Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

1. Báo Nhật: Nga, Trung phối hợp uy hiếp Nhật Bản?


Trong bối cảnh toàn nước Nhật đang tập trung mọi nỗ lực khắc phục các thiệt hại của thảm họa động đất-sóng thần và đối phó với sự cố hạt nhân tại Fukushima, Trung Quốc và Nga vẫn liên tục có các hành động thằm dò, khiêu khích tại các khu vực tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.
 








Báo "Sankei" dẫn thông tin từ Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) cho biết ngày 26/3, máy bay trực thăng Z9 của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã áp sát tàu tuần tra Isoyuki của MSDF tại khu vực gần quần đảo Nansei trên biển Hoa Đông. Cũng chiếc Z9 này đã từng áp sát tàu tuần tra Samidare hôm 7/3 nhưng điều đáng nói là cự ly áp sát lần này đã được thu hẹp lại ở cự ly 90 m và độ cao 60 m, vượt xa mức cho phép theo thông lệ quốc tế là ở cự ly 450 m và độ cao 150 m. Trong khi đó, liên tiếp trong 2 ngày 17 và 21/3, máy bay trinh sát điện tử IL20 và máy bay chiến đấu SU27 của không quân Nga đã tiến sát không phận Nhật Bản trên vùng biển Nhật Bản khiến máy bay chiến đấu của Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) phải xuất kích và sẵn sàng chiến đấu.  
Quân số hiện có của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) là 230.000 người, trong đó 100.000 người đã được huy động cho việc cứu trợ thiên tai. Do vậy, theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích chính trị Nhật Bản, động thái của Trung Quốc và Nga nhằm đánh giá năng lực đối phó của SDF trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Các chuyên gia này cũng cảnh báo Chính quyền Tôkiô không được có thái độ “nể nang” Bắc Kinh và Mátxcơva sau khi hai nước này tích cực viện trợ cho nhân dân các vùng chịu thảm họa vừa qua. Quả thật, sự viện trợ kịp thời của Trung Quốc và Nga cùng những lời động viên đầy tình cảm của lãnh đạo hai nước này tưởng như sẽ có thể cải thiện quan hệ với Nhật Bản sau khi xảy ra vụ va chạm trên biển Hoa Đông và việc Tổng thống Nga Medvedev đi thăm hòn đảo tranh chấp trên quần đảo Nam Kuril (Nhật gọi là vùng Lãnh thổ phương Bắc). Tuy nhiên, động thái mới nhất của Trung Quốc và Nga cho thấy rằng việc cứu trợ và tranh chấp chủ quyền là hai khái niệm hoàn toàn tách biệt nhau, và rằng hai nước này sẽ tiếp tục có thêm các hành động cứng rắn và lấn tới một khi Tôkiô vẫn nhún nhường.
Còn theo một chuyên gia phân tích am hiểu tình hình Trung Quốc, nếu quan hệ Trung-Nhật được cải thiện sau sự viện trợ nhiệt tình của Bắc Kinh thì nước này sẽ không còn lý do nào để từ chối việc nối lại đàm phán về việc cùng khai thác tại mỏ khí Xuân Hiểu (Nhật gọi là Shirakaba) gây tranh cãi giữa hai nước trên biển Hoa Đông. Vì vậy, đây cũng có thể là một hành động của phe cứng rắn và giới quân sự Trung Quốc nhằm “dằn mặt” Nhật Bản và phái chủ trương đàm phán với Nhật trong Chính quyền Bắc Kinh. Nhìn lại lịch sử, khi thỏa thuận khai thác chung tại mỏ Shirakaba được ký kết năm 2008, phe cứng rắn đã đổ lỗi cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo và chỉ trích rằng đây là thất bại lớn nhất về mặt ngọai giao của Ôn Gia Bảo. Do vậy, việc gây ra vụ va chạm hồi tháng 9/2010 có nhiều khả năng nằm trong tính toán của phe cứng rắn nhằm phá vỡ thỏa thuận khai thác trên.  
Đánh giá về động thái của Nga, các chuyên gia phân tích Nhật Bản cho rằng nước này muốn do thám hoạt động phối hợp của lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ vì biển Nhật Bản hiện đang tập trung nhiều tàu chiến, trong đó có các tàu tấn công đổ bộ của quân Mỹ, để tiến hành hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất. Hồi tháng 12/2010, máy bay Nga cũng có hành động tương tự khi Nhật-Mỹ tiến hành tập trận chung và đã khiến cho cuộc tập trận này phải hủy bỏ một phần. Nga hiện đang muốn lợi dụng tình thế để tăng cường phát triển kinh tế và hiện đại hóa quân sự tại các hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản để đặt Tôkiô vào thế đã rồi.
Các chuyên gia này cũng lên tiếng cảnh báo Chính quyền Tôkiô cần đề phòng các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản sẽ tranh thủ thời cơ khó khăn này để lấn tới và tăng cường sự hiện diện. Rất có thể Nga và Trung Quốc đã có sự liên kết phối hợp trong vấn đề này khi liên tục có các hành động "quấy nhiễu" Nhật Bản. Và rất có thể trong thời gian tới, nếu không xử lý kịp thời, Hàn Quốc cũng sẽ có những động thái tương tự ở quần đảo Dokdo (Nhật gọi là Takeshima) tranh chấp với Nhật Bản.
Nghiên cứu biển đông (31-3)-Theo Sankei
Văn Cường (gt)