Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

89. Đồng thuận trong sự khác biệt

Dạ Lan Hương
(Cập nhật: 19/4/2011)
TCCSĐT - Ngày 15-4-2011, Hội nghị cấp cao nhóm các nước có nền kinh tế đang phát triển mới nổi BRICS, gồm Bra-xin, Ấn Độ, Trung Quốc và Cộng hòa Nam Phi, kết thúc thành công tại Hải Nam (Trung Quốc). Sự kiện này một lần nữa thể hiện một cách hùng hồn rằng, trong thế giới ngày nay, các nước BRICS đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về nhiều vấn đề kinh tế và chính trị.
Thuật ngữ BRIC ra đời vào năm 2001 để chỉ các nước đang phát triển gồm Bra-xin (Brasil), Nga (Russia), Ấn Độ (India) và Trung Quốc (China) chiếm một phần chưa đáng kể trong nền kinh tế thế giới. Năm 2010, Cộng hoà Nam Phi gia nhập BRIC, đưa nhóm này thành BRICS, đại diện cho 4 châu lục là châu Á, châu Âu, Mỹ La-tinh và châu Phi.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, đến năm 2015, các nước BRICS sẽ có thể chiếm một nửa dân số thế giới với hơn 3 tỉ người, một nửa nhu cầu thế giới về vốn và công nghệ và hơn 60% tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhân sự kiện Hội nghị cấp cao của BRICS tại Hải Nam, báo Pháp “Le Point” và báo Mỹ “Forbes” gọi BRICS là động lực mới của nền kinh tế toàn cầu mà ở đó đang phát triển mạnh tầng lớp trung lưu là cộng đồng tiêu dùng mạnh mẽ nhất hiện nay.
Sự khác biệt giữa các nước BRICS
Trước khi khai mạc Hội nghị cấp cao BRICS tại Hải Nam, nhiều tờ báo ở Mỹ như báo “Time” và “Wall Street Joural” khi nhận xét về BRICS đưa ra một số kết luận khá tiêu cực rằng giữa những quốc gia này có quá nhiều sự khác biệt nên khó có thể đạt được sự đồng thuận. Sự khác biệt đó thể hiện ở thể chế chính trị, chế độ kinh tế - xã hội và đặc điểm địa lý khí hậu, do đó BRIC cần mất nhiều thời gian để thống nhất về cách tiếp cận đối với nhiều vấn đề của thế giới.
Những sự khác biệt đó thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Một là, các nước BRICS chịu thiệt hại ở những mức độ khác nhau do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Do đó, họ cũng vượt qua khủng hoảng với các phương thức khác nhau. Hai là, do sự khác biệt về vị trí địa lý và lịch sử, các nước BRIC phải có các chính sách địa - chính trị khác nhau và do đó nhu cầu bảo đảm an ninh của mỗi quốc gia thành viên cũng khác nhau.
Tuy nhiên, các nước BRICS có những sự khác biệt có tính bổ sung cho nhau khi liên kết thành một không gian kinh tế chung nhằm tạo sự phát triển cho cả khối. Đó là, Bra-din phát triển mạnh về nông nghiệp; nước Nga sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ rất cần cho sự “phát triển nóng” của Ấn Độ và Trung Quốc; Ấn Độ có trình độ phát triển công nghệ thông tin, kho tri thức khổng lồ và thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới; Trung Quốc với nguồn nhân lực dồi dào, tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới và dự trữ ngoại tệ khổng lồ; Nam Phi có nền kinh tế lớn nhất châu Phi - nơi có nguồn dự trữ tài nguyên rất cần cho sự phát triển của thế giới. Do đó, BRICS là một cơ chế độc nhất hội tụ sức mạnh kinh tế, mức độ ảnh hưởng về chính trị và tiềm năng phát triển.
Theo nhận xét của giáo sư Đại học Quan hệ quốc tế Mat-xcơ-va, ông An-đrây Vô-lô-din, do có những khác biệt nên một khi biết cách bổ sung cho nhau, các nước BRICS có thể sớm hình thành một không gian kinh tế tương đối độc lập với dòng xoáy của nền kinh tế thế giới, đáp ứng lợi ích chiến lược của các nước thành viên. Để làm được điều đó, các nước BRICS phải có sự nhân nhượng lẫn nhau.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự liên kết thành công giữa các nước có sự khác biệt trong BRICS có sức thu hút các nước khác tham gia trong bối cảnh vai trò tài chính hàng đầu của các thể chế phương Tây đang bị đặt dấu hỏi nghi vấn trong sự phát triển của thế giới.
Sự đồng thuận vượt khỏi lĩnh vực kinh tế
Tại Hội nghị cấp cao ở Hải Nam lần này, lãnh đạo các nước BRICS đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất nhận định cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính gần đây bộc lộ những bất hợp lý trong trật tự tiền tệ hiện nay lấy đồng USD làm trụ cột. Do đó, thế giới cần có một hệ thống tiền tệ dự trữ quốc tế trên cơ sở rộng rãi để bảo đảm sự ổn định và vững chắc.
Các nhà lãnh đạo BRICS nhất trí xem xét lại vai trò toàn cầu của "Quyền rút vốn đặc biệt" (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và tài sản dự trữ mà một số chuyên gia cho rằng có thể phát triển thành công cụ để thay thế một phần đồng USD. Tuy nhiên, BRICS chưa đề cập vấn đề đồng nhân dân tệ (NDT) nên hay chưa nên tham gia SDR mà chỉ hoan nghênh việc thảo luận thành phần của gói tiền dự trữ.
Lãnh đạo các nước BRICS cũng đạt được sự nhất trí về nhiều biện pháp nhằm phục hồi kinh tế thế giới, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, cải tổ cơ chế hoạt động của Ngân hàng Thế giới (WB), ngăn chặn biến động giá nông sản và hàng hóa, tăng cường trao đổi và hợp tác về công nghiệp, thương mại, khoa học, công nghệ và nông nghiệp, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động điều phối và đối thoại nội khối.
Đề án phối hợp đầu tiên của 5 nước là thanh toán và cung cấp tín dụng theo các đồng tiền quốc gia thay vì đồng USD. Do đó, việc đưa nền kinh tế thế giới không còn dựa vào đồng USD là một trong những chủ đề chính của diễn đàn BRICS ở Hải Nam vừa qua.
Đánh giá về BRICS, ông Giu-li-et-tô Ca-ri-da, thành viên của Nghị viện châu Âu, cho rằng nhóm 5 nền kinh tế đang phát triển mới nổi này đang có một tương lai đầy hứa hẹn. Theo ông, BRICS đang ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế và thương mại với phương Tây. Do đó, tổ chức này có sức sống mãnh liệt, thể hiện trước hết ở chỗ họ có tiền và vốn để đầu tư. Thậm chí, sức sống của BRICS còn lớn hơn cả châu Âu.
Bình luận viên của báo “China Daily” nhận xét: “Ngay cả trong phạm vi phương Đông, BRICS đang đảm nhiệm những nhiệm vụ có phạm vi lớn hơn nhiều. Sự hợp tác của 5 quốc gia trong BRICS có thể tạo ra một tình hình có lợi cho họ trên thế giới. Các nước BRICS sử dụng sự phát triển mạnh mẽ về thị trường của các nước châu Phi, Mỹ La-tinh và Đông Nam Á để xuất khẩu hàng hóa của họ tới khu vực này. Từ đó, họ càng có điều kiện để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, với nhịp độ tăng trưởng cao hơn”.
Khi mới thành lập, BRICS thể hiện vai trò chỉ như là một tổ chức kinh tế là chủ yếu. Tuy nhiên, tại Summit ở Hải Nam (Trung Quốc) vừa qua, các nước BRICS đã đạt được sự đồng thuận khi ra tuyên bố chung về tình hình ở Li-bi và cho rằng Mỹ và NATO trong khi ném bom vào thành phố của Li-bi đã vượt ra khỏi khuôn khổ các biện pháp được quy định trong Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Như vậy, lúc này BRICS đã trở thành một liên kết chính trị mặc dù để đạt tới sự liên kết đầy đủ vẫn còn thêm một thời gian nữa./