sẽ bước đầu cảm hóa họ. Giao tiếp với típ người "nghịch lý" cần có cả kỹ thuật và nghệ thuật ứng xử "trên cơ". Nghĩa là, không thô bạo, không báng bổ họ. Trong giao tiếp và ứng xử, người ngang ngạnh và ương bướng thường "xù lông nhím", sẵn sàng "đâm chích" và tấn công những ai "nghịch" với họ. Người tử tế thì khác, họ tỏ thái độ trân trọng, khoan hòa và đối xử thân thiện kể cả khi người "nghịch lý" gấu ó thô lỗ với mình. Cần tránh hết sức mọi cách "phản pháo" hoặc vô tình xúc phạm, khiến họ thêm "sửng cồ", không có tác dụng thuyết phục.
Làm được như thế không dễ, đòi hỏi một sự tự chủ cao độ, biết kiềm chế tối đa, biết kiệm lời tối thiểu. Kèm theo đó là một nghệ thuật mềm mỏng "lấy nhu thắng cương", "lấy yếu thắng mạnh". Kèm theo nữa là một thái độ thực sự cởi mở, biết lắng nghe để hiểu thấu, biết hào phóng để bao dung, và nhất là biết chấp nhận sự khác biệt. Phép ứng xử tâm lý như vậy là kết quả của cả một quá trình tự răn mình và tự rèn luyện dài lâu, lấy nhân nghĩa làm trọng, lấy yêu thương làm đích.
Nhưng, trớ trêu thay, trò đời cho thấy: không phải cứ yêu thương thì cảm hóa và cải hóa được một tâm tính, một nhân cách. Tình yêu chưa phải là tất cả. Hơn thế, tình yêu mù quáng với một não trạng ngây thơ lại chắc chắn không thể cảm hóa một tâm hồn ngược ngạo, càng không thể bẻ cong được nghịch lý!
Ai đó đã nêu bài học "Tình yêu luôn sinh ra tình yêu". Nói vậy không sai, nhưng phiến diện và chưa đủ. Tâm lý học nhân cách đã dạy cho đời một phương châm khi đối xử với người "ngang ngược" hay người "nghịch lý". Đó là, hãy yêu thương đúng cách thì mới gíúp người đó có thêm tư cách. Nếu không, kết quả sẽ đổi chiều. (Chẳng hạn có nhiều bậc cha mẹ vì yêu con không phải cách, vô tình đã làm con hư. Cũng như nhiều nhà giáo vì "thương" trò mà dạy văn mẫu cho trò, khiến trò mất tính sáng tạo!).
Dù sao đi nữa, cái phương châm LOVE THEM của tác giả Kent Keith cũng phải đặt lên hàng đầu, sau đó mới tính tiếp. Vì sao ư? Đơn giản vì, và chỉ vì họ (dù ngang ngạnh tới đâu) cũng là một con người, một đồng loại. Tất cả xuất phát từ cái TÂM. Bản chất nhân văn của vấn đề nằm ở chỗ đó.
Nguồn: http://www.ier.edu.vn/content/view/271/186/