Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

7. Ngoại giao Việt Nam trong 25 năm đổi mới (1986 - 2010)

TCCS - Cách đây 65 năm, ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 15 bộ, trong đó có Bộ Ngoại giao do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Bộ trưởng. Từ đó, ngày 28-8 trở thành ngày truyền thống hằng năm của ngành ngoại giao. Trong 65 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã khai sinh ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, ngoại giao Việt Nam, đồng hành cùng với dân tộc, trưởng thành và lớn mạnh không ngừng, góp phần vào công cuộc đổi mới và chấn hưng đất nước.
Những bước đột phá lịch sử
Sau khi giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc, do chủ quan, nóng vội, duy ý chí và sự yếu kém của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp (vốn có tác dụng trong thời chiến), đất nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Sản xuất đình đốn, lạm phát phi mã (774,7% năm 1986). Đời sống nhân dân hết sức khó khăn, trong khi đất nước rơi vào tình thế bị bao vây, cấm vận nặng nề.
Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình thế giới với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã phân tích một cách khách quan những sai lầm, khuyết điểm và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng và đi đến quyết định lịch sử là tiến hành đổi mới đất nước một cách toàn diện, trước hết là đổi mới về kinh tế.
Về đối ngoại, Đại hội VI nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu là "... tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc"... và " cần hòa bình để phát triển kinh tế". Nghị quyết của Đại hội VI và các nghị quyết của Trung ương đã chuyển hướng chính sách ngoại giao, chủ trương đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị- xã hội khác nhau, thi hành chính sách hữu nghị, hợp tác, tồn tại hòa bình để phát triển, phù hợp với lợi ích của nhân dân ta và xu thế phát triển chung của thế giới.
Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở theo đường lối đổi mới của Đảng, nhiệm vụ hàng đầu của ngoại giao lúc này là phải phá cho được "tảng băng" bao vây, cấm vận. Muốn vậy, cần tìm một giải pháp cho “vấn đề Cam-pu-chia” mà các bên có thể chấp nhận được. Sau 30 năm chiến tranh, lợi ích tối cao của ta là tạo lập một môi trường hòa bình và ổn định, trước hết là với các nước láng giềng để tập trung phát triển kinh tế và hàn gắn các vết thương chiến tranh. Do đó, việc bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng, trước hết là với Trung Quốc, là một yêu cầu chiến lược cấp thiết. Trên tinh thần đó, ngay từ Đại hội VI, Đảng ta đã chính thức tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc bất cứ lúc nào, bất cứ cấp nào và bất cứ ở đâu nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Trải qua nhiều vòng đàm phán, với sự cố gắng của hai bên, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã chính thức được bình thường hóa vào năm 1991 trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Quan hệ giữa hai Đảng cũng đã được phục hồi trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Trong quan hệ với các nước ASEAN, qua các cuộc đối thoại và tiếp xúc song phương và đa phương với ta, các nước ASEAN nhận thấy giữa ta và họ có những lợi ích chung trong việc xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Tất cả các yếu tố trên đã thúc đẩy các nước ASEAN thấy cần đẩy mạnh hơn quá trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và tách dần khỏi chính sách của một số nước lớn tiếp tục bao vây cấm vận ta. Các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo các nước ASEAN tới Việt Nam và các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (năm 1991, 1992) và của Tổng Bí thư Đỗ Mười (năm 1993) tới Thái Lan, Xin-ga-po đã làm cho các bên hiểu biết lẫn nhau hơn. Quan hệ Việt Nam với các nước ASEAN được xem như đã hoàn toàn trở lại bình thường đồng thời với việc ký kết Hiệp định Pa-ri về Cam-pu-chia.
Thực hiện đổi mới trong chính sách đối ngoại, ta luôn luôn coi trọng việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Đại hội VI của Đảng đã khẳng định: "Chính phủ ta tiếp tục bàn bạc với Mỹ giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại và sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ vì lợi ích của hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á". Các nghị quyết của Bộ Chính trị cũng khẳng định: Cần có chính sách toàn diện đối với Mỹ nhằm tranh thủ dư luận nhân dân Mỹ và thế giới tạo thuận lợi cho chiến lược của ta tập trung vào việc giữ vững hòa bình và phát triển kinh tế. Chúng ta đã giải quyết vấn đề POW/MIA (tù binh và người Mỹ mất tích) và một số vấn đề nhân đạo khác theo đúng lộ trình. Mỹ cũng bắt đầu nới lỏng một số hạn chế trong chính sách cấm vận đối với ta.
Nhìn lại chặng đường đầu tiên của công cuộc đổi mới do Đảng ta phát động bắt đầu từ Đại hội VI có thể thấy đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở theo tư duy mới, đất nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng và sự bao vây cấm vận của các lực lượng thù địch, giải tỏa những bế tắc trong quan hệ với các nước láng giềng (ngoài Đông Dương) và hầu hết với các nước lớn, các tổ chức khu vực và liên khu vực. Quan hệ giữa nước ta với các nước ASEAN được khai thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc Việt Nam gia nhập ASEAN và hội nhập khu vực sau đó. Đặc biệt quan trọng là việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và từng bước cải thiện quan hệ với Mỹ tiến đến việc bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Đây là bước đột phá cực kỳ quan trọng về mặt ngoại giao, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới về mặt kinh tế nhằm thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của nhân dân ta sau 30 năm chiến tranh là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tiếp tục đổi mới về tư duy đối ngoại
Trong thập niên 90 của thế kỷ XX đã diễn ra những biến động to lớn do sự tan rã của Liên Xô, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và cuộc khủng hoảng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Những biến động này diễn ra vào lúc ta chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và các lực lượng thù địch lợi dụng sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tăng cường chiến tranh tâm lý chống Việt Nam. Tình hình phức tạp mới trên thế giới không những đòi hỏi ngoại giao Việt Nam phải thật tỉnh táo theo phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy là "Dĩ bất biến ứng vạn biến" mà cần tiếp tục đổi mới tư duy đối ngoại, nhất là trong cách tiếp cận với các đối tượng khác nhau trong quan hệ quốc tế. Trên tinh thần đó, trong "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" và "Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế đến năm 2000" tiếp tục khẳng định mục tiêu chiến lược nhất quán là "tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội"; đồng thời trong chính sách đối ngoại đã có thêm một bước đổi mới theo hướng cởi mở hơn là "tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển" (thay cho chính sách "thêm bạn bớt thù" trước đây). Thực hiện Nghị quyết của Đại hội VII, ngoại giao Việt Nam đã tỏ ra năng động và sáng tạo hơn, đẩy mạnh các hoạt động nhằm góp phần vào việc phá vỡ thế bao vây cô lập, tranh thủ thiết lập quan hệ với tất cả các nước, trước hết là các nước lớn, mở rộng quan hệ đối với tất cả các khu vực trên thế giới, các tổ chức quốc tế nhằm tạo điều kiện cho bước đầu hội nhập.
Trong chương trình nghị sự dày đặc đó, tất nhiên cần phải có sự ưu tiên, trong đó bình thường hóa quan hệ với Mỹ và đàm phán để gia nhập ASEAN là hai ưu tiên hàng đầu vì sẽ có tác dụng thúc đẩy việc mở rộng quan hệ với các nước cũng như các tổ chức quốc tế khác. Mặt khác, Mỹ và ASEAN cũng có lợi ích trong việc xích lại gần Việt Nam. Với Mỹ là tái lập một thế cân bằng giữa các nước lớn ở Đông Nam Á và tạo điều kiện cho các công ty Mỹ vào Việt Nam để kinh doanh sau này. Với ASEAN là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện giấc mơ của các nhà sáng lập tổ chức này là xây dựng ASEAN thành một tổ chức khu vực mạnh bao gồm tất cả các nước Đông Nam Á. Việc Việt Nam tích cực góp phần giải quyết vấn đề Cam-pu-chia và giúp Mỹ giải quyết vấn đề POW/MIA đã tạo điều kiện thuận lợi cho ta trong các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm bình thường hóa. Kết quả là ngày 3-2-1994 Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam và ngày 11-7-1995 Tổng thống B.Clin-tơn tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, chính thức đặt dấu mốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ đã giúp ta khai thông quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, gia nhập Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các tổ chức quốc tế khác. Quan hệ giữa ta với các nước bạn bè cũ ở Đông Âu được xác định lại trên cơ sở mới.
Sau khi Hiệp định Pa-ri về Cam-pu-chia được ký kết, "nút thắt" đầu tiên trong quan hệ của ta với các nước đã được tháo gỡ, quá trình đàm phán giữa ta và các nước ASEAN về việc Việt Nam gia nhập ASEAN đã được đẩy nhanh. Ngày 28-7-1995, chúng ta đã gia nhập ASEAN và trở thành thành viên chính thức thứ bảy của tổ chức này. Sau khi gia nhập ASEAN, ta đã nhanh chóng tham gia Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) thực hiện giảm thuế từ ngày 1-1-1996 đến 1-1-2006 và sau khi gia nhập ASEAN 3 năm ta đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN VI (tháng 12-1998). Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội và Chương trình Hành động Hà Nội đã tạo dấu ấn đầu tiên của Việt Nam trong tổ chức khu vực này.
Năm 1995 với 3 sự kiện quan trọng cùng diễn ra trong tháng 7 là ký Hiệp định khung với EU; thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và chính thức trở thành thành viên của ASEAN, đã trở thành năm đáng ghi nhớ nhất của ngoại giao Việt Nam thời kỳ đổi mới, tạo ra một hình ảnh mới về Việt Nam trên trường quốc tế.
Như vậy, nhờ sự điều chỉnh đúng đắn đường lối đối ngoại, trên cơ sở nhận thức sâu sắc những biến chuyển của thời cuộc, chúng ta đã đạt được thành tựu bước đầu quan trọng là phá bỏ sự bao vây cấm vận, gỡ bỏ những trở ngại trong quan hệ quốc tế và khu vực, khơi thông dòng chảy hội nhập, bước vào trường quốc tế với một tư cách, vị thế và hình ảnh mới, tạo đà cho bước phát triển tiếp theo của ngoại giao Việt Nam trong 25 năm đổi mới.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao hiện đại
Tính đến năm 2010, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 179 nước trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, ta có quan hệ bình thường và đầy đủ với tất cả các nước lớn G-8, trong đó nhiều nước đã trở thành đối tác chiến lược của ta. Đồng thời, ta trở thành thành viên tích cực của Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN, APEC, Cộng đồng Pháp ngữv.v.. Mặt khác, cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài cũng tăng lên (91 cơ quan) với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế, 1 văn phòng kinh tế văn hóa.
 Thế giới thế kỷ XXI đa dạng và phức tạp, là nơi mà chúng ta phải cọ xát với đủ loại đối tượng để bảo vệ lợi ích quốc gia chân chính của mình. Cọ xát không phải chỉ là đấu tranh mà còn có nghĩa là hợp tác. Đấu tranh cũng nhằm mục đích cuối cùng là thúc đẩy hợp tác. Trong quan hệ quốc tế ngày nay, kinh tế trở thành nhân tố quyết định sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia và vị thế của quốc gia đó trên thế giới, do đó hợp tác là xu thế nổi trội. Tiếp tục chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa, Đảng ta chủ trương "chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa..." và "Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới". Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh; nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức, vì vậy ta cần có kế hoạch và lộ trình thích hợp, vừa phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, vừa đáp ứng các quy định của các tổ chức quốc tế mà ta tham gia. Sau hơn 11 năm chuẩn bị và đàm phán, tháng 11-2006 Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc gia nhập tổ chức quốc tế này là một cột mốc hết sức quan trọng, mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế. Đó là ta được hưởng sự đối xử bình đẳng trong quan hệ thương mại với 150 thành viên WTO, những hàng rào thuế quan phi WTO mà ta phải chịu trước đây đều được bãi bỏ tạo điều kiện cho ta tăng khả năng xuất khẩu. Cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư của các nước cũng tăng lên. Hiện nay ta có quan hệ đầu tư với khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đồng thời với việc chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế, trong đó ngành ngoại giao làm công tác tham mưu, thông tin kinh tế và là cầu nối giữa các cơ quan làm kinh tế trong nước với cơ quan kinh tế - tài chính nước ngoài, giữa các doanh nghiệp của Việt Nam với các xí nghiệp nước ngoài được đẩy mạnh. Các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta với nội dung kinh tế phong phú đã tạo những bước đột phá lớn trong việc thiết lập khuôn khổ hợp tác kinh tế, đưa quan hệ giữa nước ta với các đối tác lên tầm cao mới; đồng thời làm cho thế giới có những đánh giá tích cực về triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại, đầu tư với khoảng 230 nước và vùng lãnh thổ, đưa tỷ lệ giá trị xuất nhập khẩu so với GDP lên trên 170%. Điều đó cho thấy nền kinh tế của nước ta đã gắn kết chặt chẽ vào nền kinh tế thế giới và chủ trương của ta "chủ động và tích cực hội nhập kinh tế thế giới" và bước đi ban đầu là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp.
Một nét mới khác của ngoại giao Việt Nam thời kỳ đổi mới là ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh và nâng lên thành một trụ cột chính cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, tạo thành sức mạnh tổng hợp cho ngoại giao Việt Nam hiện đại. Năm 2009 được lấy làm năm Ngoại giao văn hóa. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ban, ngành và nhiều địa phương triển khai nhiều hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, phong phú, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều hoạt động văn hóa đối ngoại được tổ chức trong và ngoài nước, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh một nước Việt Nam hòa bình, phát triển và thân thiện với cộng đồng quốc tế. UNESCO đã ra Nghị quyết kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trao giải thưởng cho Hà Nội là "Thành phố vì hòa bình". Nhiều di sản của đất nước, như quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Kho mộc bản triều Nguyễn... và nhiều thắng cảnh, như Cù Lao Chàm, Mũi Cà Mau v.v.. đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tháng 10-2009, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2009 - 2013.
*
*        *
Qua 25 năm thực hiện đổi mới trên mặt trận đối ngoại, ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan khác đã đạt được những thành tựu to lớn, ghi đậm dấu ấn của trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh trên thế giới.
Một là, hình ảnh và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã được cải thiện. Việt Nam không những là đất nước hòa bình hữu nghị mà còn là một nước đã ra khỏi đói nghèo và đang trên con đường phát triển đầy ấn tượng, đồng thời là một thành viên có trách nhiệm và được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã hoàn thành xuất sắc trọng trách ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và đang hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2010.
Hai là, đã làm công tác ngoại giao kinh tế, là thành viên của ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, ngoại giao đã chủ động và tích cực tham gia công tác tham mưu về chính sách kinh tế đối ngoại, nhất là kinh nghiệm của các nước về chính sách thị trường, chính sách đối tác và kinh nghiệm về hội nhập quốc tế, và luật chơi quốc tế. Đã tranh thủ được một số nước và các tổ chức quốc tế giúp ta công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại v.v..
Ba là, ngoại giao đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an ninh biên giới lãnh thổ. Các hiệp định biên giới trên đất liền với Trung Quốc cũng như với Lào và Cam-pu-chia đã tạo cơ sở cho việc xây dựng một khu vực biên giới hòa bình và phát triển với các nước láng giềng.
Bốn là, thế giới đã đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo về quyền con người ở Việt Nam. Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc đã chính thức thông qua Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam và hoan nghênh các cố gắng của Việt Nam trong việc trao đổi, đối thoại cởi mở với nhiều nước về vấn đề này. Với chính sách "người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam" và với tinh thần hòa hợp dân tộc, Nhà nước ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hướng về Tổ quốc. Hiện nay có khoảng 3,5 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Lượng kiều hối gửi về nước hằng năm lên đến 5 - 7 tỉ USD.
Về biên giới trên biển, ta đã hoàn thành và chuyển cho Liên hợp quốc Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa vượt qua 200 hải lý. Ngoài ra, ta tiếp tục thảo luận với các nước ASEAN cũng như với các quốc gia đối tác để sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông có tính chất ràng buộc thay cho Tuyên bố về cách ứng xử (DOC) hiện nay. Những cố gắng trên đã và sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo về chủ quyền và lợi ích quốc gia, cũng như củng cố môi trường hòa bình trong khu vực.
Trong chặng đường 65 năm qua, nhất là trong gần 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, những thành tựu đó của ngoại giao Việt Nam đã góp phần cải thiện và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước./.
Phan Doãn Nam
Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao