TCCS - Nếu mọi
nguồn lực từ tài nguyên thiên nhiên bị khai thác và đến lúc nào đó có
thể trở nên cạn kiệt, thì các nguồn lực từ trí tuệ con người lại dường
như là vô hạn. Trí tuệ làm nảy sinh ra trí tuệ, nó không mất đi, mà càng
được khai thác, tìm tòi, sáng tạo thì càng trở nên phong phú, sâu sắc.
Con người tồn tại như một nguồn vốn có thể phát sinh và phát triển vô
hạn. Đầu tư cho con người trong bối cảnh đó lại chính là sự đầu tư có
hiệu quả nhất.
Phát triển nguồn nhân lực trẻ trong chiến lược phát triển
Trong những năm gần đây,
nguồn nhân lực đã trở thành một trong những khái niệm được dùng thường
xuyên nhất trong những văn bản có liên quan đến khoa học về phát triển
cũng như các chiến lược phát triển. Nó đã trở nên quen thuộc với các nhà
khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu tới mức
dường như mọi sự giải nghĩa thêm đều có vẻ như không cần thiết nữa. Tuy
vậy, trên thực tế thì khái niệm nguồn nhân lực đôi lúc cũng vẫn còn được
hiểu không hoàn toàn thống nhất.
Nguồn nhân lực là thuật
ngữ để chỉ nguồn lực về con người (human resources). Nguồn lực ở đây có ý
nghĩa như là một thứ tài nguyên, một vốn quý, một giá trị đối với sự
phát triển. Bởi vậy, bản thân khái niệm con người không hoàn toàn đồng
nghĩa với khái niệm nguồn lực con người. Tức là con người chỉ có nghĩa
là nguồn lực trong trường hợp nó mang ý nghĩa của một động lực, một sức
mạnh đối với sự phát triển và sáng tạo.
Con người vừa là mục
tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Bởi vậy đầu tư cho con người
chính là tạo ra cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững và cường
thịnh của mỗi quốc gia. Trong thời đại ngày nay, các quốc gia trên thế
giới đều hết sức coi trọng vai trò của nguồn nhân lực, quan tâm phát
triển nguồn nhân lực, coi nguồn nhân lực như là một trong những nhân tố
được quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển quốc gia.
Chúng ta đều biết phát
triển nguồn nhân lực có nghĩa là cần phải đề cao vị trí và vai trò của
con người trong phát triển, nâng cao mọi khả năng của con người từ nhận
thức đến tư duy, từ sự năng động, sáng tạo trong hoạt động lao động sản
xuất đến sự trong sáng, lành mạnh trong đạo đức nhân cách, cần phải tạo
cho con người có đủ các phẩm chất cần thiết để có thể đáp ứng được những
đòi hỏi của sự phát triển. Nói một cách cụ thể là phải làm mọi cái để
hoạt động của mỗi người trong xã hội trở thành một lực đẩy góp vào động
lực phát triển chung. Con người cá nhân thuần túy trở thành con người
với tư cách là một nguồn nhân lực. ở nước ta, phát triển nguồn lực con
người cũng chính là phải tạo ra được những thế hệ mới, sống, lao động,
học tập, sinh hoạt phù hợp với sự phát triển của đất nước trên con đường
công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Trong khi hoạch định các
chương trình phát triển, Liên hợp quốc cũng đã luôn nhắc nhở các quốc
gia về việc phải nâng cao nguồn lực con người. Theo Chương trình Phát
triển của Liên hợp quốc (UNDP), có rất nhiều nhân tố cần phải được nhấn
mạnh để phát triển nguồn lực con người, trong đó nổi bật lên những mặt
sau đây:
- Tăng cường các hoạt động giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực
- Chăm lo tới sự phát triển về thể chất, dinh dưỡng và sức khỏe
- Bảo đảm một môi trường sống tốt đẹp, trong sạch cho con người, gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội
- Nâng cao không ngừng
mọi khả năng của con người trong nhận thức, tư duy và hành động. Giải
phóng mọi sự trói buộc khả năng sáng tạo của con người.
Các nhân tố nói trên có
quan hệ tương tác gắn bó lẫn nhau. Việc quan tâm tới con người, chăm lo
phát triển nguồn lực con người sẽ tạo ra những động lực cho sự hoạt động
sáng tạo của xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đồng
thời ngược lại, chính sự phát triển của xã hội lại tạo ra những nền tảng
vật chất và tinh thần để chăm lo tới con người, nâng cao mọi khả năng
sáng tạo của con người.
Nói tới nguồn lực con
người, với tư cách là khách thể của sự khai thác và đầu tư, người ta
thường nói tới mặt số lượng và mặt chất lượng của nó. Số lượng nguồn lực
con người chính là lực lượng lao động và khả năng cung cấp lực lượng
lao động cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ số về số lượng của
nguồn lực con người của một quốc gia là dân số, tốc độ tăng trưởng dân
số, tuổi thọ bình quân, cấu trúc của dân số: số dân ở độ tuổi lao động,
số người ăn theo... Số lượng nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng
đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu số lượng nguồn lực con
người không tương ứng với nhu cầu thực tiễn của sự phát triển (hoặc thừa
hoặc thiếu), nó có thể gây nên những xáo trộn không nhỏ đối với các
chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nạn thiếu việc làm gây nhiều
hậu quả và là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng phạm tội
trong xã hội.
Nhưng yếu tố quan trọng
nhất trong nguồn lực con người được thể hiện không phải ở số lượng mà ở
chất lượng nguồn lực con người. Đây mới là yếu tố quyết định đối với sự
phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đối với sự nghiệp công nghiệp hóa
và hiện đại hóa. Có thể nói, chất lượng nguồn lực biểu hiện ở hàm lượng
trí tuệ, trong đó phải kể tới những người lao động có học vấn và kiến
thức, có tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp, được đào tạo, bồi
dưỡng và phát huy bởi một nền giáo dục tiên tiến gắn liền với một nền
khoa học, công nghệ hiện đại. Sở dĩ ngày nay người ta nói đến tính vô
tận, tính không bị cạn kiệt, tính khai thác không bao giờ hết của nguồn
lực con người chính là nói tới yếu tố trí tuệ. Trí tuệ của con người
ngày càng phát triển và có tác động mạnh mẽ nhất đối với sự tiến bộ và
phát triển xã hội.
Với tinh thần trên, nhân
tố quan trọng nhất đối với sự phát triển không chỉ là kinh tế, là công
nghệ, là vốn liếng mà còn chính là con người, trong đó có những người
trẻ tuổi. Nội dung quan trọng nhất của chiến lược phát triển cũng chính
là phát triển nguồn lực con người. Chính điều này đã được khẳng định
trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng ta:
“Con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển của đất
nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Đề cập tới khái niệm
nguồn nhân lực thanh niên, nhiều nhà khoa học đã coi đây vừa là một bộ
phận quan trọng của nguồn nhân lực quốc gia, vừa có những yếu tố đặc
thù. Họ cũng đã lưu ý các nhà nghiên cứu khoa học và hoạch định chính
sách về sự cần thiết phải phân biệt rõ ràng giữa khái niệm “tuổi trẻ”
với “nguồn nhân lực trẻ”. Hai khái niệm này không đồng nhất mặc dù chúng
có nhiều điểm tương đồng. Bởi lẽ, tuổi trẻ mới chỉ là một phần, một
điều kiện tự nhiên của nguồn nhân lực; và để trở thành nguồn nhân lực
tuổi trẻ đó phải được đào tạo về chuyên môn nghề nghiệp, về phẩm chất
chính trị và các yêu cầu khác để có thể sẵn sàng tham gia các lĩnh vực
hoạt động kinh tế - xã hội khi đất nước có yêu cầu. Tuổi trẻ nếu không
được đào tạo, không có chí tiến thủ, đứng ngoài lề xã hội, không được
học tập văn hóa và chuyên môn nghề nghiệp, không rèn luyện phẩm chất đạo
đức, không rèn luyện sức khỏe... mà thích hưởng thụ: ăn chơi lêu lổng,
nghiện hút hoặc tham gia nhiều tệ nạn xã hội khác như ma túy, cờ bạc...
thì không thể gọi là nguồn nhân lực và nguồn nhân lực trẻ được.
Tuổi trẻ là một nguồn tài
nguyên, một thứ “quặng” tự nhiên, nhưng tài nguyên tự nhiên đó cần phải
được gìn giữ, nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển không ngừng để có “giá
trị sử dụng” đối với cuộc sống. Không được nuôi dưỡng và khai thác thì
tài nguyên tự nhiên vẫn chỉ là tài nguyên tự nhiên mà thôi, chưa thể có ý
nghĩa như mà một nguồn lực dù đó là nguồn lực con người. Chỉ có phân
biệt rõ điều này, chúng ta mới khẳng định được tầm quan trọng của công
việc chăm sóc, bồi dưỡng và giáo dục đối với nguồn nhân lực tương lai là
như thế nào. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể có được những con người
trẻ tuổi không phải là trở lực, là “lực lượng tàn phá” mà là một nguồn
lực mạnh mẽ không thể thiếu được đối với sự phát triển của đất nước, đáp
ứng những yêu cầu của nền kinh tế tri thức.
Đại hội Đảng lần thứ XI
cũng đã khẳng định việc "phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn
nhân lực chất lượng cao" là một trong ba khâu đột phá quan trọng trong
chiến lược phát triển. Để thực hiện được điều đó Đại hội cũng khẳng định
chúng ta phải "Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền
thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống, tạo điều kiện học tập, lao động,
giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ; khuyến
khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng
tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại; hình thành một lớp thanh
niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp
cách mạng của Đảng"(1). Đây là những định hướng tư tưởng đúng đắn cho việc phát triển nguồn nhân lực trẻ trong tương lai.
Phát triển nguồn lực thanh niên trong nền kinh tế tri thức
Trong sự nghiệp cách mạng
giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, hoạt động của
thanh niên và phong trào thanh niên đã có những đóng góp hết sức quan
trọng. Tuy nhiên, cùng với quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất
nước, thanh niên ta cũng đang dứng trước những cơ hội và thách thức to
lớn.
Những cơ hội và thách thức
Quá trình đổi mới, đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với sự lãnh đạo sâu sát của
Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, của các cấp, các ngành và của toàn xã
hội đối với thanh niên đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để họ có điều
kiện cống hiến và trưởng thành. Bên cạnh đó, sự ổn định về chính trị -
xã hội của nước ta cũng đã tạo ra môi trường và cơ hội lớn cho thanh
niên phát huy vai trò, sức mạnh của mình trong nước và trên trường quốc
tế.
Thanh niên ngày nay cũng
có những điều kiện thuận lợi hơn các thế hệ đi trước để phát huy được
tài năng và phẩm chất của mình trong việc xây dựng và phát triển đất
nước, làm giàu cho tổ quốc, quê hương trong đó có bản thân mình. Đường
lối tiếp tục đổi mới và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo
hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hướng tới nền kinh tế tri thức
của Đảng cũng đã khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của thanh niên,
tạo cơ hội cho thanh niên “lập thân, lập nghiệp, xây dựng quê hương, đất
nước”. Sự đầu tư, mở rộng và phát triển không ngừng về khoa học - kỹ
thuật và công nghệ trong xu thế hội nhập và mở cửa đã tạo ra thời cơ để
thanh niên học tập, nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học -
công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển tài năng sáng
tạo và đẩy mạnh quá trình đổi mới công tác đoàn và phong trào thanh
thiếu niên phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh những cơ hội cơ
bản nêu trên, thanh niên ta ngày nay cũng đang phải đối diện với những
thách thức to lớn. Những nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra trong quá trình
đổi mới đất nước gắn liền với cơ chế thị trường đến nay vẫn tồn tại và
diễn biến phức tạp. Đó vừa là thách thức chung đối với dân tộc ta nhưng
đồng thời cũng là những thách thức lớn đối với thanh niên.
Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước
ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, đã đặt ra những đòi hỏi rất
lớn ở thanh niên. Thanh niên phải có trình độ học vấn, trình độ, chuyên
môn, nghề nghiệp rất cao thì mới thực hiện được những nhiệm vụ của công
cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và xây dựng nền
kinh tế tri thức. Điều đó đòi hỏi thanh niên phải vượt qua những hạn
chế, những bất cập về trình độ học vấn, chuyên môn, đương đầu với mọi
khó khăn và thách thức trong những năm đầu thế kỷ XXI.
Thanh niên cũng cần phải
vượt qua những hạn chế trong nhận thức tư tưởng, những yếu kém về trình
độ và bản lĩnh chính trị để đề cao cảnh giác, đấu tranh với mọi sự xuyên
tạc, phá hoại về mọi mặt, nhất là tư tưởng của các thế lực thù địch,
sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách
mạng.
Kinh tế thị trường bên
cạnh mặt mạnh đã được khẳng định, mặt trái của nó luôn tác động không
nhỏ đến xã hội nói chung và thanh niên với tư cách là nguồn nhân lực trẻ
nói riêng. Vì vậy thanh niên phải vượt qua những thách thức về lối sống
và nhân cách để giữ vững được đạo đức, lý tưởng trong sạch, có bản lĩnh
vững vàng trước những cám dỗ vật chất của đời thường. Đây cũng là một
thách thức không nhỏ đối với thanh thiếu niên.
Mặt khác, sự thiếu đồng
bộ về cơ chế, chính sách có liên quan đến thanh niên và công tác thanh
niên, sự khác nhau về nhận thức giữa quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thế
hệ đối với thanh niên và phong trào thanh thiếu niên cũng làm ảnh hưởng
đến tuổi trẻ và phong trào thanh niên. Bên cạnh đó, những hạn chế nhất
định của tổ chức đoàn trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng
của thanh niên; sự không tương xứng giữa phát triển tổ chức và yêu cầu
ngày càng cao của công tác thanh niên; những thiếu thốn, khó khăn về cơ
sở vật chất, điều kiện hoạt động đã làm cho tổ chức đoàn cơ sở ở một số
nơi còn thiếu sức sống, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và hoạt động
của thanh niên. Đó cũng là một trong những thách thức lớn đối với sự
phát triển của nguồn lực thanh niên.
Hướng tới tương lai
Trong bối cảnh đất nước
tiếp tục ổn định và phát triển, nhịp độ tăng trưởng kinh tế được duy
trì, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, mặt bằng dân trí và
văn hóa xã hội được nâng cao, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để dự báo về
tương lai ngày một sáng sủa cho thế hệ trẻ nước ta.
Sự tăng trưởng kinh tế,
sự nâng cao mức thu nhập chung của xã hội cũng như thu nhập tính theo
đầu người sẽ mở ra những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi để
Nhà nước và toàn dân ta quan tâm nhiều hơn tới thanh thiếu niên. Tỷ lệ
ngân sách nhà nước dành cho thanh thiếu niên sẽ lớn hơn, việc đầu tư cơ
sở vật chất và tinh thần cho công tác chăm sóc, giáo dục, bồi dưỡng
thanh thiếu niên sẽ được nâng cao. Môi trường lao động, học tập, sinh
hoạt, vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên sẽ được cải thiện rõ rệt
hơn.
Các chính sách đối với
thế hệ trẻ cũng ngày càng được hoàn thiện theo xu hướng ngày càng cụ thể
và sát thực hơn, đáp ứng ngày càng cao những nhu cầu và đòi hỏi của
chính thanh thiếu niên. Việc chỉ đạo và phân công trách nhiệm đối với
công tác chăm sóc, giáo dục bồi dưỡng thanh thiếu niên cũng sẽ được thể
chế hóa rõ ràng hơn nhằm tập hợp được mọi nguồn lực của xã hội cho công
tác quan trọng này. Luật pháp trong vấn đề thanh niên, đặc biệt là Luật
Thanh niên được triển khai, đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho các hoạt
động tự giác và chủ động của thanh thiếu niên trong đời sống hằng ngày.
Việc thực hiện tốt công
tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã khiến cho mức độ gia tăng dân số ở
nước ta có chiều hướng giảm dần và sẽ còn tiếp tục được duy trì như
hiện nay. Tình hình trên sẽ dẫn tới hiện tượng là trong cơ cấu dân số
chung, số nhân khẩu thanh niên cũng sẽ giảm dần. Tuy nhiên trong những
năm sắp tới, tỷ lệ dân số thanh niên trong cơ cấu dân số vẫn còn khá
cao. Thanh niên vẫn sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong cơ cấu nguồn
lao động của nước ta trong những năm tới. Cùng với sự chuyển dịch mạnh
mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển khu vực công nghiệp, dịch vụ và
sự thu hẹp của khu vực nông nghiệp, sự chuyển dịch lao động trẻ, cơ cấu
xã hội, nghề nghiệp của thanh niên sẽ có thay đổi lớn so với hiện nay.
Trong cơ cấu nội hàm của nhóm nhân khẩu thanh niên, tỷ lệ những người
không có việc làm sẽ giảm dần, tỷ lệ nhóm công nhân kỹ thuật, công nhân
có tay nghề cao sẽ tăng lên cùng với đà phát triển của quá trình công
nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Trong bối cảnh kinh tế
tiếp tục phát triển, điều kiện chăm sóc sức khỏe và chế độ dinh dưỡng
được cải thiện, thanh niên nước ta chắc chắn sẽ phát triển mạnh hơn về
thể chất và sức vóc. Nếu như trong những năm gần đây, các chỉ số về
chiều cao và cân nặng của thanh thiếu niên đã có những dấu hiệu được cải
thiện thì trong những năm tới, các chỉ số này sẽ còn tiếp tục được nâng
lên. Thanh thiếu niên nước ta sẽ có thể tham gia vào các cuộc tranh tài
về thể dục và thể thao trong khu vực và trên thế giới với những thành
tích ngày càng được cải thiện hơn.
Chính sách phòng bệnh và
khám, chữa bệnh cho nhân dân được đầu tư thích đáng hơn cũng sẽ giúp cho
thanh thiếu niên nước ta ngăn chặn được nhiều loại bệnh tật, đặc biệt
là các loại dịch bệnh, chẳng hạn như suy dinh dưỡng, bại liệt, lao,
thương hàn... Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công
nghiệp hóa và hiện đại hóa, một số bệnh tật gắn liền với những điều kiện
của xã hội hiện đại như tim mạch, thần kinh căng thẳng, nhiễm độc về
môi trường và thực phẩm, hoặc một số bệnh xã hội v.v.. cũng sẽ xuất hiện
và phát triển. Bởi vậy, chúng ta cần có chính sách và chương trình hoạt
động cụ thể để ngăn chặn kịp thời những loại bệnh tật này.
Được quan tâm tốt hơn về
điều kiện giáo dục và đời sống văn hóa tinh thần, trình độ văn hóa của
thanh thiếu niên sẽ được nâng cao hơn. Việc hoàn thành chương trình phổ
cập giáo dục toàn dân sẽ giúp cho thanh thiếu niên có được những kiến
thức cơ bản cần thiết để vào đời.
Trong những điều kiện
phát triển mới của khoa học và kỹ thuật, sự xuất hiện của những ngành
nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, cũng sẽ buộc thanh niên phải sống
trong một môi trường cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng lao động. Điều đó
đòi hỏi họ phải có những nỗ lực lớn trong học tập, nâng cao trình độ văn
hóa và chuyên môn. Nó cũng tạo một môi trường khách quan để thanh niên
không ngừng phát triển năng lực tư duy và sáng tạo. Trong bối cảnh này,
rõ ràng là, so với trước đây, khả năng trí tuệ và chuyên môn của thanh
niên sẽ có những bước phát triển đáng kể, giúp họ năng động và tự chủ
hơn trong lao động, làm giàu cho Tổ quốc và cho bản thân mình.
Ngoài việc nâng cao về
mặt bằng dân trí chung của xã hội, những thanh thiếu niên có năng lực tư
duy, có trí thông minh và sự cần mẫn sẽ có điều kiện để vượt lên trước.
Xã hội không những không ngăn cản mà còn tạo điều kiện cho lực lượng
thanh niên tiên tiến này phát huy hết năng lực của mình. Chính sách phát
hiện, bồi dưỡng và sử dụng tốt lực lượng thanh niên tiên tiến và có tài
năng nói trên sẽ tạo điều kiện để trong những năm tới, đất nước ta có
thể xuất hiện nhiều nhân tài mới, có uy tín không chỉ trong nước mà còn
cả ở khu vực và trên thế giới.
Có thể nói trong những
điều kiện được chăm sóc và bồi dưỡng tốt, giai đoạn phát triển của những
năm tới đây sẽ là giai đoạn phát triển mạnh của những tài năng trẻ.
Những tài năng này sẽ xuất hiện trước tiên ở những lĩnh vực kinh tế và
khoa học kỹ thuật mũi nhọn có điều kiện phát triển nhất, sau đó sẽ được
mở rộng ra những lĩnh vực quan trọng khác và sau cùng là ra toàn xã hội.
Xã hội tạo điều kiện để các nhân tài trẻ xuất hiện và đến lượt mình
những nhân tài trẻ tuổi này lại đóng góp tích cực vào sự phát triển tiến
bộ của xã hội.
Những thành tựu của công
cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước mà thanh niên là lực lượng
tham gia nòng cốt đã khiến cho chính thanh niên ngày càng nhận thức
được rõ hơn về tương lai và tiền đồ của đất nước và của bản thân. Nhận
thức chính trị của thanh niên được tăng cường sẽ giúp họ tiếp tục duy
trì tinh thần chủ động và tích cực trong việc bảo vệ và xây dựng đất
nước, bảo vệ những thành quả cách mạng mà các thế hệ trước mang lại.
Nếu những nghiên cứu gần
đây đã cho thấy, tỷ lệ thanh niên tích cực phấn đấu để gia nhập Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng cao
thì trong những năm tới đây tỷ lệ này cũng sẽ tiếp tục được duy trì.
Thanh niên vẫn sẽ có mặt với tinh thần xung kích cách mạng và bản lĩnh
chính trị vững vàng ở khắp những lĩnh vực hoạt động mũi nhọn của sự
nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Họ sẽ tiếp tục là lực
lượng chủ yếu trên mặt trận bảo vệ an ninh chính trị, trật tự và an toàn
xã hội. Với tinh thần tích cực, quên mình của những người tình nguyện,
họ cũng xuất hiện ở những nơi khó khăn gian khổ, những vùng nghèo đói,
văn hóa xã hội còn chậm phát triển, những xóm, bản xa xôi hẻo lánh, để
lao động, sản xuất, giúp đỡ mọi người.
Sự tham gia tích cực
của thanh niên trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cho phép
chúng ta tin tưởng rằng thế hệ trẻ nước ta sẽ có đủ khả năng và bản lĩnh
chính trị để đảm đương được những nhiệm vụ lịch sử quan trọng của thời
đại, giữ vững và phát triển những thành quả cách mạng mà các thế hệ
trước đã truyền lại, đưa cách mạng nước ta phát triển lên một tầm cao
mới./.
-----------------------------------------------------
(1) Báo cáo của Ban chấp
hành Trung ương Đảng khóa X về các văn kiện tại Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XI, do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày ngày 12-1-2011##